Văn phòng Thừa phát lại sử dụng biển hiệu không đúng quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính thế nào?


Tôi có thắc mắc liên quan đến Văn phòng Thừa phát lại. Cho tôi hỏi Văn phòng Thừa phát lại sử dụng biển hiệu không đúng quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính thế nào? Câu hỏi của anh Thành Nam ở Lâm Đồng.

Việc sử dụng biển hiệu của Văn phòng Thừa phát lại được quy định thế nào?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 08/2020/NĐ-CP về Văn phòng Thừa phát lại như sau:

Văn phòng Thừa phát lại

2. Tên gọi của Văn phòng Thừa phát lại phải bao gồm cụm từ “Văn phòng Thừa phát lại” và phân tên riêng liên sau. Việc đặt tên riêng và gắn biển hiệu thực hiện theo quy định của pháp luật, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của Văn phòng Thừa phát lại khác trong phạm vi toàn quốc, không được vi phạm truyền thông lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Theo quy định trên, việc gắn biển hiệu của Văn phòng Thừa phát lại được thực hiện theo quy định của pháp luật, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của Văn phòng Thừa phát lại khác trong phạm vi toàn quốc, không được vi phạm truyền thông lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Văn phòng thừa phát lại

Văn phòng thừa phát lại (Hình từ Internet)

Văn phòng Thừa phát lại sử dụng biển hiệu không đúng quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính thế nào?

Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 33 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm quy định về hoạt động của văn phòng thừa phát lại như sau:

Hành vi vi phạm quy định về hoạt động của văn phòng thừa phát lại

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không niêm yết lịch làm việc hoặc nội quy tiếp người yêu cầu tại trụ sở văn phòng thừa phát lại;

b) Không niêm yết thủ tục hoặc chi phí thực hiện công việc tại trụ sở văn phòng thừa phát lại;

c) Lập, quản lý, sử dụng sổ sách, biểu mẫu không đúng quy định;

d) Thực hiện không đầy đủ chế độ thông tin, báo cáo theo quy định; chấp hành không đầy đủ yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về việc báo cáo phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm sát, giám sát;

đ) Sử dụng biển hiệu không đúng mẫu quy định;

e) Không bảo đảm trang phục cho thừa phát lại theo quy định;

g) Lưu trữ hồ sơ công việc không đúng quy định.

Theo khoản 4, khoản 5 Điều 4 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau:

Quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức

4. Mức phạt tiền quy định tại các Chương II, III, IV, V, VI và VII Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trừ các điều quy định tại khoản 5 Điều này. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

5. Mức phạt tiền quy định tại các Điều 7, 8, 9, 16, 17, 24, 26, 29, 33, 39, 50, 53, 63, 71, 72, 73, 74 và 80 Nghị định này là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức.

Theo đó, Văn phòng Thừa phát lại sử dụng biển hiệu không đúng quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Tư pháp có quyền xử phạt Văn phòng Thừa phát lại sử dụng biển hiệu không đúng quy định không?

Theo quy định tại khoản 5 Điều 84 Nghị định 82/2020/NĐ-CP về quyền của Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Tư pháp như sau:

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Thanh tra

5. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Tư pháp có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 21.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình; đến 28.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; đến 35.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp;

c) Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hành nghề, thẻ tư vấn viên pháp luật, thẻ công chứng viên, thẻ thừa phát lại, thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định này.

Như vậy, Văn phòng Thừa phát lại sử dụng biển hiệu không đúng quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 3.000.000 đồng nên Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Tư pháp có quyền xử phạt Văn phòng này.