Vấn đề bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hóa của doanh nghiệp từ thực tiễn tỉnh Bình Dương

TÓM TẮT:

Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hóa là vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm và pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam bảo vệ thông qua cơ chế xác lập quyền sở hữu trí tuệ và các biện pháp nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu đối với nhãn hiệu. Trên thực tế, các hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hóa của doanh nghiệp vẫn tồn tại. Bài viết tập trung xác định vấn đề bảo hộ đối với nhãn hiệu, đánh giá thực trạng hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ thực tiễn tỉnh Bình Dương và đề xuất các giải pháp hợp lý có ý nghĩa quan trọng và cần thiết nhằm hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ Việt Nam ở một góc độ nhất định.    

Từ khóa: nhãn hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, doanh nghiệp tỉnh Bình Dương.

1. Đặt vấn đề

Trong sự phát triển của kinh tế hàng hóa và dịch vụ, để giúp phân biệt giữa hàng hóa và dịch vụ kinh doanh được lưu thông trên thị trường, các chủ thể kinh doanh sẽ dùng dấu hiệu để nhận biết và phân biệt hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể kinh doanh khác. Dấu hiệu để nhận biết này được gọi là “nhãn hiệu”. Do đó, có thể khẳng định, nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của chủ thể kinh doanh này với hàng hóa hoặc dịch vụ của chủ thể kinh doanh khác.

Ở góc độ pháp lý, cụ thể trong Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ năm 1994 (Hiệp định TRIPs) là điều ước quốc tế đầu tiên đưa ra khái niệm nhãn hiệu tại Khoản 1 Điều 15, theo đó: “Bất kỳ một dấu hiệu hoặc tổ hợp các dấu hiệu nào, có khả năng phân biệt hàng hoóa hoặc dịch vụ của một doanh nghiệp này với hàng hóa hoặc dịch vụ của các doanh nghiệp khác đều có thể làm nhãn hiệu hàng hóa. Các dấu hiệu đó, đặc biệt là các từ, kể cả tên riêng, các chữ cái, chữ số, các yếu tố hình học và tổ hợp các màu sắc cũng như tổ hợp bất kỳ của các dấu hiệu đó phải có khả năng được đăng ký là nhãn hiệu”[1]. Như vậy, việc xác định một dấu hiệu bất kỳ có thể đăng ký làm nhãn hiệu thì căn cứ vào mục đích sử dụng và tính phân biệt của các dấu hiệu đó. Cách tiếp cận này mang tính phổ biến được nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận khi đưa ra khái niệm về nhãn hiệu trong pháp luật về sở hữu trì tuệ của mình. Quan điểm của pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu: tại Điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019) quy định: “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”, khái niệm này được đánh giá là mang tính khái quát, phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam và quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là quốc gia thành viên.

Quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu hàng hóa của doanh nghiệp luôn được pháp luật bảo vệ và đảm bảo thực thi quyền của chủ sở hữu đối với nhãn hiệu Đó. Tuy nhiên, nhìn nhận thực trạng hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hóa nói riêng trở thành nỗi lo của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Theo số liệu thống kê được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, tính đến ngày 31/12/2021 đã có 13.414 đơn xin đăng ký nhãn hiệu và 8.300 văn bằng bảo hộ đã được cấp cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Trong đó, giai đoạn từ 01/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021 đã có hơn 344 đơn xin đăng ký bảo hộ đối với nhãn hiệu từ các doanh nghiệp và đã có 300 nhãn hiệu được chấp nhận cấp văn bằng bảo hộ[2]. Từ số liệu thống kê cho thấy, số lượng đơn xin đăng bảo hộ được các doanh nghiệp tỉnh Bình Dương nộp và số lượng văn bằng bảo hộ được cấp bởi Cục Sở hữu trí tuệ rất lớn, điều đó thể hiện sự tương xứng với số lượng và quy mô hoạt động của các doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương.

2. Khái niệm và điều kiện bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hóa

Thứ nhất, khái niệm về quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hóa: theo quy định của pháp luật, quyền sở hữu công nghiệp là quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân đối với các đối tượng được pháp luật sở hữu trí tuệ quy định, theo đó, “Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạng tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh”[3]. Từ đó có thể kết luận khái niệm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu đó là quyền của tổ chức, cá nhân đối với nhãn hiệu do mình sở hữu.

