Vạn Lý Trường Thành dài bao nhiêu km và 14 bí mật vùi lấp ngàn năm
Mục Lục
1. Tìm hiểu về Vạn Lý Trường Thành
Người Trung Quốc có câu “Bất đáo Trường Thành phi hảo hán” với ý nghĩa khẳng định những ai chưa có cơ hội chinh phục Vạn Lý Trường Thành thì không phải là một trang nam tử hán. Vậy Vạn Lý Trường Thành là gì, nó nằm ở đâu và dài bao nhiêu km?
1.1. Vạn Lý Trường Thành là gì, ở đâu
Vạn Lý Trường Thành hay còn được gọi là Trường Thành là tên gọi chung của bức tường thành dài nhất thế giới của Trung Quốc. Cái tên này được bắt đầu sử dụng trong cuốn “Sử ký Sở thế gia” thuộc thời kỳ Xuân Thu và Chiến Quốc. Trong đó có ghi rằng “Tề Tuyên Vương cưỡi trên núi non trùng điệp xây Trường Thành nghìn vạn dặm”.
Vạn Lý Trường Thành là tên gọi chung của bức tường thành dài nhất thế giới của Trung Quốc. (Ảnh: Sohu)
Từ nghìn năm trước, Vạn Lý Trường Thành được xây dựng với ý đồ ngăn chặn trước sự tấn công của các nước lân cận. Sau đó qua rất nhiều triều đại, những bức tường thành cứ thế được nối dài qua nhiều tỉnh thành trên khắp lãnh thổ Trung Quốc. Vì thế, hình ảnh Vạn Lý Trường Thành đã trở thành một trong những kỳ quan nhân tạo vĩ đại nhất bắt nguồn từ nền văn minh cổ đại của đất nước tỷ dân.
Vạn Lý Trường Thành ở đâu? Điểm khởi đầu của Vạn Lý Trường Thành là tại Sơn Hải Quan ở phía Đông của bờ biển Bột Hải (đây là điểm giao nhau của Trung Quốc bản thổ và Mãn Châu trước đây) cho tới Lop Nur ở phía Đông Nam của khu tự trị của người Duy Ngô Nhĩ (nằm ở Tân Cương).
Vạn Lý Trường Thành kéo dài trên 15 địa phương của Trung Quốc bao gồm: Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, Sơn Tây, Cam Túc, Thiểm Tây, Nội Mông, Hắc Long Giang, Liêu Ninh, Cát Lâm, Hà Nam, Sơn Đông, Thanh Hải, Ninh Hạ và Tân Cương.
Qua đây có thể thấy, dù Trung Quốc có rất nhiều những công trình với quy mô lớn nhưng thật hiếm có công trình nào đi qua nhiều địa phương như Vạn Lý Trường Thành. Có lẽ vì thế mà Trường Thành mới được coi là biểu tượng của Trung Quốc.
Vạn Lý Trường Thành là công trình trải dài qua nhiều địa phương của Trung Quốc. (Ảnh: Sohu)
1.2. Vạn Lý Trường Thành dài bao nhiêu km
Theo thống kê và đo lường trong nhiều năm liền, các nhà khảo cổ đã tính toán được chiều dài của Vạn Lý Trường Thành khoảng 21.000 km. Nhưng nếu tính tổng chiều dài của các đoạn tường thành sau khi được nối hết vào với nhau thì con số đó lên tới 56.000 km. Chiều cao trung bình của tường thành là 7 m, chiều rộng đạt khoảng 5-6 m.
Tuy nhiên, theo thời gian, vì nhiều lý do nên Vạn Lý Trường Thành Trung Quốc đã bị hư hại nhiều. Theo ước tính của các chuyên gia, hiện tại chỉ còn khoảng hơn 8% tường thành còn nguyên vẹn. Hơn 70% số tường thành còn lại bị hư hại và có những nơi chỉ còn lại dấu tích của nền móng.
Theo số liệu được công bố vào năm 2009, chiều dài của Vạn Lý Trường Thành chính xác là 8.851 km. Với chiều dài như vậy, có thể thấy Vạn Lý Trường Thành hơn 2 lần đường kính của Mặt trăng (khoảng 3,480 km) và gần gấp 4 lần đường kính của sao Diêm Vương (khoảng 2,377 km).
