Vào rừng hái bồ kết

Quảng TrịSáng sớm những ngày giữa tháng 12, Hồ Văn Chảo, 25 tuổi, cùng vợ khoác gùi lên lưng, mang theo cơm nước vào rừng tìm hái bồ kết.

Vợ chồng Chảo (thôn Trăng, Tà Puồng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa) đi xe máy đến bìa rừng, dúi xe vào một bụi cây rậm rồi đi bộ vào sâu bên trong. Đồ nghề mang theo gồm dao đi rừng, áo quần lao động, ủng, găng tay và đồ ăn bữa trưa. Sau chừng một tiếng, cả hai đến cây bồ kết đầu tiên.

Bồ kết là cây thân gỗ, cao 10-15 m, trong đó khoảng 2-3 m dưới gốc cây chi chít gai. Mỗi chùm khoảng 10 gai nhọn dài 5-10 cm. Quả bồ kết đun nước gội đầu có tác dụng làm mượt tóc, giảm gãy rụng. Nhằm tránh gai, Chảo phải tìm cây bên cạnh trèo lên rồi đu người qua cây bồ kết.

Hồ Văn Chảo bên một gốc bồ kết đầy gai. Ảnh: Hoàng Táo

Hồ Văn Chảo bên một gốc bồ kết đầy gai. Ảnh: Hoàng Táo

Quả bồ kết mọc từng chùm phía ngọn cây nên Chảo phải chặt một đoạn tre dài tầm 5 m để làm sào hái. Những quả già, hạt to, chắc, màu xanh đậm được lựa chọn. Có những chùm quả ở xa nhưng sào ngắn, anh phải đu mình ra cành nhỏ, vắt vẻo ở độ cao 8-10 m. Bên dưới, vợ Chảo nhặt bồ kết rơi giữa bụi cây.

“Hái bồ kết phải đi vào rừng xa rất vất vả. Cây bồ kết có nhiều gai nên rất dễ bị đâm thủng tay chân, chưa kể trèo cao có lần tôi suýt trượt chân ngã”, Chảo nói.

Hái xong một cây, vợ chồng Chảo dùng bữa trưa rồi tiếp tục băng rừng đến vị trí khác. Cuối giờ chiều, bồ kết đã đầy hai gùi, khoảng 100 kg, cả hai vặt sạch cành lá cho nhẹ rồi băng rừng về nhà.

Tuy vậy, không phải khi nào vào rừng cũng hái được bồ kết. Nhiều cây đã bị sóc ăn hết hạt nên hái về ít giá trị, quả non chưa hái được, hoặc đã bị người khác thu hoạch. Năm ngoái, vợ chồng Chảo thu được 4,2 triệu đồng cả mùa hái bồ kết.

Chảo đu mình trên cây cao gần 10 m, dùng sào tre hái trái bồ kết. Ảnh: Hoàng Táo

Chảo đu mình trên cây cao gần 10 m, dùng sào tre hái trái bồ kết. Ảnh: Hoàng Táo

Chị Hồ Thị Hèng, 29 tuổi, cũng thường rủ hàng xóm vào rừng hái bồ kết. Ban đầu, Hèng tìm những cây bồ kết quanh nương rẫy, càng về sau càng đi xa hơn. Năm ngoái chị lần đầu đi thu hái, khi đã cuối vụ, quả rụng gần hết nên sản lượng thấp, chỉ 100 kg quả khô. Hèng nói năm nay sẽ hái được gấp 5 lần.

Không chỉ người trẻ, bà Hồ Thị Hồng, 60 tuổi, cũng vào rừng tìm bồ kết. Không tự trèo hái được, bà tìm cây rồi về bản nhờ thanh niên đến giúp, trả tiền công 150.000-200.000 đồng tùy sản lượng. Có hôm, bà tìm được cây bồ kết lớn, nhờ người hái được 70 kg tươi.

“Mẹ lớn tuổi rồi, có được chút tiền nào quý chút đó, để mua thêm tấm chăn ấm đắp qua mùa đông”, bà Hồng nói khi cầm xấp tiền từ bán bồ kết.

Hồ Thị Hèng (trái) đang phơi bồ kết vừa hái về. Ảnh: Hoàng Táo

Hồ Thị Hèng (trái) đang phơi bồ kết vừa hái về. Ảnh: Hoàng Táo

Bồ kết hái về phải phơi thật khô trong 5 đến 10 ngày. 50 kg bồ kết tươi cho 20 kg khô, bán 80.000 đồng/kg. Đại diện doanh nghiệp thu mua bồ kết cho hay dự kiến sản lượng năm nay đạt 3-5 tấn khô, mang về cho hơn 100 hộ dân thôn Trăng – Tà Puồng khoảng 400 triệu đồng. Năm 2021, do thu mua muộn, người dân không kịp hái nên chỉ được một tấn quả khô.

Dù không phải nguồn thu thường xuyên, việc hái bồ kết mang lại niềm vui cho người dân vì có thêm tiền mua sắm áo quần, cặp sách cho con và mua một số đồ dùng chuẩn bị Tết.

Ông Bùi Công Thừa, kiểm lâm địa bàn xã Hướng Lập, cho hay khảo sát sơ bộ, vùng này có 180 cây bồ kết, phân bố ở vùng núi đá vôi. Trong đó, khoảng 50 cây lớn, đường kính 30-40 cm, cho thu hoạch 200 kg hạt khô mỗi vụ. Bồ kết ba năm tuổi sẽ cho quả bói, ra hoa vào mùa hè, thu hái vào cuối năm âm lịch.

Từ khi bồ kết được thu mua, kiểm lâm, chính quyền và người dân bảo vệ để thu hái lâu dài. Có thêm nguồn thu, người dân giảm xâm hại rừng, không phá rừng làm nương rẫy. “Đây là cơ hội để trồng, phát triển cây bồ kết, tạo thêm sinh kế”, ông Thừa nói.

Mùa săn bồ kết rừng

 

 

Mùa săn bồ kết rừng

Người dân vào rừng hái bồ kết. Video: Hoàng Táo

Hoàng Táo