Quyền sở hữu công nghiệp là sự tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh sau khi tổ chức hoặc cá nhân sáng tạo ra sản phẩm trí tuệ và được pháp luật coi là đối tượng sở hữu công nghiệp bao gồm các quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là quốc gia thành viên. Có thể khẳng định: quyền sở hữu công nghiệp là quyền sở hữu đối với tài sản vô hình – Một đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp và là một loại tài sản đặc biệt. Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu là một loại tài sản trí tuệ, do đó quyền năng chiếm hữu của chủ sở hữu đối với loại tài sản này là rất khó và hầu như không thực hiện được. Giá trị của nhãn hiệu nằm ở khả năng khai thác công dụng của nhãn hiệu, đó chính là khả năng sử dụng nhãn hiệu một cách độc quyền. Có thể kết luận: “Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu có thể được hiểu là quyền sở hữu của cá nhân hoặc tổ chức đối với nhãn hiệu và quyền được áp dụng các biện pháp hợp lý do luật quy định để ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm trong quá trình sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu”.

Thứ hai, điều kiện bảo hộ đối với nhãn hiệu: quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được xác định trên cơ sở nhãn hiệu đó đã được cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan có thẩm quyền. Hay nói cách khác, một nhãn hiệu của chủ thể kinh doanh muốn được bảo hộ thì phải nộp đơn đăng ký. Tuy nhiên, nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân muốn được cơ quan nhà nước làm thủ tục cấp văn bằng bảo hộ mà nhãn hiệu muốn được bảo hộ thì phải đáp ứng được các điều kiện bảo hộ đối với nhãn hiệu theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành. Cụ thể, một nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây: (i), nhãn hiệu các dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình 3 chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc[4]; (ii), nhãn hiệu phải có khả năng phân biệt với hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa dịch vụ của chủ thể khác theo Điều 73, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009)[5].

3. Những hạn chế của các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hóa

Thứ nhất, đối với việc thực thi các biện pháp hành chính: trong việc các biện pháp được thực thi để xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì các biện pháp xử lý vi phạm hành chính vẫn được coi là biện pháp hiệu quả nhất so với các biện pháp dân sự và hình sự bởi các lý do: (1) vì phần lớn các trường hợp vi phạm không đủ yếu tố cấu thành tội phạm; nếu khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại thì việc chứng minh thiệt hại thực tế do hành vi xâm phạm gây ra là rất phức tạp, khó khăn…; (2) trong khi đó, biện pháp xử lý vi phạm hành chính sẽ đơn giản và nhanh chóng. Tuy nhiên, thông qua việc đánh giá thực tiễn áp dụng một số quy định pháp luật, các biện pháp bảo đảm thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp vẫn còn một số tồn tại bất cập nhất định.

(i). việc áp dụng quy định về giám định trong thủ tục xử lý xâm phạm quyền: theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019), khoản 4, điều 26, Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định: “Người có thẩm quyền xử lý vi phạm có thể dựa trên văn bản cam kết xác nhận hàng hóa, dịch vụ giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, văn bản ý kiến chuyên môn của cơ quan nhà nước về sở hữu công nghiệp, văn bản kết luận giám định để xác định hành vi vi phạm nhưng phải chịu trách nhiệm”. Như vậy, kết luận giám định là nguồn thông tin tham khảo để cơ quan có thẩm quyền xem xét trước khi ra quyết định. Thực tế, các vụ việc yêu cầu xem xét kiểm tra, xử lý hành vi xâm phạm quyền (với nhãn hiệu bảo hộ), chủ thể quyền đều phải thực hiện trước việc giám định và có kết luận là xâm phạm quyền, từ đó gửi hồ sơ yêu cầu xử lý vi phạm thì mới được thụ lý và xem xét.

Hai, về việc áp dụng các hình thức xử phạt hành chính bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả: Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định nguyên tắc “Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền”[6]. Ngoài các hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị buộc áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả theo khoản 3 Điều 3 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP. Vấn đề đặt ra là các biện pháp xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo Nghị định số 99/2013/NĐ-CP cần phải được áp dụng theo cách khác: tất cả các hành vi xâm phạm quyền với nhãn hiệu, ngoài hình thức xử phạt chính (phạt tiền) đều phải áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là “đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ 1 – 3 tháng…” và biện pháp khắc phục hậu quả là “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính…”.

Thứ hai, đối với việc thực thi các biện pháp dân sự: việc thực thi quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu bằng biện pháp dân sự theo quy định hiện tại còn hạn chế và bất cập. Các vụ giải quyết các tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp tại Tòa án bằng biện pháp dân sự lại không đem lại kết quả như mong muốn xuất phát từ các nguyên nhân khác nhau như: (i). việc xác định thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu tương đối khó khăn cho chủ thể quyền trước Tòa án: theo quy định của tố tụng dân sự, một nguyên tắc rất quan trọng là nguyên đơn phải có nghĩa vụ chứng minh trước Tòa án về mức độ thiệt hại thực tế do hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp do bên kia gây ra. Tuy nhiên, chủ sở hữu thường không đưa ra được chứng cứ chứng minh hành vi xâm phạm quyền của bị đơn hoặc không chứng minh được mức độ thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, mặc dù hành vi xâm phạm và thiệt hại thực tế đã xảy ra và thiệt hại tiềm ẩn nếu có do bị xâm phạm quyền. Do vậy, yêu cầu đòi bồi thường ít được Tòa án chấp nhận toàn bộ. Ngoài ra, việc kiện ra cơ quan Tòa án thường phải chờ đợi lâu, thường từ 6 tháng đến 1 năm, song thậm chí không mang lại kết quả đã khiến các doanh nghiệp chủ sở hữu đối với nhãn hiệu từ bỏ việc khởi kiện. (ii), bất cập và hạn chế trong quá trình giải quyết vụ án: tòa án thường phải trưng cầu ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và các cơ quan chức năng có liên quan để kết luận đối với hành vi xâm phạm, điều đó dẫn đến thực trạng cơ quan xét xử sẽ rơi vào thế bị động, khó khăn cho việc ra phán quyết.

Thứ ba, những hạn chế đặc thù về vấn đề bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hóa tại tỉnh Bình Dương: (i). quyền sở hữu trí tuệ chưa được xem như một loại tài sản quan trọng đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tiễn tại tỉnh Bình Dương cho thấy, các doanh nghiệp Việt chưa thực sự quan tâm đến vấn đề bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, đặc biệt là việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hóa chưa được doanh nghiệp quan tâm đúng mức. Theo số liệu khảo sát từ 30 doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Dương, hơn 60% doanh nghiệp được khảo sát chưa quan tâm đúng mức cũng như chưa nắm rõ quy định của pháp luật về sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hóa. Đa phần cách doanh nghiệp đã thực hiện việc đăng ký để xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu hàng hóa của mình, nhưng lại chưa quan tâm đến các hành vi có thể xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp. (ii). việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương còn hạn chế do bất cập và tồn tại trong các văn bản quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ hiện hành. Đặc biệt, các biện pháp về dân sự, hành chính và hình sự nhằm bảo vệ và thực thi quyền để chống lại các hành vi xâm phạm các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, bao gồm nhãn hiệu hàng hóa.

4. Giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hóa

Thứ nhất, các biện pháp xử lý vi phạm hành chính hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu: cần có văn bản pháp lý hướng dẫn thống nhất để các cơ quan có thẩm quyền hiểu rõ và áp dụng pháp luật về thực thi và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp hành chính, được áp dụng thống nhất trong cả nước, giữa các cấp và các cơ quan chức năng khác nhau. Xét về bản chất, quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền với nhãn hiệu là quyền dân sự. Do đặc thù của Việt Nam, việc thực thi và bảo vệ các quyền này được thực hiện bằng biện pháp hành chính, bởi các cơ quan hành chính. Vì vậy, cần thống nhất quan điểm chỉ đạo và tinh thần chung là hoạt động thực thi và bảo vệ quyền dân sự cần phù hợp, đáp ứng đúng mong muốn và yêu cầu thực sự của chủ thể quyền bị vi phạm.

Thứ hai, các biện pháp dân sự xử lý vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu: căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại: để xác định mức bồi thường thiệt hại hợp lý, cần đưa ra quy định cụ thể hướng dẫn dựa trên tính chất của hành vi xâm phạm, hậu quả, mức độ thiệt hại, thời gian và phạm vi xảy ra hành vi xâm phạm để tòa án áp dụng. Mức bồi thường thiệt hại do tòa án quyết định nhưng không quá 5 triệu đồng chỉ được áp dụng trong trường hợp theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 205, Luật Sở hữu trí tuệ (khi không thể xác định được mức bồi thường thiệt hại về vật chất theo các căn cứ quy định tại điểm a, b khoản 1, điều 205, Luật Sở hữu trí tuệ). Thiệt hại về danh dự, uy tín, nhân phẩm do bị xâm phạm cần đánh giá thông qua chứng minh của đương sự, qua tài liệu cung cấp của cơ quan, nơi cư trú của đương sự…

Thứ ba, về năng lực của cơ quan Tòa án trong giải quyết vụ án dân sự liên quan đến nhãn hiệu hàng hóa, kiện toàn tổ chức của Tòa án: về nguyên tắc, mọi hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đều có thể được xử lý bằng phán quyết của tòa án khi chủ sở hữu các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp đã có đơn khởi kiện hay yêu cầu, khiếu nại đến tòa án. Các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực của tòa án trong việc bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, như: thủ tục tố tụng phức tạp, kém hiệu quả; giải quyết vụ việc qua quá nhiều trình tự với thời gian quá lâu; án phí, lệ phí đắt hơn các phương thức giải quyết khác; tòa án thiếu những chuyên gia có trình độ chuyên môn cần thiết về sở hữu công nghiệp để giải quyết tốt các loại vụ việc trong lĩnh vực này… Do đó, cần nâng cao trình độ và trách nhiệm của đội ngũ thẩm phán trong hệ thống tòa án nhân dân.

Thứ tư, sự phối hợp giữa cơ quan thực thi pháp luật với nhau và với doanh nghiệp sở hữu quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa: để đảm bảo việc thực thi quyền sở hữu công nghiệp, trong quá trình giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa tòa án, viện kiểm sát với các cơ quan chức năng về sở hữu trí tuệ để cùng tham gia đối với các vấn đề về chuyên môn có liên quan.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Khoản 1, Điều 15, Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ năm 1994 (gọi tắt là Hiệp định TRIPs).

[2] Bộ Khoa học – Công nghệ (2022), Thống kê danh sách các đối tượng sở hữu công nghiệp của tỉnh Bình Dương, https://www.ipvietnam.gov.vn/danh-sach-sang-che-kieu-dang-cong-nghiep-nhan-hieu-cua-63-tinh-thanh/-/asset_publisher/sT9HpA1je6J2/content/-9-thong-ke-danh-sach-cac-oi-tuong-so-huu-cong-nghiep-cua-tinh-binh-duong?inheritRedirect=false.

[3] Khoản 4, Điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019).

[4] Điều 73, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

[5] Khoản 02, điều 73, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

[6] Khoản 01, điều 03, Nghị định số 99/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2015). Bộ luật Dân sự năm 2015.
  2. Quốc hội (2015). Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
  3. Quốc hội (2005). Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019.
  4. Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ 1994 (Hiệp định TRIPs).
  5. Bộ Khoa học và Công nghệ (2007), Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và công nghệ ngày 14/02/2007 về việc hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.
  6. Chính phủ (2013), Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
  7. Bộ Khoa học – Công nghệ (2022), Thống kê danh sách các đối tượng sở hữu công nghiệp của tỉnh Bình Dương, truy cập tại: https://www.ipvietnam.gov.vn/danh-sach-sang-che-kieu-dang-cong-nghiep-nhan-hieu-cua-63-tinh-thanh/-/asset_publisher/sT9HpA1je6J2/content/-9-thong-ke-danh-sach-cac-oi-tuong-so-huu-cong-nghiep-cua-tinh-binh-duong?inheritRedirect=false. 13. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương (2014), Tăng cường nhận thức về bảo hộ nhãn hiệu cho doanh nghiệp, truy cập tại: http://sokhcn.binhduong.gov.vn/New/tang-cuong-nhan-thuc-ve-bao-ho-nhan-hieu-cho-doanh-nghiep-213.

The issue of industrial property rights protection for trademarks of goods in enterprises from the practice of  Binh Duong province

Master. Nguyen Van Sum

Thanh Dong University

Abstract:

The protection of industrial property rights for trademarks is a matter of concern to businesses. Vietnam’s intellectual property law protects the owner’s intellectual property rights to the trademark through the mechanism of establishing intellectual property rights and other measures. In fact, acts of infringing upon industrial property rights to enterprises’ trademarks still exist. This paper identifies the issue of trademark protection, and assesses the current situation of intellectual property rights infringement in Binh Duong province. This paper also proposes some solutions to improve the effectiveness of the Law on Intellectual property in Vietnam.

Keywords: trademarks, trademarks of goods, intellectual property rights, protection of industrial property rights, enterprises in Binh Duong province.

[Tạp chí Công Thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2022]