Về khái niệm quyền lực trong điều kiện hiện đại | Tạp chí Quản lý nhà nước

(Quanlynhanuoc.vn) – Từ cách tiếp cận quyền lực như tiềm năng (năng lực, khả năng), tác giả xác định nội hàm của khái niệm quyền lực, nêu lên các vấn đề đặt ra về thay đổi tính chất các nội dung cốt lõi của khái niệm quyền lực trong điều kiện hiện đại.

Đặt vấn đề

Những tiếp cận cơ bản về định hình khái niệm quyền lực (power) manh nha trong triết học cổ đại, là kết quả tư duy kinh viện của các nhà thông thái về xây dựng nhà nước ở Hy Lạp cổ đại và La Mã cổ đại. Sự quan tâm về chủ đề quyền lực phát triển ở thời kỳ trung đại gắn với tư tưởng quyền lực của chủ quyền nhân dân trong học thuyết khế ước xã hội. Tuy nhiên, chính vào thế kỷ XX quyền lực trở thành vấn đề tập trung cao độ và toàn diện trong các trước tác của các nhà chính trị học, luật học, triết học, xã hội học, tâm lý học, xuất hiện cả một dòng khoa học nghiên cứu về quyền lực.

Quyền lực học (cratology – từ gốc Hy Lạp – kratos: quyền lực; logos: học thuyết) là một ngành khoa học mới mẻ nghiên cứu các hiện tượng xã hội liên quan đến quyền lực, tư duy thông qua những định chế xã hội của quyền lực1. Ở đây, có các vấn đề cần suy nghĩ nghiêm túc liên quan đến ranh giới chuyên ngành và quan hệ với những ngành khoa học khác có cùng khách thể nghiên cứu là quyền lực.

Mặt khác, cũng cần nhìn nhận là trong điều kiện tập trung, thiếu dân chủ, quyền lực như chính là nó ít được nghiên cứu thấu đáo, mà nhiều khi bị gán cho những tính chất áp đặt chủ quan, khuôn sáo. Bước tiến của dân chủ và nhất là cùng với tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền, xuất hiện đòi hỏi khách quan cần nghiên cứu chi tiết hiện tượng quyền lực trong tổng thể các mối quan hệ, đó là “quyền lực học”.

Một trong những vấn đề gây tranh cãi và khó đi đến ngã ngũ là nội hàm khái niệm “quyền lực”. Sự đa dạng trong quan niệm về dung lượng khái niệm quyền lực mang tính khách quan, xuất phát từ những lý do:

Thứ nhất, bản thân thuật ngữ quyền lực về ngữ nghĩa khá đa chiều, tạo khả năng cho các cách giải thích khác nhau. Đôi khi, bám chặt vào ngữ nghĩa nguyên gốc trở nên khó khăn cho những gì cần hàm ý về hiện tượng xã hội nói tới, nhất là trong điều kiện hội nhập, sẽ trở ngại cho việc tiếp thu ý tưởng tương đồng.

Thứ hai, trong nghiên cứu hiện tượng quyền lực, các nhà nghiên cứu dựa trên các phương pháp luận và sử dụng các phương pháp khác nhau, từ các góc độ khoa học chuyên ngành khác nhau. Trong từng chuyên ngành, cũng có các cách tiếp cận đa dạng.

Thứ ba, việc thực hiện quyền lực trong từng giai đoạn của lịch sử phát triển đặt trên nền tảng tư tưởng tương ứng. Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến quyền lực công, quyền lực nhà nước, quyền lực lãnh đạo, quản lý đã có những tiến triển rõ rệt trong quan niệm và thực tiễn.

Nội hàm của khái niệm quyền lực

Trước hết, quyền lực không phải là khái niệm đơn nghĩa, nó mang tính định danh hơn là định hình để được thừa nhận một cách phổ biến. Vì thế, khó có thể đưa ra một định nghĩa được chấp thuận rộng rãi từ các góc độ nhìn nhận đa chiều.

Trong Hán – Việt Từ điển, học giả Đào Duy Anh giải thích: “Quyền lực: cái sức có thể cưỡng chế khiến người ta phải phục tùng mình”2.

Đại từ điển tiếng Việt cũng diễn giải theo hướng nhấn mạnh thế lực cứng trong quan niệm quyền lực: “Quyền lực là quyền hành và thế lực mạnh, đủ để quyết định các công việc”3.

Trong Đại từ điển bách khoa Nga, quyền lực được nhận diện mở rộng hơn: “Quyền lực được hiểu là năng lực và khả năng tác động đến hoạt động, hành xử của con người với sự trợ giúp của phương tiện nào đó – ý chí, uy tín, quyền, bạo lực, cũng như thống trị chính trị, hệ thống các cơ quan nhà nước”4.

Trong học thuật, các nhà khoa học đưa ra ngày càng phong phú định nghĩa khái niệm quyền lực. Sự đa dạng trong cách tiếp cận khái niệm quyền lực phản ánh ở luật thực định, trong đó thuật ngữ quyền lực nói chung, quyền lực nhà nước nói riêng được sử dụng với nghĩa không như nhau. Trong các văn bản quy phạm pháp luật, khi sử dụng thuật ngữ quyền lực, quyền lực nhà nước, nhà làm luật chưa mạnh dạn đưa ra định nghĩa quy phạm dưới hình thức giải thích từ ngữ như cách làm thường thấy.

Như thế, cái gì là cốt lõi trong nội hàm của khái niệm quyền lực? Trong sự phức tạp của hiện tượng, sự bề bộn của các quan niệm, sự phong phú của các lý thuyết, có thể chiết ra ba yếu tố cơ bản quyết định nội dung của khái niệm quyền lực: (1) Tiềm năng (năng lực, khả năng) tác động ý chí nhằm đạt kết quả mong muốn; (2) Quan hệ tương tác; (3) Phương thức, phương pháp, phương tiện tác động.

Một là, quyền lực là tiềm năng (năng lực, khả năng) tác động của chủ thể này đến chủ thể khác để đạt được kết quả theo ý chí của mình.

Quyền lực cần được nhìn nhận như tiềm năng, tức là năng lực, khả năng tiềm tàng của chủ thể, là chức năng cần có của bất cứ tập thể nào cho việc lãnh đạo các thành viên để đưa vào nền nếp hoạt động chung.

Tiềm năng thống nhất hai mặt của vấn đề. Một mặt là năng lực nội lực chủ quan của chính chủ thể trong hoạch định, lãnh đạo, quản lý và điều phối, tác động chủ thể khác làm theo. Mặt khác là khả năng được thừa nhận khách quan bên ngoài xã hội như sự suy tôn, ủng hộ, tin tưởng, hậu thuẫn, đi theo.

Hạt nhân của quyền lực là sự tác động ý chí đến người khác. Khi đề cập khái niệm quyền lực, chúng ta muốn nhắc đến việc chi phối suy nghĩ và hành động của người này đối với người khác5. Cốt lõi trong quan hệ quyền lực là sự tác động ý chí đến người khác, còn sự tác động này thể hiện dưới hình thức nào tùy thuộc vào quan điểm nhìn nhận trong từng lĩnh vực.

Hai là, quyền lực chỉ phát sinh trong mối quan hệ tương tác giữa các bên (cá nhân, tổ chức, thiết chế) với nhau.

Điều đó có nghĩa, phải có sự hiện hữu của ít nhất hai đối tác trong quan hệ giữa các bên, trong đó bên tác động có năng lực, khả năng, tác động lên nhận thức, hành động, ứng xử của bên chịu sự tác động để đạt được mục đích theo ý chí của mình.

Quyền lực không phải là cái gì đó mà con người có thể tự sở hữu được. Một cá nhân có thể có các tiềm năng, nguồn lực cho sự phát sinh quyền lực nhưng bản thân tiềm lực không tự phát nội tại, không đương nhiên trở thành quyền lực nếu không phải là thực lực được kiểm nghiệm thông qua hành động trong các tình huống tương tác của các bên.

Thêm vào đó, mối quan hệ này phải mang tính ổn định, phổ biến. Quyền lực không thể là quan hệ ngẫu nhiên, nhất thời. Quyền lực bao hàm ý tưởng tiến hành hoạt động có ý nghĩa.

Giống như tất cả các loại quan hệ. Quan hệ quyền lực có cấu trúc của mình, gồm chủ thể là các bên tham gia là bên mang quyền (rộng ra là bên tác động ) và bên thuộc quyền (rộng ra là bên chịu tác động), nội dung là sự thống nhất của sự chuyển giao và làm theo (tự nguyện do thuyết phục hay phục tùng do cưỡng bức) ý chí.

Ba là, sự tác động ý chí của một bên đối với bên kia để đạt được mục đích theo ý chí của mình chỉ trở thành hiện thực bằng cách nào đó với sự hỗ trợ của các phương thức, phương pháp, phương tiện nhất định.

Chính vấn đề bằng cách nào, với sự hỗ trợ của phương thức, phương pháp, phương tiện nào để sự tác động ý chí của một bên đối với bên kia đạt được kết quả mong muốn là tâm điểm thu hút các quan điểm khác biệt, không ít trường hợp đến mức đối lập nhau, phát triển theo sự phát triển qua từng thời kỳ trong học thuật và tiến bước theo đà đi lên của xã hội.

Một cách tương đối, có thể phân thành ba dòng lý thuyết (tạm gọi là truyền thống, dung hòa và mở rộng).

Lý thuyết truyền thống lấy sự phục tùng theo ý chí của bên cầm quyền làm chủ yếu, và như thế coi trọng sử dụng các phương thức tác động mang tính tập trung của sức mạnh như cưỡng bức, ép buộc, áp chế. Bên mang quyền và bên thuộc quyền gắn với nhau trong mối quan hệ lệ thuộc theo chiều dọc của mệnh lệnh – phục tùng. Đầu thế kỷ XX, học giả người Đức Max Weber, trong cuốn “Kinh tế và xã hội” đưa ra định nghĩa quyền lực tiêu biểu cho cách hiểu truyền thống, được trích dẫn gần như thường xuyên trong các nghiên cứu sau đó. “Quyền lực có nghĩa là khả năng bất kỳ buộc theo ý chí mình trong các khuôn khổ của các quan hệ xã hội bất chấp sự kháng cự và không phụ thuộc khả năng ấy dựa trên cơ sở nào”6. Nhà lý luận pháp luật Xô viết X.X. Alekxeev quan niệm quyền lực như “quan hệ giữa thống trị và phục tùng, trong đó ý chí và hành động của một bên (mang quyền) chi phối ý chí và hành động của bên kia (thuộc quyền)7.

Lý thuyết dung hòa hướng vào sự pha trộn của hai phương thức tác động là thuyết phục và cưỡng chế. Nhà xã hội học Mỹ N. Smelser nhìn nhận bản chất của quyền lực ở năng lực của chủ thể cùng lúc ràng buộc ý chí của mình, đồng thời huy động các nguồn lực để đạt được mục tiêu đặt ra8. Theo triết gia người Đức Hannah Arendt, quyền lực là khả năng hành động một cách hài hòa của con người nhằm thuyết phục hoặc cưỡng bức người khác9.

Lý thuyết mở rộng đặt thu hút – hợp tác vào trọng tâm của quyền lực. Có ba cách tác động cơ bản hướng tới kết quả mong muốn, đó là ép buộc qua đe dọa, dụ dỗ họ bằng lợi ích, thu hút với sức hấp dẫn. Hai cách trước là cách dùng quyền lực cứng (hard power); cách thứ ba có thể xem là cách dùng quyền lực mềm (soft power). Quyền lực mềm (soft power) là quyền lực được thực hiện thông qua sự hấp dẫn (attraction) và thuyết phục (persuation). Khả năng kết hợp giữa “quyền lực mềm” và “quyền lực cứng” được gọi là “quyền lực thông minh” (smart power)10.

Khác với lý thuyết truyền thống, quan niệm về quyền lực mềm trong lý thuyết do Joseph S. Nye khởi xướng vào cuối thế kỷ XX, vốn từ lĩnh vực quan hệ quốc tế được hưởng ứng lan rộng, nhìn nhận giá trị chính của quyền lực là khả năng thuyết phục, đồng thuận, chứ không phải là ép buộc, cưỡng chế.

