Vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên là gì?

Thanh niên là nhóm dân số đặc thù, có mặt trong tất cả các nhóm dân tộc, giai cấp, các thành phần xã hội và địa bàn trong cả nước. Thanh niên tham gia vào hoạt động thực tiễn xây dựng môi trường văn hóa là quá trình rèn luyện, giúp họ có điều kiện thể hiện tốt vai trò của mình. Thông qua các hoạt động thực tiễn, thanh niên có thể bộc lộ rõ nhất năng lực, sở trường và không ngừng hoàn thiện nhân cách của bản thân. Tăng cường rèn luyện thanh niên trong hoạt động thực tiễn xây dựng xã hội là điều kiện thuận lợi để bồi dưỡng sự kiên trì, linh hoạt, sáng tạo, ý chí quyết tâm của họ trong xây dựng xã hội.

Theo đó, việc xây dựng pháp luật về thanh niên nhằm thể chế hóa và hoàn thiện cơ sở pháp lý, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của thanh niên, các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; bảo đảm trách nhiệm của nhà nước, gia đình, nhà trường, xã hội và các tổ chức của thanh niên trong thực hiện chính sách, pháp luật để thanh niên được tu dưỡng, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong phạm vi bài viết này, Luật Hoàng Anh sẽ làm rõ vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên theo Điều 4 Luật Thanh niên số 57/2020/QH14 ngày 16 tháng 06 năm 2020 (sau đây được gọi là Luật Thanh niên năm 2020).

Khái quát về thanh niên

Dựa theo Điều 1 Luật Thanh niên năm 2020 ghi nhận định nghĩa về thanh niên như sau:

“Điều 1.

Thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi.”

Từ đó, có thể thấy được thanh niên là lớp người trẻ hoặc người trẻ tuổi. Đây được cho là một bộ phận quan trọng của dân tộc, rường cột của quốc gia. Thanh niên có mạnh thì dân tộc mới mạnh; trong sức mạnh của dân tộc có sức mạnh của thanh niên. Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, thanh niên luôn nêu cao truyền thống yêu nước, chí khí anh hùng, bất khuất của dân tộc, hăng hái đi tiên phong trên mọi lĩnh vực, có nhiều cống hiến to lớn vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, tuổi trẻ cả nước đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống quý báu của các thế hệ cha anh, bắt nhịp nhanh với điều kiện mới, có ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp, xung kích, sáng tạo, sẵn sàng có mặt ở mọi nơi khó khăn, gian khổ và sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ mới.

Vai trò

Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Ngày nay, Nối tiếp các phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Thanh niên tình nguyện”, hai phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” đã được từng bước cụ thể hoá, ngày càng đi sâu, lan toả vào đời sống của đoàn viên, thanh niên, được xã hội ghi nhận và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vừa chăm lo nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đông đảo đoàn viên, thanh niên, vừa phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ tham gia thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và các chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội.

Quyền và nghĩa vụ của thanh niên

Theo khoản 2 Điều 4 Luật Thanh niên năm 2020 thì Thanh niên có quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Cụ thể:

Thanh niên có quyền sau:

  • Quyền về chính trị của công dân: công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và công dân từ đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân; công dân có quyền tham gia vào việc quản lý nhà nước và xã hội, tham gia vào việc thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, của địa phương….
  • Quyền về kinh tế, văn hóa, xã hội của công dân: có quyền được bảo đảm về an sinh xã hội; có quyền được làm việc, lựa chọn nghề nghiệp và nơi làm việc; công dân có quyền có nơi ở hợp pháp; công dân có quyền đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước;
  • Quyền tự do về ngôn luận, có quyền tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội; công dân nam và nữ đều bình đẳng về mọi mặt…

Thanh niên có các nghĩa vụ sau đây: công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc, có nghĩa vụ tham gia bảo vệ tổ quốc, có nghĩa vụ tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân; công dân có nghĩa vụ tuân theo hiến pháp và pháp luật; tham gia vào việc bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và chấp hành theo những quy tắc sinh hoạt công cộng…