Vệ sinh cá nhân – Không còn là chuyện cá nhân!

Rõ ràng, điều kiện vệ sinh kém cùng với sự thiếu hiểu biết trong vấn đề này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số… Giáo dục vệ sinh cơ thể ở trường học vẫn theo kiểu có dạy nhưng chưa hiệu quả.

Học vẫn cách xa hành

Vệ sinh cá nhân không chỉ được dạy ở cấp mầm non, mà còn được ngành giáo dục đưa vào môn học được gọi chung là môn giáo dục công dân, trải dài trong một số năm ở các cấp học của trường phổ thông.

Theo bà Nguyễn Thị Hoa Mai – Nguyên trưởng phòng Tiểu học Sở GDĐT TPHCM, một trong những lý do làm mảng giáo dục này chưa hiệu quả là việc học chưa đi đôi với hành.

Bà Hoa Mai đã đưa ra số liệu tổng kết dự án tuyên truyền giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ mầm non tại 5 tỉnh miền Đông Nam Bộ năm qua. Khảo sát trước khi triển khai dự án cho thấy chỉ có chưa đầy 70% HS trả lời được những kiến thức của trẻ về vệ sinh tối thiểu. Sau một năm triển khai dự án, tỉ lệ này đã nâng lên đến 93,3%.

Cô Hoàng Minh Anh – giáo viên trường Mẫu giáo Lý Nhơn (huyện Cần Giờ) – cho biết: “Giáo cụ giảng dạy môn này hiện vẫn chưa được trang bị đầy đủ. Dạy trẻ cách chải răng mà không có mô hình để thực tập thì trẻ không thể tiếp thu tốt được. Đó là chưa nói đến điều kiện sống ở những vùng sâu vùng xa như Cần Giờ cũng ảnh hưởng đến hiệu quả giảng dạy, ví dụ, có dạy trẻ phải rửa tay, vệ sinh cá nhân bằng nước sạch như thế nào cho đúng nhưng thực tế nước sạch trong sinh hoạt thường ngày vẫn thiếu triền miên thì có học cách mấy cũng không hiệu quả”.

Ở VN, nhiều cơ sở y tế không đủ điều kiện vệ sinh, ý thức thực hành vệ sinh của cộng đồng kém, và uống nước bị nhiễm bẩn là nguyên nhân của gần 1/2 số tử vong, mắc bệnh, suy dinh dưỡng cao trong số trẻ em từ 0 đến 6 tuổi.

Hơn 50% dân số ở vùng nông thôn vẫn chưa được tiếp cận với việc cung cấp nước an toàn. Trung bình 2/3 dân số nông thôn không có đủ điều kiện vệ sinh (ở các vùng nghèo, vùng sâu vùng xa, tỉ lệ này còn cao hơn).

Trong số tiếp cận được với điều kiện vệ sinh, có tới 83% không biết sử dụng các cơ sở vệ sinh đúng cách, thực trạng này cũng làm tăng nguy cơ của trẻ em bị mắc các bệnh lây qua đường nước.

Nguồn: UNICEF Việt Nam

Chúng tôi cũng đã thực hiện một cuộc điều tra “bỏ túi” với gần 30HS ở trường An Lạc (huyện Bình Chánh). Sau khi hỏi vài câu đơn giản về cách bảo vệ sức khỏe răng miệng, kết quả chỉ có 3HS biết chải răng đúng cách và đúng thời điểm.

Hay khi được hỏi về vệ sinh tay chân, thì bé Ngọc Thanh lại dùng đúng bàn tay vừa bốc đất sét để nặn thú chơi đưa ngay vào miệng ngẫm nghĩ, và trả lời: “Cô dạy phải rửa tay trước khi ăn, nhưng tụi con chỉ rửa trong trường, còn về nhà nhiều lúc quên cũng không ai nhắc…”.

Giáo viên ngại dạy

“Bản thân tôi từng gặp “tai nạn nghề nghiệp” khi dạy môn này – cô Đặng Ngọc Dung, giáo viên trường tiểu học Đ.T (quận 11, TPHCM), “dở khóc dở cười” nói – Năm ngoái, trong một tiết dạy về an toàn sức khoẻ và vệ sinh cho bé trai, tôi đã cố gắng sử dụng từ ngữ như thế nào cho các em ở độ tuổi (12-13) dễ dàng hiểu và nhận thức được những khái niệm cơ bản nhất về sự phát triển thể chất, sinh lý của bé trai ở độ tuổi này, từ đó, đưa ra những lời khuyên giữ gìn vệ sinh như thế nào cho đúng, để giúp các em bảo vệ sức khỏe của mình.

Sau khi giảng bài xong, tôi có đưa ra lời khuyên rằng các bé trai ở tuổi này nên mặc quần lót để không chỉ giúp các bé đảm bảo vệ sinh mà còn an toàn hơn, bởi sau mỗi lần khi bé đi trai đi tiểu, kéo quần lên thì dễ bị vướng phần da quy đầu của bộ phận sinh dục nam, gây tổn thương bộ phận này (thực tế đã có bé trai từng bị mất một phần bộ phận này chỉ vì vô ý khi kéo khoá quần).

Lúc đó, có học sinh đã không hiểu “bộ phận sinh dục nam” là gì, và tôi đã phải dùng một từ trung tính dân gian vẫn quen gọi để giải đáp cho em. Ngay hôm sau, đã có 5 phụ huynh vừa gọi điện vừa đến trường trực tiếp gặp tôi, mắng chửi và thậm chí còn kiến nghị ban giám hiệu bắt tôi chuyển công tác vì tôi đã dám dùng từ ngữ thô thiển khi dạy học sinh (?!).

Về việc đó, tôi cảm thấy căng thẳng suốt một thời gian… Và trong thực tế, cũng chính vì những chuyện “tế nhị, nhạy cảm” của môn học như vậy mà các thầy cô giáo trẻ, mới ra trường rất ngại dạy môn học này”.

Theo Lao Động