Vai trò của nghề dạy học quan trọng đến mức nào?

Ngày đăng: 28-04-2020 | Lượt xem: 5991

Người đứng trên bục giảng người ta thường gọi là giáo viên, thầy, cô giáo, hay gọi một cách dân dã là người làm nghề dạy học. Ngày xưa người dạy học chỉ được biết đến vai trò là người đứng trước lớp và dạy học, nhưng ngày nay, vai trò người dạy học thật sự đã khác nhiều. Họ không đơn thuần chỉ là người dạy học mà được gáng thêm rất nhiều vai trò khác nhau.

vai-tro-cua-nghe-day-hoc

Vai trò của nghề dạy học quan trọng ra sao?

Với sự phát triển và thay đổi không ngừng của xã hội, đòi hỏi lực lượng giáo viên làm nghề phải tự thay đổi mình sao cho phù hợp với xu thế chung. Ngoài cái tên được là nghề dạy học, người giáo viên còn phải đảm nhận nhiều vai trò khác nhau với nhiều tên gọi khác nhau để không những chỉ truyền dạy kiến thức mà còn là người bạn đồng hành, người anh lớn, người cha, người mẹ giúp các em có thể vượt qua được những khó khăn đầu đời. Vậy vai trò của người dạy học trong thời đại mới là gì?

Truyền dạy kiến thức, giáo dục nhân cách

Vai trò truyền dạy kiến thức là điều đầu tiên phải nhắc đến và không cần bàn cãi nhiều về vai trò này. Hiện nay dù có nhiều phương tiện học tập khác nhau từ nhiều nguồn nhưng thật sự không thể nào sánh bằng việc học trực tiếp từ giáo viên. Người dạy học, họ là những người được đào tạo chuyên môn, được hướng dẫn cách truyền đạt kiến thức một cách bài bảng và với tấm lòng nhà giáo thì học sinh có thể dễ dàng tiếp thu được những kiến thức mới.

Song song với việc học, việc giáo dục nhân cách luôn là vấn đề được quan tâm bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, đòi hỏi giáo viên phải đề cao sự quan tâm đến sự phát triển nhân cách từng em học sinh, không được lơ là bất cứ trường hợp nào. Từ những bài học nhỏ, hành động nhỏ trên lớp, mỗi người giáo viên luôn muốn cho các học sinh của mình có một tâm hồn đẹp, một đức tính tốt, trở thành người có ích cho xã hội.

giao-vien-ngoai-viec-truyen-day-kien-thuc-con-giao-duc-nhan-cach

Giáo viên không chỉ có vai trò dạy kiến thức mà còn giáo dục nhân cách.

Nhà tâm lý học, nhà hoạt động xã hội là một trong những vai trò của người dạy học

Các em học sinh ngày nay đa số được sinh ra và lớn lên trong môi trường hiện đại và rất phát triển so với thế hệ trước. Chúng có nhiều sự lựa chọn hơn, nhiều nhu cầu hơn,… và cũng có nhiều vướng mắc trong sự phát triển tâm lý hơn. Thay vì chỉ là người giáo viên dạy học kiến thức, dạy cách sống thì vai trò người dạy học còn được ghi nhận là “người bạn” của các em. Nếu có bất kỳ sự cố gì xảy ra, với trách nhiệm người dạy học, họ phải là người đầu tiên tiếp cận với vấn đề và là người bạn để các em học sinh có thể tâm sự, chia sẻ. Nếu các em cứ thu mình lại trước sóng gió cuộc đời thì người giáo viên là người hướng dẫn sẽ giúp các em thoát ra khỏi bế tắc bằng cách đưa các em tham gia các hoạt động xã hội, cho học sinh tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa hướng đến cộng đồng, là cầu nối trực tiếp đưa các em đến gần hơn với xã hội, cùng phụ huynh chỉ dạy các em những điều tốt đẹp của cuộc sống, tránh xa những điều xấu, hướng đến những điều tốt đẹp hơn.

