Vận dụng lời Bác Hồ dạy “Đối với Nhân dân phải kính trọng, lễ phép” trong công tác dân vận khéo

Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân ta, người Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực đã cống hiến toàn bộ cuộc đời mình cho độc lập, tự do và hạnh phúc của Nhân dân. Sinh thời, Người luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đến lực lượng Công an nhân dân (CAND), Người đã để lại cho lực lượng CAND nhiều lời huấn thị sâu sắc, có giá trị rất lớn cả về mặt lý luận và thực tiễn. Những lời dạy bảo của người đã trở thành ngọn đuốc soi đường, chỉ lối, định hướng cho lực lượng CAND ngày càng trưởng thành, vững mạnh, giữ vững bản chất cách mạng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và Nhân dân, xứng đáng là thanh bảo kiếm của Đảng, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần to lớn vào sự thành công của sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. 

 

Cách đây 75 năm, vào đầu xuân Mậu Tý 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh có Thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu 12. Thư đề ngày 11/3/1948. Trong đó chứa đựng tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt của Bác dành cho lực lượng CAND. Từ đó, những lời dạy quý báu của Người được triển khai, quán triệt thực hiện nghiêm túc và trở thành một phong trào thi đua lớn, được phát động rộng rãi trong toàn lực lượng CAND – Phong trào thi đua học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy. Một trong những lời dạy bảo đó là: “Đối với Nhân dân phải kính trọng, lễ phép”, Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ CAND cần nhận thức rõ: Công an của ta là CAND, vì dân mà phục vụ và dựa vào dân mà làm việc. Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai, mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào Nhân dân thì việc gì cũng xong. Làm Công an không phải làm quan cách mạng mà Công an là bạn của dân, làm Công an phải làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ. Có thể hiểu kính trọng, lễ phép với Nhân dân là một điều dạy rất quan trọng, quý báu mà Bác dành cho lực lượng CAND, cũng chính là lời nhắc nhở với mỗi cán bộ, chiến sĩ rằng: Lực lượng CAND muốn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cần dựa vào Nhân dân và muốn dựa được vào Nhân dân trước tiên cần phải học cách kính trọng, lễ phép với Nhân dân.

 

Bác Hồ về thăm bà con Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) tháng 2/1961. (Ảnh tư liệu)

Bác Hồ về thăm bà con Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) tháng 2/1961. (Ảnh tư liệu)

 

Kính trọng, lễ phép với Nhân dân không chỉ dừng lại ở lòng tôn trọng hay trong giao tiếp, ứng xử mà phải gần gũi, lắng nghe ý kiến Nhân dân, hiểu tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, biết được những trăn trở, bức xúc trong Nhân dân, từ đó có những hành động, việc làm cụ thể tháo gỡ, bảo vệ, chăm lo cho quyền lợi chính đáng của Nhân dân. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là một trong những phong trào thi đua yêu nước, gắn bó chặt chẽ với phong trào cách mạng của Đảng, Nhà nước, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương; là hoạt động tự giác, có tổ chức, lôi cuốn đông đảo Nhân dân tích cực, tự giác chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an ninh, trật tự; tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. 

 

Do vậy, vận dụng lời Bác dạy về kính trọng, lễ phép với Nhân dân, nhất là “Dân vận khéo” của lực lượng CAND; để phong trào “Dân vận khéo” nói riêng và công tác dân vận của lực lượng CAND huy động được đông đảo Nhân dân tích cực tham gia, lực lượng CAND phải làm tốt công tác vận động quần chúng và muốn làm tốt công tác vận động quần chúng, trước hết mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an phải học cách kính trọng, lễ phép với Nhân dân để Nhân dân tin tưởng, yêu quý, tự nguyện giúp đỡ lực lượng Công an. Trong thực hiện nhiệm vụ công tác của mình, nhất là ở cơ sở, lực lượng Công an thường xuyên tiếp xúc, giải quyết những tâm tư, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của Nhân dân, hơn bao giờ hết đòi hỏi tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân ngày càng cao. Bằng những việc làm cụ thể, lực lượng CAND đã và đang không quản ngày đêm, không quản khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh xương máu, tính mạng… vì cuộc sống yên vui và hạnh phúc của Nhân dân.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe nông dân xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương báo cáo kết quả sản xuất ngày 31/5/1957. (Ảnh: Tư liệu)

 

Suốt 75 năm qua, điều Bác dạy “Đối với Nhân dân phải kính trọng, lễ phép” luôn là kim chỉ nam trong mọi hành động của cán bộ, chiến sĩ CAND cả nước. Từ phong trào thi đua học tập, thực hiện lời Bác dạy đã xuất hiện rất nhiều tấm gương điển hình tiêu biểu, lập công xuất sắc trên các lĩnh vực công tác, chiến đấu. Cho đến hôm nay, những lời dạy quý báu của Người vẫn tươi nguyên giá trị, bởi nội dung, ý nghĩa sâu sắc, toàn diện đối với quá trình công tác, chiến đấu, tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an. Đó là những phẩm chất không thể thiếu, là nhân tố quyết định để lực lượng Công an hoàn thành xuất sắc yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Nhờ thực hiện tốt lời dạy của Người, lực lượng Công an được nhân dân tin yêu, che chở, giúp đỡ và tự nguyện, tích cực tham gia xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, trong điều kiện khốc liệt của chiến tranh, lực lượng CAND đã vận động quần chúng tích cực tham gia các phong trào, cụ thể: Phong trào “Ba không” ở Việt Bắc và vùng tự do là không biết, không nghe, không thấy, ở vùng chỉ đường cho địch; ở Nam Bộ là phong trào “Ngũ gia liên bảo”, “Tự quản bảo vệ an ninh”, “Trật tự thôn, xóm”. Trong thời kỳ khôi phục, phát triển kinh tế xã hội ở miền Bắc, lực lượng CAND đã tiến hành vận động quần chúng tham gia các phong trào, như: Phong trào “ba phòng” là phòng gian, phòng hỏa, phòng tai nạn, sau tổng kết, nâng lên thành phong trào “bảo vệ trị an” ở trong các xã, phường và cơ quan, xí nghiệp… Khi miền nam hoàn toàn giải phóng, lực lượng CAND đã tham mưu cho Đảng hợp nhất phong trào “bảo vệ trị an” và cuộc vận động “Bảo mật, phòng gian, xây dựng cơ quan, xí nghiệp an toàn” thành phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc như ngày nay.

 

Công tác xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới được thực hiện trong bối cảch tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường…. Các mối đe dọa từ an ninh truyền thống và phi truyền thống tiếp tục gia tăng, đặc biệt là các dịch bệnh nguy hiểm và vấn đề an ninh mạng đang đặt ra nhiều thách thức đối với lợi ích và an ninh của nhiều quốc gia. Ở trong nước, các thế lực thù địch, phản động gia tăng các hoạt động chống phá với những thủ đoạn công khai, manh động và ngày càng nguy hiểm hơn, nhằm thực hiện bằng được chiến lược “Diễn biến hòa bình” và thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ nước ta; hoạt động của các loại tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp, có sự câu kết, móc nối chặt chẽ với nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Trước bối cảnh tình hình đó, quán triệt lời dạy của Bác Hồ về kính trọng, lễ phép với Nhân dân, lực lượng CAND luôn chủ động, từng bước đổi mới thực hiện công tác “Dân vận khéo” để xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc và đạt được nhiều kết quả có ý nghĩa to lớn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, cụ thể là:
 

(1) Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an tham mưu với Đảng, Chính phủ những chủ trương, đường lối, biện pháp lớn về công tác “Dân vận khéo” của lực lượng CAND góp phần bảo đảm an ninh, trật tự của đất nước như: Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị định số 06/2014/NĐ-CP ngày 21/01/2014 “Về biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội”; Nghị định số 42/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 quy định việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy.
 

(2) Phong trào thi đua “Dân vận khéo” của lực lượng CAND được phát động, đẩy mạnh thực hiện trong các giai đoạn 2009 – 2010, 2011 – 2015, 2015 – 2020, đến nay ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” được xây dựng, nhân rộng trong các lĩnh vực công tác công an, lan tỏa nhiều cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện công tác dân vận của lực lượng CAND, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

 

Cán bộ, chiến sĩ phơi lại sách, vở... bị ướt do mưa lũ để các em học sinh mau sớm trở lại lớp học bình thường.