Trong các nghiên cứu của các tác giả ở nước ta, cho đến hiện nay, quan niệm về quyền lực, nhìn chung, dường như đi gần nhiều hơn với quan niệm truyền thống. Trong đó, chú trọng sự phục tùng ý chí, xem quyền lực “là khả năng của chủ thể này buộc các chủ thể khác phục tùng ý chí của mình”11; nghiêng về yếu tố sức mạnh, nhìn nhận quyền lực là “quyền uy và thế lực đủ để quyết định công việc, điều hành người khác hành động theo ý chí của mình”12.

Có quan điểm nới rộng phần nào cách thức tác động, nhưng đồng thời cũng lưu ý sự ràng buộc, “quyền lực là năng lực, khả năng của một tổ chức hay cá nhân, tác động đến hành động, hành vi của những người khác, buộc họ phải thực hiện ý chí của mình thông qua các phương tiện, phương thức nào đó như uy tín, quyền hành, cơ chế, chính sách, quy định, thậm chí cưỡng bức thực hiện”13.

Thiết nghĩ, sử dụng quyền lực cứng, hay quyền lực mềm, hay kết hợp giữa chúng đều là những cách thức, không tráo chỗ với mục đích. Bản chất của quyền lực, mục đích của quyền lực là những căn nguyên quyết định cách thức tác động. Kết quả đạt được có thể thông qua các phương thức, nguồn lực, phương tiện nhất định (thuyết phục, bắt buộc; vật chất, tinh thần; uy tín, sức mạnh…) mang tính tập trung và không tập trung.

Như vậy, trong định nghĩa khái niệm quyền lực cần có ba yếu tố rường cột trên. Sự khác nhau của các quan niệm chỉ là lựa chọn cái gì làm trọng tâm của tác động ý chí; việc khép lại hay mở ra của thành phần tham gia và lựa chiều quan hệ; sự tập trung hay nới rộng của phương thức, hình thức, phương tiện sử dụng.

Từ phân tích trên, có thể đi đến định nghĩa: Quyền lực là tiềm năng (năng lực, khả năng) của chủ thể tác động đến chủ thể khác nhằm đạt đến kết quả theo ý chí của mình thông qua các nguồn lực, phương tiện nhất định.

Một số vấn đề đặt ra về thay đổi tính chất các nội dung cốt lõi của khái niệm quyền lực trong điều kiện hiện đại theo tư duy đổi mới

Thứ nhất, về tiếp cận khái niệm quyền lực như tiềm năng.

Quan niệm phổ biến cho đến nay đồng nhất quyền lực với sức mạnh đương nhiên của chủ thể mang quyền, gắn quyền lực với cưỡng chế. Theo chúng tôi, sức mạnh là cách thức tác động chứ không phải là tiềm năng theo đúng nghĩa của quyền lực. Hơn nữa, trong xã hội dân chủ hiện đại, đó là cách thức tác động dự phòng, chứ không là cách thức tác động tiên quyết, không phải và không nên lúc nào cũng dùng sức mạnh cưỡng chế. Sức mạnh cưỡng chế chỉ nên dùng khi những cách thức tác động khác không còn đủ lực phát huy tác dụng.

Cần tiếp cận khái niệm quyền lực như tiềm năng. Tiềm năng không tự biến thành quyền lực mà không có sự chuyển đổi tích cực. Chẳng hạn, không xem quyền lực nhà nước là sức mạnh đương nhiên tự phát của Nhà nước, cho nên phải chuyển tư duy từ Nhà nước tự phục vụ Nhà nước sang Nhà nước phụng sự Nhân dân, chú trọng các điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện quyền lực ủy thác từ Nhân dân đúng đắn và hiệu quả. Tầm cỡ chiến lược, cấp độ thể chế, hiệu quả bộ máy, năng lực con người, bảo đảm nguồn lực thực thi quyền lực nhà nước là những nhân tố quyết định cho sự chuyển đổi tiềm năng thành quyền lực thực sự.

Đồng thời, cần chú trọng lý luận về sự khích lệ đối với con người để kết nối hiệu quả quá trình biến tiềm năng thành quyền lực thực sự. Giữa bên mang quyền và bên thuộc quyền không phải cố đắp lên một bức tường chắn để tạo sự bí hiểm, uy thế mạnh áp đảo của quyền lực. Giữa bên mang quyền và bên thuộc quyền phải tạo dựng nên môi trường cho sự giao hòa, chia sẻ, huy động sự đồng thuận. Cần xây dựng cơ chế thuyết phục bao gồm tổng thể phương tiện tư tưởng, xã hội – tâm lý và hình thức tác động đến nhận thức của cá nhân và tập thể, mà kết quả là lĩnh hội và tiếp nhận của cá nhân và tập thể những giá trị xã hội nhất định; chuyển hóa những tư tưởng, quan điểm thành niềm tin gắn với hoạt động nhận thức và cảm xúc của con người.

Thông qua cơ chế phức tạp của những cảm xúc, thông qua nhận thức, tư tưởng, lợi ích xã hội và những yêu cầu quyền lực mới mang ý nghĩa cá nhân và giữa niềm tin và hành xử không có khoảng cách. Như trong thực hiện quyền lực nhà nước, vấn đề kế thừa, xây dựng và phát triển văn hóa công vụ, là hệ thống biểu tượng, chuẩn mực, giá trị, niềm tin hình thành trong nhận thức, tạo nên tầm nhìn, tác động đến hành vi và lề lối làm việc, cách sống của người thực thi công vụ, của môi trường tổ chức, phải được đưa lên hàng đầu. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Văn hóa là đổi mới, đổi mới là văn hóa, như vậy hai là một và một thành hai”14. Trước hết và bao quát trong cải cách hành chính nhà nước và kiện toàn bộ máy nhà nước nói chung là làm sao cho văn hóa thẩm thấu vào nền công vụ, làm cho nền công vụ sáng ra với triết lý minh định, tầm nhìn xuyên suốt, hệ thống giá trị được chia sẻ và tôn vinh, cách nhìn nhận, đánh giá về thực thi công vụ được đồng thuận và chấp nhận15.

Thứ hai, về vị trí, khoảng cách giữa chủ thể tác động và chủ thể chịu sự tác động trong quan hệ quyền lực.

Quan niệm truyền thống thường đặt các bên tham gia vào tư cách chủ thể là bên mang quyền và đối tượng là bên thuộc quyền trong mối quan hệ một chiều. Bên mang quyền chỉ có quyền ban phát, bên thuộc quyền chỉ có nghĩa vụ cầu xin và sự kết nối giữa các bên là sức mạnh áp chế của quyền lực – phục tùng. Bên mang quyền ứng xử với bên thuộc quyền như đối tượng thụ quyền, thậm chí như công cụ, cho nên không cần quan tâm hoặc bất chấp sự phản đối và luôn sẵn tay cưỡng chế.

Quan niệm này chỉ phù hợp vào giai đoạn nhất định và trên lĩnh vực nhất định. Người sử dụng quyền lực trong xã hội hiện đại cần làm cho mọi người đồng thuận về xác định mục tiêu chung, thống nhất con đường đi đến mục tiêu chung, làm sao cho họ thấy mình tự tin có năng lực dự phần vào thành công của kết quả mong đợi.

Trong xã hội hiện đại, ngay ở những lĩnh vực mà quyền lực vốn chế ngự “một chiều” đã có sự trao đổi “hai chiều”. Quan hệ quyền lực – phục tùng phát triển thành quan hệ yêu cầu – phúc đáp. Bên mang quyền ứng xử với bên thuộc quyền trong hình ảnh của động lực chứ không phải công cụ. Khoảng cách của bên mang quyền và bên thuộc quyền dần rút ngắn lại và trong rất nhiều trường hợp chúng đổi chỗ cho nhau. Nhà nước trong quản trị quốc gia hiện đại vừa có tư cách chủ thể quản trị xã hội, vừa với tư cách đối tượng chịu sự quản trị, đối tượng chịu sự kiểm soát quyền lực từ người dân và các tổ chức xã hội; hạn chế và tiến tới xóa bỏ cơ chế xin – cho trong tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước là kết quả từ sự thay đổi nhận thức từ lý thuyết cho đến thực tiễn này.

Thứ ba, về cách thức tác động bảo đảm thực hiện ý chí quyền lực.

