Văn hóa dân gian ứng dụng– Kỳ 2

VĂN HÓA VĂN NGHỆ DÂN GIAN VỚI VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

tran-huu-son-1622795553.jpg
TS. Trần Hữu Sơn

Nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian trước đây chủ yếu là nghiên cứu cơ bản, giới thiệu và sưu tầm các di sản văn hóa truyền thống. Nhưng hiện nay, với quan điểm phát triển bền vững thì văn hóa, văn nghệ dân gian nghiên cứu các vấn đề phát triển đang là yêu cầu cấp bách của cuộc sống. Càng cấp bách hơn, khi trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã nảy sinh nhiều vấn đề đòi hỏi phải có sự tham gia của văn hóa dân gian như vấn đề tuy tăng trưởng kinh tế nhưng nếp sống, đạo đức lại đi xuống, đô thị hóa lại dẫn đến nguy cơ suy tàn của nông nghiệp và nông thôn, tăng trưởng kinh tế nhưng lại làm môi trường tự nhiên bị suy thoái, vấn đề xóa đói giảm nghèo càng cấp thiết… Vì vậy cần nghiên cứu sự tác động của văn hóa dân gian – một thành tố của văn hóa với các trụ cột chính của phát triển bền vững là tăng trưởng kinh tế gắn liền với công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Từ nghiên cứu sự tác động này gợi mở điểm nhìn mới với vấn đề phát triển, về vai trò của văn hóa văn nghệ dân gian trong nghiên cứu phát triển bền vững.

1. Các khái niệm về phát triển bền vững, văn hóa dân gian và vai trò nhà nghiên cứu

Phát triển bền vững là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội loài người. Tiền thân của khoa học phát triển bền vững là khoa học phát triển – một bộ môn khoa học mới được ra đời từ thập kỷ 40, 50 của thế kỷ 20. Nhưng nội dung chủ yếu của phát triển học là kinh tế học phát triển .  Năm 1972, tại hội thảo của Liên Hợp Quốc về Môi trường con người được tổ chức tại Stockholm đã xác định phát triển bền vững của môi trường tự nhiên. Năm 1992, Hội nghị Thượng đỉnh về trái đất của Liên Hợp Quốc ở Rio de Janeiro đã đặt cơ sở cho sự phát triển bền vững và đề ra chương trình nghị sự 21. Hội nghị đã đề ra khái niệm về phát triển bền vững là “một sự phát triển thỏa mãn những nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm hại tới khả năng đáp ứng những nhu cầu của các thế hệ tương lai”. Năm 2002, tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững ở Johannesburg, tư tưởng phát triển bền vững được mở rộng trở thành mục tiêu phấn đấu của toàn nhân loại, của từng quốc gia, từng dân tộc, từng cộng đồng . Hội nghị đã xác định 3 trụ cột chính của phát triển bền vững: phát triển kinh tế nhanh và an toàn; công bằng xã hội và phát triển con người; khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và không ngừng cải thiện chất lượng môi trường sống. Như vậy khái niệm phát triển bền vững đã hoàn thiện. Tuy nhiên, cần hiểu rõ hơn phát triển bền vững không chỉ vì lợi ích của tương lai mà là lợi ích hài hòa cho các bên tham gia quá trình phát triển. Trong đó nhân tố vì con người, nhân tố văn hóa phải đặt lên hàng đầu. Văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam toàn quốc lần thứ XI đã nhấn mạnh quan điểm phát triển là “phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược” .

Văn hóa dân gian là các loại hình văn hóa của cộng đồng (không phải là cá nhân) sáng tạo ra và trao truyền cho các thế hệ bằng hình thức truyền miệng, truyền dạy thực hành. Văn hóa dân gian bao gồm tín ngưỡng, phong tục tập quán, tri thức, nghệ thuật (nghệ thuật ngôn từ, nghệ thuật biểu diễn,…). Đối tượng nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian trong những năm gần đây cũng thay đổi và mở rộng. Vào những thập kỷ 60, 70 của thế kỷ 20, đối tượng nghiên cứu chủ yếu của văn hóa, văn nghệ dân gian là văn học dân gian. Hướng tiếp cận chủ yếu là hướng tiếp cận nghệ thuật ngôn từ (ngữ văn học). Vào những năm cuối của thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, khoa học nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian đã mở rộng đối tượng. Từ nghiên cứu, sưu tầm văn học dân gian là chủ yếu chuyển sang nghiên cứu về văn hóa dân gian (lễ hội, tri thức dân gian, ngành nghề thủ công, phong tục tập quán,…). Vì vậy, văn hóa dân gian ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với vấn đề phát triển kinh tế xã hội.