Cán bộ, chiến sĩ phơi lại sách, vở… bị ướt do mưa lũ để các em học sinh mau sớm trở lại lớp học bình thường.

 

Công an nhiều địa phương thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề công tác dân vận; các hội thi “Dân vận khéo”, cuộc thi viết về tấm gương điển hình “Dân vận khéo”; xây dựng, thực hiện các tiêu chí đánh giá, tiêu chí chấm điểm công tác dân vận; thành lập các Ban Chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”; chủ động nghiên cứu, ban hành quy trình xây dựng mô hình “Dân vận khéo” phù hợp với từng địa phương, đơn vị và vận dụng hiệu quả công nghệ thông tin, tiện ích của mạng xã hội (Facebook, Zalo…) trong thực hiện công tác dân vận của lực lượng CAND… Xác định công tác xây dựng, duy trì, nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có vai trò quan trọng, là thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” và công tác dân vận của lực lượng CAND, ngày 15/6/2022, Bộ Công an đã ban hành Hướng dẫn số 09/HD-BCA-V05 về xây dựng mô hình “Dân vận khéo” của lực lượng CAND; đây cũng là văn bản đầu tiên, Bộ Công an ban hành hướng dẫn xây dựng mô hình “Dân vận khéo” để chỉ đạo, thực hiện thống nhất, đồng bộ trong toàn lực lượng CAND.

 

(3) Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an thường xuyên chỉ đạo lực lượng CAND các cấp tăng cường phối hợp chặt chẽ với Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, các bộ, ngành các cấp trong thực hiện công tác dân vận, coi đây là nội dung mang tính đột phá trong thực hiện công tác dân vận của lực lượng CAND. Bộ Công an đã ký kết các chương trình, kế hoạch phối hợp thực hiện công tác dân vận, đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới với Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên và quán triệt, chỉ đạo triển khai ký kết, thực hiện trong phạm vi toàn quốc; qua đó, ngày càng phát huy vai trò quan trọng, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên từng địa bàn, lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông đẩy xe giúp cụ ông qua vùng ngập.

Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông đẩy xe giúp cụ ông qua vùng ngập.

 

(4) Lực lượng Công an các cấp chủ động đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp vận động quần chúng nhân dân tham gia ngày càng nhiều hơn, hiệu quả hơn trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng nông thôn mới, xóm, làng, xã an toàn, đoàn kết, văn hóa; quản lý, giáo dục, giúp đỡ người vi phạm pháp luật tại phường, xã và phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội… Phát động mạnh mẽ phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên các lĩnh vực liên quan đến an ninh, trật tự; trong đó chú trọng thực hiện tại các địa bàn chiến lược, trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự. Duy trì, tổ chức các điểm “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” hằng năm, góp phần xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thực sự là ngày hội của toàn dân… Bộ Công an đang tăng cường chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn quy trình xây dựng, duy trì, nhân rộng mô hình phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc để thống nhất thực hiện đối với lực lượng CAND trong thời gian tới.

 

Lực lượng CAND thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự, chú trọng thực hiện trong các dịp Tết Nguyên đán, các lễ hội lớn và các sự kiện trọng đại của đất nước. Các lực lượng nghiệp vụ tăng cường trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, kết hợp đồng thời với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia tích cực phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội… Nhờ đổi mới công tác dân vận, vận động nhân dân, quần chúng nhân dân đã và đang cung cấp cho lực lượng CAND nhiều nguồn tin có giá trị quan trọng, giúp khám phá nhiều vụ án, vụ việc phức tạp.

 

Lực lượng Công an giúp dân “giải cứu” nông sản bị ngập do mưa lũ và vùng có dịch.

 

(5) Lực lượng CAND thường xuyên duy trì, thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội, từ thiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, góp phần tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa lực lượng Công an với nhân dân, xây dựng hình ảnh đẹp người cán bộ, chiến sĩ Công an trong lòng nhân dân, vì nhân dân phục vụ, tiêu biểu là các hoạt động: “Hiến máu tình nguyện”; chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng “Mẹ Việt Nam anh hùng”; xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, nhà nghĩa tình đồng đội, xây nhà cho các hộ nghèo, gia đình chính sách; giúp đỡ Nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo, vùng thường xuyên bị bão, lũ, thiên tai; nhận nuôi, đỡ đầu trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa…. Chỉ tính riêng từ năm 2019 đến nay, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp huy động hơn 300 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa gần 8.000 căn nhà cho các hộ nghèo, hộ khó khăn tại 07 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Hòa Bình, Thanh Hóa, Tuyên Quang…; đây là những việc làm hết sức thiết thực trong thực hiện công tác dân vận, có sức lan tỏa trong phạm vi toàn quốc.

