Vàng da sơ sinh: Tất tần tật những điều mẹ cần biết! • Hello Bacsi
Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ giúp bạn có thêm thông tin về những vấn đề xung quanh tình trạng trẻ sơ sinh bị vàng da như dấu hiệu vàng da ở trẻ sơ sinh, nguyên nhân vàng da ở trẻ sơ sinh, vàng da ở trẻ sơ sinh bao lâu thì hết, mẹo chữa vàng da ở trẻ sơ sinh…
Vàng da sinh lý và
vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh
Vàng da sơ sinh là tình trạng các vùng da phần trên cơ thể (mặt, ngực…), kết mạc và cả củng mạc (lòng trắng mắt) của bé có màu vàng. Đây là hiện tượng rất thường gặp ở trẻ sơ sinh với tỷ lệ gặp phải là khoảng 60% ở trẻ đủ tháng và 80% ở trẻ sinh non.
Vàng da sơ sinh có 2 loại là vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý. Vàng da sinh lý thường vô hại, có thể tự biến mất mà không cần điều trị. Trong khi, vàng da bệnh lý lại có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như nhiễm độc thần kinh, hậu quả là trẻ sẽ tử vong hoặc bị di chứng não suốt đời.
Vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh
Vàng da sinh lý là tình trạng bé sơ sinh bị vàng da ở mức độ nhẹ, thường xuất hiện sau sinh 2 – 3 ngày. Bé chỉ bị vàng da vùng mặt, cổ, ngực, vùng bụng phía trên rốn và không kèm theo các triệu chứng như thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, lừ đừ…
Chỉ số bilirubin vàng da ở trẻ sơ sinh không quá 12mg% ở trẻ đủ tháng và không quá 14mg% ở trẻ thiếu tháng. Tốc độ tăng bilirubin/máu không quá 5mg% trong 24 giờ. Vàng da ở trẻ sơ sinh bao lâu thì hết? Nếu là vàng da sinh lý, tình trạng này có thể biến mất sau 1 – 2 tuần.
Vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh
Vàng da bệnh lý là tình trạng vàng da xuất hiện trong 1 – 2 ngày sau sinh, tiến triển nhanh, mức độ vàng nhiều không chỉ xuất hiện ở mặt, mắt mà còn lan đến bụng, cánh tay, chân và còn có thể có các triệu chứng như bỏ bú, nôn trớ, sốt, khóc nhiều, phân bạc màu…