Trong xu hướng phát triển bền vững, văn hóa, văn nghệ dân gian có nhiều khả năng, lợi thế tham gia. Văn hóa văn nghệ dân gian là một ngành chuyên nghiên cứu, sưu tầm tri thức dân gian của người dân. Đồng thời phương pháp nghiên cứu cũng đòi hỏi nhà khoa học, đòi hỏi các hội viên phải đắm mình trong cuộc sống của người dân suốt một thời gian dài. Nhờ thời gian “ba cùng” với cộng đồng mà nhà nghiên cứu phát hiện ra nhiều vấn đề cấp bách, phức tạp của cuộc sống, tìm hiểu được tri thức mà người dân với công cuộc phát triển kinh tế xã hội. Nhờ đó, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã hạn chế việc áp đặt quan điểm chủ quan của các chủ dự án, đưa nhiều khuyến nghị có cơ sở thực tiễn với chính quyền, với nhà đầu tư. Mặt khác văn hóa, văn nghệ dân gian luôn có đặc trưng “tổng thể nguyên hợp” nên nhà nghiên cứu tiếp cận với đối tượng theo phương pháp liên ngành. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian có lợi thế nghiên cứu các di sản, hiện tượng văn hóa khác nhau, so sánh những nét giống và khác nhau giữa các vùng, các tộc người. Từ đó cho phép các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian giải mã được các mối quan hệ, các bước phát triển một cách khách quan . Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian không chỉ đóng vai trò nghệ sỹ, nhà khoa học mà còn đóng vai trò nhà tư vấn, nhà thẩm định đánh giá các chiều tác động đến phát triển. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian còn đóng vai trò nhà hoạch định chính sách, tham gia thiết kế các chương trình, dự án phát triển ở địa phương mang tính bền vững. Đồng thời họ còn tích cực góp phần truyền dạy, phục dựng các di sản văn hóa đã mai một cho cộng đồng, trao truyền hướng dẫn kiến thức bản địa của cộng đồng này với cộng đồng khác.

            2. Văn hóa, văn nghệ dân gian với vấn đề phát triển bền vững

            2.1. Văn hóa, văn nghệ dân gian với vấn đề xây dựng nếp sống, nhân cách

Trong phát triển bền vững, nhân tố con người vừa là trung tâm, vừa là chủ thể của phát triển. Nhưng muốn con người trở thành trung tâm phải chú trọng xây dựng giáo dục nếp sống, lối sống, đạo đức, nhân cách con người. Trong xây dựng nếp sống có nhiều giải pháp, nhiều con đường, nhiều “kênh” nhưng “kênh” rất quan trọng và hiệu quả là tác động của văn hóa, văn nghệ dân gian. Sự hình thành đạo đức, nếp sống, lối sống của con người thông qua môi trường của gia đình, cộng đồng nhóm trong xã hội, nhà trường, hệ thống thông tin đại chúng,… Nhưng môi trường gia đình và cộng đồng nhóm xã hội đóng vai trò rất quan trọng. Hạt nhân của nếp sống, phong tục tập quán là ứng xử. Ứng xử là những lề lối hành động, suy nghĩ cảm thụ của mỗi dạng vai trò xã hội trước một tình huống nào đó . Các ứng xử tuân theo một quy tắc, chuẩn mực tạo thành khuôn mẫu ứng xử. Khuôn mẫu ứng xử là các hành động ứng phó và xử lý được lặp lại nhiều lần lâu bền ở đa số các cá nhân trong cộng đồng xã hội . Khuôn mẫu ứng xử định hướng, chi phối hành động của đa số cá nhân. Nó trở thành mẫu mực chỉ dẫn cho cả cá nhân và cộng đồng tuân theo và áp dụng cả chế tài thưởng phạt. Trong các cộng đồng xã hội có nhiều loại khuôn mẫu ứng xử nhưng có ba loại khuôn mẫu chính mà muốn tác động, xây dựng con người phải coi trọng:

–           Tập quán là các thói quen được lặp đi lặp lại trong thời gian ở cá nhân hay ở một cộng đồng xã hội. Tuy nhiên tập quán là những khuôn mẫu chuẩn mực đáng noi theo nhưng không chịu sức ép lớn của các chế tài của xã hội.

–           Phong tục là các tập quan đã định hình trong quá trình tuyển chọn của thời gian và không gian. Phong tục được cả cộng đồng chấp thuận, tuân theo. Vi phạm phong tục là xúc phạm đến cộng đồng, cộng đồng có chế tài nghiêm khắc trừng phạt người vi phạm. Vì vậy, phong tục còn được coi là luật tục.

–           Cấm kỵ là những khuôn mẫu ứng xử đặc biệt đối với mỗi làng, vùng hoặc tộc người. Những điều cấm kỵ này mang tính cưỡng chế mạnh mẽ, thậm chí linh thiêng, không một thành viên nào được vi phạm.

