Vai trò của giáo dục là gì? Những mục tiêu của giáo dục
Giáo dục là phương tiện để đánh thức và nhận ra khả năng, năng lực tiềm ẩn của chính mỗi cá nhân, đánh thức trí tuệ của mỗi người. Nó ứng dụng phương pháp giáo dục, một phương pháp nghiên cứu mối quan hệ giữa dạy và học để đưa đến những rèn luyện….
Xem thêm các bài viết khác:
+ Tổng hợp các đề tài luận văn quản lý giáo dục hay nhất
1. Khái niệm giáo dục là gì?
Giáo dục là quá trình được tổ chức có ý thức, hướng tới mục đích khơi gợi hoặc biến đổi nhận thức, năng lực, tình cảm, thái độ của người dạy và người học theo hướng tích cực. Nghĩa là góp phần hoàn thiện nhân cách người học bằng những tác động có ý thức từ bên ngoài, góp phần đáp ứng các nhu cầu tồn tại và phát triển của con người trong xã hội đương đại.
Giáo dục bao gồm việc dạy và học, và đôi khi nó cũng mang ý nghĩa sâu sắc hơn nhưng ít hữu hình hơn như là quá trình truyền thụ, phổ biến tri thức, truyền thụ sự suy luận đúng đắn, truyền thụ sự hiểu biết. Giáo dục là nền tảng cho việc truyền thụ, phổ biến văn hóa từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Giáo dục là phương tiện để đánh thức và nhận ra khả năng, năng lực tiềm ẩn của chính mỗi cá nhân, đánh thức trí tuệ của mỗi người. Nó ứng dụng phương pháp giáo dục, một phương pháp nghiên cứu mối quan hệ giữa dạy và học để đưa đến những rèn luyện về tinh thần, và làm chủ được các mặt như: ngôn ngữ, tâm lý, tình cảm, tâm thần, cách ứng xử trong xã hội.
Dạy học là một hình thức giáo dục đặc biệt quan trọng và cần thiết cho sự phát triển trí tuệ, hoàn thiện nhân cách học sinh.
Quá trình dạy học nói riêng và quá trình giáo dục nói chung luôn gồm các thành tố có liên hệ mang tính hệ thống với nhau: mục tiêu giáo dục, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục, phương tiện giáo dục, hình thức tổ chức và đánh giá.
Sự giáo dục của mỗi cá người bắt đầu từ khi sinh ra và tiếp tục trong suốt cuộc đời. (Một vài người tin rằng, sự giáo dục thậm chí còn bắt đầu trước khi sinh ra, theo đó một số cha mẹ mở nhạc, hoặc đọc cho những đứa trẻ trong bụng mẹ với hy vọng nó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của đứa trẻ sau này).
Với một số người quá trình đấu tranh giành giật sự sống, giành giật sự thắng lợi trong cuộc sống cung cấp kiến thức nhiều hơn cả sự truyền thụ kiến thức ở các trường học. Các cá nhân trong gia đình có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả giáo dục, thường có ảnh hưởng nhiều hơn là họ nhận ra, mặc dù việc dạy dỗ trong gia đình có thể không có tính chính thức, chỉ có chức năng giáo dục rất thông thường.
Vậy vai trò của giáo dục đối với xã hội việt nam trong bối cảnh hiện nay như thế nào?
2. Vai trò của giáo dục đối với xã hội việt nam trong bối cảnh hiện nay
Ngày nay, trong điều kiện của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ, tỷ lệ lao động cơ bắp ngày một giảm, lao động trí tuệ ngày càng gia tăng, lợi thế so sánh dựa trên số lượng lao động và giá nhân công rẻ cũng ngày một giảm và đang chuyển dần về phía những quốc gia có nguồn nhân lực chất lượng cao.
