Văn hóa dân gian

Tác giả: Richard Bauman

Thuật ngữ này ra đời năm 1846 bởi nhà sưu tầm đồ cổ người Anh William John Thoms, có vẻ như là dịch từ thuật ngữ tiếng Đức Volkskunde, được đưa ra vào năm 1787. Cái “hợp chất Saxon tốt, cái văn hóa dân gian” của Thoms đã trở nên thịnh hành trong các ngôn ngữ trên thế giới (kể cả tiếng Roman nổi tiếng và các ngôn ngữ Slavơ), mặc dù đôi khi được kết hợp hoặc cạnh tranh với những từ mới đặt của địa phương. Thoms định nghĩa văn hóa dân gian chủ yếu bằng cách liệt kê một số dạng thức của nó: “Những cách thức, tục lệ, lễ lạt, sự mê tín, các khúc hát ballad, tục ngữ, v.v… của thời xa xưa”. Văn hóa dân gian là tên của cả các dạng thức văn hoá truyền thống lẫn chuyên ngành nghiên cứu chúng, mặc dù trong những năm gần đây thuật ngữ ngành văn hóa  dân gian ngày càng thịnh hành hơn văn hóa dân gian trong việc chỉ một ngành.

Khái niệm văn hóa dân gian nảy sinh từ cuối thế kỷ 18 như một bộ phận của một cái nhìn thống nhất đối với ngôn ngữ, văn hoá, văn học và hệ tư tưởng phục vụ cho chủ nghĩa dân tộc lãng mạn. Đối với Johann Gottfried Von Herder (1744-1803), nhà triết học Đức mà quan niệm lãng mạn về das Volk và truyền thống dân gian của ông đã chuyển tải toàn bộ những hiểu biết tiếp sau về văn học dân gian, thì việc có một ngôn ngữ chung là hòn đá thử vàng cho tính phân biệt của một dân tộc, cội nguồn sinh ra và duy trì ý thức về bản thân mình như một đơn vị xã hội biệt lập và độc nhất vô nhị; ngôn ngữ là hiện thân của đặc điểm, sự tồn tại bên trong, của cái Volk. Hơn thế nữa, ngôn ngữ còn thể hiện những phương tiện truyền đạt các truyền thống độc đáo của một Volk xuyên qua các thế hệ, và do đó biểu đạt cái công cụ cho sự trau dồi dần dần những năng lực mà Herder gọi là văn hoá. Theo quan niệm của Herder, văn hoá và truyền thống được thể hiện nhiều nhất và trung thực nhất trong thi ca của dân gian, trong các bài dân ca và văn học dân gian. Tuy nhiên, cùng với sự phân rã hiện đại của tư duy kiểu chủ nghĩa nhân văn và cùng với nó là sự tìm kiếm tính độc lập chuyên ngành, cái nhìn thống nhất trước kia đã bị sứt mẻ phần lớn. Các nhà nhân chủng học, ngôn ngữ học, học giả văn chương và các nhà văn hóa dân gian tất thảy đều tiếp tục duy trì mối quan tâm đến văn hóa dân gian, song đều định nghĩa nó theo quan điểm có lợi cho ngành mình, nhấn mạnh những đặc điểm hoặc khía cạnh bất lợi hoặc đối lập với ngành khác. Thay vì đề xuất một định nghĩa duy nhất về văn hóa dân gian, có vẻ như tốt nhất là xác định ra những điểm mấu chốt vẫn còn đáng chú ý (cho dù ở nhiều cái vỏ hoặc hình thức thể hiện khác nhau) như là kim chỉ nam cho những vấn đề vẫn còn thu hút sự quan tâm và chú ý đến văn hóa dân gian.

Tính truyền thống

Không có một ý tưởng nào quan trọng đối với các khái niệm của văn hóa dân gian hơn truyền thống. Truyền thống xuất hiện nổi bật trong các định nghĩa về văn hóa nói chung, nhưng các nhà văn hóa dân gian có xu hướng đặc biệt nhấn mạnh vào tính truyền thống như một thuộc tính có tính chất tiêu chuẩn của văn hóa dân gian. Sự nhấn mạnh này, dưới nhiều cái vỏ khác nhau, là câu trả lời cho thách thức mạnh mẽ đối với uy quyền truyền thống, nói theo nghĩa cổ điển của Max Weber, của những hệ tư tưởng hiện đại của phong trào Cải cách Tin lành, của thời kỳ Khai sáng (Enlightenment), và của chủ nghĩa tư bản công nghiệp, trong đó lý do, chủ nghĩa cá nhân, phát kiến và sự tiến bộ là những giá trị tối cao. Việc đào sâu nhận thức về sự chuyển tiếp vĩ đại tới tính hiện đại, cái đã kích thích việc khám phá ra văn hóa dân gian, là phần nào dựa trên sự tương phản có thể nhận thấy giữa những xã hội mà trong đó quyền lực truyền thống ngự trị và những hình thức tổ chức xã hội mới nảy sinh chi phối bởi quy luật lý do thực tiễn. Mối quan tâm đến văn hóa  dân gian vốn đâm chồi nảy lộc ở thế kỷ 19 là một phần của nỗ lực trí tuệ của kỷ nguyên bước ngoặt đó nhằm tìm hiểu những biến đổi căn bản mà tính hiện đại xuất hiện lúc đó đem lại. Di sản của nỗ lực này vẫn còn tô điểm cho cái quan niệm bình dân song méo mó về văn hóa dân gian như là sự điên rồ, sự mê tín, điều sai lầm và những món đã lỗi thời của một thời kỳ trước đó trong sự phát triển xã hội của nhân loại kể từ khi bị chủ nghĩa duy lý khoa học của nền văn minh hiện đại lấn lướt.

Tuy vậy, cũng có một hình ảnh đối nghịch của văn hóa dân gian, tuyệt nhiên không phải sản phẩm của những trào lưu trí tuệ như vừa nói, cụ thể là xem văn hóa dân gian như một cái hấp dẫn, đầy màu sắc, có tình cảm, tự nhiên và đích thực. Có thể gọi cái này là cái nhìn lãng mạn về văn hóa dân gian, trái với cái nhìn duy lý. Như một bộ phận của di sản mà Herder để lại, sự lãng mạn hoá văn hóa dân gian này xuất phát một phần từ phản ứng chống lại chủ nghĩa duy lý lạnh lùng của thời kỳ Ánh sáng (Enlightenment), nhấn mạnh rằng văn hóa dân gian tạo nền tảng cho một nền văn hoá dân tộc đích thực, đúng với tính toàn vẹn về tinh thần và lịch sử của một dân tộc. Cách nhìn này là nguồn gốc cho những lời ca ngợi mang tính dân tộc chủ nghĩa lãng mạn đối với văn hóa dân gian và cho sự tìm tòi có tính chất hoài cổ về cội nguồn văn hoá, nghệ thuật dân gian, nghệ thuật thủ công và các di sản âm nhạc, hiện tượng “folklorico”, các chương trình bảo tồn cuộc sống dân gian, v.v… Tuy vậy, dù dưới góc độ duy lý hay lãng mạn thì văn hóa dân gian vẫn chủ yếu được xem là sự suy tàn bất chấp tính hiện đại, và nhận thức này về sự thay đổi có tính mở ra kỷ nguyên mới này đã là nguồn động lực to lớn khiến chúng ta quan tâm đến các truyền thống dân gian.

Thuật ngữ truyền thống thường được sử dụng theo nghĩa kép, chỉ cả quá trình chuyển tải theo thời gian của một yếu tố văn hoá có thể cách ly lẫn bản thân những yếu tố được chuyển tải trong quá trình đó. Xem một yếu tố của văn hóa dân gian là có tính truyền thống tức là xem như nó có tính liên tục theo thời gian, bắt nguồn trong quá khứ nhưng tồn tại tới hiện tại theo cách của một thực thể tự nhiên. Tuy nhiên, cũng đang nảy sinh một sự định hướng lại trong các nhà nghiên cứu truyền thống, khác với cái nhìn tự nhiên chủ nghĩa về truyền thống như một di sản văn hoá bắt rễ trong quá khứ và hướng về một nhận thức về truyền thống như cái được cấu thành một cách tượng trưng trong hiện tại. Truyền thống, theo cách hiểu như thế, được xem là một cấu trúc chọn lọc, có tính lý giải, là sự sáng tạo về mặt xã hội và có tính tượng trưng của mối liên hệ giữa các khía cạnh của hiện tại và một lối lý giải quá khứ. Lối nhìn nhận truyền thống này như một thứ ý nghĩa được gán ghép một cách có thể lý giải đã cho ta không chỉ một cơ sở soi sáng cho hiểu biết mang tính phê phán đối với ý tưởng về bản thân văn hóa dân gian như một cấu trúc tượng trưng, mà còn mở ra đường hướng khảo cứu các phong trào phục hưng văn hoá dựa trên văn hóa dân gian, việc sử dụng truyền thống như một cơ chế kiểm soát xã hội, quan niệm hiện đại của các truyền thống được người ta sáng tạo ra (như kiểu lễ kỷ niệm Hoàng gia hay các cuộc diễu hành ngày 1 tháng 5) như những phương cách đem lại sự cộng hưởng tượng trưng và quyền lực cho những thiết chế xã hội hiện đại, và chính nhu cầu đối với sự truyền thống hoá – một nhu cầu xã hội muốn đem ý nghĩa đến cuộc sống hiện tại của chúng ta bằng cách liên kết bản thân chúng ta với một quá khứ có ý nghĩa. Các hướng khảo cứu đó có thể sẽ thách thức sự cố chấp của những nhà văn hóa dân gian bảo thủ trong việc phân biệt giữa văn hóa dân gian và trường phái dân gian, cái đích thực và cái giả mạo, cái thực và cái do bày đặt ra, song họ không cần giảm bớt sự quan tâm của chúng ta đối với các dạng thức cổ có thể lý giải được. Mà đáng ra họ nên đem đến một góc nhìn có tính phê phán chỉnh thể bao hàm cả những tư liệu và các quá trình của văn hóa dân gian và cái ngành chuyên nghiên cứu nó theo nghĩa một quá trình xã hội liên tục của sự truyền thống hoá.

Một hệ quả khác của sự tập trung truyền thống vào các khái niệm của văn hóa dân gian là xu hướng nhấn mạnh bản chất tập hợp, có sẵn và rập khuôn của các dạng thức văn hóa dân gian. Tính truyền thống kéo theo tính thần thánh hoá cá nhân, bởi vì nó bao hàm sự chuyển giao giữa các thế hệ, tính liên tục và quyền lực đã thành thói quen trong một nhóm xã hội nào đó. Ngoài ra, các mô hình chiếm ưu thế về bản chất của một xã hội dân gian lại có xu hướng xem nó về cơ bản là thuần nhất; theo lời của nhà nhân chủng học Hoa Kỳ Robert Redfield, “trong một xã hội dân gian lý tưởng, cái mà một người biết và tin thì cũng giống hệt như cái mà tất cả mọi người biết và tin”. Về phương diện này, lý thuyết ngôn ngữ học cũng có ảnh hưởng, bởi vì các học giả đã mở rộng sự phân biệt mang tính ngôn ngữ học của Ferdinand de Saussure giữa ngôn ngữ và lời nói sang sự tương phản giữa văn hóa dân gian và văn hóa viết, nhìn nhận văn học dân gian như ngôn ngữ, được tập thể hoá, xã hội hoá, một dạng thức có tính truyền thống bền vững, sự sáng tạo và sự sở hữu của cộng đồng nói chung. Trong khi sự dị bản văn hóa dân gian đã và đang là mối quan tâm thực sự của các nhà văn hóa dân gian và nhiều nỗ lực của giới học giả đã đổ vào việc phân tích so sánh các dị bản và biến thể của những yếu tố nhất định trong văn hóa dân gian, thì chuẩn quy chiếu vẫn là cái truyền thống dân gian đã lý tưởng hoá, khái quát hoá, xem như một sản phẩm của cộng đồng. Tình trạng vô danh của văn hóa dân gian cũng y như thế; dấu ấn cá nhân của sự thể hiện bị coi là hoàn toàn gộp chung bởi sự đồng nhất của tập thể.

Tuy vậy, trong những năm gần đây, mà chủ yếu dưới tác động của những phương pháp tiếp cận chú trọng vào sự diễn xướng, người ta đã chú ý nhiều hơn đến tính cá thể và tính sáng tạo trong văn hóa dân gian. Việc khảo sát sự diễn xướng văn hóa dân gian trong các hoàn cảnh áp dụng cụ thể đã đem lại một bộ khung sản sinh (productive framework) mà trong đó nghiên cứu tác động qua lại giữa truyền thống và sự đổi mới trong diễn biến cuộc sống xã hội. Các văn bản văn hóa dân gian trở nên được nhìn nhận không chỉ đơn thuần là những biểu hiện của tiêu chuẩn có tính quy phạm, mà như một cái mới ló ra, một sản phẩm của tương tác phức tạp giữa các nguồn thông tin, mục tiêu xã hội, năng lực cá nhân, các quy định nền tảng của cộng đồng đối với sự diễn xướng, và các cấu trúc sự kiện được quy định về mặt văn hoá. Truyền thống, cái tập thể, cái chung, cái quy ước không phải bị bỏ rơi ở đây, mà cái cá nhân và cái tập thể được đưa lên bình đẳng với truyền thống trong một phép biện chứng được long trọng trình bày trong bối cảnh hành động có tình huống, được xem là một thứ thực tiễn.

Cơ sở xã hội

Tiền tố “dân gian” trong từ văn hóa dân gian gợi ý rằng một bộ phận trong cái cốt lõi của văn hóa dân gian nằm ở cơ sở xã hội của nó. Câu hỏi “Ai là dân gian?” hiện lên to tướng trong mọi khảo sát về bản chất của văn hóa dân gian và lịch sử của chuyên ngành nghiên cứu nó. Các khái niệm về cơ sở xã hội của văn hóa dân gian có thể tóm tắt theo cách nói của ba phương diện lớn, với sự ngầm hiểu là mỗi phương diện đều có những sắc thái và đặc điểm chi tiết.

Thuật ngữ “dân gian” thoạt tiên được đưa vào lý thuyết xã hội học vào nước Đức cuối thế kỷ 18 và trở nên một trong những khái niệm nền tảng trong sự phát triển của ngành xã hội học thế kỷ 19 như một phần của truyền thống loại hình (typological) và cách mạng vĩ đại, mà đại diện là công trình của Wilhelm Wundt (1832-1920), William Graham Summer (1840-1910), Ferdinand Tonnies (1855-1936), Emile Durkheim (1855-1917) và các tác giả khác. Những đặc điểm được quy cho xã hội dân gian lý tưởng đã được tóm tắt súc tích nhất trong phần Tóm tắt của bài luận tổng hợp của Redfield nhan đề “Xã hội dân gian” công bố năm 1947: “Sự hiểu biết về xã hội có thể đạt được thông qua xây dựng một loại hình lý tưởng cho xã hội nguyên thủy hay xã hội dân gian tương phản với xã hội đô thị hoá hiện đại. Một xã hội như thế thì nhỏ, biệt lập, không có chữ viết và đồng nhất, với một tinh thần đoàn kết nhóm mạnh mẽ … Hành vi mang tính truyền thống, tự phát, không có tính phê phán và cá nhân …”

Redfield, giống như tuyệt đại đa số các bậc tiền bối của ông, đã xây dựng mô hình của mình về xã hội dân gian như một loại hình lý tưởng khi ông thừa nhận rằng “Không một xã hội nào mà ta đã biết trùng khớp chính xác với nó”. Trong sơ đồ của Redfield, cái dân gian đứng đối lập với xã hội đô thị, cái mà ông dành cho độc giả tự định nghĩa lấy bằng cách tổng hợp các đặc trưng đối lập lôgic với xã hội dân gian. Các loại hình trái ngược nhau trong cách hiểu này thể hiện những mặt đối lập của một dãy liên tục mà dọc theo chúng mọi xã hội đều khả dĩ tồn tại về lý thuyết, mặc dù nói theo ngôn từ lịch sử thì một dãy liên tục được xem là một chiều: nó biểu diễn sự tiến bộ có tính cách mạng vĩ đại từ xã hội tiền hiện đại tới hiện đại. Tác động của mô hình lý thuyết như thế là củng cố cho luận điểm rằng xã hội dân gian vẫn đang không ngừng tạo điều kiện cho tiến bộ và rằng văn hóa dân gian ngày càng trở nên không tương hợp với cuộc sống hiện đại. Như vậy, nhiều nhà văn hóa dân gian định hướng công trình của mình vào những con người ở nông thôn; những người thuộc các tộc thiểu số ít bị xa rời cái quá khứ đồng ruộng của họ hơn những người đã hoà nhập hoàn toàn vào xã hội đại chúng hiện đại, thành thị, công nghệ; và các nhóm nghề nghiệp như chăn bò, đốn củi, đi biển hoặc đào mỏ, những người mà công việc đã giữ họ gắn bó chặt chẽ với môi trường thiên nhiên.

Một khía cạnh quan trọng khác trong lập luận của Redfield là việc ông đưa vào đoạn dân gian đó “các nhóm người thuộc bộ lạc và nhóm người là nông dân”. Tuy vậy, cách gộp này đã là đề tài của nhiều cuộc tranh luận kéo dài. Nhiều nhà lý luận dân gian, kể cả hầu hết các nhà văn hóa dân gian, đều bảo lưu cách dùng chữ dân gian để chỉ những con người nông dân, các thợ thủ công làng xã và các nhóm người theo ngành nghề khác thuộc về tầng lớp thấp hơn, ít phát triển hơn của một xã hội phức tạp. Các xã hội thị tộc được xem là những hình thức xã hội khác về chất, trong toàn bộ (chứ không phải chỉ một bộ phận) xã hội đó, các phương thức tồn tại nguyên thuỷ vẫn còn giữ nguyên vẹn chức năng của chúng. Còn các học giả khác, cũng như Redfield, thì nhấn mạnh sự liên tục giữa các xã hội thị tộc và nông dân và đã mang lại cho những xã hội đó một cấu trúc quy chiếu thống nhất hơn. Những vấn đề này còn tiếp tục được bàn cãi, và thường là cơ sở cho sự phân biệt có tính chuyên ngành giữa văn hóa dân gian và nhân chủng học.

Bất kể ảnh hưởng vẫn còn tiếp tục của quan niệm truyền thống về xã hội dân gian, những suy nghĩ gần đây về cơ sở xã hội của văn hóa dân gian đã bắt đầu đi chệch đáng kể khỏi cái nhìn cổ điển. Một trong những lập luận có ảnh hưởng là của nhà văn hóa dân gian Hoa Kỳ Alan Dundes: “Thuật ngữ ‘dân gian’ có thể chỉ bất kỳ nhóm người nào chia sẻ ít nhất một yếu tố chung. Yếu tố liên kết đó là gì thì không thành vấn đề… song cái quan trọng là cái nhóm người đó, hình thành vì bất kể lý do gì, có một vài truyền thống mà họ gọi là của chính mình”. ở đây khái niệm về dân gian đã được tách khỏi những giả thiết mang tính cách mạng và tính loại hình của lý thuyết (về cái) dân gian đậm chất cổ điển, nhưng một số đặc điểm then chốt vẫn còn được giữ lại. Truyền thống chung vẫn là thuộc tính kiểu tiêu chí chủ yếu của nhóm (người) dân gian, bắt nguồn từ bản sắc chung. Tuy nhiên, về cơ bản thì đó là một sự đồng nhất có giới hạn; thay cho sự đồng nhất gần như hoàn toàn của xã hội dân gian lý tưởng, Dundes phải dùng đến bất kỳ đặc điểm đơn lẻ nào của bản sắc chung có thể cấu thành cơ sở cho sự hình thành một nhóm (người) xã hội. Bất kỳ một nhóm nào như thế, do nó tồn tại dai dẳng qua thời gian và tích luỹ được một khối kinh nghiệm chung, cũng sẽ có cho mình một cái lõi truyền thống, và do đó có văn học dân gian của nó. Vì thế chúng ta có thể thấy có những lối nói đùa (xem Sự hài hước) giữa các nhà du hành vũ trụ với nhau, các tục ngữ (xem Tục ngữ) thịnh hành giữa các nhà lập trình máy tính (“Rác vào, rác ra”), v.v… Theo các ngôn từ đó “Mỗi nhóm sẽ có văn hóa dân gian của riêng mình” và sẽ còn tiếp tục như thế chừng nào con người còn tiếp tục tụ với nhau thành nhóm. Bản chất và mức độ của vốn liếng văn hóa dân gian trong các nhóm này sẽ vẫn là điều cần khám phá.

Đồng thời, một điểm chệch hướng quan trọng nữa khỏi lý thuyết dân gian cổ điển được thể hiện bởi các cách tiếp cận mới đây (chú trọng vào sự diễn xướng và tương tác xã hội) đối với văn hóa dân gian, tập trung vào cấu trúc của các quan hệ xã hội tổ chức nên lối sử dụng hiện tại của các dạng thức văn hóa dân gian trong cuộc sống xã hội. Đúng là (to be sure) một số luận điểm (formulation) cũ hơn cũng dành vị trí trung tâm cho các loại quan hệ xã hội cấu thành thực chất của xã hội dân gian, song các cách tiếp cận mới còn đi xa hơn trong những khảo cứu về cơ sở xã hội của lối diễn đạt kiểu văn hóa dân gian bằng cách xử lý với nó như một vấn đề thuộc về kinh nghiệm và khảo sát cấu trúc và động lực của bản sắc và các quan hệ vai trò trong những tình huống sử dụng. Những khảo sát như thế khám phá ra là văn hóa dân gian có thể là một sự diễn đạt của bản sắc dị biệt hoặc chung, mối quan hệ của các xung đột cũng như tính thống nhất của nhóm, tính đa dạng xã hội cũng như tính đồng nhất. Điều quan trọng nhất hoá ra là việc khảo sát mang tính kinh nghiệm đối với cơ sở xã hội của văn hóa dân gian trong khi sử dụng đã làm nổi bật những phương cách mà theo đó lối diễn đạt kiểu văn hóa dân gian có thể cấu thành bởi các quan hệ xã hội chứ không đơn thuần là sự phản chiếu, sự ánh xạ, hoặc là yếu tố liên quan của chúng.

Cuối cùng, trong bảng liệt kê của Redfield các thuộc tính của xã hội dân gian lý tưởng là tiêu chí không có chữ viết (xem Văn hóa truyền miệng). Như đã viết về sau trong bài luận của ông, “Dân gian chỉ trao đổi thông tin bằng lời từ miệng; do đó sự thông tin làm cơ sở cho hiểu biết chỉ là cái diễn ra giữa những người hàng xóm, trong một xã hội bé nhỏ”. Sự nổi trội của kênh truyền miệng, của thông tin mặt đối mặt là một đặc điểm của văn hóa dân gian kể từ khi nó bắt đầu. Các nhà văn hóa dân gian từ cuối thế kỷ 18 đã tiếp tục tự hào về vị trí của văn hóa dân gian truyền miệng. Thực vậy, một số người đã định nghĩa văn hóa dân gian là “văn hóa truyền miệng” hoặc “nghệ thuật dạng lời” hoặc “văn hóa được chuyển tải bằng lời”, mặc dù những người khác vẫn cố đưa vào các hành vi theo tập quán và lòng tin, văn hoá dân gian vật thể, và những cái tương tự như vậy. Thường thì các nhà văn hóa dân gian kiểu nhân chủng học hiện đại có khuynh hướng tập trung nỗ lực vào các thể loại dạng lời của văn hóa dân gian, phần lớn bởi vì chúng có một cái khung lý luận khác phục vụ cho việc tìm hiểu những khía cạnh khác của văn hoá (Xem thêm Lịch sử truyền miệng).

Một yếu tố khác nữa liên quan đến sự chú trọng vào tính truyền miệng là sự nhấn mạnh phổ biến rằng tính chuyển tải bằng lời phải là thuộc tính kiểu tiêu chí của văn hóa dân gian. Điều này có hai hệ quả, cả hai đều nêu bật môi trường chuyển tải và hình thái xã hội (social configuration) của tình huống học. Về phần môi trường thông tin, như thông lệ người ta viện dẫn vai trò trọng tâm của kênh truyền miệng để phân biệt văn hóa dân gian với sự thông tin dạng viết, đặc biệt là dạng in. Có lẽ sự khác biệt chủ yếu giữa ngôn ngữ bằng lời và ngôn ngữ viết, trong con mắt các nhà văn hóa dân gian, là sự viết có năng lực lớn hơn trong việc cố định một văn bản bằng lời, ngăn chặn những sự xộc xệch và thay đổi mà nếu dựa vào sự chuyển tải bằng lời thì dễ xảy ra. Tất nhiên, tính biến dạng đó còn bị chi phối bởi một loạt yếu tố xã hội và thể loại; trong một cuộc diễn xướng, các dạng thức văn hóa dân gian chơi suốt cả gam từ chỗ trung thành từng từ một theo một chuẩn văn bản cố định, như trong một bài thánh ca hay một tục ngữ, tới chỗ cực kỳ thả nổi văn bản, như khi kể một chuyện truyền thuyết (xem Truyện dân gian). Dù sao, in và chữ viết cũng có sự khác biệt, và các nhà văn hóa dân gian phần lớn đều có xu hướng vạch ra các biên giới cho địa hạt này nhằm loại bỏ những dạng thức phụ thuộc vào ngôn từ dạng viết, chỉ trừ một số thể loại như grafito và thơ tự viết tay là vẫn còn giống với các thể loại nói ở tính truyền thống, tính vô danh và tính dễ thay đổi.

Đồng thời người ta cũng thường loại trừ khỏi địa hạt văn hóa dân gian các phương thức thông tin đại chúng hiện đại như ghi âm, radio, phim ảnh, hoặc tivi, những cái sử dụng ngôn ngữ dạng lời nhưng theo những cách chủ yếu là trái với lối tương tác kiểu nói mặt đối mặt. Các phương thức thông tin đại chúng bị gạt bỏ vì 3 lý do: (1) chúng không bắt nguồn trong cuộc sống cộng đồng mà nảy sinh và du nhập từ ngoài vào; (2) chúng không mang tính chất cùng tham gia nhưng lại được tiêu thụ bởi quảng đại khán -thính giả, và (3) giống như sự in, chúng không dễ thay đổi mà được cố định bởi vật mang thông tin.

Các phương thức và phong cách học tập (styles of learning) được ngụ ý trong sự bám lấy tính thể hiện bằng lời (orality). Sự biết đọc biết viết có được thông qua quá trình dạy và học chính thống và có thể chế là rất xa lạ với văn hoá dân gian cổ điển, trong đó việc học tập không chính thống – tức là mang tính cá nhân, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh và theo truyền thống – ngự trị. Đúng là không phải mọi sự học không chính thống đều dựa trên tương tác dạng lời. Những nhà văn hóa dân gian hoặc học giả về cuộc sống dân gian, mà mối quan tâm của họ vượt ra ngoài các dạng thức bằng lời để bao hàm cả hành vi theo tập quán và văn hoá dân gian vật thể, đã bổ sung thêm cơ chế chuyển tải kiểu bắt chước hoặc làm mẫu vào tiêu chí thể hiện dạng lời. Chẳng hạn, Đạo luật Bảo tồn cuộc sống dân gian Mỹ năm 1976 đã quy định rằng các hình thức thể hiện cấu thành cuộc sống dân gian “chủ yếu được học bằng lời, bằng cách bắt chước, hoặc thông qua sự diễn xướng, và nói chung được duy trì mà không cần đến sự hướng dẫn chính thức hoặc chỉ thị theo thể chế”, như vậy là có tính đến cả môi trường chuyển tải và hình thái xã hội của tình huống học tập.

Mỹ học

Rõ ràng là sự dùng lời chỉ là một yếu tố trong những chiêu bài kiểu như “nghệ thuật dùng lời”, “văn hóa truyền miệng” và “văn hóa được chuyển tải bằng lời” dùng để chỉ cái mà theo một số nhà văn hóa dân gian là cốt lõi của văn hóa dân gian. Còn những cái khác là nghệ thuật. Thực vậy, chính sự viện dẫn mang tính mỹ học của một số dạng thức văn hóa dân gian đã lần đầu tiên kích thích sự chú ý ở thế kỷ 18, rất lâu trước khi ra đời các thuật ngữ Volkskunde hoặc văn hóa dân gian hoặc nổi lên ngành xã hội học xã hội dân gian. Xuất phát điểm của một xung lực chủ yếu dẫn đến sự khám phá và nghiên cứu văn hóa dân gian là phong trào lãng mạn, đặc biệt là trong những chiêu bài thiên về dân tộc chủ nghĩa của nó. Trong hệ tư tưởng của chủ nghĩa dân tộc lãng mạn, một ngôn ngữ phân biệt và một nền văn hóa là những phương tiện chính cho sự biểu đạt bản sắc dân tộc, lòng tự hào và tinh thần. Như vậy sự tìm tòi về gốc rễ của một nền văn hóa dân tộc đích thực, bản địa trong văn hóa dân gian đã bắt đầu từ thế kỷ 18 với những công trình có ảnh hưởng rất lớn như Reliques of Ancient English Poetry [Di sản của thơ ca tiếng Anh cổ] của Thomas Percy (1756) hay Volkslieder (1778-1779) của Herder, rồi đạt tới điểm cực thịnh có lẽ với Kalevala (1835) của Elias Lonnrot, biểu tượng tập trung cho văn hoá dân tộc Phần Lan. Mỹ học lãng mạn ca ngợi các bài dân ca, các khúc ballad, truyện thần tiên, truyền thuyết – các thể loại dân gian (xem Thể loại) của thi ca và văn xuôi – do sức sống, tính tự phát, tính tự nhiên, tác động tình cảm và sự thuần phác của chúng, và sự tôn vinh nghệ thuật dân gian còn tiếp tục được duy trì bởi những chuẩn mực mỹ học suốt từ đó (Xem thêm Truyện kể dân gian; Thi ca truyền miệng; Sự hát).

Sự quan tâm đến nghệ thuật dùng lời và mỹ học dân gian đã trở nên một trong những lĩnh vực sôi động nhất trong sự phát triển đương đại của lý luận văn hóa dân gian. Một định nghĩa đặc biệt có ảnh hưởng về văn hóa dân gian, nêu bật được sự quan tâm đối với chiều sâu mỹ học, là của Dan Ben -Amos: “văn hóa dân gian là sự truyền thông tin một cách nghệ thuật trong các nhóm nhỏ”, tức là những nhóm “mà trong đó con người quan hệ với nhau mặt đối mặt và trực tiếp” (Xem Tác động qua lại, Mặt đối mặt).

Một hướng phân tích mà hiện nay đã trở nên ngày càng quan trọng là tập trung vào bản chất và bố cục của sự diễn xướng, chịu ảnh hưởng bởi sự hiểu biết thấu đáo về lý luận văn chương và nhân chủng học ký hiệu. Do đó, ở đây mối quan tâm chính yếu là cái gì tạo nên tính khéo léo trong lời nói và hành động, không chỉ trong các thể loại đã chính thức hoá của nghệ thuật dùng lời và sự thực hiện bằng ký hiệu của nghi thức và festival, mà cả trong các cách nói và hành động ít rõ ràng hơn. Những người đã khảo sát văn hóa  dân gian như sự diễn xướng thì cũng nghiên cứu vai trò chức năng của sự khéo léo trong diễn biến cuộc sống xã hội: để tăng hiệu quả hùng biện, để kích thích năng lượng tham gia của một cử toạ, như một môi trường thể hiện bản thân hoặc tự đánh bóng mình, như một sự giải trí, v.v… Liên quan đến góc độ thiên về sự diễn xướng đó có thi pháp dân tộc học vốn quan tâm chủ yếu đến sự lập ra khuôn mẫu mỹ học cho các dạng thức văn chương truyền miệng và những vấn đề của chuyển thể và biến chúng sang dạng in sao cho sự khéo léo của việc diễn xướng bằng lời không bị mất đi. Một lĩnh vực nữa, còn khó khăn hơn, đó là mỹ học dân tộc, là sự khảo sát về mặt dân tộc học đối với các hệ thống bẩm sinh của mỹ học bằng ngôn từ của chính chúng, bởi vì điều đó sẽ quyết định việc tạo ra, tiêu thụ và lý giải các sản phẩm mỹ học.

Tất cả các cố gắng đó mang tính chỉnh thể, trong truyền thống trí tuệ vĩ đại của văn hóa dân gian, chống lại sự chia cắt mang tính tư duy hoặc ngành nghề như văn hóa dân gian đã bị kể từ lúc ra đời khái niệm này hơn hai thế kỷ trước. Trong lúc các dạng thức của sự biểu đạt dân gian và chuyên ngành nghiên cứu chúng vẫn không ngừng vận động biến đổi, thì kết cấu ký hiệu (symbolic construction) của văn hóa dân gian vẫn còn là một lực lượng xã hội đáng kể, được tiếp thêm sinh lực từ các quá trình năng động của sự truyền thống hoá, của hệ tư tưởng, của tư duy xã hội và của sự khéo léo trong cuộc sống hàng ngày.

 

Tài liệu tham khảo

1. William R. Bascom, biên tập, Frontiers of Folklore [Những ranh giới của văn hóa dân gian], Nhà xuất bản Boulder, Colorado, 1977.

Dan Ben-Amos, biên tập, Folklore Genres [Các thể loại văn hóa dân gian], Nhà xuất bản Austin, Texas, 1976.

2. Dan Ben-Amos và Kenneth S. Goldstein, biên tập, Folklore: Performance and Communication [Văn hóa dân gian: Diễn xướng và giao tiếp], Nhà xuất bản The Hague, 1975.

3. Jan Brunvand, The Study of American Folklore [Nghiên cứu văn hóa dân gian Mỹ], xuất bản lần thứ hai, New York, 1978.

4. Giuseppe Cocchiara, The History of Folklore in Europe [Lịch sử văn hóa dân gian ở châu Âu], Philadelphia, 1981.

5. Richard M. Dorson, The British Folklorists [Các nhà văn hóa dân gian Anh], Chicago và London, 1968.

6. Richard M. Dorson biên tập, Handbook of American Folklore [Sổ tay văn hóa dân gian Mỹ], Bloomington, Indiana, 1983.

7. Alan Dundes biên tập, The Study of Folklore [Nghiên cứu văn hóa dân gian], Englewood Cliffs, New Jersey, 1965.

8. Richard Handler và Jocelyn Linnekin. “Tradition, Genuine or Spurious” [Truyền thống, đích thực hay giả dối], Journal of American Folklore [Tạp chí văn hóa dân gian Mỹ], 97 (1984): 273-290.

9. Michael Herzfeld, Ours Once More: Folklore, ideology and the Making of Modern Greece [Lại nói về cái của chúng ta: Văn hóa dân gian, hệ tư tưởng và sự hình thành nước Hy Lạp hiện đại], Austin, Texas, 1982.

10. Ake Hultkrantz, General Ethnological Concepts [Các khái niệm nhân chủng học đại cương], Copenhagen, 1960.

11. Dell Hymes, “Folklore’s Nature and the Sun’s Myth” [Bản chất của văn hóa dân gian và thần thoại về Mặt trời], Journal of American Folklore [Tạp chí văn hóa dân gian Mỹ], 88 (1975): 346-369.

12. Américo Paredes và Richard Bauman, biên tập. Toward New Perspectives in Folklore [Hướng tới những viễn cảnh mới trong văn hóa dân gian], Austin, Texas, 1972.

13. J. Barre Toelken, The Dynamics of Folklore [Động lực của văn hóa dân gian], Boston, 1979.

14. William A. Wilson, Folklore and Nationalism in Modern Finland [Văn hóa dân gian và chủ nghĩa dân tộc ở nước Phần Lan hiện đại], Bloomington, Indiana, 1976.

15. Rosemary L. Zumwalt, American Folklore Scholarship: A Dialogue of Dissent [Trường phái học thuật văn hóa dân gian Mỹ: Đối thoại với sự bất đồng quan điểm].

(In trong sách: Folklore: Một số thuật ngữ đương đại, Ngô Đức Thịnh, Frank Proschan chủ biên (2005), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội).