Về cuốn sách

Về cuốn sách “Đường lối Văn hóa – Văn nghệ của Đảng, lý luận, thực tiễn nghệ thuật” của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện

TS. NGUYỄN MẠNH QUỲNH

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện là Ủy viên Hội đồng Lý luận Văn học – Nghệ thuật Trung ương, người có gần 40 năm gắn bó với Viện Văn học, hơn 50 năm nghiên cứu lý luận – phê bình VHNT và đã hơn 15 năm làm Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam. 

Được thoát thai từ bề dày kinh nghiệm trong nghiên cứu, phê bình văn hóa, văn nghệ, ở cả hai phương diện lý luận và thực tiễn, đặc biệt là về đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, chuyên khảo mới ra mắt gần đây của ông thực sự là công trình đặc sắc, mang đậm phong cách của một nhà nghiên cứu có tầm và có tâm trong học thuật. Chúng tôi muốn nói tới công trình Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, lý luận, thực tiễn nghệ thuật, Nxb Hội Nhà văn, 2020.

Ai đã từng tiếp xúc với PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện đều có thể nhận thấy ở ông một phong cách nghiêm cẩn, minh triết, thẳng thắn, trung thực, dung dị của một nhà khoa học, một người thầy, mà trước hết là sự công phu, nghiêm túc trong sưu tầm, chọn lọc hệ thống tư liệu, tài liệu; là sự chặt chẽ, chuẩn xác trong tư duy và phương pháp nghiên cứu, trình bày các vấn đề khoa học trong mỗi công trình nghiên cứu của ông.

Công trình Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, lý luận, thực tiễn nghệ thuật dày 360 trang, gồm hai phần chính và phần phụ lục. Phần thứ nhất: “Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng – sự nhất quán và phát triển” (184 trang) được trình bày dưới hình thức một chuyên luận, với mục đích là khảo sát lịch sử hơn 70 năm hình thành và phát triển đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, và theo tác giả, chuyên luận sẽ “góp phần lấp vào một khoảng trống trong nghiên cứu về đường lối văn hóa – văn nghệ của Đảng từ trước đến nay”, tức là nghiên cứu một cách toàn diện, có hệ thống về tư tưởng chỉ đạo, đường lối văn hóa – văn nghệ của Đảng trong suốt tiến trình cách mạng của đất nước, điều mà trước nay – theo tác giả –  chưa có một công trình nào tập trung nghiên cứu đầy đủ. Người đọc dễ nhận thấy, đây chính là cơ sở lý luận vững chắc, là tư tưởng chủ đạo, là kim chỉ nam cho tất cả các bài viết của ông ở phần 2 “Tiểu luận và phê bình” (175 trang), với 17 bài báo khoa học đã được công bố tại các Hội thảo khoa học hoặc đăng tải trên các tạp chí khoa học chuyên ngành. Đây là những bài viết khảo sát và chứng minh sự cụ thể hóa lý luận về đường lối văn hóa – văn nghệ của Đảng vào thực tiễn văn học – nghệ thuật của đất nước trong thời gian qua. Đó là lý do ông gọi sách của mình là chuyên khảo, cũng là thể hiện tính logic giữa hai phần chính của công trình.

Ở phần chuyên luận, tác giả đã giải thích một cách thuyết phục khái niệm “Đường lối văn hóa – văn nghệ” của Đảng trên ba phương diện: từ ngữ, cơ sở lý luận và thực tiễn, lịch sử hình thành và phát triển. Theo tác giả “đường lối văn hóa, văn nghệ” của Đảng đó là “bộ phận hợp thành hữu cơ của đường lối cách mạng nói chung, do Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra, từ khi thành lập (03/02/1930), giữ vai trò lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử”. Đường lối đó vạch ra hệ thống những định hướng, quan điểm cơ bản và giải pháp chủ yếu để thực hiện cách mạng văn hóa ở Việt Nam trong tiến trình từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhằm chỉ đạo sự phát triển của văn hóa, văn nghệ Việt Nam theo những mục tiêu trước mắt và lâu dài đã xác định.

Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng là một chỉnh thể hệ thống, bao gồm các tư tưởng, quan điểm, định hướng xây dựng và phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam; các nhiệm vụ then chốt, các giải pháp cơ bản cùng việc tổ chức thực hiện thống nhất. Đường lối đó có sự vận động và phát triển biện chứng, không ngừng được tìm tòi, sáng tạo, đổi mới, bổ sung và phát triển, gắn bó và tương thích với thực tiễn cách mạng Việt Nam trong mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử. Cách trình bày sáng rõ, không kinh viện, trừu tượng của tác giả đã giúp người đọc dễ dàng nắm bắt được bản chất của khái niệm “đường lối văn hóa, văn nghệ” của Đảng. Đây là một đóng góp quan trọng, nổi bật, hàng đầu của tác giả.

 Với giới thuyết như vậy, công trình được triển khai theo hướng triết học bản thể, nhằm đi sâu phân tích làm rõ bản chất, quá trình hình thành và phát triển, phương thức biểu hiện, các thành tựu to lớn cũng như hạn chế, thiếu sót mang tính lịch sử … của đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng. Cụ thể, tác giả đã làm rõ sự nhất quán trong quá trình đổi mới và phát triển đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng qua các thời kỳ của cách mạng, từ Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) – văn kiện đầu tiên, trực tiếp, toàn diện nhất đánh dấu cho sự hình thành về căn bản, nền tảng đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng – đến các văn kiện, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các bài viết, bài nói chuyện của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các công trình nghiên cứu của các nhà văn hóa, các học giả, nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ cách mạng. Tất cả đều toát lên quan điểm nền tảng có ý nghĩa chiến lược lâu dài về xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa có tính chất dân tộc, khoa học, hiện đại, phục vụ quần chúng, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng trên mặt trận văn hóa, văn nghệ… Điều đáng lưu ý là, các văn kiện sau luôn nhìn nhận, đánh giá những vấn đề đặt ra từ các văn kiện trước, hoặc ở giai đoạn trước, từ đó điều chỉnh, bổ sung, tổng hợp, kiểm nghiệm trên một tầm cao mới của nhận thức với độ lùi cần thiết của thời gian, những bài học kinh nghiệm quý báu đã được đúc kết, để có được cái nhìn toàn diện, hoàn chỉnh hơn, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn đầy đủ hơn, thể hiện tầm nhìn xuyên suốt sau/ trước; gần/ xa; trong/ ngoài trong nhận thức và hành động. Đó là biểu hiện của sự nhất quán và năng động, kiên định và đổi mới, truyền thống và hiện đại của đường lối văn hóa, văn nghệ mà Đảng ta đề ra, xuyên suốt qua các thời kỳ lịch sử.

Bên cạnh việc đi sâu phân tích những thành tựu về lý luận và thực tiễn, công trình cũng đề cập đến những hạn chế, thiếu sót mang tính lịch sử của đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng qua các thời kỳ lịch sử. Trên cơ sở đó, rút ra 4 bài học lý luận và thực tiễn cũng như đề xuất một số kiến nghị về quan điểm tư tưởng, về tổ chức và công tác cán bộ làm công tác văn hóa – tư tưởng. Điều đó cho thấy sự thẳng thắn, tâm huyết, nhiệt tình và trách nhiệm cao của tác giả đối với sự nghiệp phát triển văn hóa – nghệ thuật của đất nước.

“Mọi lý thuyết đều là màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”. Nguyễn Ngọc Thiện hẳn rất nhớ câu nói này của Goethe – văn hào người Đức –  khi ông đã có nhiều năm học tập tại đất nước này; bởi lẽ, quan sát các công trình khoa học của ông, chúng tôi thấy, ông đặc biệt chú trọng tính ứng dụng thực tiễn của lý luận. Mà lý luận của ông cũng không hề đao to búa lớn, không kinh viện, tư biện, “xủng xẻng” những thuật ngữ nhập cảnh được mang về từ các công trình lý luận nước ngoài như chúng ta vẫn thường bắt gặp ở đâu đó. Nó giản dị, trong sáng, rất thẳng thắn, cương trực mà vẫn uyển chuyển, nhẹ nhàng như chính con người ông, cũng bởi một phần ở sự xanh tươi của thực tế sáng tác văn học được ông dẫn ra, phân tích, tỏ bày cho những quan điểm lý thuyết. Ở công trình này, các bài tiểu luận phê bình ở phần thứ hai là những minh chứng sống động cho quan điểm bất di bất dịch đó của ông.

Các bài viết được sắp xếp theo trật tự thời gian và đều xoay quanh những vấn đề đã và đang đặt ra cho đời sống văn học nghệ thuật nước nhà, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là các vấn đề như “văn nghệ phải hướng tới những tác phẩm có tầm cỡ, kết tinh những giá trị tư tưởng sâu sắc, thể hiện nghệ thuật của những tài năng bậc thầy” (Văn hóa nghệ thuật cần “vào sâu trong tâm lý quốc dân”, “soi đường cho quốc dân đi”), lý luận và phê bình văn nghệ phải được quan tâm phát triển đồng bộ với lĩnh vực sáng tác, biểu diễn văn học nghệ thuật, sưu tầm nghiên cứu tiếp thu tinh hoa văn nghệ truyền thống cùng với dịch thuật tiếp nhận chọn lọc thành tựu văn nghệ thế giới xưa nay… (Tính chuyên nghiệp của phê bình văn học nghệ thuật và nhà phê bình chuyên nghiệp); vấn đề tính chuyên nghiệp trong nghiên cứu, lý luận phê bình (Về đội ngũ hoạt động lý luận phê bình VHHT hiện nay ở các Hội Văn học Nghệ thuật)… về vai trò, nhiệm vụ của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong sự nghiệp phát triển VHNT thuật Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, hiện đại, nhân văn, góp phần bồi đắp văn hóa mới, con người mới trong quá trình hội nhập và phát triển (Đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam và các yêu cầu, thách thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa)… Bên cạnh đó là các bài viết phác họa chân dung các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước với những lời căn dặn tâm huyết về đường lối phát triển văn nghệ (Đồng chí Lê Khả Phiêu với tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam), các văn nghệ sỹ, nhà văn hóa, nhà lý luận, phê bình, giảng dạy văn học như cố họa sĩ Lê Năng Hiển, nhà thơ Vũ Mão, GS.VS Hoàng Trinh, GS.TS Trần Đăng Suyền… Đặc biệt, ông dành một phần rất quan trọng cho những bài viết về tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, một tạp chí vốn rất quen thuộc với các trí thức văn nghệ sỹ trên mọi miền của đất nước, cả ở nước ngoài, và cũng là nơi ông gắn bó đã hơn 15 năm nay trên cương vị Tổng Biên tập. Qua những bài viết này của ông, chúng ta mới thấy rõ hơn giá trị, tầm quan trọng của tạp chí đối với việc định hướng xây dựng phát triển nền văn học nghệ thuật dân tộc, hiện đại, giao lưu và hội nhập với thế giới theo đường lối văn nghệ của Đảng. Trong thời đại kinh tế thị trường, một tạp chí chuyên ngành, muốn tồn tại và có ảnh hưởng lớn đến công chúng, trong đó có các trí thức văn nghệ sỹ, cũng là một thách thức trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ chuyên môn được Đảng và Nhà nước giao phó. Chúng ta vui mừng là dưới sự lãnh đạo của ông, tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam không ngừng lớn mạnh, mang tính chuyên nghiệp ngày càng cao hơn, thực sự “là cầu nối giữa các cơ quan lãnh đạo, quản lý các cấp với toàn giới văn nghệ, giữa các đồng nghiệp văn nghệ sỹ, giữa văn nghệ và công chúng yêu chuộng nghệ thuật” (Tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam – cầu nối và bạn đồng hành giữa văn nghệ sỹ với công chúng).

Chuyên khảo “Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, lý luận, thực tiễn nghệ thuật” – thực sự đã để lại dấu ấn đậm nét trong việc nghiên cứu làm phong phú, sâu sắc và phát triển nhận thức về đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng – một vấn đề tuy không mới, nhưng đến nay, phải thẳng thắn thừa nhận là, những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu về đề tài này, cả trên phương diện lý thuyết và đời sống văn học – nghệ thuật vẫn chưa nhiều, chưa tương xứng với tầm vóc của nó. Trong bối cảnh ấy, công trình của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện như một gợi mở cho các nghiên cứu tiếp theo, để có thể tham mưu, đề xuất với Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hoá – văn nghệ, bổ sung và điều chỉnh các vấn đề lý thuyết, nhằm vừa phát huy tốt hơn bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc, vừa đáp ứng được yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế.

 

N.M.Q

(Nguồn TC VNNB 251-5/2021)