Do đó, chất lượng nguồn nhân lực đang trở thành yếu tố quyết định nhất đối với phát triển nhanh và bền vững của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, Đảng ta cũng nhất quán quan điểm khẳng định: “Nguồn lực con người là quý báu, có vai trò quyết định, đặc biệt đối với nước ta, khi nguồn lực tài chính và nguồn lực vật chất còn hạn hẹp”.
Tuy nhiên, để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta phải cần đến một hệ thống giải pháp đồng bộ về giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số, cải thiện môi trường sống, tạo việc làm, tổ chức khai thác lực lượng lao động, phát triển văn hóa tạo ra động lực kích thích tính tích cực ở con người.
Không chỉ trong điều kiện hiện nay, mà các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin lúc đương thời đã rất coi trọng vai trò của giáo dục,luôn đặt giáo dục, đào tạo ở vị trí trung tâm trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong tác phẩm “Bàn về chế độ hợp tác”, V.I. Lênin viết: “Sự thay đổi căn bản đó là ở chỗ: trước đây chúng ta đã đặt và không thể không đặt trọng tâm công tác của chúng ta vào cuộc đấu tranh chính trị, vào cách mạng, vào việc giành lấy chính quyền… thì trọng tâm công tác của chúng ta hiện nay quả thật là xoáy vào hoạt động giáo dục”.
Người cũng giải thích rõ tại sao giáo dục, đào tạo lại có tầm quan trọng đặc biệt như vậy. Đó là vì cơ sở vật chất duy nhất của chủ nghĩa xã hội chỉ có thể là nền đại công nghiệp cơ khí có khả năng cải tạo cả nông nghiệp và để có được cơ sở đó, không có cách nào khác là nước Nga phải tiến hành điện khí hóa toàn quốc.
Nhưng công việc điện khí hóa toàn quốc lại “không thể do những người mù chữ mà thực hiện được, mà chỉ biết chữ thôi thì cũng không đủ. Công việc tiến hành điện khí hóa toàn quốc chỉ có thể thực hiện trên cơ sở một nền học vấn hiện đại, nền học vấn mà thiếu nó thì chủ nghĩa cộng sản vẫn chỉ là một nguyện vọng mà thôi”.
Và để có được nền học vấn đó thì cũng chỉ có một cách duy nhất là tập trung vào phát triển giáo dục, đào tạo. Từ những chỉ dẫn của các nhà kinh điển và yêu cầu của thực tiễn, Đảng ta đã coi giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu. Bởi lẽ, “Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam”.
Đồng thời, Đảng xác định ba mục tiêu mà sự nghiệp giáo dục, đào tạo phải đạt tới là nâng cao dân trí, phát triển nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, trong đó phát triển nhân lực là mục tiêu có ý nghĩa quan trọng và được ưu tiên hơn.
Nói đến nguồn nhân lực là nói đến tổng thể các yếu tố thể lực, trí lực, kỹ năng lao động, thái độ và phong cách làm việc, kinh nghiệm sống, đạo đức, lý tưởng, chất lượng văn hóa, năng lực chuyên môn, tính năng động trong công việc mà bản thân con người và xã hội có thể huy động vào cuộc sống lao động sáng tạo vì sự phát triển và tiến bộ của xã hội.
Phát triển nguồn nhân lực có thể hiểu là tổng thể các hình thức, phương pháp, chính sách và biện pháp nhằm tạo ra sự tăng trưởng về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực; đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng để nguồn lực này đáp ứng ngày càng tốt hơn sự phát triển bền vững của đất nước.
Từ nội dung của phát triển nguồn nhân lực như vậy, chúng ta có thể thấy vai trò của giáo dục, đào tạo đối với phát triển nguồn nhân lực thực chất là làm gia tăng về chất lượng của nguồn nhân lực và đảm bảo cơ cấu về số lượng lao động một cách hợp lý trong từng ngành, lĩnh vực.
Những vai trò trên, giáo dục cần phải được coi trọng và đầu tư hơn nữa, vì mục tiên phát triển bền vững, sánh vai với các cường quốc trên thế giới.
Nguồn:Tri Thức Cộng Ðồng