Vai trò của quyết định hành chính được thể hiện như thế nào?

Xã hội ngày càng phát triển, vai trò của các cơ quan hành chính trong lĩnh vực quản lí hành chính nhà nước ngày càng trở nên quan trọng. Để thực hiện tốt chức năng của mình, trong quá trình hoạt động, cơ quan hành chính ban hành rất nhiều quyết định hành chính.

NỘI DUNG TƯ VẤN:

Có thể nói quyết định hành chính chiếm vị trí trung tâm trong hoạt động quản lí hành hành chính. Quyết định hành chính giúp cho bộ máy nhà nước nhất là bộ máy hành chính hoạt động hài hòa, nhịp nhàng, các quyền của công dân được thực hiện trên thực tế. Quyết định hành chính cũng trực tiếp tạo ra những thay đổi chuyển biến của mọi mặt đời sống xã hội theo đúng mục đích yêu cầu của quản lí nhà nước. Quyết định hành chính là phương tiện không thể thiếu mà các chủ thể quản lí sử dụng để thực hiện hầu hết các nhiệm vụ chức năng quản lí như tổ chức, điều chỉnh, kế hoạch hóa, lãnh đạo, điều tra, tác nghiệp….

Xuất phát từ định nghĩa quyết dịnh hành chính đã nêu ở trên, có thể thấy vai trò quan trọng của quyêt định hành chính là “ nhằm đưa ra các chủ trương, biện pháp, đặt ra các biện pháp xử sự hoặc áp dụng các nguyên tắc giải quyết đó giải quyết một công việc cụ thể trong đời sống xã hội nhằm thực hiện chức năng quản lí hành chính nhà nước.”

Quyền lực nhà nước nói chung gồm hành pháp, lập pháp và tư pháp. Mỗi quyền đó được nắm giữ và thực hiện chủ yếu bởi một nhóm cơ quan nhất định và hình thức thực hiện cơ bản là ban hành quyết định pháp luật. Theo đó vai trò chung nhất của quyết định hành chính đó là nhằm thực hiện quyền hành pháp. Mỗi quyết định hành chính được ban hành để thực hiện một mảng quyền lực nhà nước, đó là quyền lực nhà nước. Mặc dù khi thực hiện quyền hành pháp nghĩa là thực hiện thi hành pháp luật, các cơ quan hành chính không chỉ có nhiệm vụ thi hành các quyết định của cơ quan quyền lực mà còn phải ban hành nhiều quyết định hành chính quy phạm.

1. Quyết định hành chính ban hành đề thực hiện quyền hành pháp

Quyết định hành chính là phương tiện quản lí quan trọng được các chủ thể quản lí sử dụng để tác động tới các tổ chức, cá nhân khi họ hoạt động hoặc tham ra các quan hệ trong lĩnh vực xã hội khác nhau. Quyết định hành chính được ban hành để thực hiện quyền hành pháp. Quyền hành pháp bao gồm quyền lập quy và quyền hành chính. Quyền lập quy là quyền ban hành các văn bản dưới luật (văn bản pháp quy) để điều chỉnh các quan hệ xã hội thuộc phạm vi quyền hành pháp. Quyền hành pháp là quyền tổ chức bộ máy sắp xếp quản lí nhân sự, điều hành công việc quốc gia, sử dụng nguồn tài chính và tài sản công để thực hiện những chính sách quốc gia. Do đó, quyền hành pháp được thể hiện thông qua cả hoạt động ban hành quyết định hành chính quy phạm và quyết định hành chính cá biệt.

