Vai trò của nguồn lực đối với phát triển kinh tế là gì? Lấy ví dụ
Các nguồn lực đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của một đất nước hoặc một khu vực. Vậy vai trò của nguồn lực đối với phát triển kinh tế cụ thể là gì? Hãy cùng Luật Minh Khuê tìm hiểu vấn đề này qua bài viết dưới đây.
Mục Lục
1. Nguồn lực là gì?
Nguồn lực là tổng thể vị trí địa lý, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hệ thống tài sản quốc gia, nguồn nhân lực, đường lối chính sách, vốn và thị trường… ở cả trong nước và ngoài nước có thể được khai thác nhằm phục vụ cho việc phát triển kinh tế của một lãnh thổ nhất định. Nguồn lực là những thứ có sẵn và có thể dựa vào đó làm lực đẩy và làm tiền đề để phát triển kinh tế của một vùng đất nước và phát triển nền kinh tế chung trong cả nước.
Như vậy có thể thấy, nguồn lực là nội lực đến từ bên trong của một quốc gia, nó có thể là vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, hệ thống tài sản quốc gia, nguồn lực con người hay đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, vốn và thị trường hàng hóa, thị trường lao động,.. được khai thác và đưa vào sử dụng với mục đích phát triển kinh tế của một vùng lãnh thổ thì được gọi là nguồn lực quốc gia.
2. Phân loại các nguồn lực
Căn cứ vào nguồn gốc, có thể phân loại nguồn lực như sau:
– Vị trí địa lý
- Tự nhiên
- Kinh tế, chính trị, giao thông
– Tự nhiên
- Đất
- Khí hậu
- Nước
- Biển
- Sinh vật
- Khoáng sản
– Kinh tế – xã hội
- Dân số và nguồn lao động
- Vốn
- Thị trường
- Khoa học – Kĩ thuật và công nghệ
- Chính sách và xu thế phát triển
Căn cứ vào phạm vi lãnh thổ
– Nguồn lực bên trong: Vị trí địa lý, tự nhiên, kinh tế – xã hội trong nước.
– Nguồn lực bên ngoài: Vốn, thị trường, khoa học và công nghệ, kinh nghiệm quản lý sản xuất, kinh doanh từ các nước khác.
3. Vai trò của nguồn lực đối với phát triển kinh tế thông qua những ví dụ
– Nguồn lực vị trí địa lý:
Nguồn lực vị trí địa lý tạo điều kiện thuận lợi hay khó khăn trong việc trao đổi, tiếp cận hay cùng phát triển giữa các vùng trong một nước, giữa các quốc gia với nhau. Như vậy vị trí địa lý của một quốc gia vừa có thể tạo ra thuận lợi trong phát triển kinh tế ví dụ như: Vị trí địa lý nước ta mang đến thuận lợi trong việc thông thương, giao lưu buôn bán với các nước trong khu vực và trên thế giới, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, thuận lợi cho phát triển tổng hợp kinh tế biển…; và có cả khó khăn cho đất nước hoặc vùng lãnh thổ đó trong việc trao đổi và tiếp cận các nền kinh tế phát triển và chuyển giao công nghệ cũng sẽ gặp nhiều khó khăn do địa hình ảnh hưởng, ví dụ như nước ta ảnh hưởng bởi vị trí địa lý và gặp khó khăn khi thiên tai thường xuyên xảy ra như bão, lũ và vấn đề an ninh quốc phòng, chủ quyền biên giới, hải đảo…
– Nguồn lực tự nhiên:
Các nguồn lực tự nhiên chính là thế mạnh của mỗi quốc gia, nó là tiền đề cho sự phát triển sản xuất và phục vụ trực tiếp cho con người và đời sống sản xuất của con người. Thông qua các tài nguyên thiên nhiên làm lực đẩy để phát triển cho nền kinh tế chung của mỗi vùng, địa phương và hướng đến là phát triển kinh tế của một quốc gia. Như vậy, nguồn lực tự nhiên có vai trò:
- Là cơ sở tự nhiên cho các quá trình sản xuất.
- Là nguồn lực quan trọng, là điều kiện cần cho quá trình sản xuất. Các quốc gia có nhiều tài nguyên tự nhiên như dầu, khí đốt, khoáng sản, đất đai và nước sẽ có thể khai thác và sử dụng những tài nguyên này để phát triển nền kinh tế của mình. Ví dụ, các quốc gia giàu tài nguyên như Saudi Arabia, có thể khai thác và bán dầu mỏ để kiếm tiền và phát triển kinh tế.