Việc bảo đảm thực hiện ý chí quyền lực có sự thay đổi hiện nay so với trước đây. Nếu như trước đây, thường nhắm vào những công cụ, phương tiện tập trung sức mạnh, thì xu hướng phát triển hiện đại xoay chiều từ dọc thành ngang, ưu tiên cho sự huy động đồng thuận, thuyết phục, củng cố niềm tin, thiết lập văn hóa quyền lực theo cách “tâm phục, khẩu phục”. Điều đó không có nghĩa là rút bỏ hoàn các phương tiện tập trung sức mạnh của cưỡng chế.

Cưỡng chế vẫn phải còn một khi còn cần tới quyền lực, tức là cần có chức năng của bất cứ tập thể nào cho việc lãnh đạo các thành viên để đưa vào nền nếp hoạt động chung. Nhưng vấn đề là không đi theo hướng tư duy khuôn sáo, luôn đẩy nó lên phía trước, đi liền hình bóng với quyền lực, tạo ra sự ngộ nhận về quan hệ giữa quyền lực với sức mạnh đến mức nhập chúng vào thành một.

Trong Nhà nước pháp quyền và xã hội dân chủ, mọi sự cưỡng chế để bảo đảm thực hiện quyền lực đều phải là cưỡng chế hợp pháp. Mức độ tổ chức pháp lý của cưỡng chế càng cao thì càng làm thấp đi khả năng chuyên quyền, tùy tiện và các tiêu cực khác của chủ thể mang quyền. Tuân thủ những nguyên tắc chung; quy định chặt chẽ về nội dung, phạm vi, điều kiện áp dụng; theo các cơ sở thống nhất, phổ biến; thông qua cơ chế quyền và nghĩa vụ; thực hiện bằng những hình thức tố tụng phát triển là những yêu cầu của cưỡng chế hợp pháp trong bảo đảm thực hiện quyền lực.

Chú thích:
1. В.Н. Коновалов. Политология. Словарь. – М.: РГУ, 2010.
2. Đào Duy Anh. Hán – Việt Từ điển. NXB. Trường Thi, Sài Gòn, 1957, tr. 170.
3. Đại từ điển tiếng Việt. H. NXB. Văn hóa – Thông tin, 1998, tr. 1384.
4. Большой энциклопедический словарь – 2-е изд., перераб. и доп. – М.: Большая Российская энциклопедия; СПб.:Нориит, 2001. С. 212.
5. Hans J. Morgenthau (1948). “Political Power”, in H.J. Morgenthau, Politics among Nations: The Struggle for Power and Peace (New York, NY: Alfred A. Knopf), pp. 13-20.
6. Vũ Hào Quang. Thuyết trao đổi xã hội và quyền lực của Peter Blau và văn hóa quản lý. Tạp chí Khoa học xã hội, số 8(192) 2014, tr.13-14.
7. Алексеев С.С. Государство и право: начальный курс. – М., 1994. – С. 6.
8. Смелзер Н. Социология. – М., 1992, С. 525.
9. Pat Duffy Hutcheon (1996) Hannah Arendt on the Concept of Power. A paper presented in the confernce of the Research Committee on the History of Sociology (International Sociological Association) at Amsterdam in May, 1996. http://www.humanists.net.
10. Bùi Việt Hương. Quyền lực cứng, quyền lực mềm, quyền lực thông minh trong nền dân chủ. Tạp chí Lý luận chính trị, số 3/2011.
11. Nguyễn Minh Đoan. Tiếp tục đổi mới tư duy pháp lý về kiểm soát quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước ở nước ta. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 12 (388), tháng 6/2019.
12. Nguyễn Quốc Tuấn. Nhập môn chính trị học. NXB. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2008, tr.118.
13. Quyền lực và kiểm soát quyền lực ở nước ta. http://tuyengiao.vn, ngày 09/4/2019.
14. Phạm Văn Đồng. Văn hóa và đổi mới. H. NXB. Chính trị quốc gia, 1994, tr.43.
15. Huỳnh Văn Thới. Xác lập triết lý văn hóa công vụ trong cải cách hành hành chính nhà nước. Tạp chí Lý luận chính trị, số 5/2016, tr.96.
PGS. TS. Huỳnh Văn Thới
Học viện Hành chính Quốc gia