2. Vạn lý Trường Thành Trung Quốc gây ấn tượng với 14 điều thú vị
Trong hơn 2.000 năm, hình ảnh Vạn Lý Trường Thành vẫn luôn là kỳ quan mang tính biểu tượng của văn hóa Trung Quốc. Xung quanh công trình này có rất nhiều câu chuyện thú vị và chính những điều này đã biến nơi này trở thành một trong những địa điểm thu hút nhiều người tới thăm quan nhất trên thế giới.
Vạn Lý Trường Thành là tập hợp của nhiều phần tường lũy của các vùng ghép lại với nhau. (Ảnh: Sohu)
2.1. Vạn Lý Trường Thành xây năm nào
Từ thế kỷ thứ 3 TCN, những tường lũy đầu tiên tương tự như Vạn Lý Trường Thành được xây dựng với mục đích bảo vệ đất nước khỏi sự xâm lược của giặc ngoại xâm.
Trải qua 16 triều đại khác nhau, bắt đầu từ thế kỷ 3 TCN nhưng đến thế kỷ 17 sau CN, Vạn Lý Trường Thành đã được hoàn thành. Tuy được xây từ nhà Tần nhưng Vạn Lý Trường Thành lại mang nhiều dấu ấn đặc trưng của nhà Minh.
Trong một cuộc khảo sát tại Vạn Lý Trường Thành, các nhà khảo cổ đã thống kê rằng có tới hơn 2.000 km của tường thành thuộc độ cao của nhà Minh đã bị mất. Hiện nay, công trình này không tiếp tục xây dựng mà chỉ được trùng tu, sửa chữa với mục đích bảo quản.
2.2. Vạn Lý Trường Thành do ai xây
Ban đầu Vạn Lý Trường Thành do Yến, Sở, Tề, Ngụy, Hán, Tần và Triệu… tự đứng lên xây dựng riêng lẻ để ngăn chặn quân Hung Nô.
Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc đã cho xây dựng Vạn Lý Trường Thành một cách có quy mô. (Ảnh: Sohu)
Tới năm 221 TCN, sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc và bắt đầu gây dựng nhà Tần, ông đã cho người khởi công xây dựng 5.000 tường lũy nhằm bảo vệ đất đai của mình.
Tương truyền, Tần Thủy Hoàng sau khi nghe được một lời tiên tri là “Vong Tần giả, Hồ dã” (nghĩa là Tần mất là do Hồ), ông đã cho rằng chữ “Hồ” này ám chỉ tới giặc Hồ ở phương Bắc nên đã cho xây Trường Thành và đã để lại di sản này cho người đời sau tiếp tục công việc này.
2.3. Vạn Lý Trường Thành vốn không phải là bức tường liền mạch
Nhiều người vẫn cho rằng Vạn Lý Trường Thành là một bức tường dài nối liền mạch. Trên thực tế, Vạn Lý Trường Thành Trung Quốc là tổ hợp của nhiều phần tường lũy của các vùng ghép lại với nhau.
Không những thế, các bức tường còn có nhiều hình dáng khác nhau như tường vòng tròn, tường song song và tường bên sườn. Ngoài ra, với những nơi có địa hình phức tạp, tường thành sẽ được thay bằng thành lũy tự nhiên từ núi và sông. Thậm chí có những phần chỉ là những ụ đất đắp lên mà thôi.
2.4. Vạn Lý Trường Thành xây bằng gì
Vạn Lý Trường Thành được xây từ cách đây hơn 2.000 năm và kéo dài qua nhiều triều đại nên công trình này được xây từ nhiều vật liệu khác nhau. Phần lớn Vạn Lý Trường Thành được xây từ đất và đá.
Gạo nếp là một trong những thành phần được thêm vào công thức làm vữa để tăng khả năng kết dính vượt trội cho tường thành. (Ảnh: Sohu)
Tuy nhiên, khi các nhà khảo cổ tiến hành phân tích các thành phần có nguyên vật liệu xây tường thành, họ đã phát hiện ra gạo nếp đã được đưa vào công thức làm vữa để tạo nên khả năng kết dính vượt trội. Nhờ có hợp chất amylopectin trong gạo nếp, những bức tường thành đã trở nên vô cùng vững chắc và bền bỉ cùng năm tháng.
2.5. Xây Trường là hình phạt dành cho tù nhân
Mặc dù việc xây Vạn Lý Trường Thành là do nhiều lực lượng như người dân, quân lính, tù binh tạo nên nhưng thực tế thì đây lại là hình phạt dành cho các tù nhân thời nhà Tần. Đặc biệt, những tù nhân phạm đại tội như trốn thuế hay giết người chắc chắn sẽ phải làm nhiệm vụ này.
