Vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/AIDS – những điều cần chia sẻ
Công tác phòng chống HIV/AIDS những năm gần đây, đặc biệt năm 2021 đã được nâng lên một tầm mới. Hiệu quả đã được đánh giá là có chiều hướng chững lại, tuy nhiên bên cạnh đó việc kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn còn tồn tại.
Tập huấn truyền thông, tư vấn, xét nghiệm HIV cho cán bộ tuyến huyện, thành phố
Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng, người bị nhiễm HIV/AIDS không có nghĩa là họ đã làm gì sai. Do đó, đừng phân biệt đối xử với những người mắc bệnh này. Đoàn kết cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng HIV/AIDS. Bất cứ ai cũng có thể nhiễm HIV/AIDS, không phân biệt chủng tộc, tuối tác hoặc cả phẩm chất cá nhân khác.
Trước hết, phải thấy rằng, người nhiễm vi rút HIV là những bệnh nhân. Vì lý do này hay lý do khác, họ cũng chỉ là nạn nhân của bệnh dịch toàn cầu. Khi họ mắc bệnh thì cũng như bao người khác phải chịu tổn hại về sức khỏe, tâm lý. Trong khi cả hệ thống y tế đang ra sức chữa trị thì cộng đồng đừng vì thế mà “đeo vào cổ họ” thêm căn bệnh tinh thần không đáng có.
Điều ai cũng hiểu là nếu bản thân bị nhiễm bệnh sẽ gây hại trước hết cho bản thân, rồi tiếp đó là lây cho người thân, gia đình, bạn bè rồi mới đến những người quen, những người tiếp xúc. Vậy hỏi rằng có ai muốn như vậy?
Người bệnh, dù là ai, giàu hay nghèo, quan chức hay dân thường, đều được Nhà nước điều trị với chế độ chăm sóc công bằng và hết sức có thể để giúp họ khỏi bệnh.
Sự kỳ thị làm tổn thương tất cả mọi người bằng cách tạo thêm sự sợ hãi hoặc tức giận. Sự kỳ thị cũng có thể khiến người ta dễ giấu giếm bệnh và lẩn vào trong bóng tối, khiến họ không tiếp cận các biện pháp dự phòng, các dịch vụ chăm sóc, điều trị và cách giữ gìn sức khỏe. Điều này có nghĩa là sự kỳ thị có thể khiến việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh khó khăn hơn.
Sự kỳ thị có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, thể chất, cảm xúc và tâm thần của các nhóm người bị kỳ thị và cộng đồng nơi họ sinh sống. Những người bị kỳ thị có thể bị cô lập, trầm cảm, lo âu hoặc bị bêu xấu ở cộng đồng. Việc ngăn chặn sự kỳ thị là rất quan trọng để giúp tất cả các cộng đồng và thành viên trong cộng đồng được an toàn và mạnh khỏe hơn. Mọi người đều có thể chung tay chặn đứng kỳ thị liên quan tới HIV/AIDS bằng cách hiểu rõ sự thật về căn bệnh này và chia sẻ với người khác trong cộng đồng của mình. Hãy mở rộng trái tim để yêu thương, mở rộng vòng tay nhân ái để cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ, mở rộng đôi chân để đến với những người đang gặp đau khổ, bệnh tật.
Cuộc sống, dịch bệnh đã mang đến bao khó khăn, bất ổn và lo lắng. Xin đừng đổ thêm gánh nặng và tổn thương cho người khác và những con người đang phải nỗ lực, cố gắng đẩy lùi bệnh tật. Xin đừng vô tình biến mình thành đồng minh của vi rút vô cảm, vi rút thiếu trách nhiệm.
Phạm Tiến Dũng – Trung tâm KSBT