Vẫn chưa có được tiếng nói chung giữa nông dân và nhà máy đường ở Tây Ninh

BNEWS

Niên vụ mía 2021-2022 đã cận kề, thế nhưng giá thu mua mía nguyên liệu vẫn chưa có sự thống nhất giữa người trồng mía ở Tây Ninh và nhà máy đường.

Hơn 100 người nông dân trồng mía lo lắng đã kiến nghị Hội Người trồng mía tỉnh Tây Ninh gửi đơn cầu cứu khắp nơi, để nhờ sự trợ giúp từ các ban, ngành của tỉnh.
*Xung đột lợi ích

Trước những phản ảnh của người nông dân trồng mía, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh đã chủ trì mời đại diện Sở Tư pháp, Sở Công Thương, Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa (Nhà máy đường Thành Thành Công – Biên Hòa), Hội Người trồng mía tỉnh Tây Ninh và đại diện cho 106 nông dân trồng mía tại Tây Ninh với khoảng 16.000 ha mía để tìm hướng giải quyết, thế nhưng vẫn chưa có tiếng nói chung về giá thu mua mía nguyên liệu niên vụ 2021-2022 giữa người trồng mía và nhà máy đường.
Theo ông Lâm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Người trồng mía tỉnh Tây Ninh, từ tháng 6/2021, có 106 người nông dân trồng mía đã gửi đơn kêu cứu đến Hội Người trồng mía tỉnh Tây Ninh, nhờ can thiệp đề nghị Nhà máy đường Thành Thành Công – Biên Hòa hỗ trợ một phần thua lỗ trong 3 vụ mía 2018-2019, 2019-2020, 2020-2021 (có nông dân lỗ trên 10 tỷ đồng).
Trong khi đó, Nhà máy đường Thành Thành Công – Biên Hòa tại Tây Ninh là một trong những nhà máy có công suất lớn, tiên tiến, tốt nhất Việt Nam, từ cây mía tinh luyện thẳng ra đường RE bán giá rất cao.
Ông Dũng cũng cho biết, niên vụ mía 2018-2019, theo hợp đồng Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa ký với nông dân trồng mía, giá thu mua bảo hiểm thấp nhất là 900.000 đồng/tấn/10 CCS, nhưng thực tế công ty chỉ thu mua 700.000 đồng/tấn/10 CCS, giá thu mua bằng hoặc thấp hơn nhiều so với các nhà máy đường trong nước. Chỉ khi đến cuối vụ, Hội Người trồng mía tỉnh Tây Ninh phản ánh nhiều lần thì công ty mới cho điều chỉnh tăng thêm 50.000 đồng/tấn/10 CCS.
Bà Nguyễn Thị Hiệp, 76 tuổi, ngũ xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh là một trong những người có diện tích trồng mía lớn trên 700 ha (200 ha trồng ở Việt Nam và 500 ha trồng tại Campuchia) cho biết, bản thân “làm ăn” với công ty đã nhiều năm, luôn xem công ty như môi với răng, vui thì cùng hưởng, khó thì cùng chia sớt với nhau.

