Về Sóc Trăng xem đua ghe Ngo

Trước ngày hội đua ghe ngo, các chùa phải chuẩn bị cách đó cả tháng để tuyển chọn các tay bơi là những chàng trai Khmer khỏe mạnh trong các phum sóc để tập dượt sức dẻo dai, bơi đều nhịp mái chèo.

Người Khmer có nhiều lễ hội, trong đó Lễ hội Oóc – Oom – Bóc và đua ghe Ngo truyền thống là lớn hơn cả và là lễ hội sau cùng trong năm. Lễ hội Oóc – Oom – Bóc (còn gọi là Lễ hội cúng trăng), nhằm tưởng nhớ, tạ ơn thần mặt trăng – vị thần phù hộ cho mưa thuận gió hoà, vạn vật tốt tươi, đưa thuỷ triều ra sông, phù hộ bà con trong phum sóc an lành và thành đạt.
 
 Hàng năm, đến rằm tháng 10 âm lịch theo lịch Phật Nam tông, đồng bào Khmer Nam Bộ lại nô nức đón mừng Lễ hội Oóc – Oom – Bóc. Những năm gần đây, Bộ VHTTDL chọn Lễ hội Oóc – Oom – Bóc Sóc Trăng là lễ hội “Văn hoá đồng bằng” (1 trong 15 lễ hội quốc gia). Năm nay lễ hội diễn ra trong 2 ngày 9 và 10.11.
 Đua ghe Ngo là dịp bà con Khmer Nam Bộ vui chơi sau những ngày lao động vất vả. Loại hình thể thao hấp dẫn, sôi động này bắt nguồn từ phong tục xa xưa của người Khmer. Tương truyền, chiếc ghe Ngo xưa là phương tiện được trang bị cho quân dân để đánh giặc trên sông nước. Mỗi chùa đều có một chiếc, được bảo dưỡng cẩn trọng.
 
 Hàng năm, vào dịp rằm tháng 10, thuyền được trang trí đẹp, treo đèn kết hoa đi đến Angkor wat để thỉnh kinh phật. Trên đường về, mọi người bày ra chuyện đua để xem ghe nào về trước, đem kinh phật chép lên lá thốt nốt trước để phổ biến cho bà con phum sóc trước là đội thắng cuộc.
 
 Trước ngày hội đua ghe ngo, các chùa phải chuẩn bị cách đó cả tháng để tuyển chọn các tay bơi là những chàng trai Khmer khỏe mạnh trong các phum sóc để tập dượt sức dẻo dai, bơi đều nhịp mái chèo.
 
 Ghe Ngo là một dạng thuyền độc mộc dài từ 25 – 30m, rộng từ 1 – 1,4m, có đóng nhiều thanh ngang vừa cho hai tay bơi ngồi theo từng cặp suốt chiều dài ghe. Mỗi ghe đua thường có 46-60 người. Người điều khiển nhịp chèo ngồi trước mũi ghe thường là vị chức sắc hay người lớn tuổi được nể trọng trong bổn sóc có kinh nghiệm đua ghe lâu năm và có người đứng giữa ghe thổi còi phụ hoạ theo nhịp bơi của người điều khiển và 5 – 6 người bơi lái ghe.
 
 Dầm bơi gọi là chà-rqua, làm bằng gỗ nhẹ, dẻo, không thấm nước, bản rộng, mỏng và tròn dần về cán. Mỗi chiếc ghe Ngo có những biểu tượng khác nhau thường là khala (con cọp), rồng, sư tử, cá pon – co… Hằng năm, ghe Ngo được tu bổ và hạ thuỷ tập trước cuộc đua. Khi hạ thuỷ phải làm lễ cúng vị thần phù hộ cho ghe.
 
 Đua ghe ngo thường hai chiếc (một cặp), thi đấu 1.200m đối với nam, 800m đối với nữ. Vào ngày đua, cả một đoạn sông chật kín người hai bên bờ, tiếng trống, cùng dàn nhạc ngũ âm, tiếng còi rộn rã từng hồi. Khi một hồi còi hiệu lệnh xuất phát, từng cặp ghe đua phóng nhanh về đích. Tiếng trống, tiếng loa vang vang hoà trong tiếng reo hò vỗ tay cỗ vũ náo động cả mặt sông.

 Phương Nghi
 (Nguồn: Dân việt)

[TT: H.T.N]