1.1 Quyết định hành chính quy phạm được ban hành để thực hiện quyền hành pháp

Quyết định hành chính quy phạm được ban hành để thực hiện quyền hành pháp. Mỗi loại quyết định hành chính ban hành để thực hiện một mảng quản lí nhà nước, vì thế mà ban hành nhiều quyết định hành chính mới có thể quản lí mọi mặt của đời sống xã hội và điều hành bộ máy hành chính nhà nước. Vai trò của quyết định hành chính quy phạm được thể hiện ở một số điểm sau:

Một là, quyết định hành chính quy phạm có giá trị cụ thể hóa, chi tiết hóa các quyết định lập pháp. Các quyết định lập pháp thường ít nhiều mang tính chất khung, tức là thường điều chỉnh những quan hệ xã hội cơ bản, quan trọng, các quyết định pháp luật trong đó không đủ điều kiện tất cả các quan hệ xã hội cần thiết hay có thể áp dụng một cách rõ ràng trên thực tế.

Hai là, đặt ra các quy phạm mới nhằm điều chỉnh đồng bộ, đầy đủ hơn các quan hệ xã hội xuất hiện trong quản lí hành chính nhà nước.

Ba là, sửa đổi các quy phạm pháp luật hành chính hiện hành, bãi bỏ các quy phạm pháp luật hành chính không còn phù hợp. Thay đổi phạm vi hiệu lực của quy phạm hành chính về thời gian, không gian và đối tượng thi hành. Ví dụ: Nghị định của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính về lãnh thổ cấp huyện.

Quyết định hành chính quy phạm do các cơ quan hành chính nhà nước ban hành có vị trí quan trọng, chúng là nền tảng của sự hoạt động quản lí hành chính nhà nước làm cơ sở cho việc ban hành các quyết định hành chính cá biệt.

1.2 Quyết định hành chính cá biệt được ban hành để thực hiện quyền hành pháp

Ban hành quyết định hành chính cá biệt là hoạt động áp dụng pháp luật trong quản lí hành chính nhà nước. Áp dụng quy phạm pháp luật là việc cơ quan cán bộ công chức nhà nước tổ chức cho các chủ thể khác thực hiện pháp luật. Thông qua quyết định hành chính nhà nước, áp dụng các quy phạm pháp luật thường dược tiến hành trong các trường hợp: cần áp dụng cấc biện pháp khen thưởng, quyết định bổ nhiệm tăng lương, cưỡng chế hành chính nhà nước… Khi các quyền và nghĩa vụ pháp lí hành chính của các chủ thể không mặc nhiên phát sinh, thay đổi hay chấm dứt nếu không có sự can thiệp của nhà nước, trong một số trường hợp nhà nước thấy cần phải tham ra kiểm tra giám sát hoạt động của các bên tham gia quan hệ pháp luật hành chính. Các chủ thể quan hệ pháp luật hành chính có quyền ban hành quyết định hành chính cá biệt thì trong trường hợp pháp luật không được thực hiện.

Quyết định hành chính cá biệt được ban hành nhằm giải quyết một vụ việc đã phát sinh trên thực tế, nội dung của quyết định bị chi phối bởi các thông tin, số liệu chứng cứ liên quan đến vụ việc.

Quyết định cá biệt có tính đơn phương và bắt buộc thi hành ngay. Hai tính chất này là những đặc tính cơ bản của quyết định hành chính cá biệt. Nhờ đó mà các quyết định hành chính nhà nước được ban hành và có hiệu lực khác với các bản án của tòa án kháng cáo của Viện kiểm sát.

2. Quyết định hành chính điều tiết các vấn đề thực tiễn

Các văn bản pháp quy đưa ra các quy định còn các văn bản hành chính cá biệt thì biến quyết định thành hiện thực và cũng đảm bảo cho pháp luật được thi hành trên thực tế.

Các văn bản này nhằm mục đích hướng đến việc cho các chủ thể pháp luật hành chính thực hiện các quyền cũng như nghĩa vụ của mình trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nó làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ pháp luật hành chính cụ thể. Có thể lấy một ví dụ như Điều 30 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định “ Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm cài quai đúng quy cách”. Như vậy nếu cá nhân nào đó tham gia giao thông mà không thực hiện đúng quy định trên sẽ phải chịu hình thức xử phạt vi phạm hành chính thông qua một văn bản hành chính cá biệt.

3. Quyết định hành chính góp phần ổn định trật tự xã hội, tạo cơ hội quản lí tốt và phát triển xã hội

Pháp luật biểu hiện các hoạt động của các chính sách, pháp luật được ban hành có thể đưa ra các biện pháp cụ thể, rõ ràng đó là biện pháp gián tiếp thông qua việc tạo hành lang pháp lí.

Mỗi một quan hệ pháp luật đều chịu sự chi phối và điều chỉnh bởi những quy phạm khác nhau như: quy phạm đạo đức, quy phạm tập quán và cả quy phạm pháp luật. Trong số các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ đó phải kể đến vai trò của quyết định hành chính.

Cũng như những quy phạm pháp luật, một trong những đặc điểm của quyết định hành chính là tính cưỡng chế nhà nước. Chính vì nó được đảm bảo bằng các biện pháp cưỡng chế nhà nước cho nên so với các quy phạm khác, dường như nó mang một sức mạnh to lớn hơn, có sức ảnh hưởng rộng không chỉ tới một vụ việc, một chủ thể, một địa bàn nhỏ hẹp mà còn cho nhiều trường hợp với nhiều chủ thể khác nhau trong khu vực hành chính hay trong cả nước. Nhờ đó mà việc quản lí xã hội đạt hiệu quả to lớn.

Trong thực tế, những quyết định này mang tính chất bắt buộc đối với mọi cá nhân, tổ chức cho nên trong những hoàn cảnh nhất định họ phải làm theo nhằm đưa ra các chuẩn mực ứng xử và điều chỉnh các hành vi theo mong muốn thiết lập trật tự xã hội ổn định.

Mặt khác, các biện pháp chế tài của luật hành chính không chỉ mang tính chất trừng trị người vi phạm mà quan trọng hơn nó có tác dụng giáo dục răn đe người vi phạm không lặp lại vi phạm đó đồng thời ngăn chặn những hành vi mới xảy ra. Chính nhờ đó mà trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

4. Quyết định hành chính có vai trò trong việc tổ chức và điều hành của bộ máy hành chính

Bộ máy hành chính là một bộ phận cấu thanh của bộ máy nhà nước đồng thời có tính độc lập tương đối về tổ chức và hoạt động. Nó nhằm đảm bảo cho chức năng nhiệm vụ của bộ máy hành chính có sự độc lập thể hiện trong các bộ phận tổ chức và điều hành hoạt động của bộ máy đó ở một giới hạn nhất định. Việc tổ chức và điều hành này không chỉ được thực hiện bằng các biện pháp tổ chức trực tiếp mà còn bằng việc ban hành các quyết hành chính ấn định chức năng nhiệm vụ quyền hạn chế phối hợp hoạt động của các cơ quan trong bộ máy đó.

Thông qua định nghĩa về quyết định hành chính, ta đã tìm hiểu thêm được những vai trò của quyết định hành chính trong quản lí hành chính nhà nước. Để phát huy vai trò của quyết định hành chính cần quan tâm đến tính hợp lí, hợp pháp của nó bởi rõ ràng quyền hành pháp luôn luôn bị giới hạn bởi quyền lập pháp, đồng thời chỉ có các văn bản phù hợp với điều kiện thực tế mới có thể phát huy tốt vai trò của nó. Bên cạnh đó cần nâng cao kiến thức và trách nhiệm đội ngũ cán bộ công chức bởi họ chính là những người trực tiếp áp dụng quy phạm pháp luật vào đời sống. Chỉ như vậy, quyết định hành chính mới có khả năng tác động tích cực đế quản lí hành chính nhà nước và toàn xã hội.

Cảm ơn quý khách đã gửi yêu cầu đến Công ty Luật Minh Khuê, trên đây là nội dung tư vấn của Công ty, nội dung tư vấn có giá trị tham khảo, nếu còn vấn đề mà quý khách hàng còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến tổng đài của Công ty Luật Minh Khuê 1900.6162 hoặc vui lòng gửi tin nhắn đến email [email protected] để được giải đáp thắc mắc. Trân trọng!

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật Minh Khuê