Trong xã hội truyền thống, các khuôn mẫu ứng xử văn hóa đã tạo thành “cương lĩnh” chung của cộng đồng, góp phần định hình đạo đức, nhân cách con người. Đồng thời thông qua các khuôn mẫu ứng xử, cộng đồng tăng cường khả năng quản lý các thành viên, quản lý xã hội. Văn hóa, văn nghệ dân gian đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành các tập quán, phong tục, nếp sống của người dân, của cộng đồng. Từ khi cất tiếng khóc chào đời đến khi nhắm mắt xuôi tay, mỗi thành viên đều đắm mình trong dòng suối dân ca với những lời răn dạy về chuẩn mực đạo đức được thể hiện qua các hình thức: hát ru, hát đồng dao, hát giao duyên, hát trong lễ cưới, hát kể trong lễ tang,… Đồng thời mỗi thành viên còn được cả một hệ thống phong tục tập quán định hướng, buộc tuân theo như phong tục theo chu kỳ đời người (sinh đẻ, cưới xin, tang ma), tập quán ứng xử trong cộng đồng làng, dòng họ, gia đình, tập quan phong tục ứng xử với môi trường thiên nhiên,… Toàn bộ các khuôn mẫu ứng xử, các chuẩn mực này đều được hình thành theo cơ chế dân gian (được truyền dạy bằng truyền miệng, thực hành) và là các thành tố loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian. Mặt khác, văn hóa dân gian còn góp phần xây dựng các chế tài xử phạt, hoặc khuyến khích khen thưởng là cộng đồng. Các chế tài này thể hiện qua hương ước, luật tục, tập quán pháp, cấm kỵ,… Đặc biệt là dư luận của cộng đồng đã bùng nổ, gây sức ép chặt chẽ đối với các thành viên vi phạm. Dư luận của cộng đồng được lan truyền qua cơ chế văn hóa dân gian (truyền miệng) đã tạo sức ép buộc các thành viên phải tuân theo khuôn mẫu ứng xử. Dư luận cũng góp phần điều chỉnh các hành vi, ứng xử của mỗi thành viên và buộc họ phải tuân theo. Như vậy, văn hóa văn nghệ dân gian thông qua các môi trường cộng đồng (gia đình, dòng họ, làng xóm, tộc người,…) tác động đến việc hình thành các ứng xử của mỗi thành viên. Sự tác động này khá chặt chẽ ở cả 3 công đoạn là định hướng chuẩn mực, tạo thành khuôn mẫu ứng xử và tạo ra chế tài thực thi giám sát. Đây là mô hình hình thành nhân cách, tạo ra nếp sống và quản lý xã hội chặt chẽ của văn hóa dân gian. Hiện nay, trong xã hội đương đại bên cạnh vai trò văn hóa dân gian tác động, quản lý còn có các yếu tố mới đang hình thành như vai trò của truyền thông đại chúng, vai trò của nhà trường, luật pháp,… Nhưng vai trò của văn hóa, văn nghệ dân gian với việc xây dựng nhân cách, đạo đức nếp sống và quản lý xã hội vẫn giữ vị trí quan trọng trong phát triển bền vững. Đặc biệt, trong phát triển bền vững, vai trò của con người, vai trò của gia đình được đề cao thì vai trò của văn hóa dân gian với việc hình thành nhân cách, đạo đức cũng ngày càng phát triển. Thời gian  các kỳ nghỉ được dài hơn, thời gian rỗi hàng ngày, hàng tuần cũng tăng, do đó các sinh hoạt mang tính chất câu lạc bộ theo nhóm sở thích cũng được tổ chức thường xuyên và đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần. Ở đây nhiều sinh hoạt văn hóa, nếp sống, vui chơi,… cũng hoạt động theo cơ chế dân gian. Như vậy, trong phát triển bền vững, khi con người đứng ở vị trí trung tâm, các yếu tố văn hóa dân gian ngày càng được khơi dậy và phát huy.

le-hoi-dan-gian-tay-nguyen-1622626723.jpg

      2.2. Văn hóa, văn nghệ dân gian với vấn đề bảo vệ môi trường

Bảo vệ môi trường là một trong 3 trụ cột chính để phát triển bền vững. Bảo vệ môi trường càng đặt ra cấp bách hơn khi nước ta đang phải đối mặt với khủng hoảng sinh thái trên phạm vi toàn quốc và toàn cầu. Sau 30 năm chiến tranh tiếp theo là giai đoạn khai phá rừng ồ ạt, diện tích rừng của Việt Nam thu hẹp khá nhanh. Hơn 80 triệu lít chất diệt cỏ, cùng 13 triệu tấn bom đạn dội xuống đất nước đã tiêu hủy hơn 2 triệu ha rừng nhiệt đới. Đầu năm 1980, Viện điều tra quy hoạch rừng cho biết, cả nước chỉ còn 7,8 triệu ha rừng, nhiều địa phương, diện tích rừng tự nhiên còn lại rất thấp như ở Lai Châu chỉ còn 7,88%, ở Sơn La còn 11,95% và Lào Cai chỉ còn 5,38%. Hiện nay, nạn khai phá rừng bừa bãi, gây nên cháy rừng, rừng bị tàn phá vẫn còn cao. Trong 6 tháng đầu năm 2011, theo báo cáo của kiểm lâm, toàn quốc có 997,41ha rừng bị tàn phá. Các tỉnh Tây Nguyên có rừng bị tàn phá nhiều nhất, như Đắk Lắk có 234,96ha, Đắk Nông có 172,09ha Lâm Đồng có 153,06 ha rừng bị tàn phá . Đồng thời hậu quả của biến đổi khí hậu diễn ra thường xuyên: lũ lụt, lũ quét, hạn hán, cạn kiệt nguồn nước, sông ngòi,…

Trước thực trạng môi trường tự nhiên bị tàn phá như vậy, Hội Văn nghệ Dân gian chú trọng nghiên cứu các mô hình ứng xử với thiên nhiên, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Nhiều hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam hưởng ứng nghiên cứu có kết quả. Ngay từ thập kỷ 80, Giáo sư Từ Chi và các cộng sự đã triển khai nghiên cứu các vùng cảnh quan sinh thái đồng bằng Bắc Bộ. Các đề tài nghiên cứu đã đi sâu tìm hiểu sự thích nghi và sáng tạo của người Việt với các loại hình cảnh quan đặc biệt như vùng đồi núi trung du, vùng trũng, vùng cửa sông… Từ đó khái quát lên các mô hình ứng xử với môi trường tự nhiên. Từ thập kỷ 90 đến đầu thế kỷ 21, một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã tập trung nghiên cứu mối quan hệ giữa con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam với môi trường tự nhiên. Trong đó, nổi bật nhất là các công trình của giáo sư Trần Quốc Vượng (1994, 1998, 1999, 2005). Các công trình này đã nêu bật những đặc điểm cơ bản trong quan hệ giữa con người Việt Nam với môi trường sông nước, biển, núi Việt Nam. Từ đó phát hiện các mô hình đô thị ven biển, đô thị ở ngã ba sông… Đồng thời các công trình nghiên cứu cũng khái quát một số quy luật quan hệ với thiên nhiên của người Việt, gợi mở cho quan điểm phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên. Tiếp theo xu hướng nghiên cứu và ứng xử của con người Việt Nam với môi trường được một số nhà nghiên cứu triển khai mở rộng như Nguyễn Viết Chức (2002) nghiên cứu về ứng xử với thiên nhiên của người Hà Nội, Nguyễn Thanh Tuấn (2008) khái quát về thực trạng, văn hóa ứng xử,…

Bên cạnh xu hướng nghiên cứu mang tính chất cơ bản trên, các hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cùng các nhà khoa học triển khai nhiều chương trình nghiên cứu ứng dụng về tri thức dân gian với vấn đề quản lý, bảo vệ môi trường tự nhiên. Ngô Đức Thịnh đi sâu nghiên cứu khái niệm, vai trò của tri thức dân gian với vấn đề phát triển (1999), Phạm Quang Hoan đề cập đến vấn đề tri thức địa phương của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam với vấn đề quản lý xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường (2003). Từ năm 2000 đến nay, vấn đề nghiên cứu tri thức dân gian đã được coi trọng nghiên cứu ở 25 dân tộc có số đông người. Trong đó, riêng nghiên cứu về người Mường đã có 20 luận án thạc sĩ, tiến sĩ và các bài viết, cùng sách chuyên khảo. Tiêu biểu là công trình do Nguyễn Ngọc Thanh, Trần Hồng Thu (chủ biên) (2009). Năm 2008 các hội viên Văn nghệ Dân gian ở Viện Văn hóa Nghệ thuật và các ngành, các địa phương tập trung nghiên cứu các tri thức dân gian về sử dụng và quản lý đất, rừng, nguồn nước, các loài thực vật quan trọng… của 14 dân tộc. Từ các nghiên cứu này, các tác giả đã đề xuất nhiều khuyến nghị về xây dựng cơ chế bảo vệ rừng, các tri thức bản địa sử dụng nguồn nước, đất phù hợp với từng loại hình ở từng vùng, từng dân tộc… Các khuyến nghị bước đầu được vận dụng xây dựng chính sách giao đất giao rừng, chính sách quản lý rừng cộng đồng, sử dụng hợp lý các nguồn nước ở vùng cao… Đồng thời các nghiên cứu khoa học cũng cảnh báo về việc suy giảm tài nguyên môi trường và các nguồn tài nguyên khác do các chủ trương phát triển ồ ạt các dự án thủy điện nhỏ ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc, các dự án trồng cao su, khai quặng,… Các nghiên cứu của nhiều hội viên Văn nghệ Dân gian và các cơ quan khoa học thực sự đóng vai trò quan trọng cho việc hoạch định chính sách bảo vệ môi trường, phát triển bền vững ở miền núi.

