Văn phòng TBT-Bộ GTVT

NHẬN BIẾT VỀ HIỆP ĐỊNH

HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI

 

Hiện nay, Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Là thành viên WTO, chúng ta phải thực hiện đúng các cam kết của các hiệp định có liên quan, trong đó có Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Hiệp định TBT). Đối với Việt Nam chúng ta, khái niệm về hàng rào kỹ thuật trong thương mại chưa được nhiều người (trong đó có cả những người trong cuộc) biết đến. Như vậy, hơn bao giờ hết, chúng ta cần nhận biết rõ về khái niệm này thì mới thực hiện tốt được.

Hàng rào kĩ thuật trong thương mại

Bản chất của hàng rào kĩ thuật trong thương mại là những rào cản tạo ra do sự khác nhau về yêu cầu đối với cùng một sản phẩm tại các quốc gia khác nhau. Nói cách khác, mọi yêu cầu khác nhau về thành phần, về chất lượng hoặc đặc tính kĩ thuật, đặc tính sử dụng đối với một sản phẩm cụ thể giữa các nước quyết định nguồn rào cản trong trao đổi thương mại sản phẩm đó. Mặc dù sự khác nhau được đề cập trên đây thường xuất phát từ thói quen truyền thống ở mỗi nước, nhưng cũng không loại trừ khả năng chúng được tạo ra do chính sách kinh tế của nhà nước. Tại sao rào cản lại là công cụ bảo hộ thị trường trong nước? Trong thực tế, sự đòi hỏi của thị trường trong nước được nền kinh tế trong nước nghiên cứu để đưa ra các loại hàng hoá phù hợp phải qua một quá trình chi phí sản xuất ban đầu khá lớn, bao gồm cả các quá trình nghiên cứu và thử nghiệm rất tốn kém. Giả sử các loại hàng hoá đó được nhập khẩu ngay từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu hiện tại, như vậy sản phẩm sản xuất trong nước bước đầu sẽ chịu sự thua thiệt. Nếu nhà nước không có sách lược phát triển đúng đắn và không có sự hỗ trợ thích hợp, các loại hàng hoá này sẽ không có chỗ đứng trên thị trường để hoàn thiện về chất lượng và giảm giá thành để phát triển. Sự tiếp diễn liên tục hiện tượng này sẽ làm cho nền kinh tế của một quốc gia không phát triển được và dần phải chịu sự phụ thuộc vào bên ngoài. Như vậy cần phải thiết lập một hệ thống rào cản kĩ thuật nhất định và chúng được gọi là hàng rào kĩ thuật trong thương mại (TBT).

TBT được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, song nó bao gồm 3 nhóm yếu tố chính.

Nhóm yếu tố thứ nhất là qui chuẩn kĩ thuật bao gồm: Qui chuẩn kĩ thuật chung qui định về kĩ thuật và quản lý; Qui chuẩn kĩ thuật an toàn qui định về mức, chỉ tiêu, yêu cầu liên quan đến an toàn; Qui chuẩn kĩ thuật môi trường qui định về mức, chỉ tiêu, yêu cầu về môi trường; Qui chuẩn kĩ thuật quá trình qui định yêu cầu về vệ sinh, an toàn trong quá trình sản xuất, khai thác, chế biến, bảo quản, vận hành, vận chuyển, sử dụng, bảo trì sản phẩm, hàng hoá và cuối cùng là Qui chuẩn kĩ thuật dịch vụ qui định yêu cầu về an toàn, vệ sinh trong dịch vụ.

Nhóm yếu tố thứ hai là tiêu chuẩn kĩ thuật  bao gồm: Tiêu chuẩn cơ bản qui định những đặc tính, yêu cầu áp dụng chung; Tiêu chuẩn thuật ngữ qui định tên gọi, định nghĩa hàng hoá; Tiêu chuẩn yêu cầu kĩ thuật qui định về mức, chỉ tiêu, yêu cầu đối với hàng hoá; Tiêu chuẩn phương pháp thử qui định phương pháp lấy mẫu, đo, xác định, phân tích, kiểm tra, khảo nghiệm, giám định các mức, chỉ tiêu yêu cầu của hàng hoá và Tiêu chuẩn ghi nhãn, bao gói, vận chuyển và bảo quản qui định các yêu cầu về ghi nhãn, bao gói, vận chuyển và bảo quản hàng hoá.

Nhóm yêu tố thứ ba của hàng rào kĩ thuật trong thương mại là quá trình xem xét sự phù hợp tức là đánh giá sự phù hợp của hàng hoá với tiêu chuẩn và qui chuẩn kĩ thuật.

Các yêu cầu trong những nhóm yếu tố trên đây rất cần thiết cho hoạt động trao đổi mua bán hàng hoá hiện nay.

  Lý thuyết trao đổi thương mại quốc tế liệt TBT vào nhóm hàng rào phi thuế quan (hàng rào ngoài thuế quan). Ngoài TBT, nhóm hàng rào phi thuế quan này còn bao gồm các rào cản khác như qui định cấm nhập khẩu của nhà nước, sự trợ giúp của nhà nước để phát triển nền kinh tế trong nước…  

Ví dụ về những hàng rào phi thuế quan trong lĩnh vực phương tiện giao thông cơ giới đường bộ ở Việt Nam là quy định về tỷ lệ nội địa hoá các chi tiết trong sản xuất, lắp ráp mô tô, xe máy cũng như ô tô rồi đến qui định về hạn chế nhập khẩu mô tô, xe máy, ô tô cũ. Từ ví dụ này, chúng ta thấy rằng những quy định trên đây được đưa ra nhằm mục đích tạo công ăn việc làm, phát triển nền công nghiệp trong nước và đảm bảo trật tự an toàn giao thông, hạn chế tai nạn giao thông, bảo vệ môi trường. Thế nhưng những qui định này, sắp tới chúng ta phải xem xét lại để phù hợp với những qui định của WTO mà chúng ta cam kết thực hiện. Tuy mang lại những lợi ích về an ninh trật tự, về xã hội, về kinh tế nhưng chúng ta lại phải xét xem những qui định trên đây có ảnh hưởng đến thương mại của các nước khác muốn xuất khẩu ô tô, xe máy sang Việt Nam hay không. Điều đó có nghĩa là, có những cái trước đây được coi là bình thường, hợp đạo lý nhưng đối với việc hội nhập WTO thì lại có thể là những vi phạm, không tuân thủ các nguyên tắc qui định. Và như thế nếu muốn gia nhập tổ chức này, thì chúng ta phải điều chỉnh các qui định cho phù hợp với các nguyên tắc chung.

Các nguyên tắc của Hiệp định TBT

          Hiệp định TBT đã đề ra các nguyên tắc như không phân biệt đối xử; không cản trở thương mại; công khai, minh bạch về các biện pháp kỹ thuật mà các nước sử dụng; hài hoà tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế; thừa nhận lẫn nhau các kết quả thử nghiệm, kiểm tra, giám định chất lượng…

          Trong các nguyên tắc trên đây, theo chúng tôi có 3 nguyên tắc cơ bản là khong phân biệt đối xử, không cản trở thương mại và công khai, minh bạch.

Không phân biệt đối xử  

Hiệp định TBT đòi hỏi phải đảm bảo có sự đối xử như nhau giữa các nước thành viên WTO; giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, giữa các doanh nghiệp nhà nước với nhau và giữa các doanh nghiệp tư nhân với nhau ở trong nước và giữa hàng hoá sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu vào nước mình. Theo nguyên tắc này, Hiệp định TBT đòi hỏi các thành viên áp dụng quy chế tối huệ quốc và quy chế không phân biệt đối xử khi đưa ra các quy định quản lý kỹ thuật.

Không cản trở thương mại 

Theo nguyên tắc này khi đáp ứng một hay đồng thời các nội dung: Áp dụng tiêu chuẩn quốc tế; Đưa ra mục tiêu quản lý về bảo vệ an toàn, sức khoẻ và cuộc sống con người, đảm bảo sự sống cho động vật và thực vật, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh quốc gia, chống gian lận thương mại; Chấp nhận những qui định tương đương của các nước thành viên WTO khác thì phải đảm bảo không được ảnh hưởng đến thương mại.

Theo Hiệp định TBT, các nước thành viên áp dụng tiêu chuẩn quốc tế như ngôn ngữ kỹ thuật thống nhất đối với tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá. Như vậy, một khi tiêu chuẩn quốc tế được áp dụng thì hàng rào kỹ thuật không được tạo ra trong trao đổi hàng hoá giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, khi yêu cầu tất cả các nước thành viên dù là đang phát triển hay đã phát triển ở trình độ cao đều phải áp dụng tiêu chuẩn quốc tế cho hàng hoá của mình sẽ tạo nên sự không bình đẳng. Do vậy, Hiệp định TBT không bắt buộc các nước thành viên phải áp dụng tiêu chuẩn quốc tế một cách như nhau.

