Vào mùa cam sành nổi tiếng ở Tuyên Quang những ngày giáp Tết

HOÀNG PHƯƠNG

  –  

Thứ hai, 25/01/2021 16:15 (GMT+7)

Tết Nguyên đán cận kề cũng là thời điểm vườn cam sành ở Tuyên Quang vào mùa, chờ ngày hái quả.

Vào mùa cam sành nổi tiếng ở Tuyên Quang những ngày giáp TếtVườn cam sành trên chục tuổi ở thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên. Ảnh: Hoàng Phương

Nghề trồng cam lâu đời

Thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang) đã có nghề trồng cam lâu đời. Với diện tích trồng cam lên đến 225ha, trung bình mỗi năm thị trấn Tân Yên thu khoảng 10 tấn cam/ha, mang lại giá trị kinh tế cao và cơ hội việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn.

Hình ảnh những trái cam sành vàng óng, trĩu cành vào mùa ở huyện Hàm Yên đã không còn xa lạ đối với người tiêu dùng gần xa. Sở hữu hương vị ngọt ngào, thanh mát, càng những ngày giáp Tết cam sành vừa đúng độ chín càng đắt hàng hơn.

Theo nghề trồng cam đã hơn chục năm nay, cứ mỗi độ xuân về gia đình chị Lâm Thị Ánh (34 tuổi, tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên) lại tất bật thu hoạch cam đem bán trong khu vực và các thương lái từ khắp mọi miền.

Bà Lâm Thị Ánh (34 tuổi, tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên) cắt cam cho khách hàng. Ảnh Hoàng PhươngChị Lâm Thị Ánh cắt cam cho khách hàng. Ảnh: Hoàng Phương

Với diện tích hơn 1ha, sản lượng trung bình mỗi năm 20 – 30 tấn cam, mỗi năm gia đình chị Ánh thu 200-300 triệu đồng.

Tùy vào thay đổi của từng năm, giá cam sành dao động trong khoảng từ 10.000-12.000 đồng/kg. So với nhiều loại cam khác có mã đẹp, cam sành nổi bật với lớp vỏ sần, vàng sẫm và lốm đốm chấm đen. Quả cam càng sẫm màu, thậm chí có màu sạm đen do “cháy nắng” sẽ càng đạt được độ chín, ngọt và mọng nước.

Ông Lê Quý Đáng (74 tuổi) – Chi Hội trưởng Hội Cam sành thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên cho hay: “Từ ngày cam sành có thương hiệu, thị trường buôn bán được mở rộng hơn. Trước đây người dân chủ yếu bán trong tỉnh, nay thị trường ngày càng mở rộng đến các tỉnh thành khác như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Bắc Giang,… Thậm chí đầu mối ở các tỉnh miền Trung, miền Nam hàng năm cũng có nhu cầu đến thu mua cam sành”.

Cũng theo ông Đáng, trong suốt quá trình nuôi trồng và chăm sóc cam, tất cả công đoạn được thực hiện nghiêm theo quy trình VietGAP. Nhờ đó, trái cam sành ngày càng tự tin vươn xa hơn, có mặt tại nhiều nơi trên cả nước, trong các nhà hàng, siêu thị nổi tiếng.

Kỳ công chăm sóc

Cam sành là loại cây ăn quả lâu năm, tuổi thọ của cây trung bình từ 18-20 năm. Trải qua nhiều khâu nuôi trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh,… phải mất đến 5 năm người dân mới cho ra được những trái cam thơm ngon, bổ dưỡng đến người tiêu dùng.

Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây, trong quá trình trồng cam, mỗi cây phải cách nhau ít nhất 4m. Sau khi trồng, mỗi năm cây được bón phân ít nhất 2 lần, chủ yếu từ tháng 1 đến tháng 9.

Người dân chăm sóc vườn cam. Ảnh Hoàng PhươngNgười dân chăm sóc vườn cam. Ảnh :Hoàng Phương

Ông Nguyễn Trọng Lịch (54 tuổi, tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên) là người đã có trên 20 năm kinh nghiệm trồng cam cho biết, cây cam sành sau khi thu hoạch quan trọng phải tiếp tục được chăm sóc và bón phân.

Loại phân bón được người dân nơi đây sử dụng có đến 80% là phân hữu cơ, nước tưới sẽ chủ yếu nhờ nước mưa tự nhiên hoặc dùng máy bơm nước từ các hồ chứa.

Công đoạn trồng cam tuy không quá phức tạp, nhưng đòi hỏi người dân phải có sự chăm chỉ, bền bỉ với nghề.

Do vườn có nhiều cây cam bị bệnh, thiếu mưa khiến cây cằn cỗi, khô héo, gia đình anh Phan Đức Tài (37 tuổi, tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên) không khỏi lo lắng, xót xa.

“Thời gian gần đây, một số vườn cam trong vùng và gia đình tôi có dấu hiệu nhiễm bệnh. Cây cam có hiện tượng vàng lá rồi rụng, cây héo, quả nhỏ không cho năng suất cao.

Nhiều đoàn chuyên gia đã đến để lấy mẫu xét nghiệm, dự đoán tình hình dịch bệnh nhưng đến nay vẫn chưa có loại thuốc nào có thể chữa hoàn toàn cho cây cam sành”, ông Tài cho hay.