Vận dụng lý thuyết phương pháp quản lý nhà nước về kinh tế để xây dựng nền kinh tế số ở Việt Nam

TÓM TẮT:

Chuyển đổi số không những là xu hướng, mà còn là áp lực buộc các quốc gia phải có những hành động phù hợp. Việt Nam xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng yếu để xây dựng xã hội số, kinh tế số và chính phủ số. Từ chủ trương, chiến lược, Việt Nam cần có những phương pháp cụ thể để triển khai thành các hành động, giúp đạt được mục tiêu xây dựng nền kinh tế số. Bài viết này vận dụng lý thuyết về phương pháp quản lý nhà nước về kinh tế để đưa ra những đề xuất giúp thúc đẩy quá trình xây dựng nền kinh tế số ở Việt Nam. Bài viết sử dụng phương pháp phân tích tài liệu thứ cấp để đề xuất một số giải pháp liên quan đến phương pháp hành chính, phương pháp kinh tế và phương pháp tâm lý giáo dục trong quản lý nhà nước về kinh tế.

Từ khóa: kinh tế số, phương pháp quản lý nhà nước về kinh tế, quản lý nhà nước.

1. Đặt vấn đề

Trước làn sóng mạnh mẽ của cách mạng số và xu hướng phát triển nhanh chóng của kinh tế số, một số nước đã nhận ra cơ hội, sớm ban hành các chiến lược, chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của mình. Việt Nam được đánh giá là có những cơ hội rất lớn để phát triển kinh tế số, đây cũng là thị trường lớn, nhiều tiềm năng cho các mô hình kinh doanh mới, với dân số đông, đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, có lực lượng lao động dân số lớn, có số người dùng Internet và điện thoại thông minh lớn và đang tăng nhanh (Anh, 2021). Hiện nay, dưới sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên thế giới và những thành tựu Việt Nam đạt được sau 35 năm đổi mới cho thấy quan điểm, chủ trương của Đảng về những vấn đề liên quan đến kinh tế số là phù hợp xu thế thời đại và tình hình thực tiễn (Huyền, 2022). Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát triển kinh tế số trên nền tảng và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021). Không những vậy, đây còn là thời cơ để Việt Nam nhanh chóng nắm bắt, hành động mạnh mẽ để phát triển kinh tế số, phát triển thêm các ngành nghề kinh doanh mới, mở ra các thị trường mới và tạo thêm nhiều nhu cầu việc làm mới. Nói cách khác, nhiệm vụ phát triển kinh tế số được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển quốc gia. Chính phủ đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm phần mềm quốc tế, thúc đẩy tinh thần kinh doanh, phát triển các thành phố thông minh, tăng cường cơ chế chính sách và đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp (Thanh, 2021). Bên cạnh đó là thúc đẩy các cơ sở ươm tạo khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm và nhiều người lao động được đào tạo, có kỹ năng công nghệ thông tin, với quyết tâm chính trị, nền tảng thể chế và công nghệ ở mức khá tích cực.

Ở Việt Nam, mặc dù mới được phát triển trong một vài thập kỷ gần đây, nhưng kinh tế số đã có bước phát triển mạnh mẽ, đạt được những kết quả tích cực ở một số lĩnh vực có sự phát triển mang tính đột phá; góp phần tạo ra nền tảng làm thay đổi phương thức quản lý, phương thức hoạt động, làm xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mới ở nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế (Thạo, 2021). Bài viết sử dụng lý thuyết về phương pháp quản lý nhà nước về kinh tế để đưa ra những đề xuất xây dựng nền kinh tế số ở Việt Nam.

2. Một số vấn đề cơ bản về chuyển đổi số, kinh tế số

Khái niệm chuyển đổi số và kinh tế số

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi mô hình, phương thức hoạt động cũ, truyền thống sang phương thức hoạt động mới dựa trên cơ sở số hóa và ứng dụng công nghệ số, mà không phải đơn thuần thay đổi cách thực hiện công việc từ thủ công truyền thống (ghi chép trong sổ sách, họp trực tiếp,…) sang vận dụng công nghệ để giảm thiểu sức người (Phương, 2022). Trên thực tế, chuyển đổi số đóng vai trò thay đổi tư duy kinh doanh, phương thức điều hành văn hóa tổ chức. Nhà nước Việt Nam đang dần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, đầu tư thực hiện các chiến lược mới với hạ tầng số, dữ liệu, bưu chính, an toàn thông tin mạng, công nghiệp công nghệ số, chính phủ số, xã hội số và đặc biệt là kinh tế số (Minh, 2022).

Kinh tế số được hiểu đó là một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet (Tiên, 2022). Kinh tế số bao gồm tất cả các lĩnh vực và nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng,…) mà công nghệ số được áp dụng (Tiên, 2022). Mô hình kinh tế số sẽ được tổ chức và có phương thức hoạt động dựa trên ứng dụng công nghệ số. Biểu hiện công nghệ số xuất hiện ở khắp mọi nơi trong đời sống, như: các trang thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến, các ứng dụng về ăn uống, chuyển tiền, vận chuyển,… cũng tích hợp công nghệ số để đáp ứng nhu cầu thuận tiện của con người. Kinh tế số còn là một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet. Kinh tế số gồm tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế mà công nghệ số được áp dụng. Để đo lường kinh tế số, cần có một hệ thống chỉ tiêu gồm lao động, vốn đầu tư, doanh thu, lợi nhuận,… trong đó ít nhất là giá trị tăng thêm, để đánh giá tỷ trọng đóng góp của kinh tế số (Nhung, 2021).

Khái niệm quản lý nhà nước về kinh tế, phương pháp quản lý nhà nước về kinh tế

Quản lý nhà nước về kinh tế là sự quản lý của Nhà nước đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân bằng quyền lực nhà nước thông qua cơ chế quản lý kinh tế, nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế quốc dân (Ngân, 2020). Phương pháp quản lý của Nhà nước về kinh tế là tổng thể những cách thức tác động có chủ đích và có thể có của Nhà nước lên nền kinh tế quốc dân và các bộ phận hợp thành của nó để thực hiện các mục tiêu quản lý kinh tế quốc dân (Hằng, 2021). Các phương pháp quản lý chủ yếu của Nhà nước về kinh tế bao gồm: Phương pháp hành chính; Phương pháp kinh tế; Phương pháp tâm lý và giáo dục (Ngân, 2020).

Phương pháp hành chính là cách thức các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế tác động đến các đối tượng bị quản lý bằng những mệnh lệnh, những quyết định hành chính. Phương pháp hành chính trong quản lý kinh tế thường mang tính chất bắt buộc, vì đó là mối liên hệ cấp dưới phục tùng cấp trên (Hoài, 2021). Phương pháp kinh tế là phương pháp tác động gián tiếp đến hành vi của các đối tượng quản lý thông qua việc sử dụng những đòn bẩy kinh tế tác động đến lợi ích của con người (Nhật, 2022). Phương pháp kinh tế được thể hiện trong việc sử dụng đòn bẩy kinh tế, như: quyền tự chủ trong sản xuất, kinh doanh; chế độ hạch toán kinh tế, chế độ thưởng,… nhằm tạo điều kiện vật chất thuận lợi cho hoạt động có hiệu quả của đối tượng quản lý phát huy năng lực sáng tạo, chọn cách tốt nhất để hoàn thành nhiệm vụ (Nhật, 2022). Phương pháp tâm lý giáo dục trong quản lý nhà nước về kinh tế là cách thức tác động của Nhà nước vào nhận thức và tình cảm của những con người thuộc đối tượng quản lý nhà nước về kinh tế, nhằm nâng cao tính tự giác, tích cực và nhiệt tình lao động của họ trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ được giao (Hằng và Hiền, 2019).

3. Một số phương pháp quản lý nhà nước về kinh tế để phát triển kinh tế số ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Để phát triển kinh tế số, trong thời gian tới, Việt Nam cần sử dụng đồng bộ các phương pháp liên quan đến hành chính, kinh tế và giải pháp giáo dục.

Thứ nhất, phương pháp hành chính trong quản lý phát triển kinh tế số.

– Về tạo lập khuôn khổ pháp luật cho kinh tế số Việt Nam, Nhà nước cần từng bước hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp luật để đẩy mạnh phát triển kinh tế số. Thể chế cần đi trước một bước và được điều chỉnh linh hoạt để chấp nhận những cái mới như công nghệ mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình mới. Xây dựng nền tảng, thể chế cho các mô hình kinh doanh kinh tế số, trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật cho các ngành đang có nhiều mô hình kinh doanh mới như thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng.

– Về cải cách thể chế, để thu hút đầu tư công nghệ số trong các lĩnh vực đầu tư mạo hiểm theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp công nghệ số cần: Sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy định pháp luật về công nghệ thông tin và truyền thông; Xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh trong quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Nhà nước cần rà soát, tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh lộ trình thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường xử lý thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến; tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp đột phá, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững; khẩn trương nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật.

Ngoài ra, Nhà nước cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, có cơ chế, chính sách hoàn thiện để điều chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Khắc phục tình trạng chậm trễ trong thủ tục cấp giấy phép gây ảnh hưởng đến việc cung cấp các dịch vụ mới ở Việt Nam, làm giảm cơ hội của các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sự nâng cấp chất lượng và tốc độ của internet di động cho doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ kinh tế số đòi hỏi internet tốc độ cao.

Thứ hai, phương pháp kinh tế trong quản lý để phát triển kinh tế số.

Về xây dựng, phát triển hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao, Nhà nước cần phát triển hệ thống hạ tầng số quốc gia đồng bộ, rộng khắp đảm bảo đáp ứng yêu cầu kết nối, lưu trữ, xử lý dữ liệu, thông tin, các chức năng về giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn mạng.

Không những vậy, Nhà nước cần xây dựng, phát triển hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao. Mạng di động 4G cần được nâng cấp, mạng di động 5G cần được nhanh chóng đưa vào hoạt động để có thể theo kịp xu hướng thế giới, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhà nước cần tiếp túc mở rộng kết nối Internet trong nước, khu vực và quốc tế; chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng giao thức Internet thế hệ mới. Triển khai việc tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số vào hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước, quản lý đô thị. Cần hoàn chỉnh, xây dựng hệ thống hạ tầng thanh toán số quốc gia đồng bộ, thống nhất để thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng kỹ thuật số.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần chú trọng công tác bảo vệ an ninh kinh tế, an ninh thông tin, cùng với các mặt an ninh chính trị, văn hóa, quốc gia, an ninh mạng, không gian mạng; giám sát, phòng chống tội phạm công nghệ cao ở tất cả các ngành, các cấp, nhất là tài chính, tiền tệ, các cơ quan chính phủ được số hóa.

Nhà nước cũng nên phân bổ phù hợp ngân sách cho các địa phương; kích thích các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm cùng hợp tác phát triển hạ tầng. Ngoài ra, Nhà nước có các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong vùng kinh tế trọng điểm; tạo không gian thử nghiệm đi đôi với hỗ trợ doanh nghiệp để phát triển nền kinh tế số. Bởi các ứng dụng công nghệ số sẽ là “cú hích” quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo của các cá nhân và doanh nghiệp.

Thứ ba, phương pháp tâm lý giáo dục trong quản lý để phát triển kinh tế số.

Nhà nước cần chú trọng quán triệt và thực hiện tốt quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc chủ động tham gia, tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp thông minh, phát triển nền kinh tế số trong toàn hệ thống chính trị và doanh nghiệp. Trong đó, phải đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước trong phát triển nền kinh tế số, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận và hoạt động trong môi trường kinh tế số. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn dân hưởng ứng và đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp thông minh ở Việt Nam. Đặc biệt, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của nền kinh tế số trong đời sống kinh tế – xã hội và ý thức trong sử dụng các dịch vụ điện tử để hướng đến một nền kinh tế không dùng tiền mặt.

Các cơ quan báo chí, truyền thông cần định hướng dư luận, giúp cho các doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội có nhận thức đúng về nền kinh tế số, qua đó có sự chuẩn bị tốt nhất cho thích ứng xu hướng phát triển này. Cần làm cho xã hội nhận thức được rằng Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đều có trách nhiệm và vai trò riêng biệt trong nền kinh tế số. Các doanh nghiệp cần tích cực chuẩn bị để nắm bắt các cơ hội cũng như bảo đảm tính cạnh tranh quốc tế trong nền kinh tế số toàn cầu, phải sẵn sàng cho một tương lai kỹ thuật số với các hình thức kinh doanh mới, phải đầu tư cho hạ tầng công nghệ, cho nguồn nhân lực và cho công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Các cá nhân cũng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế số. Mỗi cá nhân cần tự trang bị và nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ kỹ thuật số phục vụ cho các công việc trong tương lai biết tự bảo vệ trước các nguy cơ bị đe dọa hay lấy cắp thông tin cá nhân trực tuyến.

Nhà nước cần nhận định được sự thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin là một trong những thách thức lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế số của Việt Nam, do vậy cần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế số. Chương trình đào tạo nhân lực công nghệ thông tin cần hướng đến đẩy nhanh xã hội giáo dục công nghệ thông tin. Đẩy mạnh liên kết đào tạo giữa các trường và khu vực doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ thông tin. Bồi dưỡng nhân lực công nghệ thông tin có thể triển khai theo hướng thúc đẩy và nâng cao mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp. Các cơ sở giáo dục đại học cần có những khóa đào tạo lại và nâng cao, kéo dài từ 6 – 12 tháng để cấp chứng chỉ chứ không phải đào tạo bằng cấp, chương trình đào tạo nhân lực công nghệ thông tin cần gắn với các xu thế công nghệ mới như: internet kết nối vạn vật (Internet of Things – IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ robot, đẩy mạnh liên kết đào tạo và thực hành giữa các trường và khu vực doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ thông tin.

4. Kết luận

Nhận thức tầm quan trọng của nền kinh tế số, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, có nhiều chủ trương, giải pháp cho thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi sang nền kinh tế số. Thực hiện kinh tế số là một quá trình chuyển đổi lâu dài, là quá trình thay đổi số trên bình diện quốc gia ở mọi lĩnh vực khác nhau, mọi doanh nghiệp, mọi cá nhân đều có thể sử dụng công nghệ số để làm tốt hơn công việc, giúp tăng trưởng kinh tế, tăng năng suất lao động, giúp tăng trưởng bền vững, bao trùm và tăng cơ hội cho nhiều người hơn tham gia vào nền kinh tế. Có thể thấy, phát triển kinh tế số đóng vai trò đột phá quan trọng để phát triển nền kinh tế Việt Nam trong tình hình mới, góp phần làm giảm bớt khoảng cách tụt hậu của nền kinh tế Việt Nam so với các nền kinh tế trên thế giới. Đổi mới tư duy lý luận về kinh tế trong giai đoạn hiện nay chính là tập trung phát triển mạnh mẽ nền kinh tế số, đưa nền kinh tế Việt Nam thay đổi về chất và có bước nhảy vọt trong tiến trình phát triển mới. Việc sử dụng các phương pháp quản lý kinh tế: phương pháp hành chính, phương pháp kinh tế, phương pháp tâm lý giáo dục giúp Việt Nam mở rộng thị trường, phát triển nền kinh tế số như hạ tầng số, tài nguyên số, dịch vụ số, thị trường số và có chiến lược bài bản để tiếp cận, làm chủ công nghệ quan trọng của kinh tế số để đưa đất nước hội nhập quốc tế, hợp tác và thu hút đầu tư nước ngoài. 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Anh, P. (2021). Xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số. Truy cập tại: https://vneconomy.vn/xay-dung-chien-luoc-quoc-gia-ve-phat-trien-kinh-te-so-va-xa-hoi-so.htm
  2. Bình, P. T. (2021). Phát triển kinh tế số ở Trung Quốc và kinh nghiệm đối với Việt Nam. Tạp chí Ngân hàng, 7.
  3. Bình, T. (2022). Giải pháp kinh tế số ở Việt Nam trong bối cảnh Covid-19. Truy cập tại: https://tapchinganhang.gov.vn/giai-phap-phat-trien-kinh-te-so-o-viet-nam-trong-boi-canh-covid-19.htm
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật.
  5. Đức, Đ. X. (2020). Vai trò và các phương pháp quản trị? Ưu nhược điểm. Truy cập tại: https://dichvuketoandanang.vn/cam-nang/vai-tro-va-cac-phuong-phap-quan-tri-uu-nhuoc-diem/#:~:text=Nh%C3%B3m%20ph%C6%B0%C6%A1ng%20ph%C3%A1p%20t%C3%A2m%20l%C3%BD%20%E2%80%93%20x%C3%A3%20h%E1%BB%99i%20(hay%20c%C3%B2n%20g%E1%BB%8Di,vi%E1%BB%87c%20th%E1%BB%B1c
  6. Dung, Đ. T. (2022). Phương pháp hành chính trong quản lý kinh tế là gì? Nội dung và vai trò. Truy cập tại: https://luatduonggia.vn/phuong-phap-hanh-chinh-trong-quan-ly-kinh-te-la-gi-noi-dung-va-vai-tro/#:~:text=%E2%80%93%20Ph%C6%B0%C6%A1ng%20ph%C3%A1p%20h%C3%A0nh%20ch%C3%ADnh%20trong,nh%E1%BB%AFng%20quy%E1%BA%BFt%20%C4%91%E1%BB%8Bnh%20h%C3%A0nh%20ch%C3%ADnh%20
  7. Dũng, P. V. (2020). Kinh tế số – Cơ hội “bứt phá” cho Việt Nam. Truy cập tại: http://hdll.vn/vi/nghien-cuu—trao-doi/kinh-te-so—co-hoi-but-phacho-viet-nam.html
  8. Dương, N. V. (2022). Khái niệm và các phương pháp quản lý hành chính nhà nước. Truy cập tại: https://luatduonggia.vn/phuong-phap-quan-ly-hanh-chinh-nha-nuoc/#:~:text=3.4.,-Ph%C6%B0%C6%A1ng%20ph%C3%A1p%20kinh&text=%E2%80%93%20Kh%C3%A1i%20ni%E1%BB%87m%3A%20Ph%C6%B0%C6%A1ng%20ph%C3%A1p%20kinh,l%E1%BB%A3i%20%C3%ADch%20c%E1%BB%A7a%20con%20ng%C6%B0%E1%
  9. Hằng, B. T. (2021). Ứng dụng các phương pháp quản lý kinh tế vào doanh nghiệp Việt Nam. Truy cập tại: https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/ung-dung-cac-phuong-phap-quan-ly-kinh-te-vao-doanh-nghiep-viet-nam-337806.html
  10. Hằng, T. T., và Hiền, N. T. (2019). Quản lý nhà nước trong nền kinh tế số. Truy cập tại: https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/quan-ly-nha-nuoc-trong-nen-kinh-te-so-314825.html
  11. Hiền, Đ. T. (2021). Phát triển kinh tế số ở Việt Nam: Thách thức và gợi ý giải pháp. Truy cập tại: https://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/phat-trien-kinh-te-so-o-viet-nam-thach-thuc-va-goi-y-giai-phap-335725.html
  12. Hoài, T. T. (2021). Phân tích phương pháp quản lý hành chính nhà nước. Truy cập tại: http://luathanhchinh.vn/phan-tich-phuong-phap-quan-ly-hanh-chinh-nha-nuoc/
  13. Huyền, L. T. (2022). Phát triển kinh tế số ở Việt Nam theo tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Truy cập tại: https://hcma3.hcma.vn/tintuc/Pages/dua-nghi-quyet-dh13-vao-cuoc-song.aspx?CateID=638&ItemID=50154
  14. Mic (2021). Bài 2: Phát triển kinh tế số – Chuyển đổi mang tính chiến lược. Truy cập tại: https://ict.hatinh.gov.vn/bai-2phat-trien-kinh-te-so-chuyen-doi-mang-tinh-chien-luoc-1611198809.html
  15. Minh, H. (2022). Chuyển đổi số và cuộc sống ở Việt Nam 10 năm tới: Góc nhìn từ chuyên gia. Truy cập tại: https://baochinhphu.vn/chuyen-doi-so-va-cuoc-song-o-viet-nam-10-nam-toi-goc-nhin-tu-chuyen-gia-102220127104614019.htm
  16. Ngân, N. T. (2020). Các phương pháp quản lý nhà nước về kinh tế. Truy cập tại: https://phaptri.vn/cac-phuong-phap-quan-ly-nha-nuoc-ve-kinh-te/
  17. Nhật, H. (2022). Vận dụng thành quả cải cách hành chính nâng cao chất lượng điều hành hỗ trợ nền kinh tế. Truy cập tại: https://tapchinganhang.gov.vn/van-dung-thanh-qua-cai-cach-hanh-chinh-nang-cao-chat-luong-dieu-hanh-va-ho-tro-nen-kinh-te.htm
  18. Nhi, V. P. (2022). Chính phủ ban hành chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Truy cập tại: https://baochinhphu.vn/chinh-phu-ban-hanh-chuong-trinh-phuc-hoi-va-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-102220131000054218.htm
  19. Nhung, M. (2021). Hiện trạng và giải pháp phát triển kinh tế số. Truy cập tại: https://baodautu.vn/hien-trang-va-giai-phap-phat-trien-kinh-te-so-d154764.html
  20. Phương, H. (2022). Chuyển đổi số đồng bộ nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm. Truy cập tại: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/chuyen-doi-so-dong-bo-nhung-phai-co-trong-tam-trong-diem-97742.htm
  21. Sáng, Đ. V. (2020). Xu hướng phát triển kinh tế số trên thế giới và hàm ý cho Việt Nam. Truy cập tại: https://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/xu-huong-phat-trien-kinh-te-so-tren-the-gioi-va-ham-y-cho-viet-nam-330697.html
  22. Thanh, B. K. (2021). Phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Truy cập tại: https://tuyengiao.vn/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/phat-trien-kinh-te-so-o-viet-nam-134586
  23. Thạo, N. V. (2021). Một số nét về tình hình phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Truy cập tại: http://hdll.vn/vi/nghien-cuu—trao-doi/mot-so-net-ve-tinh-hinh-phat-trien-kinh-te-so-o-viet-nam–%E2%80%8B.html
  24. Tiên, L. T. (2022). Kinh tế số là gì? Đặc điểm và vai trò của kinh tế số? Truy cập tại: https://luatminhkhue.vn/kinh-te-so-la-gi-dac-diem-va-vai-tro-cua-kinh-te-so.aspx
  25. Tuấn, B. T. (2020). Một số khó khăn, thách thức trong phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam. Truy cập tại: http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/thuc-tien/item/3100-mot-so-kho-khan-thach-thuc-trong-phat-trien-nen-kinh-te-so-o-viet-nam.html
  26. Ước, T. M. (2021). Kinh tế số Việt Nam – Những điểm nghẽn cần tháo gỡ và các giải pháp cơ bản phát triển kinh tế số theo hướng bền vững. Truy cập tại: https://thitruongtaichinhtiente.vn/kinh-te-so-viet-nam-nhung-diem-nghen-can-thao-go-va-cac-giai-phap-co-ban-phat-trien-kinh-te-so-theo-huong-ben-vung-38538.html
  27. VNPT (2021). Chuyển đổi số là gì? Xu hướng tất yếu trong cách mạng 4.0: Truy cập tại: https://vnpt.com.vn/tu-van/chuyen-doi-so-la-gi.html
  28. VVH (2022). Hội thảo quốc gia về chuyển đổi số báo chí Việt Nam, Truy cập tại: https://vjst.vn/vn/tin-tuc/6332/hoi-thao-quoc-gia-ve-chuyen-doi-so-bao-chi-viet-nam-.aspx>.

 

APPLYING THE THEORY OF STATE MANAGEMENT OF ECONOMY

TO DEVELOP THE DIGITAL ECONOMY IN VIETNAM

NGO HOAI SON1

NGUYEN LE KIM KIEU1

1Faculty of Management Science, Thu Dau Mot University

ABSTRACT:

Digital transformation is not only a development trend, but also an impetus for nations to implement proper digital context-based activities. Vietnam recognizes digital transformation as a key priority for the development of a digital society, digital economy, and digital government. Vietnam needs actionable procedures derived from its policies and plans to fulfill its objective of establishing a digital economy. Based on the concept of state management of the economy, this study is to give recommendations that might aid in Vietnam’s digital economy development. The method of analyzing secondary documents is applied to propose some solutions related to administrative, economic and educational psychological methods in state management of the economy.

Keywords: digital economy, method of state management of the economy, state management.

[Tạp chí Công Thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21, tháng 9 năm 2022]