Vai trò là người cố vấn

Trong bất kỳ tình huống nào kể cả trong học tập, học sinh luôn cần có giáo viên là người cố vấn, người chỉ đường để định hướng giúp các em hoàn thành được mục tiêu của mình đặt ra. Họ sẽ giúp các em cách tư duy trong học tập, phương pháp học tập hiệu quả để có thể đạt được thành tích tốt nhất. Họ còn đưa ra những nhận xét khách quan để các em rút kinh nghiệm trong học tập và cả trong cuộc sống. Vai trò người cố vấn của giáo viên còn thể hiện ở chỗ sẽ là người khơi gợi lên những ý tưởng, những phương pháp để học sinh của mình tăng khả năng tư duy, giúp các học sinh trở nên năng động, sáng tạo hơn.

nguoi-co-van-cho-hoc-sinh

Người cố vấn cho học sinh.

Khi bước ra môi trường phổ thông và bước vào đại học, các em sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ. Chính các thầy cô là người hỗ trợ vô điều kiện cho các em định hướng được tương lai, hướng dẫn cách chọn ngành, chọn nghề cho phù hợp với khả năng, năng khiếu và đam mê của mỗi em. Đưa ra cho các em những ý kiến hay để các em có thể học tập theo một kế hoạch cụ thể và khoa học.

Người dạy học còn là một nhà khoa học

Trước đây vai trò người dạy học theo truyền thống thường không quá phức tạp, giáo viên hoàn thành bài dạy của mình một cách rập khuôn theo giáo án sẵn có trong một thời gian dài và ít có sự cải tiến. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ trong giáo dục thì việc dạy học đòi hỏi phải trực quan, sinh động và mới mẻ hơn nhiều để học sinh có thể dễ dàng tiếp thu và đạt hiệu quả học tập cao hơn. Với những tài liệu học tập sẵn có, thầy cô giáo phải sử dụng và ứng dụng thành thạo những công nghệ tiên tiến vào quá trình dạy học. Một phần là giúp học sinh có thể dễ hiểu hơn những kiến thức khô khan từ sách vở, một phần rèn luyện cho giáo viên những kỹ năng cần thiết, vừa tạo cho bản thân giáo viên động lực nghiên cứu, vừa giúp học sinh phát triển sự tư duy và gia tăng khả năng ứng dụng công nghệ vào học tập và cuộc sống. Không biết tương lai sẽ có những công nghệ hay phương pháp dạy học tiên tiến nào nữa. Nhưng chắc chắn ở mỗi giai đoạn, người giáo viên phải là người đi đầu trong mọi hoạt động nghiên cứu, sáng tạo trong nhà trường, là tấm gương để học sinh noi theo.

nguoi-giao-vien-phai-luon-di-dau-trong-hoat-dong-nghien-cuu-sang-tao

Người giáo viên phải luôn đi đầu trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo.

Nền giáo dục hiện đại luôn đề cao người học, lấy người học là trung tâm, không giống như cách hiểu xưa cũ là lấy giáo viên làm trung tâm. Do đó, người dạy học càng phải thay đổi nhiều hơn nữa, cần phải năng động và sáng tạo nhiều hơn nữa, vai trò người dạy tuy không còn được đề cao nhiều nhưng không vì thế mà trách nhiệm người dạy học bị lờ đi. Họ vẫn phải là người hướng dẫn, là người định hướng trong từng tiết học, từng môn học, định hướng cho học sinh những hướng đi đúng đắn, tạo cho học sinh một môi trường học tập thân thiện và hiệu quả và tất nhiên không làm thay cho học sinh. Chính vì vậy mà vai trò của người dạy học càng thêm phần khó khăn, họ phải là luôn tự hoàn thiện chính mình để luôn sẵn sàng giải đáp thắc mắc cho học sinh, đưa học sinh đi từ những ý nghĩ chưa đúng đến những điều đúng đắn.

Thế mới thấy trong nghề lại lồng ghép nhiều nghề, giáo viên cần tự mình phấn đấu và hoàn thiện chính bản thân mình để có thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội, đáp ứng được sự tin yêu của tất cả mọi người.