Văn hóa là gì? :: Suy ngẫm & Tự vấn :: ChúngTa.com
Khái niệm văn hóa đang trở thành thông dụng, nhưng định nghĩa của nó dường như bao giờ cũng tuột khỏi chúng ta. Dù sao sự phát triển của nó cũng gắn chặt với sự phát triển của các khoa học về con người.
Năm 1952, hai nhà nhân học Mỹ, Alfred Kroeber và Clyde Kluckhohn, trong một nỗ lực tìm hiểu, đã công bố một cuốn biên soạn về những ý đồ định nghĩa khái niệm văn hóa – hay những khái niệm gần gũi với nó – trong khoa học xã hội: họ tìm thấy không dưới 164 định nghĩa. Sự khác nhau của chúng không chỉ là ở bản chất của định nghĩa đưa ra (bởi nội dung, chức năng, các thuộc tính), mà cả ở những cách sử dụng tương đối rộng rãi của từ này. Theo A. Kroeber và C. Kluckhon, ít ra có hai cách sử dụng. Một cách, thừa kế triết học thời Khai Sáng, gọi di sản học thức tính luỹ từ Thời Cổ mà các dân tộc phương Tây tin chắc là đã dựng lên nền văn minh của họ trên đó, là “văn hóa”. Cách sử dụng kia, chuyên về nhân học hơn, thì gọi là văn hóa “toàn bộ những tri thức, những tín ngưỡng, những nghệ thuật, những giá trị, những luật lệ, phong tục và tất cả những năng lực và tập quán khác mà con người với tư cách thành viên của xã hội nắm bắt được”, theo định nghĩa được coi là chuẩn do Edward B. Tylor đưa ra năm 1871.
Hai nghĩa này của từ văn hóa vẫn tiếp tục cùng tồn tại khá yên ổn qua những cách dùng hàng ngày của chúng ta. Nhưng từ đầu thế kỷ XIX, khi dự án phát triển một khoa học về con người đã hình thành, thì những ai đảm đương gánh nặng ấy đã phải chịu những bó buộc giống nhau: tìm hiểu cả tính thống nhất lẫn tính đa dạng của giống người. ở đây, khái niệm văn hóa chiếm một vị trí ngày càng tăng do đã đẩy ra khỏi trường khoa học khái niệm tôn giáo “linh hồn”, khái niệm chính trị “quốc gia” hay khái niệm theo thuyết tự nhiên “chủng tộc”. Như vậy, sự vận động của các khoa học xã hội và nhân văn, trong trường của chúng, có thể được đồng hóa với sự vận động đi lên của khái niệm văn hóa như là đối tượng tri thức và thực thể độc lập, và có những cách giải thích riêng của nó.
Dù rất co dãn, khái niệm văn hóa mang theo một vài giả định căn bản. Giả định thứ nhất là văn hóa đối lập với tự nhiên. Cái văn hóa trong con người là cái dường như không có ở những sinh vật khác: tiếng nói có âm tiết, năng lực tượng trưng, sự hiểu biết. Nếu những khả năng ấy tạo thành cái riêng của con người, thì đó không phải chỉ là chúng không có ở động vật mà còn vì chúng được truyền đi theo những con đường khác với tính di truyền: bằng luyện tập, tiếng nói, bắt chước, tất cả những gì mong manh, dễ biến dạng và có thể đảo ngược mà tính di truyền sinh học và mã di truyền không thể có.
Văn hóa chống lại chủng tộc
Mới cách đây vài chục năm, thật thông thường khi đặt tên cho một cuốn sách có tính chất tộc người học bằng công thức ‘Phong tục và tập quán của…’, tiếp theo là tên một cư dân, không kể lớn nhỏ: một nhóm, một tộc người, thậm trí dân cư một nước hay cả một lục địa. Ngày nay, người ta có lẽ sẽ viết “Thử bàn về văn hóa của những…”. Đây không chỉ là một sắc thái. Bất chấp tính co dãn của nó, khái niệm văn hóa thật ra chuyển tải những định nghĩa khác ngoài “phong tục” và “tập quán”. Trong nhân học, nó được dựng lên không chỉ như một đối tượng tư duy với nội dung thay đổi qua thời gian, mà như một công cụ phê phán: trước hết chống lại các lý thuyết chủng tộc, rồi chống lại thuyết tiến hóa. Năm 1871, khi E.B.Tylor đề nghị định nghĩa văn hóa bằng một công thức phức hợp (“một tổ hợp toàn bộ gồm những tri thức, những tín ngưỡng, nghệ thuật, luật pháp, phong tục và những năng lực hay tập quán khác do con người có được với tư cách thành viên của xã hội”), thì từ quan trọng trong đó là “có được”. Làm như vậy, ông đã bác bỏ cách nhìn chung đối với những mô tả chủng tộc, coi nguồn gốc của “phong tục và tập quán của những dân dã man nhất là cấu tạo thể chất của họ, là ảnh hưởng của khí hậu đối với cấu tạo này hay đối với cấu trúc đơn giản nhất mà được giả định của bộ não họ. Ông đã dứt khoát phá bỏ sự liên kết dù còn mờ mịt, nhưng đã cắm sâu vào đầu những nhà nhân học “thể chất”, giữa “chủng tộc” và “phong tục”. Hơn thế nữa, chỉ riêng việc gán một nền ‘văn hóa” cho tất cả các dân đáng được quan sát cũng đã phá bỏ sự phân chia thế giới thành những dân “văn minh”. một bên, và những dân “tự nhiên”, một bên khác. Một cách đơn giản hơn, E.B.Tylor đã đặt những cột mốc lấy văn hóa làm thuộc tính chung cho cả loài người.
Tuy nhiên, giống với nhiều người khác vào thời ông, E.B.Tylor vốn là một người theo thuyết tiến hóa: tính đa dạng của các văn hóa đối với ông là một bảng danh mục những tàn tích của một lịch sử tiến bộ lâu dài đưa tới nền văn minh hiện đại. Như vậy, tất cả các “văn hóa” không phải ở cùng một giai đoạn: giống như đối với Lewis H.Morgan hay Robert Lowie, những người cùng thời với ông, đã có những văn hóa “hoang dã”, “man dã” và “văn minh”. Chúng không ngang nhau trước lịch sử, và sự phân chia ấy đã trải qua một con đường dài, vượt xa cả các lý thuyết tư biện làm chỗ dựa cho chúng: khái niệm “xã hội nguyên thuỷ” đã tiếp tục sống sau khi văn hóa tìm được khái niệm cân bằng với nó (tức “Văn hóa nguyên thuỷ” – BT) trong động thái tiến bộ thế giới.
Tầm quan trọng của khái niệm văn hóa còn tăng thêm khi vào năm 1896, chuyên gia về các xã hội da đỏ châu Mỹ Franz Boas tấn công vào những cách nhìn so sánh của những người theo thuyết tiến hóa. Ông thấy là quá đáng khi đặt các văn hóa trên một thang văn minh và thậm chí so sánh chúng với nhau. Đối với ông, mỗi xã hội phải được xem xét từ bản thân nó, trong số phận của nó và do đó, văn hóa của nó chỉ có thể dựa vào tính riêng biệt của nó đối với một nhóm người nào đó, thậm chí như người ta viết hiện nay, căn tính của nó. Và từ cách nhìn kinh nghiệm ấy đẻ ra, một cách trực tiếp nhiều hơn hay ít hơn, hai cách dự định nghiên cứu văn hóa khác: ‘chủ nghĩa duy văn hóa” Mỹ và “chủ nghĩa chức năng” Anh.
Văn hóa để làm gì?
Trong nhiều biến thể về ý nghĩa mà từ “văn hóa” gánh lấy, có một biến thể được thể hiện bằng thành ngữ “có văn hóa”. ở thế kỷ XX, “có văn hóa” là nắm được tri thức văn học, nghệ thuật và khoa học. Nhưng trong những bối cảnh khác, văn hóa không chỉ có nghĩa là tri thức. Thậm chí còn ngược hẳn lại, đó là một ứng xử không thể giải thích được, như khi người ta khẳng định rằng “đến chậm những cuộc hò hẹn là một nét văn hóa Latin”. Tóm lại, ngay cả khi mọi văn hóa đều mang một phần tri thức, thì chủ yếu đó là tri thức ấy là đối tượng của một niềm tin có ý thức nhiều hay ít, do nó đóng vai trò “văn hóa” và quyết định hành động.
Như nhà nhân học Roy d’Andrade nhấn mạnh, có một văn hóa không có nghĩa như có một hiểu biết về nội dung của văn hóa ấy. Chẳng hạn, một người Âu có thể biết thế nào là “bỏ vợ” nhưng việc bỏ vợ ấy không phải là một phần văn hóa của anh ta. Nói cách khác, mối quan hệ giữa một người với văn hóa của anh ta không chỉ là một mối quan hệ tri thức: trong trường hợp này, nó mang một phần của sự đánh giá, của cái đã trải qua, của thái độ đối với việc “bỏ vợ”. Mặt khác, bỏ vợ không chỉ là một qui tắc cho phép một người đàn ông tống cổ vợ khỏi cửa. Thể chế này được bao bọc một tập hợp những biểu tượng về các quan hệ giữa các giới tính, về sự thống trị của nam giới. Tóm lại không được lầm lẫn khái niệm văn hóa với tổng số những tri thức được một nhóm người nào đó chia sẻ. Nếu hiểu như vậy thì văn hóa là một tác động tới cái cách mà chúng ta suy nghĩ và hành động. Do đó, văn hóa có nhiều chức năng mà về chi tiết có thể nêu lên như sau:
– Chức năng “biểu tượng”: mọi văn hóa chuyển tải tổng số quan trọng những tri thức và tín ngưỡng đối với thế giới bao quanh ta, cũng như cái cách thế giới ấy vận hành và biến đổi;
– Chức năng xây dựng: văn hóa làm tồn tại những thể chế như hôn nhân, tiền bạc, luật pháp, ngôn ngữ mà chúng ta chấp nhận (hay không chấp nhận) những hệ quả của chúng.
– Chức năng hướng dẫn: bằng cách nhập tâm, văn hóa thúc đẩy chúng ta tới chỗ tuân theo những chuẩn mực hành vi. Sự tuân theo ấy gắn liền với nhiều kiểu khen thưởng: cá nhân, đạo đức, xã hội.
– Chức năng gợi ý (évocative): đối mặt với các sự kiện, văn hóa của chúng ta làm cho chúng ta cảm nhận những tình cảm, thể hiện những thái độ, do đó, mọi yếu tố văn hóa đều mang những xúc cảm. Những xúc cảm này có thể là tự nhiên, nhưng cái cách chúng ta sống (bằng cách che giấu chúng hay giải thoát chúng) cũng liên hệ với văn hóa chúng ta.
Việc thử định nghĩa rất rộng này về văn hóa và về tất cả những gì được gán cho nó đưa tới chỗ làm cho văn hóa trở thành một hiện thực tinh thần hơn là vật chất; nó không chỉ nằm ở các đồ vật, các thiết bị, các tượng trưng, mà còn ở các biểu tượng cố định trong các nào chúng ta. Tuy nhiên, đó không phải là những “nhận thức” đơn giản, mà là một tập hợp những biểu tượng huy động “toàn bộ đời sống tâm thần”, từ trí tuệ đến hành động, từ suy luận đến xúc cảm, như R. d’Andrade viết.
Điều đó có hệ quả là có nhiều góc nhìn hoàn toàn thích hợp để có thể mô tả cái chúng ta hiểu là văn hóa: từ những đồ vật nó chứa đựng (các tác phẩm, các tri thức, các tín ngưỡng v.v…), từ những thể chế và chuẩn mực được nó sử dụng, hoặc từ những thiết bị và những ứng xử do nó cai quản.