3. Văn hóa Văn nghệ Dân gian với vấn đề phát triển kinh tế bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Đặc điểm nổi bật ở các tỉnh miền núi Việt Nam là tính đa dạng văn hóa. Mỗi một tỉnh miền núi đều có nhiều dân tộc cư trú khác nhau, có bản sắc văn hóa khác nhau tạo nên những nét đặc thù trong việc tiếp nhận chính sách mới phát triển kinh tế – xã hội. Tính đặc thù (do nhiều yếu tố văn hóa dân gian quy định) đã chi phối, ảnh hưởng đến phát triển. Công cuộc xóa đói giảm nghèo ở vùng người Hà Nhì khác xa với vùng người Tày, người Giáy. Các giải pháp xóa nạn mù chữ ở vùng người Hmông không giống với vùng người Dao. Vì vậy một vấn đề cấp bách đặt ra cần nghiên cứu văn hóa tộc người ảnh hưởng đến vấn đề phát triển, nghiên cứu sự đa dạng văn hóa, tính đặc thù của văn hóa chi phối đến công cuộc phát triển kinh tế bền vững ra sao. Thực tiễn ở miền núi, nhiều chính sách phát triển của nhà nước được thực thi làm thay đổi làng, bản vùng cao, đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, các chính sách này cũng bộc lộ một số mặt hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu là không am hiểu văn hóa dân gian các tộc người. Chương trình 135 nhằm đầu tư cơ sở hạ tầng ở các xã vùng cao, nhưng ở một số nơi, ban quản lý dự án không tranh thủ được sự tham gia của cộng đồng hoặc bỏ qua tri thức dân gian trong việc làm đường, xây dựng hệ thống thủy lợi, nước ăn. Dẫn đến tình trạng các bể chứa nước, các hệ thống thủy lợi xây xong vẫn khô nước. Hoặc không nghiên cứu đặc điểm chợ vùng cao, xây dựng chợ theo mô hình thiết kế của chợ miền xuôi, chỉ coi trọng xây ki ốt để thu tiền, không có điểm bán hàng nông, lâm thổ sản rộng, không có nơi buộc ngựa,…

Văn hóa dân gian ứng dụng nghiên cứu quá trình vận động của các thể loại nghệ thuật dân gian trong cuộc sống đương đại. Ở Việt Nam, vấn đề kế thừa, phát huy tiềm năng nghệ thuật dân gian chuyên nghiệp đang đặt ra yêu cầu cấp thiết. Từ một thành tố trong diễn xướng dân gian trở thành sản phẩm của nghệ thuật chuyên nghiệp đòi hỏi những yếu tố gì? Xây dựng các lễ hội hiện đại, các sự kiện văn hóa lớn trên cơ sở kế thừa lễ hội dân gian như thế nào, vấn đề quản lý lễ hội ra sao? Các vấn đề này đã có hội thảo khoa học quốc tế, có các luận án tiến sĩ đề cập đến nhưng khi vận dụng vào thực tiễn vẫn gặp nhiều khó khan. Tình trạng “gieo vừng ra ngô”, cải biên, cải tiến tràn lan vẫn là tình trạng phổ biến ở đời sống văn hóa nước ta và các nước đang phát triển. Ở lĩnh vực này đòi hỏi văn hóa dân gian ứng dụng cũng dày công nghiên cứu.

