Vai trò của người giáo viên Montessori trong việc xây dựng trường mầm non hạnh phúc

GD&TĐ – Bà Trần Thị Thương Hiền – Chủ tịch Hội đồng quản trị – người sáng lập Hệ thống giáo dục Shining Star cho rằng: “triết lý giáo dục Montessori rất gần gũi với ý niệm về trường học hạnh phúc mà Bộ GD&ĐT hướng đến”.

Xây dựng trường mầm non hạnh phúc – xu hướng của tương lai

Hạnh phúc đã trở thành vấn đề được công nhận tại các chương trình nghị sự toàn cầu; là một nhân tố quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước và chính sách giáo dục ở nhiều quốc gia. 

Trẻ em trong độ tuổi 0 – 6 tuổi không chỉ được coi là đối tượng nghiên cứu cốt lõi về sự phát triển con người mà các em bé chính là thế hệ quyết định hạnh phúc tương lai của xã hội. Giáo dục mầm non vì thế vô cùng quan trọng. Đây là thời điểm nuôi dưỡng, phát triển toàn diện cho trẻ về thể chất, lý trí, tình cảm, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ bước vào học lớp một. Xây dựng trường mầm non hạnh phúc chính là con đường để xây dựng thế hệ tương lai phát triển toàn diện.

“Xây dựng trường học hạnh phúc” là phong trào được Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động từ tháng 4 năm 2019. Xây dựng trường học hạnh phúc nói chung và trường mầm non hạnh phúc nói riêng có mục tiêu là mang lại môi trường tràn đầy tình yêu thương giữa thầy cô với trẻ; giúp trẻ có được môi trường phát triển an toàn; tạo sự tôn trọng giữa mọi thành viên trong nhà trường. 

Trọng tâm hoạt động của một trường mầm non là trẻ và thầy cô. Vì vậy một môi trường hạnh phúc sẽ giúp cho quá trình đạt được mục tiêu giáo dục một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Khi nào thầy cô tích cực, chủ động, trách nhiệm với công việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, khi đó trẻ sẽ cảm nhận được đầy đủ tình yêu thương, sự quan tâm của thầy cô để vui vẻ và phát triển toàn diện theo đúng năng lực của mình. Mục tiêu quan trọng nhất của trường học hạnh phúc, đó là đào tạo ra được những thế hệ trẻ em tự tin thể hiện năng lực, cá tính của mình, vì chúng biết chúng luôn được tôn trọng.

Giáo viên Montessori và những thuận lợi để xây dựng trường học hạnh phúc

Vai trò của người giáo viên Montessori trong việc xây dựng trường mầm non hạnh phúc ảnh 1

Môi trường Montessori chuẩn dạy trẻ tự lập và hạnh phúc trong mọi việc

Theo bà Trần Thị Thương Hiền CTHĐQT – người sáng lập hệ thống giáo dục Shining Star: “mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc ở những trường áp dụng triết lý Montessori  có nhiều điều kiện thuận lợi”. 

Cụ thể, những giáo viên Montessori luôn có trí tưởng tượng phong phú để nhìn thấy những ưu điểm chưa được bộc lộ ở trẻ. Họ luôn có niềm tin rằng bọn trẻ sẽ thể hiện cái tôi thực sự của chúng khi chúng tìm thấy công việc thu hút chúng. Giáo viên Montessori cũng có khả năng tự điều tiết cảm xúc, kỹ năng xã hội và khả năng quan sát khách quan tinh tế. Đây là những yếu tố thiết yếu để giáo viên có thể thực hành mô hình giáo dục lấy trẻ làm trung tâm thay vì giáo viên trở thành trung tâm trong môi trường giáo dục.

Giáo viên Montessori cũng chủ động được việc quan sát trẻ, ghi chép lưu trữ những đặc điểm hành vi phát triển của trẻ thông qua cách trẻ tương tác với học liệu, bạn bè, giáo viên và môi trường nói chung. Họ có thể nhận biết và phân tích những nhu cầu phát triển nhạy cảm của trẻ từ đó có thể kịp thời hỗ trợ, chuẩn bị trước các hoạt động phù hợp với nhu cầu thay đổi qua từng thời kỳ trưởng thành của trẻ.

Ngoài ra, giáo viên Montessori không “phục vụ” mọi việc cho trẻ mà để trẻ rèn được tính tự chủ, tự làm việc một mình mà không bị can thiệp. Điều này rất gần với giáo viên ở một trường học hạnh phúc, khi giáo viên chỉ giữ vai trò gợi mở, tạo cơ hội cho trẻ tự làm việc một mình, tự hình thành ý chí của mình thông qua lao động có mục đích. 

Vai trò của người giáo viên Montessori trong việc xây dựng trường mầm non hạnh phúc ảnh 2

Bà Trần Thị Thương Hiền Chủ tịch Hội đồng quản trị – người sáng lập Hệ thống giáo dục Shining Star

Xây dựng trường học hạnh phúc là một quá trình, trong đó vai trò của giáo viên đặc biệt quan trọng. Trong quá trình làm việc, giáo viên phải chủ động, tích cực để tự học và tự bồi dưỡng chính bản thân mình. Khả năng kiềm chế, không can thiệp của giáo viên Montessori có được qua quá trình rèn luyện và nó sẽ phải ngày càng tốt hơn qua những lớp trẻ khác nhau. 

Sự kiềm chế là một trong những cảm xúc mà giáo viên Montessori cần có và nó là một phần trong quản lý cảm xúc của bản thân. Giáo viên cần áp dụng những biện pháp để rèn luyện cảm xúc tích cực cho bản thân: rèn luyện tư duy/suy nghĩ tích cực; nuôi dưỡng niềm tin tích cực về nghề nghiệp, xây dựng lòng tự hào nghề nghiệp; sử dụng ngôn từ tích cực trong công việc và cuộc sống; thực hành lòng biết ơn; thay đổi cách phản hồi trong giao tiếp. Khi có cảm xúc tích cực, giáo viên sẽ yêu thương trẻ, tôn trọng trẻ và vui vẻ giải quyết mọi vấn đề xảy ra. Đó là yếu tố quan trọng của một trường học hạnh phúc.

Sự sẻ chia cũng là điều cần thiết trong một môi trường hạnh phúc. Với các giáo viên mầm non nhiều đặc thù riêng trong công việc hàng ngày, việc có được sự chia sẻ của đồng nghiệp sẽ giúp mỗi người tiến bộ về chuyên môn đồng thời giảm đi những áp lực có thể gặp phải.

Các giáo viên Montessori cũng quen thuộc với việc phối hợp chặt chẽ cùng gia đình và xã hội trong quá trình giáo dục trẻ để trẻ luôn được tiếp xúc với những điều tốt đẹp, những thứ phù hợp để trẻ có cơ hội được phát triển bản thân một cách tối đa. 

Điều quan trọng cuối cùng mà triết lý Montessori rất gần gũi với trường học hạnh phúc, đó là các giáo viên làm chủ hệ thống học cụ, tạo cơ hội để trẻ được khai thác, phát triển đúng lứa tuổi, phát triển một cách tự nhiên và toàn diện. Quá trình giáo viên Montessori và trẻ làm việc với các học cụ là quá trình để giáo viên cho trẻ có cơ hội được trải nghiệm, hình thành khả năng tự phục vụ bản thân mình.

Vai trò của người giáo viên Montessori trong việc xây dựng trường mầm non hạnh phúc ảnh 3

Trẻ tự tin-hòa nhập năng động với giáo viên nước ngoài

Giáo viên Montessori, vì thế không áp đặt kiến thức lên học sinh mà chỉ là người cung cấp các khái niệm, công cụ cần thiết. Họ sẽ là người hướng dẫn trẻ cách để đạt được kết quả tốt nhất trong quá trình học tập, tạo cơ hội học tập phù hợp với nhu cầu, hứng thú và khả năng của bản thân trẻ. 

Chính vì thế, việc xây dựng trường học hạnh phúc ở những nơi áp dụng triết lý giáo dục Montessori có phần thuận lợi hơn.

Với các trường mầm non Montessori, để thực hiện chiến lược trường học hạnh phúc, cần quan tâm tới yếu tố giáo viên, bởi họ là một trong những nhân tố quan trọng trong tiêu chí của trường học hạnh phúc. Khi giáo viên làm tốt những vai trò của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chính là quá trình họ góp công sức vào thực hiện mục tiêu trường học hạnh phúc. “Thầy cô hạnh phúc thay đổi thế giới”.