Vé máy bay Tết bán sớm, giá cao ngất
Dù còn khoảng 6 tháng nữa mới bước vào cao điểm nghỉ Tết Nguyên đán 2023 nhưng thời điểm này, hành khách đã có thể đặt vé máy bay về quê từ TP HCM đi một số chặng. Việc này giúp nhiều người chủ động được kế hoạch về quê ăn Tết. Dù vậy, vé máy bay Tết bán sớm nửa năm nhưng không hề rẻ.
Cả chục triệu đồng/chặng
Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động ngày 17-7, tại website của Vietjet, hành khách có thể đặt vé máy bay trong giai đoạn cao điểm Tết 2023, từ khoảng ngày 16-1-2023 (25 tháng chạp) đến 26-1-2023 (mùng 5 tháng giêng), với hàng loạt chuyến bay đang được mở bán. Riêng ngày 16-1-2023 có tổng cộng 22 chuyến bay được mở bán chiều từ TP HCM đi Hà Nội với giá vé thấp nhất là 2,288 triệu đồng/chặng và cao nhất là 3,69 triệu đồng/chặng (chưa bao gồm thuế, phí).
Bamboo Airways cũng mở bán vé máy bay dịp Tết Nguyên đán 2023 chặng TP HCM – Hà Nội với giá thấp nhất 2,69 triệu đồng/chặng và cao nhất tới 7,398 triệu đồng/chặng (chưa gồm thuế, phí). Nếu tính cả thuế phí thì giá vé cao nhất có thể lên tới cả chục triệu đồng/chặng.
So với dịp Tết 2022 vừa qua, giá vé Tết 2023 của các hãng thậm chí còn cao hơn dù mở bán sớm gần nửa năm. Tuy nhiên, nếu bay sớm hoặc bay khuya, giá vé sẽ “mềm” hơn, còn bay giờ cao điểm (buổi sáng hoặc buổi chiều) thì giá vé Tết 2023 tương đương hoặc cao hơn Tết năm 2022.
Trong khi đó, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines chỉ mở bán vé máy bay trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2023 chặng TP HCM – Hà Nội với giá 9,803 triệu đồng/chặng cho hạng thương gia, còn các hạng vé khác chưa xuất hiện trên hệ thống.
Sân bay Tân Sơn Nhất những ngày qua luôn trong tình trạng chật kín khách từ sáng đến tối Ảnh: TẤN THẠNH
Riêng “tân binh” Vietravel Airlines chưa có thông tin mở bán vé máy bay Tết trên hệ thống. Một số đại lý cũng bắt đầu giới thiệu vé Tết tới khách hàng của mình.
Hiện các hãng chưa chính thức công bố mở bán vé Tết hoặc thông tin cụ thể về số chỗ dự kiến khai thác trong dịp Tết. Phóng viên Báo Người Lao Động đang liên hệ và chờ thông tin thêm từ các hãng hàng không.
Cùng với việc các hãng mở bán vé sớm, nhiều hành khách cũng kỳ vọng phương án phòng chống ùn tắc, nghẽn ở các sân bay như Tân Sơn Nhất, Nội Bài… sẽ được cải thiện hơn trong dịp Tết sắp tới. Bởi, những ngày qua, khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao trong dịp hè, tình trạng tắc nghẽn cục bộ, ùn ứ ở các sân bay lại tái diễn, nghiêm trọng hơn là tình trạng chậm, hủy chuyến bay diễn ra như “cơm bữa”.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 6-2022 có 5.602 chuyến bay của các hãng hàng không trong nước bị chậm chuyến, chiếm tỉ lệ 18,2%, tăng hơn 15,9% so với cùng kỳ năm 2021 và cao so với thời điểm trước dịch. Các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất luôn chật kín khách từ sáng sớm đến tối. Chỉ riêng việc làm thủ tục check-in đã mất ít nhất 30 phút trở lên.
Một khảo sát nhỏ của Báo Người Lao Động về tình trạng chậm, hủy chuyến ở sân bay những ngày này, nhiều hành khách cho biết phải chuẩn bị tinh thần để “ngồi chơi” ở sân bay nhiều hơn so với lịch khởi hành. Chị Hồng Ngọc (ngụ Hà Nội) cho biết vừa có chuyến công tác vào TP HCM, bay chặng Hà Nội – TP HCM 2 ngày trước và sợ hãi khi máy bay phải bay lòng vòng trên trời cả giờ trước khi hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất vì thời tiết xấu.
“Trước khi máy bay cất cánh, chuyến bay đã chậm khoảng 30 phút ở sân bay Nội Bài. Khi xuống tới sân bay Tân Sơn Nhất, tôi tiếp tục gặp khó khăn khi đặt taxi, xe công nghệ. Sân bay lúc nào cũng chật kín khách. Tôi rất thích TP HCM nhưng thật sự mỗi lần đến đây là ngán ngẩm khi đáp xuống Tân Sơn Nhất vì ùn ứ, kẹt xe và quá tải ở khu vực nhà ga quốc nội” – chị Ngọc kể.
Nhiều phương án giảm ùn tắc, chậm – hủy chuyến
Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không phục hồi nhanh vượt mọi dự báo. Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường nội địa đạt 20,8 triệu khách, tăng 58,4% so cùng kỳ 2021 và tăng 12% so cùng kỳ năm 2019. Cùng với sự tăng trưởng kỷ lục này, trong bối cảnh hạ tầng hàng không còn hạn chế, nhân sự có nhiều khó khăn sau dịch Covid-19 nên số lượng chuyến bay chậm hủy cũng tăng đáng kể, đặc biệt tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Số liệu của Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho thấy trong ngày 17-7 có tổng cộng 746 chuyến bay dự kiến khai thác, trong đó gồm 567 chuyến bay quốc nội. Tổng lượng hành khách dự kiến khai thác tiếp tục vượt 122.000 lượt. Cả khách quốc nội lẫn khách quốc tế đều tăng mạnh trong thời gian qua.
Sân bay Nội Bài cho biết trong giai đoạn cao điểm hè năm 2022, sản lượng vận chuyển hàng không tăng trưởng “bùng nổ” với những số liệu hành khách liên tục lập đỉnh mới mỗi ngày, nhiều ngày vượt mốc 100.000 lượt khách/ngày. Mức sản lượng vận chuyển nội địa cao điểm hè 2022 tại cảng đã vượt quá công suất thiết kế của Nhà ga hành khách T1.
Để hạn chế tình trạng ùn tắc cục bộ, chậm – hủy chuyến ở sân bay, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết sẽ tiếp tục nâng cao vai trò, chủ trì điều phối hoạt động tại Trung tâm Điều phối khai thác (AOCC), chia sẻ thông tin nhất quán tới các đơn vị nhằm chủ động phối hợp, ra quyết định kịp thời.
Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng yêu cầu các hãng hàng không, đặc biệt hãng hàng không nội địa, cung cấp lịch bay chính xác nhất trong các dịp cao điểm, sản lượng hành khách dự kiến nhằm đánh giá, lập phương án cụ thể, chi tiết, triển khai đến các đơn vị khai thác tại Tân Sơn Nhất chuẩn bị sẵn lực lượng phù hợp cho từng ngày. Cảng cũng đã gửi văn bản yêu cầu các hãng hàng không báo cáo phương án đỗ tàu bay qua đêm, chấp hành đúng số lượng đã cho phép, không vượt số lượng gây ảnh hưởng đến khai thác tại Tân Sơn Nhất.
“Chúng tôi cũng tiếp tục sử dụng một phần nhà ga quốc tế khai thác cho các chuyến bay nội địa, tăng khu vực sảnh chờ trước cửa khởi hành, sử dụng dịch vụ cầu hành khách nhằm tăng cường tiện ích cho hành khách. Linh hoạt, phối hợp chặt với các hãng hàng không, đơn vị phục vụ mặt đất điều phối khai thác cửa khởi hành giữa các sảnh A, sảnh B trong các khung giờ cao điểm, tránh tình trạng ùn ứ hành khách tại nhà ga” – đại diện Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nói.
Bộ Giao thông Vận tải cũng vừa có văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam và các đơn vị trong ngành yêu cầu khắc phục tình trạng quá tải tại một số sân bay, tình trạng chậm – hủy chuyến có xu hướng tăng cao, đặc biệt tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất.
Tại cuộc họp bàn giải pháp kéo giảm chuyến bay chậm – hủy của Cục Hàng không Việt Nam mới đây, nhiều giải pháp đã được đưa ra như sắp xếp vị trí đỗ máy bay, thời gian chiếm dụng đường băng của phi công, ý thức tiết kiệm thời gian của phi công sau khi có huấn lệnh cất cánh…
Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng nhấn mạnh phải áp dụng mọi biện pháp để rút ngắn các khâu, tăng cường năng lực điều hành, giảm chậm – hủy chuyến, khai thác chuyến bay nhiều hơn, nâng cao năng lực, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Nếu áp dụng triệt để các giải pháp mà chất lượng dịch vụ vẫn giảm, chuyến bay chậm – hủy vẫn nhiều thì phải cắt giảm số chuyến bay.
Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Hồng Quang cho rằng thị trường đang tăng trưởng trở lại vượt xa mọi dự báo và bản thân các hãng cũng không tính hết được. Nhấn mạnh các hãng không muốn thay đổi lịch bay, không bao giờ muốn giảm slot, ông Quang cam kết hãng sẽ phối hợp tối đa với nhà chức trách để nâng chất lượng dịch vụ, giảm chuyến bay chậm – hủy.
Chủ động xả trạm thu phí
Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết đã chủ động chỉ đạo, xây dựng và áp dụng phương án xả trạm thu phí trong trường hợp cao điểm gây ùn tắc kéo dài. Đối với khu vực an ninh soi chiếu sảnh A, B, cảng đã tăng cường lực lượng an ninh hàng không, mở hết các quầy soi chiếu ngay từ đầu ngày, vào các khung giờ cao điểm.
Đối với khu vực nhà ga, bến bãi, đơn vị cũng tăng cường kiểm soát các khu vực công cộng, điều tiết phương tiện trước khu vực nhà ga, đặc biệt phối hợp chặt với nhà xe TCP để điều tiết lượng taxi, xe công nghệ, hợp đồng… đón hành khách trật tự, không ùn tắc. Đồng thời, cảng duy trì phối hợp với các đơn vị như Công an TP HCM, Công an quận Tân Bình, đồn công an cảng… tuần tra khu vực trong và ngoài sân bay, phân luồng, kiểm soát giao thông nhằm khắc phục tình trạng dồn ứ trước khu vực giao thông vào cảng và trước sảnh nhà ga, xử lý nhanh các trường hợp mất an ninh trật tự tại các khu vực cảng.