Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận
Trên Báo Cứu quốc, số 1986, ngày 5-1-1952, đăng toàn văn Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa của Chủ tịch Hồ Chí Minh có đoạn: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Đây là lời khẳng định vai trò, vị trí của văn hóa, nghệ thuật và văn nghệ sĩ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
1. Văn hóa nghệ thuât là gì.
Khái niệm về văn hóa: Hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu nêu lên hàng trăm định nghĩa về văn hóa. Bạn đọc dễ dàng tìm thấy các định nghĩa nầy tại các công trình nghiên cứu văn hóa, các giáo trình về văn hóa học, văn hóa Việt Nam…Tựu trung, nói một cách đơn giản, văn hóa là hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy. Người ta có thể phân loại văn hóa thành văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể; văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần; văn hóa dân gian và văn hóa bác học; văn hóa xã hội và văn hóa nghệ thuật; văn hóa vùng, văn hóa tộc người…tùy vào tiêu chí phân loại
Khái niệm về nghệ thuật.
Định nghĩa về nghệ thuật gồm hai vế sau đây thường được nhắc đến:
“Nghệ thuật là sự sáng tạo, các hoạt động để tạo ra các sản phẩm (có thể là vật thể hoặc phi vật thể) mang lại những giá trị lớn về tinh thần, tư tưởng và có giá trị thẩm mỹ, mang giá trị văn hóa và làm rung động cảm xúc, tư tưởng tình cảm của khán giả (người thưởng thức tác phẩm nghệ thuật). Trong mỗi loại hình nghệ thuật lại có những quy định và ý nghĩa về nghệ thuật khác nhau, nhưng đều có chung quan điểm về giá trị tinh thần và tư tưởng.
Nghệ thuật là cái hay cái đẹp để người ta chiêm nghiệm qua các giác quan từ đó ngưỡng mộ bởi trình độ, tài năng, kĩ năng, kĩ xảo cao vượt lên trên mức thông thường phổ biến. Theo nghĩa này thường là một tác phẩm nghệ thuật hoặc một nghệ sĩ cụ thể nào đó”. (theo vannghesongcuulong.org.vn)
Như vậy, ta có nghệ sĩ là người sáng tác, người hoạt động biểu diễn nghệ thuật và tác phẩm nghệ thuật. Tác phẩm nghệ thuật thuộc một trong 7 loại hình: Kiến trúc và trang trí; điêu khắc; hội họa; âm nhạc; văn chương; sân khấu; điện ảnh.
2. Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận
Các sáng tác văn học, nghệ thuật (thuộc phạm trù văn hóa) là sản phẩm tinh thần, thể hiện tâm tư tình cảm, thế giới quan và nhân sinh quan của văn nghệ sĩ. Điều nầy có nghĩa là tác phẩm đã thể hiện một lập trường tư tưởng, quan điểm nào đó.
Chính vì vậy mà một tác phẩm văn nghệ có thể gây nên những phản ứng khác nhau thậm chí là đối lập nhau trong xã hội tại những thời điểm khác nhau. Rồi hệ thống các tác phẩm lại thể hiện khuynh hướng tư tưởng của trường phái nầy, tầng lớp kia. Mặt khác, lịch sử đấu tranh xã hội cho thấy các tầng lớp khác nhau luôn có ý thức sử dụng văn hóa, nghệ thuật như một phương tiện để đạt mục đích của mình…Những điều vừa nói cho thấy, văn hóa nghệ thuật thật sự là một mặt trận.
Văn hóa nghệ thuật bao giờ cũng là một mặt trận, vì ở đó luôn diễn ra cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, cái mới và cái cũ, giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa ta với địch…Phạt Tống (Lý Thường Kiệt), Hịch Tướng sĩ (Trần Hưng Đạo), Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh), Đám cưới chuột (tranh dân gian)…là những ví dụ trong cả một kho tàng văn học nghệ thuật mà chúng ta đang có.
3. Văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật
Do văn hóa nghệ thuật có vai trò, vị trí, tác dụng quan trọng đối với xã hội nên người nghệ sĩ hoạt động với tư cách là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật. Bằng hoạt động sáng tác, biểu diễn thông qua các những hình tượng cao đẹp, họ góp phần vào sự chiến thắng của cái Chân,Thiện, Mỹ trong cuộc đời.
Thêm vào đó, lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện yêu cầu về tính Đảng của người nghệ sĩ và khẳng định tính chiến đấu của văn nghệ cách mạng. Giữa lúc cuộc kháng chiến của dân tộc ta đang bước vào giai đoạn gay go quyết liệt (1945-1954), văn nghệ sĩ phải xác định lập trường, nhiệm vụ, vị trí quan trọng của mình với Tổ quốc, với Cách mạng; hoạt động theo phương châm “văn hóa kháng chiến và kháng chiến văn hóa.”
4. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay
Văn nghệ sĩ, bằng tác phẩm của mình tiếp tục “miêu tả một cách chân thực và hùng hồn cuộc sống mới, con nguời mới”, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống cái ác, cái xấu đồng thời góp phần xây dựng một xã hội theo định hướng “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Tác giả bài viết: NT