Văn bản áp dụng pháp luật là gì? Ví dụ văn bản áp dụng pháp luật

Khái niệm, cách hiểu đúng về văn bản áp dụng pháp luật theo quy định hiện nay ? Phân tích các đặc điểm pháp lý của văn bản áp dụng pháp luật ? Ý nghĩa việc ban hành văn bản pháp luật là gì ? và các vấn đề khác liên quan sẽ được bài viết phân tích cụ thể:

 

1. Khái niệm văn bản áp dụng pháp luật

Văn bản áp dụng pháp luật là văn bản pháp lý cá biệt, mang tính quyền lực nhà nước do cơ quan, quan chức, công chức nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức xã hội được nhà nước trao quyền ban hành theo thủ tục, trình tự luật định trên cơ sở áp dụng các quy phạm pháp luật đối với những quan hệ cụ thể, cá biệt nhằm thiết lập quyền và nghĩa vụ cụ thể của cá nhân, cơ quan, tổ chức nhất định hoặc xác định trách nhiệm pháp lý đối với các chủ thể vi phạm pháp luật.

Văn bản áp dụng pháp luật là văn bản do các chủ thể có thẩm quyền ban hành theo thủ tục và hình thức do pháp luật quy định, có nội dung là mệnh lệnh cụ thể đối với cá nhân, tổ chức xác định, được thực hiện một lần trong thực tiễn.

Ví dụ: Quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh A được ban hành để bổ nhiệm ông Nguyễn Văn B giữ chức vụ Giám đốc Sở Tư pháp.

 

2. Đặc điểm của văn bản áp dụng pháp luật

Văn bản áp dụng pháp luật có các đặc điểm:

1) Do cơ quan nhà nước, quan chức, công chức có thẩm quyển hoặc tổ chức xã hội được nhà nước giao quyển áp dụng pháp luật, ban hành theo thủ tục, trình tự luật định;

2) Mang tính cá biệt, chỉ hướng tới một cá nhân, cơ quan, tổ chức cá biệt cụ thể;

3) Được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế nhà nước;

4) Dựa trên cơ sở pháp lý là văn bản quy phạm pháp luật thực định.

Ngoài những đặc điểm của văn bản pháp luật nói chung, văn bản áp dụng pháp luật có một số đặc điểm sau:

– Có nội dung là mệnh lệnh áp dụng pháp luật đối với cá nhăn, tổ chức cụ thể, xác định. Trên cơ sở văn bản quy phạm pháp luật, khi có sự kiện thực tế xảy ra, các cơ quan nhà nước hoặc cá nhân có thẩm quyền ban hành vãn bản áp dụng pháp luật để giải quyết, làm cho các quy phạm pháp luật được thực thi trên thực tế.

Khác với văn bản quy phạm pháp luật có nội dung là quy phạm pháp luật, là khuôn mẫu xử sự chung cho mọi cá nhân, tổ chức, là đối tượng điều chỉnh của quy phạm pháp luật, nội dung của văn bản áp dụng pháp luật luôn là mệnh lệnh cụ thể đối với cá nhân, tổ chức xác định. Có nghĩa mệnh lệnh áp dụng pháp luật luôn ra đời trên cơ sở quy phạm pháp luật.

– Văn bản áp dụng pháp luật được thực hiện một lần trong thực tiễn. Khác với văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện nhiều lần, văn bản áp dụng pháp luật chỉ được thực hiện một lần vì mồi văn bản áp dụng được ban hành thường giải quyết một công việc, một vụ việc cụ thể.

– Văn bản áp dụng pháp luật được ban hành theo hình thức và thủ tục do pháp luật quy định. Hình thức của văn bản áp dụng pháp luật bao gồm tên loại và thể thức kĩ thuật trình bày văn bản cũng được pháp luật quy định. Tên loại văn bản áp dụng pháp luật được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh từng lĩnh vực khác nhau.

Ví dụ: Trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính, tên loại của văn bản áp dụng pháp luật để giải quyết công việc này là quyết định (Xem: Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012); trong hoạt động xét xử, viện kiểm sát nhân dân truy tố bị can trước toà án bằng bản cáo trạng (Xem: Điều 243 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015), toà án nhân dân ra phán quyết đối với người thực hiện hành vi phạm tội bằng bản án (Xem: Điều 260 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015)…

Thủ tục, trình tự ban hành văn bản áp dụng pháp luật hiện nay khá đa dạng bởi tính chất phong phú của mỗi công việc áp dụng pháp luật trên thực tế. Tuy nhiên, trên bình diện chung nhất, thủ tục ban hành văn bản áp dụng pháp luật được thực hiện theo các bước: xác định thẩm quyền giải quyết công việc; lựa chọn quy phạm pháp luật để áp dụng; soạn thảo; kí chứng thực và ban hành.

 

3. Ý nghĩa của soạn thảo, ban hành văn bản pháp luật ?

Soạn thảo, ban hành văn bản pháp luật có vị trí quan trọng, diễn ra thường xuyên trong hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương. Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các chủ thể ban hành văn bản pháp luật nhằm thực hiện hoạt động quản lý một cách có hiệu quả nhất. Văn bản pháp luật là phương tiện chủ yếu để ghi lại và truyền đạt các quyết định quản lý nên ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước. Do vậy, ban hành văn bản pháp luật có chất lượng luôn là mục tiêu hàng đầu của các cơ quan ban hành ra chúng.

Trong chương trình đào tạo cử nhân luật, xây dựng văn bản pháp luật là môn học bắt buộc nhằm trang bị cho người học kiến thức về văn bản pháp luật và lã năng xây dựng văn bản pháp luật như thẩm quyền ban hành, thủ tục, trình tự ban hành; quy tắc sử dụng ngôn ngữ để soạn thảo văn bản pháp luật, cách thức soạn thảo hình thức, nội dung văn bản pháp luật và kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản pháp luật.

Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập)