Vai trò quan trọng của công nghệ sau thu hoạch
(LĐ online) – Ngày 26/11, tại Trường Đại học Đà Lạt, Viện Mekong phối hợp với Nhà trường tổ chức chuyên đề hội thảo “Vai trò quan trọng của công nghệ sau thu hoạch” với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân, nhà quản lý, nông dân ở Lâm Đồng và sinh viên ngành Nông-Lâm cùng chuyên gia của Viện Mekong thông qua trực tuyến kết nối tại Thái Lan.
(LĐ online) – Ngày 26/11, tại Trường Đại học Đà Lạt, Viện Mekong phối hợp với Nhà trường tổ chức chuyên đề hội thảo “Vai trò quan trọng của công nghệ sau thu hoạch” với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân, nhà quản lý, nông dân ở Lâm Đồng và sinh viên ngành Nông-Lâm cùng chuyên gia của Viện Mekong thông qua trực tuyến kết nối tại Thái Lan.
Hội thảo thực hiện trực tuyến
Vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) liên quan đến khâu công nghệ sau thu hoạch (STH) được trao đổi sâu với nhiều nội dung từ các đại biểu: bà Ratna Devi Nadarajian-chuyên gia của Viện Mekong; các nhà khoa học của Trường Đại học Đà Lạt: PGS, TS. Nguyễn Văn Kết, các ThS Cao Thị Làn, Nguyễn Tiến An, Lê Như Bích, Nguyễn Thị Tươi; ông Nguyễn Bá Hùng-Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ; ông Lê Văn Cường-Giám đốc Công ty Đà Lạt GAP…Đó là các nội dung: Xác định các mối nguy chính về ATTP STH và các thực hành quan trọng STH; Công nghệ STH và thực hành tốt nhất để đảm bảo ATTP của rau quả; Thực hành GAP, GMP và công nghệ đảm bảo ATTP; Các quy trình vận hành chuẩn (SOP) có thể được phát triển cho các hoạt động STH; Xử lý thực phẩm an toàn STH qua triển khai tại Công ty Đà Lạt GAP… Chương trình hội thảo còn tổ chức tham quan thực tế tại Hợp tác xã Sun Food ở Đà Lạt.
Giám đốc Công ty Đà Lạt GAP
Đại biểu tham quan sản phẩm Actisô của Công ty TNHH Xuân Thành Trang
Hội thảo nêu rõ: ATTP dần trở thành mối quan tâm kinh tế xã hội và chính trị ở nhiều quốc gia đang phát triển. Ước tính gần đây của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy hơn 150 triệu người ở các nước Đông Nam Á mắc bệnh, trong khi hơn 175.000 người chết hàng năm do các bệnh liên quan đến thực phẩm. Nhận thức được hậu quả của thực phẩm không an toàn, nhu cầu đảm bảo ATTP trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Vì vậy, Viện Mekong đã triển khai một dự án về ATTP cấp khu vực (do Chính phủ New Zealand viện trợ), nhằm cung cấp các khóa đào tạo và hỗ trợ cho chính quyền địa phương, tổ chức tư nhân và viện, trường 4 quốc gia: Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. “Thúc đẩy thực phẩm an toàn cho mọi người” là giai đoạn 2 của dự án, triển khai thực hiện từ tháng 7/2018 đến tháng 6/2023. Theo đó, Hội thảo này là hiện thực hóa chương trình của dự án và mở đầu sự hợp tác giữa Viện Mekong và Trường Đại học Đà Lạt (Báo Lâm Đồng sẽ có bài phân tích sâu thời gian tới).
MINH ĐẠO