Những tay quản sự để phân biệt tù nhân và người dân đã dùng cách cạo tóc và bôi đen mặt của họ, sau đó dùng dây xích trói tay chân họ lại với nhau. Bởi vì công việc này vốn vô cùng nguy hiểm nên đã có rất nhiều người chết trong quá trình xây dựng Trường Thành. Theo ước tính từ sử sách, đã có khoảng 400.000 người chết trong suốt ngần ấy năm.
2.6. Lễ tế dành cho người chết vì xây dựng Trường Thành
Vì đã có quá nhiều người chết trong quá trình xây dựng Trường Thành, gia đình của họ rất lo sợ hồn của họ bị mắc kẹt không thể siêu thoát. Vì thế, mỗi gia đình đã sử dụng một chú gà trống để tế linh hồn của người chết theo quan niệm của người xưa. Vì thế, có những thời điểm, số lượng gà được đem tới Vạn Lý Trường Thành để cúng tế nhiều tới nỗi không đếm xuể.
2.7. Việc xây dựng Vạn Lý Trường Thành đã được tiên đoán trước
Việc xây dựng Vạn Lý Trường Thành đã được tiên đoán trước là một trong những phát hiện thú vị đã được các nhà khảo cổ tìm thấy trong Kinh Thi. Đây là một bộ sưu tập thơ cổ đã được viết trong khoảng giữa thế kỷ thứ 7 và 11 TCN.
Việc xây dựng Vạn Lý Trường Thành vốn được tiên đoán từ trước trong một bộ sưu tập thơ cổ. (Ảnh: Sohu) 2.8. Trường Thành
2.8. Trường Thành là nơi tôn vinh nhiều nhân vật huyền thoại
Tại nhiều điểm trên Vạn Lý Trường Thành, nhiều đền thờ của các nhân vật huyền thoại của lịch sử Trung Quốc đã được dựng lên. Trong đó có đền thờ của Quan Vũ, một vị danh tướng của triều đại nhà Hán và Thiên Vương, một trong tứ đại thiên vương trong Phật giáo đều được vinh dự xây dựng tại đây.
2.9. Không phải là hệ thống phòng thủ tốt nhất
Vạn Lý Trường Thành vốn được xem là hệ thống phòng thủ của các triều đại Trung Quốc. Tuy nhiên theo các chuyên gia khảo cổ, Vạn Lý Trường Thành đã có không ít lần bị vượt qua. Kể từ sau khi Tần Thủy Hoàng chết, Vạn Lý Trường Thành bị một loạt các bộ tộc ở biên giới phía Bắc tấn công và bị chiếm mất một phần.
Trong đó phải kể đến Thành Cát Tư Hãn, vị thủ lĩnh tài năng của đế chế Mông Cổ đã từng không dưới 1 lần vượt qua Vạn Lý Trường Thành để tiến vào lãnh thổ của Trung Quốc. Trước vị Đại Hãn này, chưa từng có thủ lĩnh của bộ tộc du mục nào làm được điều này. Việc này đã được khẳng định thông qua các bằng chứng được tìm thấy ở các đoạn tường thành ở phía Bắc của Trường Thành.
Vào thế kỷ 17, người mãn Châu cũng từng vượt qua Vạn Lý Trường Thành để xâm lược và gây nên sự sụp đổ của nhà Minh.
2.10. Sự thật Vạn Lý Trường Thành nhìn từ Mặt trăng
Nhiều người lập luận rằng có thể thấy Vạn Lý Trường Thành nhìn từ Mặt trăng, tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng việc đó là không thể. Mãi cho tới khi con người hoàn thành việc bay vào không gian vũ trụ thì luận điểm đó mới bị bác bỏ. Neil Armstrong, phi hành gia nổi tiếng đã đặt chân lên Mặt trăng cũng là một trong số những người khẳng định sự thật này.
2.11. Nhiều viên gạch của Vạn Lý Trường Thành đã bị lấy mất
Trên thực tế vào thời điểm diễn ra Cách mạng Văn hóa, nhiều viên gạch của Vạn Lý Trường Thành đã bị lấy mất. Nhiều người đã lấy chúng về để xây nhà, xây hồ chứa và trang trại, việc này đã khiến cho Trường Thành bị tàn phá nghiêm trọng.
Hiện nay, nhiều phần của Vạn Lý Trường Thành đã bị hư hỏng nghiêm trọng. (Ảnh: Sohu)
Ngoài ra, Vạn Lý Trường Thành Trung Quốc đã từng bị nhiều du khách tới thăm quan lấy cắp. Bởi vậy, để ngăn chặn hành động này, chính phủ Trung Quốc đã quy định rằng bất cứ du khách nào nếu bị bắt quả tang lấy trộm gạch từ Vạn Lý Trường Thành sẽ bị phạt 5.000 NDT (khoảng 17 triệu VND). Tuy nhiên, nếu may mắn tham gia vào các chuyến đi cắm trại qua đêm, du khách sẽ có cơ hội dựng lều cắm trại ngủ qua đêm và ngắm mặt trời mọc từ Vạn Lý Trường Thành.
Ngày nay, do tác động của thiên nhiên, nhiều phần tường thành tại Ninh Hạ và Cam Túc đã bị sa mạc hóa và có khả năng biến mất sau 20 năm nữa.
2.12. Truyền thuyết về Vạn Lý Trường Thành
Tại Trung Quốc, truyền thuyết được biết đến nhiều nhất về Vạn Lý Trường Thành là câu chuyện về nàng Mạnh Khương khóc chồng. Chuyện kể rằng, chồng của nàng Mạnh Khương là thư sinh nhưng trong đêm tân hôn chưa kịp động phòng đã bắt đi xây dựng Vạn Lý Trường Thành.
Vì mùa đông sắp đến, Mạnh Khương sợ chồng phải chịu lạnh nên đã đan áo và đi khắp nơi để tìm chồng. Nào ngờ, sau khi hỏi thăm nàng nhận được tin dữ là chồng mình đã chết dưới chân Trường Thành.
Quá thương xót chồng, nàng khóc mất 3 ngày 3 đêm, tiếng khóc vang xa tới 800 dặm, nước mắt hòa cùng máu khiến cho một khúc tường thành đổ sập, lộ ra thân xác của người chồng. Nàng liền đem hài cốt của chồng về an táng sau đó nhảy xuống biển tự vẫn.
Người dân thương xót cho tấm lòng của nàng nên đã lập miếu thờ Mạnh Khương Tử ở phần tường thành tại quận Sơn Hải Quan thuộc tỉnh Hà Bắc.
2.13. Chuyện về 99.999 viên gạch ở Gia Dục Quan
Gia Dục Quan là cửa ải nổi tiếng của Vạn Lý Trường Thành với truyền thuyết về 99.999 viên gạch. (Ảnh: Sohu)
Gia Dục Quan là cửa ải nằm ở phía Tây của Vạn Lý Trường Thành. Không chỉ có tên là Gia Dục Quan, người dân còn đặt cho cửa ải này là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” ( có nghĩa là cửa ải đẹp nhất ). Đây cũng là cửa ải còn lại nguyên vẹn nhất.
Truyền thuyết nổi tiếng nhất của cửa ai Gia Dục Quan được gắn với cái tên Dị Khai Chiêm. Được biết, Dị Khai Chiêm là một kiến trúc sư nổi tiếng của nhà Minh. Ông còn rất giỏi về số học.
Khi đó, Dị Khai Chiêm nhận được lệnh thiết kế và xây dựng Gia Dục Quan. Ông đã tính toán rằng số gạch cần thiết để hoàn thành Gia Dục Quan là 99.999 viên. Tuy nhiên, viên quan phụ trách theo dõi lại cho rằng ông tính toán sai, ông ta đã phán rằng nếu Dị Khai Chiêm làm sai thì quân lính sẽ phải chịu lao động khổ sai.
Xây xong Gia Dục Quan, quả thực có một viên gạch bị thừa ra, viên quan phụ trách liền lấy cớ trừng phạt Dị Khai Chiêm. Nhưng ông lại nói rằng chỉ cần xê dịch viên gạch thừa này sẽ khiến cho mọi sự đổ bể. Viên quan không tin liền ra lệnh bỏ viên gạch đi nhưng bất ngờ cả đoạn tường thành bị sụp đổ.
Gia Dục Quan phải xây lại từ đầu. Cuối cùng, sau khi hoàn thành công trình, viên gạch đã được đặt ở trên cổng thành và vẫn còn còn tồn tại cho đến tận ngày nay.
2.14. Những khu vực đẹp và nổi tiếng nhất của Vạn Lý Trường Thành
Bát Đạt Lĩnh được coi là đoạn tường thành được nhiều người viếng thăm nhất. Với khung cảnh đẹp và đường dễ đi lại nên du khách thường chọn nơi này để ghi lại những hình ảnh Vạn Lý Trường Thành.
Tổng thống Barack Obama đã từng đến thăm Vạn Lý Trường Thành. (Ảnh: Sohu)
Theo thống kê trong năm 2001, Vạn Lý Trường Thành Trung Quốc đã được tiếp đón 63 triệu lượt khách tới thăm. Chỉ riêng trong tuần đầu của tháng 5 và tháng 10 năm đó, mỗi ngày Trường Thành có tới 70.000 lượt khách đến chơi.
Ngoài ra, Bát Đạt Lĩnh có vinh dự được tiếp đón hơn 300 nguyên thủ quốc gia và khách danh dự trên thế giới. Vị chính khách nước ngoài đầu tiên ghé thăm Vạn Lý Trường Thành là Klim Voroshilov, nguyên soái đầu tiên của Nga đã tới đây vào năm 1957. Bên cạnh đó, tổng thống Barack Obama, Nữ hoàng Elizabeth II, diễn viên Tom Cruise, Hugh Jackman và Jennifer Lawrence… cũng từng đến nơi này.
Đoạn tường thành ở khu vực Gubeikou được coi là nơi chứa bằng chứng của trận chiến đấu cuối cùng tại Vạn Lý Trường Thành. Trên tường thành tại đây, bạn có thể dễ dàng tìm thấy những lỗ đạn bắn lưu lại.
Tại khu vực Tư Mã Thai, một đoạn của Vạn Lý Trường Thành Trung Quốc nằm tại huyện Miyun cách thủ đô Bắc Kinh 120 km. Khu vực này là do triều đình nhà Minh xây dựng trong thời gian từ năm 1551 đến 1555. Đây là nơi có những bậc thang được coi là nguy hiểm nhất của Vạn Lý Trường Thành.
Những bậc thang ở đây có độ dốc lên tới 80 độ, gần như dựng thẳng đứng. Mỗi bậc đá chỉ cao 50 cm và rộng 15 cm dẫn tới Tháp Tiên. Có thể nói, để chinh phục được hết 70 bậc thang ở đây, khách du lịch không chỉ cần có kỹ năng leo núi mà còn phải có sự gan dạ, dũng cảm hơn người.
3. Ý nghĩa Vạn Lý Trường Thành
Vạn Lý Trường Thành không chỉ là biểu tượng của Trung Quốc mà còn được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn Hóa của UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1987. Điều này có thể thấy công trình này cũng có ý nghĩa lớn với toàn nhân loại.
Vạn Lý Trường Thành được coi là công trình vĩ đại của người Trung Quốc nói riêng và nhân loại nói chung. (Ảnh: Sohu)
3.1. Ý nghĩa về mặt văn hóa
Đối với người dân Trung Quốc, Vạn Lý Trường Thành chính là niềm tự hào của họ bởi về dày lịch sử cũng như quy mô đồ sộ của công trình. Theo người xưa quan niệm, Vạn Lý Trường Thành đại diện cho sự diệt vong của dân chúng. Nếu như một ngày nào đó, Vạn Lý Trường Thành bị kẻ địch tấn công thì quốc gia cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Với ý nghĩa văn hóa và lịch sử lớn lao như vậy, sự tồn tại của Vạn Lý Trường Thành tới nay vẫn luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của chính phủ và dân chúng.
3.2. Ý nghĩa về mặt quân sự
Như đã nêu ở trên, Vạn Lý Trường Thành Trung Quốc ra đời với mục đích trở thành hệ thống phòng ngự, chống kẻ thù xâm chiếm của kẻ thù. Bởi Vạn Lý Trường Thành có tầm quan trọng như vậy nên dọc theo chiều dài của công trình này đã được dựng thêm rất nhiều tháp canh và pháo đài canh giữ.
Nhờ có sự chuẩn bị kỹ càng như vậy, trong nhiều năm, trải qua nhiều triều đại, Trung Quốc đã giữ vững thành trì trước những cuộc tấn công của kẻ địch bên ngoài và bên trong.
Qua những câu chuyện thú vị về Vạn Lý Trường Thành có thể thấy đây không chỉ là một địa điểm du lịch nổi tiếng mà còn là một công trình kiến trúc vĩ đại của người Trung Quốc nói riêng và của nhân loại nói chung.