Văn hóa, văn nghệ là một mặt trận –Văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy

UNESCO đã tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là danh nhân văn hóa thế giới, người anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, bên cạnh những bài viết, bài nói chỉ đạo thực tiễn cách mạng, Người còn sáng tác thơ, văn và sử dụng văn hóa, nghệ thuật, coi đó là một phương tiện hữu dụng để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, xây dựng con người mới và chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa.

“Nhật ký trong tù” là một trong những tác phẩm văn chương kiệt xuất Người để lại cho chúng ta. Tác phẩm đã trình bày sâu sắc quan điểm mác xít về văn hoá, văn nghệ; qua đó định hướng sự phát triển của nền văn hóa, nghệ thuật Việt Nam thời kỳ mới. Vì vậy, các học giả và báo chí nước ngoài đánh giá rất cao tác phẩm của Người và khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh là tinh hoa văn hóa của dân tộc, là trí tuệ lỗi lạc của Việt Nam và thế giới, nhân vật lịch sử nổi bật trong thế kỷ XX; quan điểm, tư tưởng, văn hóa của Người tỏa sáng trong thế kỷ XXI.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, cách mạng Việt Nam muốn giành thắng lợi thì nhất thiết phải xây dựng cho được nền văn hoá, văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Người nhấn mạnh văn hóa, nghệ thuật phải gắn với thực tiễn cuộc sống, với bộ đội và nhân dân, phục vụ tốt nhất nhu cầu của cách mạng. Người chỉ rõ: Văn hóa, văn nghệ là một mặt trận; người nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Vì vậy, văn nghệ sĩ phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc sứ mệnh và trọng trách cao cả của văn hóa, văn nghệ là “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, trước hết là công, nông, binh”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân sự kết tinh những gì là tinh túy nhất của truyền thống văn hoá dân tộc, văn hóa phương Đông và tinh hoa của các nền văn minh thế giới, giúp chúng ta nhìn nhận rõ hơn bản chất, tầm vóc, giá trị và ý nghĩa của việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc và thời kỳ toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Người chỉ rõ: Giá trị và ý nghĩa của văn nghệ sĩ là cầm bút đấu tranh vạch trần tội ác của quân xâm lược và bè lũ tay sai bán nước, là được sống trong lòng nhân dân, được cống hiến, phục vụ sự nghiệp đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng. Đó là niềm vinh dự, tự hào; đồng thời là nghĩa vụ, trách nhiệm cao cả của người cầm bút trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, đấu tranh chống mọi sự bảo thủ, trì trệ, lạc hậu, phản cách mạng.

Văn hóa, nghệ thuật phản ánh tâm hồn, cốt cách, nhân cách con người Việt Nam; mang đậm bản sắc dân tộc, đạt đến giá trị chân – thiện – mỹ và tỏa sáng trong thời đại Hồ Chí Minh. Vì vậy, văn hóa, nghệ thuật trở thành một bộ phận quan trọng, gắn bó khăng khít với sự nghiệp cách mạng; tiếp tục đồng hành cùng dân tộc và cách mạng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bả vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Biểu diễn nghệ thuật chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025. (Ảnh tư liệu của Minh Hoàng)

Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định văn hóa, nghệ thuật là mục tiêu, động lực, sức sống của cách mạng Việt Nam. Người khẳng định:“Nghệ thuật chân chính là cốt để phục vụ nhân dân”, “Phục vụ nhân dân là mục đích của văn nghệ ta”. Quan điểm của Người vẫn còn nguyên giá trị chỉ đạo phát triển văn hóa, nghệ thuật trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay; là phương châm chỉ đạo thống nhất nhận thức và hành động của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong bối cảnh mới.

Người dạy rằng đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà cần nhận thức sâu sắc mục đích và phương pháp sáng tác hiện nay, tựu chung là: “Viết cho ai”, “Viết để làm gì”, “Viết cái gì”, “Cách viết thế nào” và “Viết rồi phải thế nào”. Trong đó, “Viết cho ai” được đặt lên hàng đầu và là lời giải đáp đúng đắn nhất cho văn nghệ sĩ là viết cho đồng bào ta, chiến sĩ ta.

Đối với câu hỏi “Viết cho ai”, Người căn dặn văn nghệ sĩ phải đặt lên hàng đầu sự tôn trọng người đọc, thấu hiểu những điều họ mong muốn, hướng đến. Vì vậy, khi cầm bút, suy nghĩ mọi điều và sáng tạo, văn nghệ sĩ cần phải tường minh chủ đề, sự kiện, mọi ý tưởng đều phải rõ ràng, nhắm trúng đối tượng phục vụ, cắt nghĩa cho rõ họ là ai, có nhu cầu gì, ai sẽ đọc tác phẩm của mình; trình độ, vốn sống, sự hiểu biết, nhận thức, tư tưởng, tình cảm và tâm lý của họ như thế nào; từ đó văn nghệ sĩ chọn cách trình bày, diễn đạt nội dung tư tưởng, xác định độ dài ngắn của tác phẩm cho phù hợp với trình độ, nhu cầu thưởng thức tác phẩm.

Người luôn đặt yêu cầu cao đối với văn nghệ sĩ là phải bám sát đời sống thực tiễn, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Người luôn nhắc các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước phải quan tâm động viên anh chị em văn nghệ sĩ để họ an tâm, hăng say, tâm huyết với nghề, có nhiều bài viết hay, tác phẩm tốt, kịp thời biểu dương người tốt việc tốt, ca ngợi chế độ mới, con người mới, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng đời sống văn hoá mới do Đảng lãnh đạo.

Theo Người, bộ đội và nhân dân đang chờ đợi những tác phẩm văn nghệ tốt không chỉ để thưởng thức mà còn để giáo dục con cháu ta đời sau. Văn nghệ sĩ cách mạng phải thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của bộ đội và nhân dân; bằng bản lĩnh và trí tuệ; lương tâm và trách nhiệm, viết nhiều hơn nữa những tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ giá trị văn hóa, nghệ thuật của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

Xuất phát từ thực tiễn đất nước, trình độ dân trí của quảng đại quần chúng nhân dân, Người nhắc nhở văn nghệ sĩ không nên viết, trình bày tác phẩm theo “thói ba hoa”, “đã rỗng lại dài”, làm người đọc khó hiểu, mất thời gian, tác dụng tuyên truyền, giáo dục thấp. Điều đó không có nghĩa là Người phê phán một số tác phẩm có độ dày lớn, nhiều trang in. Theo Người, nội dung quyết định hình thức. Giá trị và sức thuyết phục của tác phẩm không hoàn toàn phụ thuộc vào độ dài hay ngắn, mà quan trọng nhất là nội dung, chất lượng của tác phẩm, nó có thuyết phục được người đọc, người thưởng thức nó hay không. Người viết: “… những sách lý luận, hoặc cuốn sách này chẳng hạn, không phải dài sao? Phải. Nó dài, nhưng mỗi câu, mỗi chữ có một ý nghĩa, có một mục đích, không phải rỗng tuếch”.

Người nhấn mạnh sự cần thiết phải chống nói dài, viết rỗng, vì “Trong lúc kháng chiến này, chiến sĩ trước mặt trận phải đánh giặc, đồng bào ở hậu phương phải tăng gia sản xuất. Ai có thì giờ đâu mà xem”.  Cho nên, văn nghệ sĩ phải cố gắng “Miêu tả cho hay, cho chân thật và cho hùng hồn những người, những việc ấy, bằng văn, bằng thơ, bằng vẽ và bằng các nghệ thuật khác,…”; phải phản ánh sát, đúng đời sống hiện thực sinh động mà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang sống, đang làm, đang trải nghiệm và cần sự khích lệ, động viên, cỗ vũ và đem đến cho họ lời giải đáp về những vấn đề họ tâm tư, những thắc mắc mà họ muốn tháo gỡ.

Người khuyên mọi văn nghệ sĩ phải học tập cách viết ngắn gọn, giản dị, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, thiết thực, trong sáng và vui tươi và không ngừng nâng cao chất lượng tác phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu hiện tại;  có làm như thế mới phù hợp với trình độ, sự hiểu biết của quảng đại quần chúng nhân dân; không nên đánh đố độc giả, làm khó bộ đội và nhân dân.

Người phê phán lối viết, cách làm rập khuôn, đơn điệu, giáo điều, dù các tác phẩm, tranh, tượng đã nói lên được tình người, mưu tả chân thật những người lao động bình thường nhưng chưa nói lên được khí thế thi đua sôi nổi của quần chúng.  Theo Người, văn hoá, nghệ thuật phải có “cung, bậc mới”, phải có “hương, sắc” của sự sáng tạo để từ đó “thổi hồn” vào bộ đội và nhân dân; làm cho vườn hoa văn hóa, nghệ thuật cách mạng ngày một tươi đẹp hơn, có sức sống mãnh liệt hơn, có “nhiều chồi non, lộc biếc và hương thơm, quả ngọt” cho đời.

Vì vậy, văn nghệ sĩ muốn tuyên truyền, giáo dục bộ đội và quần chúng nhân dân thì phải nắm bắt lời ăn, tiếng nói của bộ đội và nhân dân, phải tắm mình trong thực tiễn cách mạng, có làm như vậy thì văn hóa, nghệ thuật mới lọt tai quần chúng, mới đi vào lòng người; giáo dục, thuyết phục được họ.

Theo Người, nền văn hóa xã hội chủ nghĩa cần phát triển theo hướng kết hợp giữa kế thừa và cách tân, cổ điển và hiện đại, dân tộc và quốc tế; trong đó, chú trọng kế thừa các giá trị chân – thiện mỹ của văn hóa dân tộc Việt Nam, bởi nền văn hóa xã hội chủ nghĩa không phải “từ trên trời rơi xuống” nên nó cần phải tiếp thu những cái hay, cái đẹp của văn hoá truyền thống với tinh thần: “gạn đục khơi trong” và “phục cổ”, làm mới nhưng không “rập khuôn, máy móc”, “nói khôi phục vốn cũ, thì nên khôi phục cái gì tốt, còn cái gì không tốt thì nên loại bỏ dần”.

Theo Người, tính dân tộc không mâu thuẫn với tính hiện đại; không phủ định quá khứ, cũng không lý giải một cách phi lịch sử, hiện đại hoá tính dân tộc theo quan điểm tuỳ tiện. Tính dân tộc phải gắn bó với tính quốc tế, phải mang tính quốc tế theo tính dân tộc xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, chúng ta rất cần phải kế thừa – cách tân, vừa cổ điển – hiện đại, vừa dân tộc – quốc tế; có nghĩa là ở phương Tây hay phương Đông có cái gì tốt, ta học lấy, kế thừa, tiếp thu có chọn lọc để tạo ra một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Vì thế, mỗi tác phẩm văn hóa, nghệ thuật cần lột tả, phản ánh cho được cái hồn, cái cốt tinh túy của dân tộc. Trong đó, phải kiên quyết đấu tranh loại bỏ những tàn dư lạc hậu, cổ hủ, lệch lạc từ trong nền văn hóa của dân tộc.

Trong thời kỳ mới, chúng ta cần quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, nghệ thuật; coi văn hoá, nghệ thuật “là vũ khí sắc bén”, có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Văn hóa, nghệ thuật không chỉ là mục tiêu, động lực to lớn thúc đẩy bộ đội và nhân dân vươn tới đỉnh cao, đạt được những giá trị chân – thiện – mỹ, mà còn có sức mạnh to lớn trong phát triển kinh tế – xã hội nước nhà; là động lực thúc đẩy mọi hoạt động cách mạng của bộ đội và nhân dân, là sợi dây liên kết các mặt trận: kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh… để triền khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Quan điểm của Người không chỉ là sự kết tinh giá trị truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước được UNESCO khẳng định, đánh giá cao, mà còn có ý nghĩa thiết thực trong chỉ đạo sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Chúng ta cần triệt để khai thác, kế thừa, vận dụng và phát huy các giá trị chân – thiện – mỹ của văn hóa, nghệ thuật của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ mới.