Tuy nhiên, những năm vừa qua người nông dân trồng mía phải gánh chịu nhiều áp lực, từ giá phân bón, nhân công, vận chuyển điều tăng cao, nhưng giá mía nguyên liệu thu mua vào của nhà máy đường thì ngược lại quay đầu đi xuống, đẩy người nông dân trồng mía lỗ chồng lỗ.
“Yêu cầu tha thiết nhà máy giúp đỡ cho người nông dân trồng mía vượt qua những khó khăn để trụ lại với cây mía; nếu không thì buộc người nông dân phải từ bỏ cây mía, để trồng cây khác có thu nhập cao hơn”, bà Hiệp nói.
Cũng theo bà Hiệp, nếu giá thu mua mía nguyên liệu niên vụ 2021-2022 tại ruộng có giá 1.050.000 đồng/tấn/10 CCS thì khả năng người nông dân mới hòa vốn đầu tư, bởi phân bón năm nay đã nhảy vọt từ 50% đến hơn 100% so với các năm trước.
Theo ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Nông nghiệp Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa, giai đoạn từ 2017 đến nay, Việt Nam gia nhập ATIGA (Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN) nên phải áp dụng theo giá đường chung của thế giới và ngành mía đường rơi vào chu kỳ suy thoái.
Tất cả các nhà máy đường điều phải cố gắng nỗ lực để tồn tại, cũng như cân đối giá thu mua mía nguyên liệu cho phù hợp nhất, nhằm cân bằng hài hòa giữa nhà máy và nông dân trồng mía. Tuy có nhiều giải pháp để sống còn, nhưng Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa cũng đã buộc phải đóng cửa hai nhà máy (giá trị đầu tư hơn 100 tỷ đồng) để tối ưu chi phí phí sản xuất.
“Hiện nay Nhà máy đường Thành Thành Công – Biên Hòa vẫn còn nhiều chính sách hỗ trợ nông dân trồng mía hơn so với một số nhà máy đường khác trong cả nước. Tuy nhiên, năng suất mía vẫn còn thấp nên bà con cần áp dụng thêm các giải pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất; ngành mía đường đang trong thời điểm phát triển thuận lợi, do chính sách của Nhà nước và giá đường thế giới đang tăng.
Công ty có lợi thế nắm được giá đường thế giới, thông tin phân bón đầu vào… trong thời gian tới, sẽ tư vấn hỗ trợ nông dân nắm thông tin cần sử dụng phân bón nào để giảm chi phí sản xuất tối đa, từ đó người nông dân trồng mía sẽ có lãi cao hơn”, ông Nguyễn Văn Kiên chia sẻ thêm.
*Cần hiệp thương giá
Ông Nguyễn Đăng Thuận, Phó Chủ tịch Hội Người trồng mía tỉnh Tây Ninh cho rằng, theo quy định tại khoản b, điểm 1, Điều 23 của Luật giá năm 2012 thì cây mía rơi vào trường hợp “có tính chất độc quyền mua hoặc độc quyền bán hoặc bên mua, bên bán phụ thuộc nhau không thể thay thế được”, khi người nông dân đầu tư trồng mới, công ty có ký hợp đồng 3 năm với mức thỏa thuận giá bảo hiểm (cụ thể 900.000 đồng/tấn/10 CCS).

Thế nhưng, khi ký phụ lục hợp đồng tái vụ hàng năm thì công ty không ghi giá thu mua mía là sai quy định của Luật Giá nên cần phải có hiệp thương về giá, với sự tham gia đầy đủ của các ban ngành, hội người trồng mía, công ty và nông dân.
“Thực sự người trồng mía không phải xin nhà máy mà đây là trách nhiệm của công ty với người nông dân, tạo niềm tin để người nông dân trồng mía tiếp tục bám trụ, giữ vững cây mía”, ông Nguyễn Đăng Thuận nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, thì nông dân trồng mía và nhà máy đường là hai chủ thể gắn bó mật thiết với nhau, không thể tách rời trong lúc thuận lợi cũng như khó khăn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh mong muốn hai bên cùng thỏa thuận được với nhau trên tinh thần tương trợ hài hòa lợi ích, cùng hợp tác phát triển ngành mía đường của tỉnh trở lại thời hoàng kim vốn có.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh đề nghị Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa xem xét lại tính pháp lý khi ký các phụ lục hợp đồng mới có thay đổi về giá, tạp chất, chữ đường so với hợp đồng gốc. Do đây là hợp đồng mẫu công ty đưa ra, nông dân chỉ có quyền ký hoặc không ký, chứ không có sự thỏa thuận, thương lượng về các điều khoản trong hợp đồng. Khi công ty đơn phương điều chỉnh hợp đồng theo hướng bất lợi cho nông dân thì cần đảm bảo quyền lợi của họ, vì nông dân là bên yếu thế trong quan hệ hợp đồng này.
Mới đây, Sở Tài chính tỉnh Tây Ninh cũng đã có hướng dẫn đề nghị Hội Người trồng mía tỉnh Tây Ninh và nông dân trồng mía tính toán tổng chi phí thực hiện trồng, chăm sóc cây mía năm 2021-2022, bình quân chi phí thu được 1 tấn mía nguyên liệu; sau đó tiến hành thỏa thuận và đề xuất giá cụ thể với Nhà máy đường Thành Thành Công – Biên Hòa.
Đối với trường hợp cả hai bên không thống nhất được về giá thu mua mía nguyên liệu niên vụ 2021-2022, Sở Tài chính tỉnh Tây Ninh, cùng với các ngành sẽ dựa vào số liệu thực tế phát sinh, cũng như so sánh giá thu mua mía nguyên liệu niên vụ trước để có hướng dẫn thỏa thuận giá phù hợp giữa 2 bên./.