Văn bản điện tử là gì? Ví dụ và các quy định về văn bản điện tử
Văn bản điện tử đang ngày càng được ưa chuộng trong thời đại 4.0 hiện nay. Vậy văn bản điện tử là gì? Ví dụ và các quy định về văn bản điện tử? Kính mời quý bạn đọc cùng Luật Minh Khuê tìm hiểu thêm thông qua bài viết dưới đây nhé!
Mục Lục
1. Văn bản điện tử là gì?
Trước đây, khái niệm văn bản điện tử được tại khoản 7 Điều 3 Nghị định 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đăng ký doanh nghiệp như sau:
“Văn bản điện tử là dữ liệu điện tử được tạo trực tuyến hoặc được quét (scan) từ văn bản giấy theo định dạng “.doc” hoặc “.pdf” và thể hiện chính xác, toàn vẹn nội dung của văn bản giấy”.
Khi Nghị định 30/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về công tác văn thư được ban hành, khái niệm văn bản điện tử được quy định là:
“Văn bản điện tử là văn bản dưới dạng thông điệp dữ liệu được tạo lập hoặc được số hóa từ văn bản giấy và trình bày đúng thể thức, kỹ thuật, định dạng theo quy định.” (khoản 4 Điều 3 Nghị định 30/2020/NĐ-CP)
Văn bản điện tử hiện nay là một trong những phương tiện ghi chép được sử dụng rộng rãi. Văn bản điện tử vẫn đảm bảo yêu cầu như văn bản giấy truyền thống như nội dung, sự ổn định, thống nhất giữa các thông tin, cố định và truyền đạt thông tin cho nhiều đối tượng tiếp cận. Điểm khác của văn bản điện tử là hình thức ghi tin, lưu trữ thông tin văn bản cũng như cách truyền đạt thông tin so với văn bản giấy truyền thống.
Ưu điểm của văn bản điện tử so với văn bản giấy truyền thống:
– Tiết kiệm chi phí lưu trữ, vận hành trục văn bản liên thông
– Tốc độ truyền đạt, gửi và nhận thông tin nhanh, giúp giảm bớt các công đoạn thủ công
– Giúp cắt giảm nhiều thủ tục hành chính.
2. Giá trị pháp lý của văn bản điện tử
Giá trị pháp lý của văn bản điện tử theo Điều 5 Nghị định 30/2020/NĐ-CP như sau:
– Văn bản điện tử được ký số bởi người có thẩm quyền và ký số của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật có giá trị pháp lý như bản gốc văn bản giấy.
– Chữ ký số trên văn bản điện tử phải đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật, cụ thể:
+ Hình ảnh, vị trí chữ ký số của cơ quan, tổ chức là hình ảnh dấu của cơ quan, tổ chức ban hành văn bản trên văn bản, màu đỏ, kích thước bằng kích thước thực tế của dấu, định dạng (.png) nền trong suốt, trùm lên khoảng 1/3 hình ảnh chữ ký số của người có thẩm quyền về bên trái.
+ Chữ ký số của cơ quan, tổ chức trên văn bản kèm theo văn bản chính được thể hiện như sau: Văn bản kèm theo cùng tệp tin với nội dung văn bản điện tử, Văn thư cơ quan chỉ thực hiện ký số văn bản và không thực hiện ký số lên văn bản kèm theo; văn bản không cùng tệp tin với nội dung văn bản điện tử, Văn thư cơ quan thực hiện ký số của cơ quan, tổ chức trên văn bản kèm theo.
- Vị trí: Góc trên, bên phải, trang đầu của văn bản kèm theo.
- Hình ảnh chữ ký số của cơ quan, tổ chức: Không hiển thị.
- Thông tin: Số và ký hiệu văn bản; thời gian ký (ngày tháng năm; giờ phút giây; múi giờ Việt Nam theo tiêu chuẩn ISO 8601) được trình bày bằng phông chữ Times New Roman, chữ in thường, kiểu chữ đứng, cỡ chữ 10, màu đen.
+ Dấu, chữ ký số của cơ quan, tổ chức được trình bày tại ô số 8 Mục IV Phần I Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 30/2020/NĐ-CP.
3. Soạn thảo văn bản điện tử
Điều 10 Nghị định 30/2020/NĐ-CP quy định về soạn thảo văn bản điện tử như sau:
– Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mục đích, nội dung của văn bản cần soạn thảo, người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền giao cho đơn vị hoặc cá nhân chủ trì soạn thảo văn bản.
– Đơn vị hoặc cá nhân được giao chủ trì soạn thảo văn bản thực hiện các công việc: Xác định tên loại, nội dung và độ mật, mức độ khẩn của văn bản cần soạn thảo; thu thập, xử lý thông tin có liên quan; soạn thảo văn bản đúng hình thức, thể thức và kỹ thuật trình bày. Đối với văn bản điện tử, cá nhân được giao nhiệm vụ soạn thảo văn bản ngoài việc thực hiện các nội dung nêu trên phải chuyển bản thảo văn bản, tài liệu kèm theo (nếu có) vào Hệ thống và cập nhật các thông tin cần thiết.