– Kinh tế – xã hội (dân cư, thị trường, vốn, khoa học kĩ thuật, chính sách và xu thế phát triển…) có vai trò quan trọng để lựa chọn chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước trong từng giai đoạn. Với các nguồn lực về kinh tế – xã hội, đặc biệt nhất là nguồn lực về con người, nguồn lao động và vốn là hai nguồn lực cực kỳ quan trọng và đóng vai trò then chốt để làm lên sự phát triển của một nền kinh tế phát triển bền vững.
Như vậy, để phát triển kinh tế cần huy động tổng hợp các loại nguồn lực, như nguồn lực địa – kinh tế, tài nguyên, nhân lực, tài chính…, trong đó, nguồn lực con người đóng vai trò quan trọng. Bàn về vấn đề huy động nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, Việt Nam có nhiều nguồn lực đáp ứng cả trước mắt và lâu dài cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Nhưng đến nay, các ngành công nghiệp văn hóa mới chỉ tập trung khai thác các loại nguồn lực vật thể, như sức lao động, tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý… Nhóm nguồn lực này tạo ra lợi thế tĩnh, lợi thế cấp thấp, dễ khai thác. Các lợi thế này sẽ không tồn tại lâu dài do sự hữu hạn của nó và trên thực tế nhiều nguồn lực tài nguyên thiên nhiên đã có dấu hiệu cạn kiệt, khai thác quá ngưỡng; gây ô nhiễm môi trường. Trong thời gian tới, với đặc điểm của các ngành công nghiệp văn hóa là sử dụng sự sáng tạo là chủ yếu, cần quan tâm nhiều hơn tới những nguồn lực mới, bền vững hơn, hiệu quả hơn.
4. Giải pháp để tận dụng tối đa nguồn lực phát triển kinh tế
Tuy nhiên, việc quản lý, khai thác, sử dụng, phát huy các nguồn lực hiện còn hạn chế, bất cập; việc phân bổ và sử dụng các nguồn lực chưa hợp lý, hiệu quả chưa cao, nhiều trường hợp chưa theo cơ chế thị trường, gây lãng phí và làm cạn kiệt nguồn lực của đất nước.
Để tận dụng tối đa nguồn nhân lực phát triển kinh tế, có thể kể đến những phương pháp chung như sau:
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để khơi thông, giải phóng tối đa và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực hiện có, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý, khai thác và sử dụng các nguồn lực của đất nước.
Thứ hai, đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển từ chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, vốn đầu tư và lao động sang sử dụng tổng hợp, có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế; nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển bền vững của nền kinh tế.
Thứ ba, cơ cấu lại nền kinh tế, ngành, vùng và sản phẩm chủ yếu theo hướng hiện đại, phát huy lợi thế so sánh và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tập trung các nguồn lực phát triển những sản phẩm có lợi thế so sánh, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng cao và có thị trường tiêu thụ. Đổi mới cơ cấu thành phần kinh tế theo hướng bảo đảm cạnh tranh công bằng, bình đẳng, tôn trọng tính phổ biến hơn là nhấn mạnh tính đặc thù; định vị vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước tập trung vào định hướng, dẫn dắt và thực hiện những dịch vụ công, đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia mà các thành phần kinh tế khác không đủ năng lực hoặc không có nhu cầu đầu tư.
Thứ tư, nâng cao năng lực kiến tạo, quản trị quốc gia và năng lực tự chủ, đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trên cơ sở tăng cường năng lực phân tích, đánh giá, dự báo trên các lĩnh vực. Thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng và dân chủ hoá đời sống kinh tế – xã hội. Kiểm soát tốt quyền lực, đề cao trách nhiệm giải trình và đạo đức công vụ. Xây dựng và thực thi nghiêm các chế tài đủ mạnh nhằm ngăn chặn hành vi cửa quyền, độc quyền; cơ chế xin – cho; lợi ích nhóm; đẩy lùi tham nhũng, góp phần củng cố lòng tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Thứ năm, chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Trước mắt cần nghiên cứu thấu đáo nội hàm, phương thức vận hành và tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; định hướng nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cụ thể vào một số ngành, lĩnh vực, địa bàn để chủ động hội nhập và hoà chung vào dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp này.
Thứ sáu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ thông tin về các nguồn lực trong nền kinh tế để sử dụng tối ưu và hiệu quả; phân phối, chia sẻ và tái sử dụng có hiệu quả các nguồn lực dư thừa, làm gia tăng giá trị các nguồn lực của nền kinh tế.
Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết của Luật Minh Khuê liên quan đến vấn đề: Vai trò của nguồn lực đối với phát triển kinh tế là gì? Lấy ví dụ. Mọi thắc mắc chưa rõ hay có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách hàng vui lòng liên hệ với bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline: 1900.6162 hoặc gửi yêu cầu tư vấn qua email: [email protected] để được hỗ trợ và giải đáp kịp thời. Xin trân trọng cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê.