Vận dụng phương pháp thực hành – trải nghiệm trong giáo dục Mầm non – Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai

Tổ chức hoạt động trải nghiệm là một hoạt động giáo dục có ý nghĩa thiết thực và đem lại những hiệu quả nhất định đáp ứng tốt những yêu cầu đổi mới trong giáo dục phổ thông nói chung và giáo dục mầm non nói riêng. Tuy nhiên, để phát huy những lợi ích của hoạt động trải nghiệm trong giáo dục trẻ, góp phần phát triển toàn diện cho trẻ em ở lứa tuổi mầm non, nhà giáo dục cần phải xác định rõ được những phương pháp và điều kiện tổ chức hoạt động trải nghiệm sao cho phù hợp với thực tiễn mà một trong những yếu tố cần thiết phải kể đến là phương pháp thực hành – trải nghiệm trong giáo dục mầm non để vận dụng vào thực tiễn tổ chức hoạt động trải nghiệm cho trẻ.

Học sinh trường mầm non Trumpkids tham gia trải nghiệm tại Phân hiệu ĐHTN tại tỉnh Lào Cai

1. Hoạt động trải nghiệm trong giáo dục mầm non

Tổ chức hoạt động trải nghiệm trong giáo dục mầm non tức là giúp trẻ em ở lứa tuổi này được trải qua các hoạt động, được làm, được tiếp xúc trực tiếp, thông qua các hoạt động thực tế để trẻ được lĩnh hội, nhận thức và cảm nhận thấu đáo các nội dung giáo dục, qua đó giúp trẻ tăng cường hiểu biết, phát triển kĩ năng, định hình các giá trị sống và phát triển tiềm năng bản thân.

Phương pháp thực hành – trải nghiệm là phương pháp giúp trẻ trong quá trình tìm hiểu, khám phá và lĩnh hội sự vật, hiện tượng một cách sâu sắc, ngoài nghe giáo viên nói, quan sát, trẻ cần trực tiếp tham gia các hoạt động thực tế để phát hiện ra những tính chất đặc trưng của sự vật hiện tượng.

Ở bậc học mầm non có rất nhiều các phương pháp khác nhau để tổ chức hoạt động trải nghiệm cho trẻ, trong đó phương pháp thực hành – trải nghiệm là một trong những phương pháp giúp trẻ tích lũy được những kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết góp phần phát triển tiềm năng của bản thân trẻ.

2. Vận dụng phương pháp thực hành – trải nghiệm trong giáo dục mầm non

Phương pháp thực hành – trải nghiệm trong tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho trẻ mầm non thường gắn với các phương pháp cụ thể như:

Phương pháp thực hành thao tác với đồ vật, đồ chơi: Đây là phương pháp giúp trẻ sử dụng và phối hợp các giác quan trong hoạt động, phát triển sự linh hoạt của các giác quan trong hoạt động nhận thức, cũng như rèn sự linh hoạt khéo léo trong vận động của cơ thể, của đôi bàn tay, hình thành các phẩm chất vận động cho trẻ thông qua các hành động, thao tác với đồ vật,đồ chơi, qua đó giúp trẻ được trải nghiệm các thao tác hành động với đồ vật, đồ chơi giúp trẻ lĩnh hội được những kinh nghiệm của lịch sử – xã hội ẩn tàng trong thế giới đồ vật. Vì vậy, giáo viên cần thường xuyên cho trẻ khám phá đồ vật, đồ chơi thông qua các hoạt động thực tiễn với đồ vật như: Cầm, nắm, chồng xếp, xếp hạt, xâu hạt…

Khi tổ chức cho trẻ thực hành thao tác với đồ vật, đồ chơi cần chú ý đến khả năng của trẻ, cũng như các điều kiện thực tiễn, hướng dẫn làm mẫu cho trẻ quan sát để trẻ bắt chước và làm theo. Quan sát trẻ hoạt động, giúp đỡ trẻ khi cần thiết, nhận xét đánh giá sản phẩm hoạt động của trẻ trên tinh thần động viên khích lệ, tạo hứng thú, niềm tin và động lực cho trẻ trong các hoạt động tiếp theo.

Trẻ 24 – 36 tháng tham gia trải nghiệm xâu hạt và xếp chồng các khối gỗ

Phương pháp trò chơi: Là thông qua hoạt động chơi để thực hiện các mục tiêu giáo dục và dạy học cho trẻ và cũng qua chơi trẻ được trải nghiệm cuộc sống, hoạt động, công việc, các mối quan hệ của người lớn trong xã hội.

Phương pháp dạy học bằng trò chơi gây được hứng thú tích cực cho trẻ, khi tham gia vào trò chơi trẻ được hoạt động với niềm vui sướng và hạnh phúc vô tận khiến cho việc dạy học và giáo dục trẻ trở lên nhẹ nhàng mà hiệu quả lại cao.

Các trò chơi thường được tổ chức cho trẻ ở trường mầm non như: Trò chơi đóng vai theo chủ đề, trò chơi học tập, trò chơi đóng kịch, trò chơi xây dựng kiến trúc, trò chơi vận động… Việc lựa chọn các các trò chơi để qua đó tổ chức hoạt động trải nghiệm phải được giáo viên tiến hành công phu sao cho phù hợp với mục tiêu, nội dung và các chủ đề giáo dục cho trẻ mầm non. Khi tổ chức giáo viên cần phải luôn khéo léo, không áp đặt gò bó để giữ được tính hồn nhiên của trẻ thơ, kích thích trí thông minh, trí tưởng tượng, phát huy sáng kiến, làm giàu cảm xúc cho trẻ.

Trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi tham gia trải nghiệm trò chơi vận động kéo co

Trẻ mẫu giáo 4 – 5 tuổi tham gia trải nghiệm trò chơi đóng vai làm bác sĩ

Phương pháp luyện tập: Là phương pháp được thực hiện khi trẻ phải hoàn thành một nhiệm vụ thực tiễn nào đó do người lớn yêu cầu như xây trường tiểu học, công viên, xây một cây cầu…. Phương pháp luyện tập có hai cách giao nhiệm vụ cho trẻ, thứ nhất là giao nhiệm vụ theo mẫu có sẵn, trẻ được xem mẫu do giáo viên giới thiệu về đối tượng, nhưng quan trọng nhất là giải thích cho trẻ biết cách làm thế nào. Cách thứ hai là giao nhiệm vụ theo điều kiện, ở đây trễ chỉ được giới thiệu những điều kiện để làm nhiệm vụ, qua đó kích thích tính tích cực, chủ động đồng thời khơi dậy nhiều sáng kiến của trẻ khi hoạt động. Tổ chức phương pháp luyện tập giáo viên cần lưu ý cho trẻ luyện tập đi luyện tập lại nhiều lần, bài tập phải sắp xếp từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, thường xuyên cho trẻ luyện tập hàng ngày, có như vậy trẻ được trải nghiệm trong các hoạt động thường xuyên, giúp trẻ hình thành những kĩ năng cần thiết.

Trẻ 5 – 6 tuổi trải nghiệm xây khu phố của bé

Phương pháp làm thí nghiệm đơn giản: Là phương pháp tổ chức cho trẻ thực hiện hành động thực tiễn tạo ra một kết quả nào đó nhằm kiểm định tính chất của sự vật và hiện tượng xung quanh. Ví dụ như: quan sát sự nảy mầm của hạt, cho các thanh nam châm tác động vào nhau để tạo ra sức hút, lực đẩy, cho gió thổi làm quay chong chóng hay đậy nắp lên cốc nước sôi để hơi nước ngưng tụ lại đó, tạo thành những giọt nước (như mưa)…..Đây là phương pháp giúp trẻ được trải nghiệm qua các tình huống thực tiễn mà giáo viên tổ chức, giúp trẻ có cơ sở nhận thức khám phá thế giới xung quanh, phát huy tính tích cực hoạt động, óc tò mò, trí tưởng tượng sáng tạo của trẻ phát triển.

Trẻ 5 – 6 tuổi tham gia trải nghiệm thí nghiệm hạt nảy mầm

Như vậy có thể nói phương pháp thực hành – trải nghiệm bao gồm các phương pháp nêu trên góp phần giúp giáo viên tổ chức hoạt động trải nghiệm thành công. Tuy nhiên, hiệu quả của các phương pháp này trong quá trình thực hiện còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố, do đó người giáo viên mầm non phải luôn có sự chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong quá trình hoạt động.

Tổ chức hoạt động trải nghiệm có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục trẻ em mầm non, giúp trẻ biết vận dụng những kiến thức, kĩ năng, thái độ và cả những kinh nghiệm của bản thân vào thực tiễn một cách sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới trong giáo dục mầm non hiện nay.

Bài và ảnh: La Thị Bích Ngọc – Khoa Sư phạm