– Trường hợp cần sửa đổi, bổ sung bản thảo văn bản, người có thẩm quyền cho ý kiến vào bản thảo văn bản hoặc trên Hệ thống, chuyển lại bản thảo văn bản đến lãnh đạo đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản để chuyển cho cá nhân được giao nhiệm vụ soạn thảo văn bản.
– Cá nhân được giao nhiệm vụ soạn thảo văn bản chịu trách nhiệm trước người đứng đầu đơn vị và trước pháp luật về bản thảo văn bản trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ được giao.
4. Lưu văn bản điện tử
Văn bản điện tử được lưu theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định 30/2020/NĐ-CP như sau:
– Bản gốc văn bản điện tử phải được lưu trên Hệ thống của cơ quan, tổ chức ban hành văn bản.
– Cơ quan, tổ chức có Hệ thống đáp ứng theo quy định tại Phụ lục VI Nghị định 30/2020/NĐ-CP và các quy định của pháp luật có liên quan thì sử dụng và lưu bản gốc văn bản điện tử trên Hệ thống thay cho văn bản giấy.
– Cơ quan, tổ chức có Hệ thống chưa đáp ứng theo quy định tại Nghị định 30/2020/NĐ-CP và các quy định của pháp luật có liên quan thì Văn thư cơ quan tạo bản chính văn bản giấy theo quy định tại khoản 5 Điều 18 Nghị định 30/2020/NĐ-CP để lưu tại Văn thư cơ quan và hồ sơ công việc.
5. Quản lý văn bản điện tử
5.1. Trình tự quản lý văn bản đi
(1) Cấp số, thời gian ban hành văn bản.
(2) Đăng ký văn bản đi.
(3) Nhân bản, đóng dấu cơ quan, tổ chức, dấu chỉ độ mật, mức độ khẩn, (đối với văn bản giấy); ký số của cơ quan, tổ chức (đối với văn bản điện tử).
(4) Phát hành và theo dõi việc chuyển phát văn bản đi.
(5) Lưu văn bản đi.
5.2. Trình tự quản lý văn bản đến
(1) Tiếp nhận văn bản đến.
(2) Đăng ký văn bản đến.
(3) Trình, chuyển giao văn bản đến.
(4) Giải quyết và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết văn bản đến.
Có thể thấy, trình tự quản lý văn bản đến và văn bản đi giữa văn bản giấy và văn bản điện tử không có quá nhiều khác biệt, tuy nhiên văn bản điện tử vẫn có những điểm khác so với với văn bản giấy trong công tác quản lý văn bản như:
– Việc cấp số, thời gian ban hành của văn bản điện tử được thực hiện bằng chức năng của Hệ thống.
– Đối với trường hợp thu hồi văn bản thì khi nhận được thông báo thu hồi, bên nhận hủy bỏ văn bản điện tử bị thu hồi trên Hệ thống, đồng thời thông báo qua Hệ thống để bên gửi biết.
– Khi lưu văn bản điện tử cần tuân thủ những quy định sau:
+ Bản gốc văn bản điện tử phải được lưu trên Hệ thống của cơ quan, tổ chức ban hành văn bản.
+ Cơ quan, tổ chức có Hệ thống đáp ứng theo quy định tại Phụ lục VI Nghị định 30/2020/NĐ-CP và các quy định của pháp luật có liên quan thì sử dụng và lưu bản gốc văn bản điện tử trên Hệ thống thay cho văn bản giấy.
+ Cơ quan, tổ chức có Hệ thống chưa đáp ứng theo quy định tại Phụ lục VI Nghị định 30/2020/NĐ-CP và các quy định của pháp luật có liên quan thì Văn thư cơ quan tạo bản chính văn bản giấy theo quy định tại khoản 5 Điều 18 Nghị định 30/2020/NĐ-CP để lưu tại Văn thư cơ quan và hồ sơ công việc.
– Khi tiếp nhận văn bản đến văn thư cơ quan cần phải kiểm tra tính xác thực và toàn vẹn của văn bản điện tử và thực hiện tiếp nhận trên Hệ thống. Cơ quan, tổ chức nhận văn bản có trách nhiệm thông báo ngay trong ngày cho cơ quan, tổ chức gửi về việc đã nhận văn bản bằng chức năng của Hệ thống.
Trên đây là bài viết của Luật Minh Khuê về chủ đề Văn bản điện tử là gì? Ví dụ và quy định về văn bản điện tử. Nếu quý khách hàng còn bất kỳ vướng mắc, không hiểu về vấn đề này hay bất kỳ vấn đề pháp lý liên quan nào khác, quý khách hàng vui lòng liên hệ qua số tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí của công ty chúng tôi: 1900.6162 để nhận được sự giải đáp thắc mắc nhanh chóng, kịp thời đến từ đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm chuyên môn. Xin cảm ơn sự hợp tác của quý khách hàng. Trân trọng!