 

Có thể nói, nhờ vận dụng tư tưởng, lời dạy vĩ đại của Bác “kính trọng, lễ phép với Nhân dân” mà phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng được xây dựng, phát động mạnh mẽ trên khắp các địa bàn, lĩnh vực và phát huy hiệu quả tích cực trong công tác phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật, tình hình an ninh chính trị được giữ vững, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. 

 

Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động vẫn đang ráo riết thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, “Bạo loạn lật đổ”; triệt để lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”, “biển, đảo” để tăng cường chống phá cách mạng Việt Nam nhằm gây mất ổn định chính trị, xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội vẫn có những diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, lời dạy “Kính trọng, lễ phép với Nhân dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực hiện công tác “Dân vận khéo” để xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là bài học quý báu đối với lực lượng CAND trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. 

 

Cán bộ, chiến sĩ Công an tăng cường cơ sở, sữa chữa, làm đường cho nhân dân.

Cán bộ, chiến sĩ Công an tăng cường cơ sở, sữa chữa, làm đường cho nhân dân.

 

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả phong toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời gian tới, lực lượng CAND cần tiếp tục quán triệt, vận dụng lời dạy “kính trọng, lễ phép với Nhân dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tình hình mới, như sau:

 

Thứ nhất, quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận và công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trọng tâm là Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 7 khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Quyết định số 23-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; Nghị định số 06/2014/NĐ-CP ngày 21/01/2014 của Chính phủ “Về biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội”; Chỉ thị số 11/CT-BCA-V05 ngày 17/12/2021 “Về đổi mới công tác dân vận của lực lượng CAND trong tình hình mới”; Quyết định số 239-QĐ/ĐUCA ngày 24/11/2021 của Đảng ủy Công an Trung ương về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của lực lượng CAND và Hướng dẫn số 09/HD-BCA-V05 ngày 15/6/2022 về xây dựng mô hình “Dân vận khéo” của lực lượng CAND; phát huy vai trò nòng cốt huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Luôn xác định công tác  dân vận và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của từng đơn vị, địa phương; nêu cao tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, địa phương và của từng cán bộ, chiến sĩ trong công tác xây dựng và vận động quần chúng Nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

 

Thứ hai, đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh việc đổi mới nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và của Nhân dân về công tác dân vận và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tổ chức xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển rộng khắp trên tất cả các địa bàn, lĩnh vực.

 

Cán bộ Công an sơ tán người dân, em nhỏ ra khỏi vùng ngập nặng tại các tỉnh miền Trung.

Cán bộ Công an sơ tán người dân, em nhỏ ra khỏi vùng ngập nặng tại các tỉnh miền Trung.

 

 

Thứ ba, tăng cường đổi mới phương thức xây dựng phong thi đua “Dân vận khéo”. Tập trung nâng cao chất lượng phong trào ở các địa bàn chiến lược, trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự. Chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến có hiệu quả theo hướng xã hội hoá ngày càng cao theo hướng tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải về an ninh, trật tự từ cơ sở. Xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, bệnh viện, nhà trường an toàn về an ninh, trật tự. 

 

Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, Quân đội nhân dân, đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tập trung thực hiện tốt các nghị quyết, chương trình, quy chế, kế hoạch liên tịch, chương trình phối hợp liên ngành đã ký kết về công tác bảo đảm an ninh, trật tự. 

 

Thứ năm, làm tốt công tác kiện toàn tổ chức cán bộ; chăm lo xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh làm nòng cốt trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; thường xuyên bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ chính trị, pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ đối với lực lượng chuyên trách xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. 

 

Thứ sáu, thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức kiểm tra, đôn đốc đối với công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Định kỳ sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm; kịp thời động viên khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc./.