Như vậy, cuộc sống đang đòi hỏi các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian trả lời các câu hỏi của thực tiễn. Hàng loạt vấn đề đặt ra đối với giới nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian và nghiên cứu Nhân học. Trước yêu cầu cấp thiết như vậy, Hội Văn nghệ Dân gian đã bước đầu chuyển hướng nghiên cứu, từ thế mạnh nghiên cứu cơ bản sang nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng. Hội Văn nghệ Dân gian chủ trì tổ chức một số hội thảo khoa học như “Văn hóa dân gian đô thị” ở thành phố Hồ Chí Minh năm 2001, “Văn hóa sông nước miền Trung” năm 2007, “Văn hóa biển miền Trung và văn hóa biển Quảng Ngãi” năm 2007… Các hội thảo khoa học này cũng xuất hiện một số tham luận tiếp cận văn hóa sông nước, văn hóa đô thị dưới góc độ văn hóa, văn nghệ dân gian ứng dụng, khuyến nghị một số chính sách… Các hội viên Văn nghệ Dân gian ở các chi hội cũng tích cực nghiên cứu, tiếp cận văn hóa, văn nghệ dân gian dưới góc độ ứng dụng và phát triển. Văn hóa dân gian đô thị – một chuyên ngành của Văn hóa dân gian từ sau hội thảo “Văn hóa dân gian và sự phát triển văn hóa đô thị” của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh tổ chức năm 2001 đã xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu của các hội viên, các nhà nghiên cứu. Các công trình vừa nghiên cứu các thể loại văn hóa dân gian truyền thống đang vận hành trong xã hội đô thị mới, dưới sự tác động của cơ chế thị trường. Các thể loại này còn tác động đến đời sống kinh tế – xã hội thế nào? Đặc biệt là các vấn đề mối quan hệ giữa văn hóa trung tâm và văn hóa ngoại vi? Vấn đề di dân tự do và những tác động về đời sống văn hóa ở đô thị (Mạc Đường, Dân tộc học – Đô thị và vấn đề đô thị hóa, 2002). Một số tác giả nghiên cứu các chuyên khảo về các dân tộc ít người ở đô thị (Phú Văn Hẳn (chủ biên) 2005; Trần Hồng Liên (chủ biên) 2007; Vi Văn An, 2009). Văn hóa dân gian đô thị ở Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh cũng tác động đến nếp sống văn minh, tác động đến an toàn giao thông như thế nào cũng được một số tác giả đề cập (Ngô Đức Thịnh 2008, Nguyễn Văn Chính 2008, Võ Mai Phương 2008, Phạm Thành Thôi 2008, Huỳnh Đình Kết 2010…). Ở đây các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian không chỉ phân tích sâu về các hiện tượng văn hóa dân gian đang có xu hướng chuyển hóa và phát triển ở đô thị mà còn đề xuất các khuyến nghị, các giải pháp cho các nhà hoạch định chính sách. Nghiên cứu văn hóa dân gian đô thị đã đạt được một số kết quả khả quan. Các nhà văn hóa, văn nghệ dân gian đã tập trung nghiên cứu một số vấn đề cấp bách của thực tiễn:

– Nghiên cứu các đặc trưng sinh hoạt văn hóa dân gian (tín ngưỡng, phong tục tập quán, nghệ thuật dân gian…) có tác động đến đời sống cư dân đô thị, cả tích cực và tiêu cực, từ đó đề ra các khuyến nghị, giải pháp.

– Nghiên cứu các sinh hoạt quan hệ của các nhóm xã hội, các phường hát, câu lạc bộ, quan hệ dòng họ, đồng hương chi phối đến đời sống xã hội của cư dân đô thị.

– Nghiên cứu những chợ phiên truyền thống, các loại hình kinh tế, phi chính thức (các nghề mọn, bán hàng quà bánh, “kinh tế vỉa hè”,…) ảnh hưởng đến kinh tế, nếp sống đô thị.

– Nghiên cứu sự di dân, dịch chuyển văn hóa từ nông thôn vào thành thị hình thành các nhóm cư trú riêng biệt mang đặc trưng văn hóa tộc người, tôn giáo tộc người và các địa phương khác nhau…

Như vậy, xu hướng đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng ở Việt Nam, sự tác động quá trình đô thị hóa với văn hóa dân gian và ngược lại đang là quá trình tác động hai chiều, ảnh hưởng đến phát triển bền vững. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian không những sớm chủ động nghiên cứu mà còn có nhiêu đóng góp giải quyết những vấn đề phát triển của đô thị.

Bên cạnh vấn đề nghiên cứu văn hóa dân gian đô thị, các hội viên văn nghệ dân gian rất chú trọng nghiên cứu các ngành nghề thủ công. Nghề thủ công ở Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong lịch sử kinh tế Việt Nam.

Các sách chuyên khảo nghiên cứu về nghề thủ công đầu tiên ở Việt Nam là của học giả người Pháp (Charles Crevast, 1938) và một số nhà sử học Việt Nam (Duy Việt 1937 và Phạm Gia Bền, 1957). Nhưng thành tựu nổi bật cả về số lượng và chất lượng nghiên cứu là các tác phẩm của các hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Từ khi thành lập, Hội Văn nghệ Dân gian (1966) đến nay đã có hơn 35 đầu sách chuyên khảo và hàng trăm các luận án thạc sĩ, tiến sĩ về nghề thủ công. Trong đó nổi bật là GS. Trần Quốc Vượng và PGS.TS. Đỗ Thị Hảo đã có 8 chuyên luận về nghề thủ công. Phạm vi, đối tượng nghiên cứu ngày càng mở rộng, từ nghề thủ công ở Hà Nội đến Huế và các địa phương, các dân tộc. Từ nghiên cứu dưới góc độ văn nghệ dân gian, sử học, dân tộc học mang tính chất cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng và phát triển. Các công trình của GS. Trần Quốc Vượng – Đỗ Thị Hảo (2000, 2011), Bùi Xuân Đính (2009), Tôn Nữ Quỳnh Trân (2002), Trần Minh Yến (2004)… đã tiếp cận dưới góc độ văn hóa dân gian phát triển, không chỉ phân tích lịch sử nguồn gốc nghề thủ công mà còn đề ra các xu hướng phát triển, các yếu tố phát triển, đề xuất, khuyến nghị nhiều vấn đề về chiến lược, cơ chế, chính sách. Các công trình nghiên cứu của Hội Văn nghệ Dân gian thực sự đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay.

Du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều tỉnh, thành phố. Tuy nhiên du lịch cũng tác động mạnh mẽ đến môi trường tự nhiên và văn hóa các dân tộc. Vì vậy định hướng phát triển du lịch bền vững vừa là yêu cầu vừa là mục tiêu của du lịch. Phát triển du lịch bền vững vừa đảm bảo lợi ích của thế hệ hôm nay vừa không làm tổn hại lợi ích của thế hệ mai sau. Nhưng một điều quan trọng khác của phát triển du lịch bền vững là hài hòa được lợi ích giữa các đối tác cùng làm du lịch (người dân, du khách, doanh nghiệp,…). Phát triển du lịch gắn chặt với vấn đề bảo tồn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh quốc gia. Ngược lại, phát triển các ngành kinh tế khác cũng không gây hậu quả tiêu cực cho du lịch.

Văn hóa, Văn nghệ dân gian có nhiều lợi thế nghiên cứu phát triển du lịch bền vững. Trước hết, muốn phát triển du lịch cần xác định văn hóa không chỉ là nguồn lực, tài nguyên mà còn là linh hồn của du lịch. Vì vậy, nghiên cứu Văn hóa, Văn nghệ dân gian sẽ đóng góp nhiều cho định hướng phát triển du lịch bền vững. Nhận thức rõ tầm quan trọng của nghiên cứu Văn hóa Văn nghệ Dân gian, từ đầu thế kỷ 21 đến nay, các chi hội, các hội viên của Hội đã có nhiều đóng góp giải pháp khuyến nghị cho du lịch phát triển, đồng thời một số cơ sở Hội còn trực tiếp xây dựng các mô hình nghiên cứu Văn hóa Dân gian ứng dụng vào du lịch. Ngày 11 tháng 4 năm 2004, tại vùng du lịch Sa Pa, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao tỉnh Lào Cai tổ chức hội thảo khoa học “Văn hóa dân gian và Du lịch – Những vấn đề lý luận, thực tiễn”. Hội thảo đã đề cập đến mối quan hệ giữa tính đặc thù của văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số với du lịch, xác định nhiều loại hình văn hóa dân gian là nguồn lực của du lịch. Đồng thời hội thảo cũng chỉ ra những tệ nạn ở vùng du lịch chưa quan tâm đến lợi ích của cư dân bản địa như nạn chèo kéo khách, nạn làm giả các sản phẩm thủ công truyền thống, hoặc đóng giả lễ hội… Đặc biệt hội thảo cũng đề ra các khuyến nghị về nguyên tắc phát triển du lịch bền vững, định hướng xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng phù hợp với đặc điểm văn hóa dân gian của từng tộc người, phát triển các sản phẩm du lịch mới mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian.

Sau hội thảo khoa học ở Sa Pa, các nhà nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian đã tiến hành điền dã, nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng trong du lịch, đồng thời vận dụng kiến thức nghiên cứu xây dựng các mô hình, các sản phẩm du lịch mới ở vùng dân tộc thiểu số.

Về nghiên cứu, các hội viên, các nhà khoa học tập trung nghiên cứu một số lĩnh vực cụ thể như sau:

– Bản sắc văn hóa tộc người là nguồn lực du lịch (Tô Ngọc Thanh, 2004; Ngô Đức Thịnh, 2004; Dương Văn Sáu, 2004; Đoàn Huyền Trang, 2009; Trương Thanh Hùng, 2011)…

– Tác động của du lịch đến văn hóa tộc người (Trần Hồng Liên, 2006; Phan Yến Tuyết, 2006; Phạm Quỳnh Phương, 1998, 2005; Trần Thùy Dương, 2008…)

– Xây dựng mô hình, phát triển sản phẩm mới (Trần Hữu Sơn, 2004, 2010; Phạm Khiêm, 2009; Đặng Thị Oanh, 2010,…)

Đặc biệt, Trần Thúy Anh đã xuất bản hai công trình nghiên cứu về du lịch văn hóa, góp phần sáng tỏ các luận điểm về phát triển du lịch văn hóa (Ứng xử văn hóa trong du lịch (2004) và Du lịch văn hóa những vấn đề lý luận).

Trên cơ sở nghiên cứu lý luận một số hội viên, chi hội Văn nghệ Dân gian ở các tỉnh Hòa Bình, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Kiên Giang,… còn tham gia xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch. Nổi bật là chi hội Văn nghệ Dân gian Lào Cai đã tổ chức nghiên cứu tham gia đề án “Bảo tồn di sản văn hóa phát triển du lịch”. Lào Cai đã nghiên cứu đặc trưng văn hóa dân gian ở các dân tộc Hmông, Dao, Tày, Giáy, Nùng; xây dựng thành các làng du lịch cộng đồng hiệu quả. Các làng du lịch này đều lựa chọn các nguồn lực văn hóa dân gian độc đáo xây dựng thành các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tham quan, ăn nghỉ, trải nghiệm, mua sắm của du khách. Làng du lịch Bản Dền của dân tộc Tày ở Sa Pa đầu tư các ngôi nhà sàn thành các nhà nghỉ cộng đồng với phong cách hiếu khách và trang bị chăn đệm, gối truyền thống. Kết hợp thưởng thức phong cảnh đẹp, mua thổ cẩm Tày, xem văn nghệ dân gian… làng Bản Dền từ năm 2006 đến 2009, mỗi năm đón từ 12.000 – 15.000 du khách quốc tế. Thu nhập bình quân mỗi hộ từ 50 triệu đến 100 triệu đồng/năm. Làng du lịch Cát Cát ở xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa khôi phục nghề thêu, in sáp ong làm thổ cẩm, nghề rèn đúc, chạm khắc bạc kết hợp với các sinh hoạt văn nghệ dân gian đặc sắc của người Hmông nên năm 2010 đã đón 142.855 lượt khách du lịch, doanh thu 3,127 tỉ đồng. Năm 2011, chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm làng Cát Cát đã đón 128.960 lượt du khách, doanh thu 3.368.585.000 đồng. Du khách đến làng được trải nghiệm làm cô gái Hmông, làm thợ rèn, thợ thêu, thợ dệt,… . Đặc biệt, nhờ xây dựng mô hình làng văn hóa du lịch, các  di sản văn hóa dân gian của đồng bào các dân tộc được bảo tồn. Hàng năm các lễ hội Gioóng boọc của người Giáy, hội Gầu Tào của người Hmông, hội Đền Thượng, hội đền ông Hoàng Bẩy của người Kinh trở thành lễ hội du lịch đón hàng nghìn đến hàng vạn du khách tham quan. Các lễ hội cũng có xu hướng mở rộng quy mô trở thành lễ hội của cả vùng, cả huyện, tỉnh. Các nghề thủ công bị mai một được phục dựng như nghề chạm khắc bạc của người Dao, thêu thổ cẩm của người Xá Phó,… Hàng loạt cây con, ngành nghề của đồng bào dân tộc ở Lào Cai được quảng bá, xây dựng thương hiệu trở thành đặc sản, tăng giá trị kinh tế gấp nhiều lần. Điển hình như các loại rượu Sán Lùng người Dao, rượu Bắc Hà người Hmông ở Bắc Hà, tương ớt của người Nùng Dín Mường Khương, su su Sa Pa, nấm hương Sa Pa, thuốc tắm Sa Pa,… Ngay các di tích lịch sử cũng được quảng bá trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn. Đền Thượng, Đền Mẫu ở thành phố Lào Cai hàng năm đón hơn ba chục vạn khách, thu được từ 5 đến 7 tỷ đồng. Đền Bảo Hà thu được hơn 10 tỷ đồng phục vụ du khách. Không chỉ có hiệu quả kinh tế mà công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới cũng được nâng cao ở điểm, tuyến du lịch Lào Cai.

Như vậy, các sinh hoạt văn hóa dân gian thường ngày của đồng bào các dân tộc nhờ nghiên cứu ứng dụng đã trở thành nguồn lực du lịch hấp dẫn.

Kết luận

1. Văn hóa, văn nghệ dân gian trong thời kỳ đổi mới và hội nhập có xu hướng phát triển mạnh loại hình văn hóa dân gian ứng dụng, phục vụ hiệu quả công cuộc phát triển bền vững.

2. Văn hóa, văn nghệ dân gian không chỉ góp phần bồi đắp, giữ gìn bản sắc văn hóa thông qua sự trao truyền bảo tồn nếp sống ở mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc mà còn phát huy lợi thế về đặc thù nghiên cứu trở thành một ngành khoa học ứng dụng ở đô thị, nông thôn, góp phần phát triển ngành nghề thủ công, du lịch.

3. Vai trò của người nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian cũng chuyển đổi từ người say mê sưu tầm vốn cổ trở thành nhà tư vấn cho các doanh nghiệp du lịch. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian còn trở thành người tham gia đánh giá, thẩm định các chính sách, đưa ra các khuyến nghị phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo hướng bền vững.

Tạp chí Lý luận phê bình, số 3/2014, tr.43-52.

Xem tiếp Kỳ 3