Vai trò của truyền thông giáo dục sức khỏe trong thay đổi hành vi | BvNTP

Truyền thông (communication) là quá trình chia sẻ thông tin. Truyền thông là một kiểu tương tác trong đó có ít nhất trên hoặc bằng hai tác nhân tương tác lẫn nhau, chia sẻ các qui tắc và tín hiệu chung. Ở dạng đơn giản, thông tin được truyền từ người gửi tới người nhận. Ở dạng phức tạp hơn, các thông tin trao đổi liên kết người gửi và người nhận. Phát triển truyền thông là phát triển các quá trình tạo khả năng để một người hiểu những gì người khác nói, ra hiệu, hay viết; nắm bắt ý nghĩa của các thanh âm và biểu tượng, học được cú pháp của ngôn ngữ.

Có nhiều định nghĩa trong lĩnh vực truyền thông, bao gồm: truyền thông không bằng lời, truyền thông bằng lời và truyền thông biểu tượng.

Truyền thông không lời thực hiện thông qua biểu hiện trên nét mặt và điệu bộ. Khoảng 93% “ý nghĩa biểu cảm” mà chúng ta cảm nhận được từ người khác là qua nét mặt và tông giọng, 7% còn lại là từ những lời nói mà chúng ta nghe được.

Truyền thông bằng lời được thực hiện khi chúng ta truyền đạt thông điệp bằng ngôn từ tới người khác.

Truyền thông biểu tượng là những thứ chúng ta đã định sẵn một ý nghĩa và thể hiện một ý tưởng nhất định bằng một hình ảnh, biểu tượng. ví dụ: biểu tượng cánh hoa sen của Việt Nam Airline.

Truyền thông thường gồm ba phần chính: nội dung, hình thức và mục tiêu. Nội dung truyền thông bao gồm các hành động trình bày kinh nghiệm, hiểu biết, đưa ra lời khuyên hay mệnh lệnh, câu hỏi. Hình thức thể hiện như động tác, bài phát biểu, bài viết, hay bản tin truyền hình. Mục tiêu có thể là cá nhân khác hay tổ chức khác, thậm chí là chính người/tổ chức gửi đi thông tin.

 

Giáo dục sức khỏe (Health Education)             

Giáo dục sức khỏe (GDSK) cũng giống như giáo dục chung, đó là quá trình tác động nhằm thay đổi kiến thức, thái độ và thực hành của con người. Phát triển những thực hành lành mạnh theo ý muốn, mang lại tình trạng sức khỏe tốt nhất có thể được cho con người. GDSK cung cấp các kiến thức mới làm cho đối tượng được giáo dục hiểu biết rõ hơn các vấn đề sức khỏe bệnh tật, từ đó họ có thể nhận ra các vấn đề sức khỏe bệnh tật liên quan đến bản thân, gia đình, cộng đồng nơi họ đang sinh sống, dẫn đến thay đổi tích cực giải quyết các vấn đề bệnh tật sức khỏe.

Có thể nhận thấy rằng định nghĩa này nhấn mạnh đến 3 lĩnh vực của giáo dục sức khỏe là:

  • Kiến thức của con người về sức khỏe

  • Thái độ của con người về sức khỏe

  • Thực hành của con người về sức khỏe

GDSK không chỉ là cung cấp thông tin một chiều mà là quá trình tác động qua lại hai chiều và hợp tác giữa người giáo dục sức khỏe với đối tượng được giáo dục sức khỏe. Biến quá trình giáo dục thành quá trình tự học, quá trình đó diễn ra thông qua sự nổ lực của người học (đối tượng được giáo dục sức khỏe) với sự giúp đỡ, tạo ra hoàn cảnh thuận lợi của người dạy. Người làm công tác giáo dục sức khỏe không chỉ dạy cho học viên của mình mà còn học từ học viên của mình. Thu nhận thông tin phản hồi là vấn đề hết sức quan trọng mà người làm công tác giáo dục sức khỏe cần phải hết sức coi trọng, để kịp thời điều chỉnh bổ sung những thông tin thiếu sót làm cho các chương trình giáo dục sức khỏe thêm sinh động và thu hút sự quan tâm của cộng đồng.

GDSK không chỉ là cung cấp các thông tin chính xác , đầy đủ về sức khỏe bệnh tật mà còn nhấn mạnh đến các yếu tố khác ảnh hưởng đến hành vi sức khỏe con người như: nguồn lực hiện có, môi trường sống, ảnh hưởng môi trường lao động việc làm, yếu tố hổ trợ xã hội, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe…Vì thế GDSK sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để giúp cho mọi người hiểu được hoàn cảnh riêng của họ và chọn các hành động bảo vệ, tăng cường sức khỏe phù hợp. Cũng từ định nghĩa trên cho thấy giáo dục sức khỏe là một quá trình nên cần tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài bằng nhiều biện pháp khác nhau chứ không phải là một công việc có thể làm một lần là xong. Vì vậy, để thực hiện công tác giáo dục sức khỏe chúng ta phải có sự đầu tư tài lực, vật lực, nhân lực thích đáng, hết sức kiên trì thì mới đem lại hiệu quả cao.

Mọi người đều công nhận rằng những vấn đề sức khỏe có nhiều nguyên nhân đa dạng và chúng tương tác lẫn nhau. Những nguyên nhân này có thể là những hành vi sức khỏe cá nhân, những điều kiện môi trường, những chính sách y tế không phù hợp , giảm các chương trình y tế hoặc các dịch vụ y tế . Một ví dụ cụ thể về những nguyên nhân chết do ung thư phổi bao gồm: Hút thuốc – thuộc hành vi sức khỏe cá nhân, ô nhiễm không khí – thuộc yếu tố môi trường, thiếu các chương trình y tế công cộng do đó các chương trình kiểm tra hút thuốc không được thực hiện, sàng lọc và chuyển đi điều trị không đầy đủ do thiếu các dịch vụ y tế.

 

Mục tiêu giáo dục sức khỏeGiáo dục sức khỏe góp phần thực hiện một trong những quyền của con người là quyền được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Mục tiêu cơ bản của giáo dục sức khỏe là giúp cho mọi người:

– Xác định những vấn đề và nhu cầu sức khỏe của họ.

– Hiểu rõ những điều gì họ có thể làm được để giải quyết những vấn đề sức khỏe, bảo vệ và tăng cường sức khỏe bằng những khả năng của chính họ cũng như sự giúp đỡ từ bên ngoài

– Quyết định những hành động thích hợp nhất để tăng cường cuộc sống khỏe mạnh.

 

Vị trí và tầm quan trọng của giáo dục sức khỏe

Vị trí và mối liên quan của giáo dục sức khỏe trong chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Trong những năm gần đây, vai trò của GDSK ngày càng có vị trí quan trọng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Chăm sóc sức khỏe ban đầu đáp ứng những nhu cầu sức khỏe thiết yếu của đại đa số nhân dân với giá thành thấp nhất có thể chấp nhận được. Thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu là trách nhiệm của các cán bộ y tế, của các cơ sở y tế và cũng là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cộng đồng. Trong nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu, truyền thông và giáo dục sức khỏe có vị trí hết sức quan trọng. Trong chăm sóc sức khỏe ban đầu , Giáo dục sức khỏe giữ vị trí quan trọng bậc nhất, bởi vì nó tạo điều kiện để chuẩn bị , thực hiện và củng cố kết quả các nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu khác.

Tầm quan trọng của giáo dục sức khỏe:

– Là một bộ phận công tác y tế quan trọng nhằm làm thay đổi hành vi sức khỏe.

– Góp phần tạo ra, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho con người.

– Nếu giáo dục sức khỏe đạt kết quả tốt nó sẽ giúp làm tỷ lệ mắc bệnh , tỷ lệ tàn phế và tỷ vong nhất là ở các nước đang phát triển .

– Tăng cường hiệu quả các dịch vụ Y tế.

 

Truyền thông GDSK 

Truyền thông giáo dục sức khoẻ là nội dung đầu tiên trong tám nội dung chăm sóc sức khoẻ ban đầu mà Hội nghị Alma – Am đã đề ra năm 1978 và cũng là nội dung đầu tiên trong 10 nội dung chăm sóc sức khoẻ ban đầu của Việt  Nam, đó là: Giáo đục sức khoẻ nhằm giúp cho mọi người có kiến thức tối thiểu và cơ bản nhất để họ có thể tự phòng bệnh cho mình, cho gia đình, người thân và cho xã hội; để họ có thể xử trí đúng khi bị ốm đau, bệnh tật và để họ thay đổi những cách nghĩ và nếp sống có hại cho sức  khoẻ. Với vai trò quan trọng như thế, trong các hoạt động chăm sóc sức khoẻ nhân dân nhất là tại tuyến y tế cơ sở, công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ được xếp vào Chuẩn 1, Chuẩn quốc gia về y tế theo Quyết định số 370/2002/QĐ-BYT của Bộ  Y tế. Y tế cơ sở có điều kiện gần dân, sát dân, là tuyến đầu trong phòng chống dịch bệnh nên việc củng cố các hoạt động thuyền thông GDSK tại tuyến y tế cơ sở có ý nghĩa lớn trong công tác chăm sóc và BVSK nhân dân.

 

Các phương tiện truyền thông đại chúng sử dụng hiệu quả

1. TV truyền hình

Đây là phương tiện chuyển đạt tin tức rất hữu hiệu tới mọi người. Lợi điểm của truyền hình là gửi đi cả lời nói lẫn hình ảnh, khiến cho người coi tiếp thu dễ dàng và có ảnh hưởng lâu dài, vì người xem dễ thấy và sẽ nhớ mãi.

2. Radio

Rất phổ biến, tới được nhiều thính giả với đầy đủ chi tiết và chi phí cũng ít hơn là với TV. Dễ nghe, dễ sử dụng, linh hoạt có thể nghe ở mọi nơi.

3. Báo, tạp chí

Qua báo chí, độc giả có đầy đủ các loại tin tức, đọc lúc nào cũng được.

4. Internet, các trang web, blogger

Đây là phương tiện truyền thông rất phổ biến hiện nay, ai cũng có thể sử dụng để thu nhận và truyền đạt tin tức. Người sử dụng có thể dùng bất cứ lúc nào, gửi đi bất cứ tin tức gì. Tuy nhiên, các tin tức nhiều khi không được kiểm chứng tính cách xác thực, gây hoang mang, ngộ nhận cũng như làm phiền lòng người nhận.

5. Các sản phẩm tuyên truyền khác

Tờ bướm, tờ rơi, bảng quảng cáo, bích chương, bích báo, bản tin luân lưu nội bộ cũng như âm nhạc, hình ảnh, nét vẽ minh họa…

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp