Văn hiến- Khái niệm – Mục đích – Sứ mệnh – QUỸ VĂN HIẾN VIỆT NAM

Trong tư tưởng của nhân loại, khái niệm “Văn hiến” đã được đặt ra từ rất sớm. Ở nước ta, vào năm 1428, vị anh hùng dân tộc, danh nhân thế giới Nguyễn Trãi đã khẳng định rằng nước Việt Nam ta là một nước Văn hiến:“ Như nước Đại Việt ta từ trước; Vốn xưng nền văn hiến đã lâu” (Nguyễn Trãi- Bình Ngô Đại Cáo). Bằng cách đó, ông khẳng định rằng, nền văn hiến là cốt lõi của dân tộc, là cơ sở của văn hóa và con người Việt Nam.

Hàng nghìn năm, văn hiến đã tạo ra nền văn minh Việt Nam sánh ngang với các nền văn minh khác của thế giới với những bản sắc riêng và được coi là một nền văn minh quan trọng của nhân loại và có những đóng góp tích cực vào nền văn minh chung.Vào Thế kỷ XVIII, nhà bác học Lê Quý Đôn cũng đã khẳng định “ Ngã quốc hiệu vị văn hiến” tức là nước ta là một nước văn hiến. Ông yêu cầu các thế hệ người Việt Nam phải gắng sức mà gìn giữ và phát triển nền văn hiến ấy. Trong bài văn bia ghi danh tiến sĩ đỗ năm Quang Thuận thứ 4 (1463), cha ông ta đã căn dặn : “Kẻ sĩ may mắn được ghi tên trên bia đá này, phải làm cho danh đúng với thực, rèn luyện phẩm hạnh, gắng sức giữ lấy cái tâm đối với nền văn hiến”vì “kẻ sĩ” là những người có trách nhiệm trước tiên để giữ gìn nền văn hiến của dân tộc.
Thế kỷ XIX, nhà sử học Phan Huy Chú trong bộ sách “Lịch triều hiến chương loại chí” cũng khẳng định rằng nước ta là “Có nền văn hiến đứng đầu trung châu, điển chương rạng cả triều đại”. Chính nền văn hiến ấy đã là cơ sở để hình thành và phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa và con người Việt Nam, giúp chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, dân tộc ta trường tồn.
Tiếp nối truyền thống của dân tộc, thế kỷ XX, chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo Cách mạng Việt Nam đi hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành lại độc lập tự do cho đất nước. Với cương vị là chủ tịch đầu tiên của một nước Việt Nam độc lập và Xã hội chủ nghĩa, Người đã đưa ra những luận điểm quan trọng để xây dựng một nền văn hóa, văn hiến Việt Nam là cốt lõi tinh thần cho chế độ. Người xác định ba tính chất cơ bản nhất của văn hóa dân tộc là: dân tộc, khoa học, đại chúng. Một khi văn hóa ở trong kinh tế và chính trị thì phát triển kinh tế và lãnh đạo chính trị phải có tính văn hóa; và phát triển văn hóa phải trên cơ sở kinh tế và chính trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng lề lối, tác phong, tư cách, đạo đức của con người, hay nói chung là văn hóa, lối sống của con người.
Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ (ngày 03-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách mà chính quyền cách mạng non trẻ phải giải quyết; trong đó có nhiệm vụ xây dựng đời sống mới. Người viết: “Phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở thành một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập”( Hồ Chí Minh (2000),Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội.)
Người rất coi trọng tư cách, đạo đức của con người. Người cho rằng, cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Người cũng đã đề ra “Năm điểm lớn xây dựng nền văn hóa dân tộc”là: 1. Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập tự cường; 2. Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng; 3. Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội; 4. Xây dựng chính trị: dân quyền; 5. Xây dựng kinh tế” ( Hồ Chí Minh, SĐD).
Trong công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay, phát triển kinh tế – xã hội và sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước theo hướng nhân văn vì sự phát triển toàn diện của con người đang được coi là xu hướng tất yếu vì sự phát triển nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Có người đã phân biệt các khái niệm về văn minh, văn hiến và văn hóa. “Văn minh” là những giá trị về vật chất, kỹ thuật; “ Văn hiến “là những giá trị về tinh thần còn “ Văn hóa “ là tất cả những giá trị về vật chất lẫn tinh thần. Theo chúng tôi thật khó phân biệt rạch ròi ba khái niệm trên mà chúng hòa quyện với nhau làm thành một tầm vóc chung của một dân tộc, đất nước, nhân loại. Chúng tôi cho rằng, khái niệm “Văn hiến” có nội dung rộng nhất, không chỉ bao hàm ý nghĩa văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần mà còn cả con người, hệ tư tưởng, pháp luật, tôn giáo, cách tổ chức xã hội, lối sống… nghĩa là toàn diện mọi hoạt động của đất nước. Khi các nhà tư tưởng lớn của Việt Nam nói về một “nền văn hiến” thì không chỉ có ý nói về “giá trị tinh thần”. Nguyễn Trãi đã nhắc lại câu nói của tư tưởng cổ đại Trung Quốc là “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” nghĩa là chính con người làm nên nền văn hóa của một đất nước , một thời đại.
Trong các giá trị truyền thống, các mối quan hệ con người, gia đình và xã hội luôn được nhấn mạnh. Đó chính là một bộ phận của văn hiến, là sự tiếp nối không ngừng của các thế hệ anh hùng, hào kiệt trong lịch sử Việt Nam, ở nhân cách và giá trị tinh thần của người Việt Nam. Gìn giữ và phát triển văn hiến Việt Nam, nền văn minh Việt Nam là trách nhiệm của chúng ta đối với dân tộc và các thế hệ tương lai.
  Giải thích về ý nghĩa sâu rộng và tầm quan trọng của văn hiến, Nguyễn Trãi cũng đã khẳng định rằng để quản lý đất nước thì điều quan trọng nhất là phải dùng “Văn trị” tức là lấy văn hiến, văn hóa mà quản lý đât nước (Văn trị chung tu chí thái bình– Nguyễn Trãi). Tư tưởng này của Nguyễn Trãi rất độc đáo, khác với tư tưởng trị nước của Trung Hoa thời đó đang sử dụng là Đức trị, Pháp trị, Lễ trị… Văn trị của Nguyễn Trãi chính là sự bổ sung đầy đủ nhất cho những tri thức về quản lý đất nước trong đó lấy tri thức, học vấn và sự thông thái của con người làm nền tảng chung. Văn trị, đến nay vẫn còn nguyên giá trị với xu hướng quản lý phát triển hiện đại của nền kinh tế tri thức.
 Hiện nay trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, giữ gìn bản sắc dân tộc và văn hiến đang là một nguyên tắc giữ nước “ hội nhập mà không hòa tan”. Chúng ta đang phải đối diện với nhiều thách thức lớn, phát triển kinh tế thị trường, các xung đột của kinh tế và văn hóa, đạo đức và lợi nhuận, trách nhiệm với tập thể và lợi ích cá nhân, sự biến đổi của các giá trị và chuẩn mực, sự bùng nổ đa dạng và phong phú về thông tin, sự đe dọa xâm phạm chủ quyền lãnh thổ đất nước… Những thách thức đó đã và đang đặt ra những yêu cầu mới đối với việc vừa kế thừa, giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa của thời đại để củng cố, xây dựng và phát triển văn hiến Việt Nam phù hợp với sự phát triển ngày càng hiện đại của đất nước và nhân loại.
Hiện nay, nhu cầu phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn thể dân tộc cho công cuộc giữ gìn, phát triển văn hiến Việt Nam ngày càng cần thiết. Bên cạnh việc quản lý và điều hành chung của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội, thì những đóng góp tích cực của cộng đồng, người dân trong đó có những cá nhân, những nhà khoa học, trí thức, doanh nhân, chính trị gia, những người tâm huyết với sự phát triển của đất nước trên mọi lĩnh vực là hết sức quan trọng và cần thiết. Điều này không chỉ  bảo đảm tính toàn diện của trí tuệ dân tộc mà còn thể hiện tính đại chúng của văn hiến, nơi mà mỗi người dân đều có quyền và trách nhiệm đóng góp vào sự phát triển chung. 
Trong bối cảnh đó, Quỹ Văn hiến Việt Nam đã được thành lập do Giáo sư – Nhà văn hóa – Anh hùng lao động Vũ Khiêu làm Chủ tịch đã tập hợp nhiều nhà khoa học, nhà văn hóa, doanh nhân, nhà hoạt động xã hội. Quỹ lấy tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ đạo trong đó có tư tưởng về văn hóa, đạo đức và xây dựng con người mới. Quỹ cũng sẽ tập hợp các nguồn lực xã hội thông quan các giải thưởng của Quỹ nhằm hỗ trợ cho các hoạt động giữ gìn và phát triển văn hiến Việt Nam, khuyến khích, biểu dương, tôn vinh những cá nhân, tập thể và những công trình nghiên cứu văn hóa dân tộc có giá trị đặc sắc phục vụ cho sự phát triển trí tuệ và tâm hồn Việt Nam, cho sự phồn vinh của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân, góp phần củng cố các giá trị nhân văn, nhân đạo của con người và xã hội Việt Nam, xây dựng các giá trị, chuẩn mực mới, xây dựng con người Việt Nam tương xứng với nền văn hóa dân tộc, tiến bộ, văn minh, tiếp thu và kế thừa tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Quỹ hoạt động theo Quyết định số 199/ QĐ- BNV ngày 30/12/2015 của Bộ Nội vụ về việc cấp giấy phép thành lập và công nhận Điều lệ Quỹ Văn hiến Việt Nam và Quyết định số 568/QĐ-BNV ngày 24/7/2019 về việc công nhận thay đổi, bổ sung thành viên Hội đồng quản lý Quỹ Văn hiến Việt Nam, nhiệm kỳ 1 (2016-2021) chuyển chức chủ tịch Quỹ từ GS, Anh hùng lao động Vũ Khiêu ( do lý do sức khỏe) sang GS,TS Lê Thị Quý.

Theo Quỹ Văn Hiến Việt Nam