Văn hóa giao thông là gì? Văn hóa giao thông của học sinh, sinh viên hiện nay

Văn hóa giao thông là gì? Văn hóa giao thông của học sinh, sinh viên hiện nay như thế nào? Hãy cùng Luật Minh Khuê tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Văn hóa giao thông là gì?

1.1. Khái niệm văn hóa giao thông

Yếu tố văn hóa là một trong những yếu tố không thể thiếu đối với một xã hội, đóng vai trò là nền tảng cho sự hình thành và phát triển của một cộng đồng, một đất nước. Văn hóa là một phạm vi rất rộng, bao gồm những giá trị vật chất và phi vật chất, có ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực trong đời sống. Văn hóa có thể gần gũi với con người như nhà cửa, phương tiện, quần áo,…nhưng đồng thời cũng có thể là những giá trị tư tưởng, triết lý,…đòi hỏi quá trình nghiên cứu hàng ngàn năm. Nhìn chung, văn hóa là một phần cốt lõi trong đời sống xã hội bất kể ở thời đại nào, có ảnh hưởng lên mọi cá nhân trong xã hội. Đồng thời, văn hóa tác động lên nhận thức cũng như hành động của mỗi người, hướng mỗi người sống gần gũi với cộng đồng, đòi hỏi con người sống và thay đổi, phát triển theo sự chuyển động của xã hội cũng như thời đại.

Trong khi đó, giao thông được hiểu là hệ thống di chuyển, đi lại của con người bằng đôi chân hoặc trên các phương tiện giao thông trên hệ thống giao thông khắp cả nước. Các phương tiện giao thông phổ biến ở nước ta hiện nay là xe đạp, xe máy, ô tô, tàu hỏa, tàu thủy, máy bay,…

Như vậy, với hai yếu tố cấu thành là văn hóa và giao thông, ta có thể đưa ra định nghĩa văn hóa giao thông là trình độ phát triển của xã hội trong giao thông, được biểu hiện thông qua các hành động di chuyển. Cụ thể hơn, đó là ý thức, thái độ của con người khi tham gia giao thông. Đây là một bộ phận của văn hóa ứng xử công cộng, tập hợp các thái độ, hành động chấp hành quy định của pháp luật về giao thông và tuân thủ chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông.

Phân tích rõ hơn về văn hóa giao thông, phải nhắc đến hai yếu tố rất quan trọng của nó: tính pháp lý và tính cộng đồng.

Tính pháp lý khi tham gia giao thông đề cập đến những hành động chấp hành đúng, gương mẫu và tự giác đối với Luật Giao thông đường bộ. Theo đó, các hành vi ứng xử trước hết phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu, tiếp đến là thực hiện đúng luật định, gương mẫu và tôn trọng những người liên quan, bảo đảm an toàn tài sản, an toàn công cộng và trật tự công cộng. Tuy nhiên hiện nay, ta vẫn thấy trên đuồng phố những hành vi vượt đèn đỏ, dừng đổ đèn đỏ không đúng quy định, chen lấn làn, bóp còi inh ỏi, bật pha trong phố, đi ngược chiều… Đó là những hành vi làm phiền đến những nguoif xung quanh, đồng thời tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông, cần phải được loại bỏ.

Bên cạnh đó, khía cạnh tính cộng đồng trong văn hóa giao thông chính là cách ứng xử, thái độ, mối quan hệ của những người tham gia giao thông. Khía cạnh này được thể hiện ở cách hành xử văn mình, lịch sự, tinh thần tương thân tương ái, sẵn sang giúp đỡ lẫn nhau của mọi người khi lưu thông trên đường. Một số hành động thể hiện tính cộng đồng có thể kể đến như:

– Cứu người bị nạn trên đường: sơ cứu, gọi xe cấp cứu, đưa vào bệnh viện,…

– Nhắc nhở, ngăn chặn các hành vi vi phạm giao thông ở một số người

– Giúp người già, trẻ nhỏ qua đường

– Thông báo cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền khi phát hiện ra các hành vi: rải đinh, đua xe phóng nhanh vượt ẩu, lấn đường,…

Tính cộng đồng ảnh hưởng tích cực đến giao thông khi góp phần giảm thiểu tắc đường, hạn chế tình trạng tranh cãi, gây mất trật tự trị an, va chạm lẫn nhau khi lưu thông trên đường.

 

1.2. Ý nghĩa văn hóa giao thông

Rõ ràng, văn hóa giao thông văn minh có ý nghĩa rất lớn trong việc xây dựng một hệ thống giao thông lưu thông thuận lợi, chất lượng cao. Bởi lẽ, khi xây dựng được văn hóa giao thông tốt sẽ giúp hạn chế ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi trong điều khiển hạ tầng giao thông quốc gia; tạo cơ sở vững chắc cho hệ thống giao thông phát triển hiện đại; tạo nên môi trường giao thông an toàn, nhân ái, thân thiện cho mọi người.

Có thể khẳng định rằng, việc xây dựng văn hóa giao thông là một điều hết sức cần thiết ở nước ta nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Việc xây dựng văn hóa giao thông không phải là nhiệm vụ của mỗi một ai mà là trách nhiệm của tất cả mọi người trong xã hội, từ trẻ nhỏ đến người già, từ nam đến nữ, không phân biệt tôn giáo, dân tộc,…

 

1.3. Một số biện pháp xây dựng văn hóa giao thông

Trước hết, cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm khi tham gia giao thông cho toàn dân thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền khẩu hiệu giao thông. Việc này nhằm hình thành trong mỗi người ý thức và hành vi cư xử có văn hóa, đúng luật, an toàn, lịch sự và tự giác khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, cần có những chế tài xử phạt nghiêm minh với các hành vi vi phạm nhằm làm gương cho các trường hợp khác, nhắc nhở mỗi người cần nghiêm túc thực hiện đúng luật, đảm bảo văn minh khi tham giao giao thông.

Thứ hai, cần bồi dưỡng năng lực, hành vi đúng đắn trong quá trình tham gia giao thông cho mỗi người bằng cách giao dục. Chương trình giáo dục về giao thông cần được đưa vào chương trình học các cấp, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, để ý thức về văn hóa giao thông được phổ biến và bồi đắp ở mỗi người từ nhỏ. Ngoài ra cần tổ chức các lớp tập huấn về văn hóa giao thông cho cán bộ, công nhân viên trên cả nước để ý thức tham gia giao thông văn minh được phổ biến sâu rộng.

Cuối cùng, các cán bộ, chiến sĩ công an giao thông và các lực lượng chức năng cần nghiêm minh, chính trực, sáng suốt trong quá trình điều hành giao thông nhằm đảm bảo các phương tiện lưu thông đúng luậ và văn minh trong cư xử. 

 

2. Văn hóa giao thông của học sinh, sinh viên hiện nay

2.1. Thực trạng giao thông Việt Nam hiện nay

– Về cơ sở hạ tầng và phương tiện giao thông: Trong khi số lượng phương tiện giao thông ngày càng nhiều, thì tốc độ phát triển của cơ sở hạ tầng ở nước ta rất chậm so với các nước phát triển trên thế giới. Vẫn còn những con đường cũ và xuống cấp trầm trọng, song vẫn được khai thác sử dụng mà không có sự tu sửa hợp lý. Điều này dẫn đến sự mất cân đối giữa số lượng phương tiện lưu thông và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông.

– Ùn tắc và tai nạn giao thông: Đây là vấn đề nhức nhối của giao thông Việt Nam. Vào giờ cao điểm, đặc biệt ở các thành phố lớn, mật độ lưu thông trên đường lên tới hàng nghìn phương tiện giao thông, gây nên tình trạng ùn tắc trong nhiều giờ và là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm. Việt Nam cũng là một nước có tỉ lệ tai nạn giao thông cao trên thế giới.

– Thực trạng văn hóa giao thông của người dân Việt Nam: Văn hóa giao thông ở Việt Nam nhìn chung khá tốt khi phần lớn người dân đều chấp hành đúng luật khi tham gia giao thông, có ý thức nhường nhịn, giúp đỡ lẫn nhau khi lưu thông trên đường. Tuy nhiên, vẫn còn một số người thiếu ý thức, không chấp hành luật: vượt đèn đỏ; phóng nhanh vượt ẩu; dừng xe, đỗ xe, quay đầu không đúng chỗ; đi vào đường ngược chiều; đi xe quá tốc độ cho phép, lạng lách; không đội mũ bảo hiểm;…

 

2.2. Văn hóa giao thông của học sinh, sinh viên hiện nay

Hiện nay ở Việt Nam, lứa tuổi học sinh sinh viên hầu hết đều được gia đình cung cấp phương tiện giao thông cá nhân phục vụ cho việc di chuyến đến lớp học, đi làm thêm. Phần lớn các em đều được trang bị các phương tiện phù hợp với lứa tuổi, theo đúng luật và được giáo dục đầy đủ về luật, ý thức và hành vi khi tham gia giao thông. Do đó, nhìn chung học sinh, sinh viên đều thực hiện đúng, chấp hành luật và có ý thức tham gia giao thông văn minh, tạo nên văn hóa giao thông tốt đẹp.

Tuy nhiên, số lượng các em học sinh, sinh viên thiếu ý thức khi tham gia giao thông, gây ảnh hưởng xấu đến văn hóa giao thông không phải hình ảnh hiếm. Rất nhiều các em học sinh khi lưu thông trên các phương tiện là xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm. Một số các em khác điều khiển xe máy khi không có bằng lái xe, lạng lách, đánh võng, nẹt pô, bốc đầu trên đường, gây nên rất nhiều những vụ tai nạn thương tâm. Không chỉ vậy, một số em còn tham gia đua xe, gây rối, làm mất trật tự trị an trên đường.

Muốn khắc phục tình trạng đó, cần nâng cao hơn nữa việc giáo dục về văn hóa giao thông cho học sinh, sinh viên, đồng thời có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm, từ đó nâng cao chất lượng văn hóa giao thông của học sinh, sinh viên.

Trên đây, Luật Minh Khuê đã chia sẻ với các bạn bài viết Văn hóa giao thông là gì? Văn hóa giao thông của học sinh, sinh viên hiện nay. Hy vọng bài viết đã cung cấp đến các bạn các thông tin hữu ích. Luật Minh Khuê xin cảm ơn!