Nguyên tắc của Hiệp định TBT là không cho phép các nước thành viên đưa ra yêu cầu cao hơn tiêu chuẩn quốc tế, nếu không chứng minh được việc đưa ra như vậy là cần thiết vì những mục đích hợp pháp như bảo vệ an toàn, sức khoẻ và cuộc sống con người, đảm bảo sự sống cho động vật và thực vật, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh quốc gia, chống gian lận thương mại.

Một nước có thể áp dụng tiêu chuẩn hàng hoá thấp hơn tiêu chuẩn quốc tế do khả năng công nghệ, trình độ quản lý và nhận thức chưa đầy đủ của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm. Trong trường hợp này, nước đó cũng chỉ được đưa ra yêu cầu tương tự đối với hàng nhập khẩu, bằng không sẽ vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử. Tuy nhiên, việc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá dưới mức tiêu chuẩn quốc tế sẽ gây ra giảm an toàn trong sử dụng, làm cho môi trường dễ bị ô nhiễm hơn và quan trọng hơn là làm cho hàng hoá xuất khẩu của nước mình khó có khả năng cạnh tranh được trên thị trường quốc tế.

Như vậy, việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế là con đường phải đi nếu muốn phát triển nền kinh tế đất nước.

Công khai, minh bạch

Thực hiện nguyên tắc này, các thành viên WTO công khai, minh bạch việc thực thi hai nguyên tắc đã được đề cập trên đây. Thể theo nguyên tắc này, các qui định liên quan đến TBT phải được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để bất kì ai cũng có thể tếp cận được.

Không những thế, trước khi một nước thành viên WTO muốn ban hành một quy định để quản lý chất lượng hay kỹ thuật đối với một hàng hoá nào đó có khả năng gây cản trở thương mại hay phân biệt đối xử thì phải thông báo cho các nước thành viên khác biết trước khi ban hành với một thời hạn nhất định để xem xét và góp ý kiến. Nếu có ý kiến cho rằng, việc ban hành quy định không phù hợp với các nguyên tắc của Hiệp định TBT thì nước thành viên đó phải nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp.

Việc công khai minh bạch không chỉ tạo thuận lợi cho các thành viên WTO khác, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho cả các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong nước trong việc áp dụng, vì những qui định liên quan đến TBT đưa ra để áp dụng chung cho cả hàng hoá nhập khẩu và hàng hoá sản xuất trong nước. Như vậy, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong nước có quyền góp ý trước khi một qui định quản lý ra đời, để đảm bảo lợi ích của mình với tư cách là một bên chịu ảnh hưởng bởi quyết định quản lý đó.

Ngoài ra, Hiệp định TBT còn khuyến khích các nước thành viên ký kết các thoả thuận thừa nhận lẫn nhau đối với kết quả thử nghiệm, chứng nhận, kiểm tra, giám định chất lượng hàng hoá. Việc ký các thoả thuận này sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp trong việc giảm chi phí và thời gian do không phải thử nghiệm lại, giám định lại chất lượng tại nước nhập khẩu hàng hoá.

Tóm lại

Mục tiêu chính của Việt Nam là làm sao kết hợp quá trình gia nhập WT0 với những chiến lược phát triển kinh tế, xã hội mang tầm quốc gia. WT0 đã đưa ra những quy định liên quan đến việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các thủ tục đánh giá sự phù hợp nhằm bảo đảm các sản phẩm, hàng hoá đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định TBT. Việc đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định TBT của Việt Nam là một phần rất quan trọng và cực kì cần thiết của quá trình hội nhập WT0. Mặc dù vậy, cho đến nay đối với chúng ta khái niệm về TBT vẫn là vấn đề còn rất mới mẻ. Để thực thi được tốt Hiệp định TBT, cần phải có những nghiên cứu sâu rộng hơn nữa để nhận biết thật cụ thể về vấn đề này.

 

TS. Lê Quý Thuỷ

Chánh Văn phòng TBT-BGTVT

Các bài đã đăng:

Nhận biết về hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại