Văn hóa Việt Nam với kiến trúc nhà ở – Tạp chí Kiến Trúc

Khái niệm nhà ở trong tiếng Anh (house), Pháp (maison), Ý (casa) đều có mục đích chung là dùng để chỉ một thực thể vật chất làm nơi cư ngụ của con người; trong đó, kiến trúc luôn được liên kết với những vấn đề về bản sắc thị giác và bản sắc văn hóa. Đối với người Việt, nhà ở không chỉ là thứ che mưa, che nắng, mà còn là biểu trưng của tinh thần gia tộc, là “đình miếu” của con cháu thờ phụng tổ tiên, là một hình thức tư hữu tài sản có màu sắc tôn giáo. Có lẽ vì vậy mà người Việt Nam thiết tha có một nếp nhà và mong muốn nếp nhà của mình phải luôn tiếp tục được lưu truyền cho con cháu. Bài báo mong muốn làm rõ quan niệm về nhà ở của người Việt trong quá khứ, chỉ ra các giá trị cốt lõi “nếp nhà”, “gia tộc” cần gìn giữ trong “kiến trúc nhà ở” gắn liền với bản sắc văn hóa Việt Nam.

Đặc trưng văn hóa Việt

Nếu như văn hóa trọng động là đặc trưng của xã hội phương Tây, thì văn hóa trọng tĩnh là giá trị riêng của các quốc gia phương Đông, trong đó có Việt Nam. Ở phương Tây, tính chủ biệt và tư duy phân tích đã buộc con người phải nhất quán với mình. Trong khi đó, người Việt có nét đặc trưng ở tính linh hoạt – dương, kết hợp kỳ diệu với tính ổn định – âm. Cụ thể, người Việt có tính chủ toàn thể hiện ở khả năng bao quát và quan hệ tốt, như trong dòng chảy văn hóa cùng lúc tiếp nhận nhiều tôn giáo tín ngưỡng khác nhau nhưng đã tổng hòa tất cả mọi tín ngưỡng, học thuyết để hình thành nên tôn giáo của mình; đặc tính của người Việt còn thể hiện rõ trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm: nếu như phương Tây có nền văn hóa dương tính – gốc du mục, chiến tranh là việc của quân đội, của đàn ông; thì ở nền văn hóa âm tính, Việt Nam luôn gắn liền với các khái niệm “chiến tranh nhân dân”, “ngụ binh ư nông”, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “Thánh Gióng”,… tất cả mọi người dân đều tham gia đánh giặc, đây là đặc trưng của văn hóa nông nghiệp. Những dẫn chứng trên góp phần làm rõ nền văn hóa Việt Nam có đặc trưng trọng tĩnh – âm tính.

Quan niệm về gia tộc, nếp nhà

Với bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa của 4000 năm dựng nước và giữ nước, người Việt Nam luôn gắn liền với văn hóa nông nghiệp mà trong đó, giá trị vật chất quan trọng – luôn được đề cao – là đất đai và ngôi nhà. Với đặc trưng văn hóa đó, người Việt xưa rất coi trọng gia tộc và chia thành hai bậc: Một là nhà – tiểu gia đình, gồm: Vợ chồng, cha mẹ và con cái; hai là họ – đại gia đình, gồm cả đàn ông, đàn bà cùng một ông tổ sinh ra, kể cả người chết và người sống [5, tr95]; việc kế thừa trong gia đình cũng có hai thứ: Một là kế thừa tôn thống (tức là trên tế tự tổ tiên – dưới lưu truyền huyết thống); hai là kế thừa di sản, tức là thừa hưởng tài sản của cha mẹ ông bà chết để lại. Với những quan niệm đó, nhiệm vụ của gia đình đối với xã hội Việt xưa là rất nặng nề. Vì vậy mà việc xây cất nhà cửa – nơi trú ngụ của tiểu gia đình, đại gia đình luôn được người Việt xem là việc quan trọng, việc lớn của đời người, tộc họ. Tất cả mọi công đoạn xây dựng nhà cửa đều được người Việt quan tâm: Chọn ngày lành tháng tốt, hợp tuổi với người đứng ra chủ lễ; tránh làm các việc hệ lụy hay chọn nhầm ngày xấu; luôn cầu mong điềm lành cho từng công đoạn, kích thước, vật liệu, màu sắc… để xây cất.

Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của dân tộc, xã hội Việt Nam luôn gắn liền với đời sống nông thôn và hoạt động nông nghiệp, đến thời Pháp thuộc, văn hóa Việt Nam lại tiếp biến mạnh mẽ các giá trị của văn hóa Pháp. Thời kỳ sau Cách mạng Tháng 8 và cuối cùng là giai đoạn từ sau đổi mới (1986) đến nay, gắn liền với hội nhập, hợp tác quốc tế, từ những nhóm dân cư nhỏ của các thương nhân, thợ thủ công dần tách khỏi nông thôn, tách khỏi các chúa đất, là tiền đề hình thành các đô thị nhỏ phân tán tương đối độc lập ở Việt Nam. Khi hình thành các đô thị, dân số đến từ các vùng nông thôn tăng nhanh đã làm biến đổi các giá trị văn hóa của đô thị. Hệ giá trị của Văn hóa Việt truyền thống cũng phải chịu sự chuyển đổi mạnh mẽ từ không gian nông thôn thành không gian đô thị, đồng thời tác động của nền kinh tế thị trường và quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước đã làm cho sự phân bố ngành nghề trở nên đa dạng, giá trị vật chất lên ngôi, lấn át nhu cầu văn hóa.

Vì vậy mà quan niệm về gia tộc của người Việt cũng dần có những thay đổi. Nếu như trước đây, người dân nông thôn làm việc trong gia đình theo cơ chế tự cung tự cấp; thì nay, họ làm việc trong các công xưởng, nhà máy theo lề lối khoa học, kế hoạch. Trước đây, người phụ nữ chỉ gắn với trách nhiệm chăm sóc gia đình, thì nay họ tham gia tất cả mọi công việc ngoài xã hội. Nếu như trước đây văn hóa Việt luôn đề cao, bảo tồn và gìn giữ các giá trị của lối sống đại gia đình – “tứ đại đồng đường”, thì nay dần lìa tan thành nhiều tiểu gia đình. Đây là một trong những điểm mấu chốt làm thay đổi quan niệm về nếp nhà của văn hóa và xã hội Việt Nam.

Kiến trúc nhà ở truyền thống

Trong quá trình xây dựng không gian ở cho mình, bằng sự khéo léo của bàn tay và khối óc, con người đã tạo lập không gian sống thích nghi với điều kiện tự nhiên, mỗi công trình nhà ở đều phản ánh khả năng hiểu biết của con người về mối quan hệ giữa hình dạng và chức năng. Các hình dạng sẵn có trong tự nhiên luôn là kiểu mẫu lý tưởng để con người tham khảo cho một mục đích cụ thể. Có lẽ vì vậy, kiến trúc nhà ở của người Việt chịu ảnh hưởng sâu sắc, đậm nét của điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và hình thành nên kiến trúc bản địa: Người Việt thường chọn những vùng đồng bằng có nhiều bùn, nước thích hợp cho điều kiện trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng các vật liệu sẵn có trong tự nhiên. Đối với nhà ở, có thể chia làm ba dạng: Người nghèo thì lợp tranh, vách đất, nền đất, kèo cột làm bằng tre nứa; khá hơn thì làm nhà bằng gỗ (xoan), mái lợp rạ, cỏ tranh…, vách bằng bùn nhào rơm, nền đất hoặc lát gạch; người giàu có, sang trọng thì làm nhà bằng gỗ có chạm trỗ (lim, mít, kiền kiền…), mái lợp ngói, tường gạch, nền gạch… Về chức năng, người nghèo làm nhà một gian hai chái hoặc ba gian hẹp, còn nhà trung bình và nhà giàu thì làm nhà ba gian hai chái, hoặc năm gian hai chái. Tất cả các nhà này thường được bố trí quay về hướng Nam phù hợp với điều kiện khí hậu ở Việt Nam. Trong lịch sử phát triển đô thị Việt Nam, vai trò của nhà phố trong thời gian qua đã tạo thành nét đặc trưng riêng của kiến trúc thành thị Việt. Đây là loại hình nhà hiện thân tuyệt vời của tư duy linh hoạt, tư duy thiết thực của cư dân đô thị Việt: Vừa dùng làm mục đích cư trú vừa dùng để kinh doanh sinh lời.

Xu hướng phát triển nhà ở hiện nay

Trong điều kiện xã hội hiện đại, xu hướng phổ biến đã chuyển dần từ phương thức ở kiểu đại gia đình theo huyết thống sang căn hộ độc lập – tiểu gia đình (cặp vợ chồng trẻ và con nhỏ). Quan niệm coi trọng đất đai – nhà ở với mục đích tạo dựng di sản và để lại cho con cháu tuy vẫn còn tồn tại nhưng đã dần “mềm hóa” trong đời sống xã hội Việt Nam. Đến nay, đô thị Việt Nam đang tồn tại 3 dạng nhà ở phổ biến là: Nhà Biệt thự, không gian vườn rộng và biệt lập bao quanh hoặc trước sau; nhà phố – liền kề có mặt tiền bám sát đường giao thông và nhà ở dạng căn hộ chung cư. Cả ba loại hình nhà ở này tùy theo diện tích, tiện nghi, vật liệu xây dựng, vị trí mà có giá trị được phân thành nhiều hạng khác nhau. Trong đó, loại hình nhà ở dạng phố – liền kề, bám trục giao thông vẫn là xu hướng chính của quá trình chỉnh trang, quy hoạch đô thị. Đến khi đô thị phát triển, đặc biệt là các đô thị lớn, mật độ dân cư ngày càng tăng, nhu cầu nhà ở ngày càng cấp bách, hình thái nhà ở dạng căn hộ trở thành xu hướng phát triển tất yếu của các đô thị hiện đại. Quốc gia Singapore đã cung cấp nhà ở đầy đủ tiện nghi cho 86% người dân với 775 550 căn hộ từ những năm 1966 và thời gian qua, Việt Nam cũng đã quan tâm đẩy mạnh, phát triển loại hình nhà ở dạng này.

Tuy nhiên, loại hình nhà chia lô được xem như đang chiếm ưu thế, phù hợp với bối cảnh hiện nay và rất khó thay đổi, lý do là: Tập quán nhà gắn liền với đất là tài sản có giá trị có thể để lại cho con- cháu; tâm lý thích tính riêng tư; dễ và chủ động xây thêm, cơi nới hay thay đổi công năng (chuyển qua kinh doanh, cho thuê…), đặc biệt là chủ động về phong thủy…. trong khi, nhà ở dạng căn hộ – chung cư mặc dù có những ưu điểm nhất định như giá thành, diện tích và công năng sử dụng hợp lý, có không gian cảnh quan với các thiết chế văn hóa, giải trí phục vụ cộng đồng, khoảng cách di chuyển, điều kiện về dịch vụ và chăm sóc y tế thuận lợi… nhưng vẫn chưa nhận được sự quan tâm lớn của cư dân đô thị Việt.

Kết luận chung

Dù nhà ở của người Việt có thay đổi trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay, nhưng quan niệm sống về nếp nhà vẫn còn được lưu giữ và việc kế thừa tôn thống, kế thừa di sản nhà ở luôn được người Việt quan tâm. Trong không gian hạn hẹp của đô thị (mật độ dân cư cao, diện tích đất có giới hạn), loại hình nhà phố đang chiếm ưu thế nhưng nhà ở dạng căn hộ – chung cư sẽ là xu hướng phát triển tất yếu. Do đó, việc khắc phục những tồn tại, bất cập trong nhà ở dạng căn hộ như chất lượng, hình thành ý thức và thói quen của người dân trong việc sử dụng các tiện nghi chung… và khai thác các đặc trưng của nhà phố để thiết kế, tạo lập không gian kiến trúc nội-ngoại thất của căn hộ chung cư, qua đó bố trí sắp xếp vị trí căn hộ phù hợp với nhu cầu của người sử dụng, khai thác tối đa hiệu quả công năng… Điều này sẽ giúp cho người dân đô thị Việt dần hình thành lối sống, nếp nhà phù hợp với điều kiện phát triển đô thị hiện tại.

Chính vì vậy, mỗi KTS khi thiết kế, xây dựng căn hộ, nhà ở cần hiểu rõ nếp nhà và quan niệm về tiểu gia đình của người Việt, từ đó lựa chọn giải pháp thiết kế không gian kiến trúc phù hợp với lối sống và bối cảnh kinh tế xã hội Việt Nam hiện đại. Đó cũng là cách giữ gìn bản sắc đặc trưng của dân tộc Việt.

 

Tài liệu tham khảo:
[1] John Heskett (2011), Thiết kế, NXB Tri thức, TP HCM, Vũ Loan và Nguyễn Thanh Việt dịch từ Design: a very short introduction (2002)
[2] William S. W. Lim (2007), Quy hoạch đô thị theo đạo lý châu Á, NXB Xây Dựng, Hà Nội, KTS. Lê Phục Quốc và KTS. Trần Khang dịch
[3] Lương Đức Thiệp (2016), Xã hội Việt Nam sơ sử đến cận đại, NXB Tri thức, Hà Nội
[4] Trần Ngọc Thêm (2016), Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường đến tương lai, NXB Văn hóa – Văn Nghệ, TP HCM
[5] Đào Duy Anh (2014), Việt Nam văn hóa sử cương, NXB Nhã Nam – Thế giới, Hà Nội
[6] Hoàng Đạo Kính (2012), Văn hóa Kiến trúc: Phố trong tiến hóa đô thị, NXB Tri thức, Hà Nội
[7] Đàm Trung Phường (2005), Đô thị Việt Nam, NXB Xây Dựng, Hà Nội

 

TS. KTS. Phan Bảo An, Ths. Hs. Trần Văn Tâm

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 7/2017)