Vai trò của giảng viên trong quá trình tự học của sinh viên

VAI TRÒ CỦA GIẢNG VIÊN TRONG QUÁ TRÌNH TỰ HỌC CỦA SINH VIÊN

Tự học có thể hiểu đơn giản là tự bản thân mình nghiên cứu, tìm tòi các kiến thức cần thiết để phục vụ cho nội dung chương trình học. Về cơ bản, việc tự học sẽ giúp cho sinh viên hình thành sự tự giác, chủ động trong quá trình tiếp nhận kiến thức. Người học có quyền được tự do lựa chọn cách học, thời gian học và những kiến thức mà mình sẽ tiếp nhận được. Đây là một trong những hình thức học đặt sinh viên vào thế chủ động, điều này sẽ giúp sinh viên hiểu rõ về vai trò của bản thân trong việc học tập. Tự học được xem là phương thức chủ động để người học có thể phát huy tối đa sự tự giác trong nghiên cứu, tìm tòi tri thức. Trong đào tạo đại học hiện nay, tự học được xem là chìa khóa quyết định hiệu quả học tập. Tuy nhiên, tự học như thế nào được xem là hiệu quả? Yếu tố nào ảnh hưởng đến hiệu quả tự học của người học? Nhân tố nào quyết định việc tự học của sinh viên sẽ đem lại lợi ích? Tự học thực sự có hiệu quả và chịu chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau. Nhưng yếu tố quan trong nhất, quyết định đến chất lượng tự học của người học là giảng viên. Giảng viên đóng vai trò quan trọng trong quá trình tự học của người học cũng như ảnh hưởng tích cực đến khả năng tự học của người học. Về cơ bản giảng viên sẽ có những vai trò sau đây trong quá trình tự học của sinh viên.

  • Giảng viên đóng vai trò chuẩn bị/định hướng nội dung học trong quá trình tự học của sinh viên

Giảng viên có vai trò định hướng nội dung cho sinh viên tự học hoặc cũng có thể nói giảng viên sẽ có vai trò trong việc chuẩn bị cho quá trình tự học của sinh viên. Trong vai trò này giảng viên giúp sinh viên tìm kiếm tài liệu, theo dõi, kiểm tra kết quả tự học của sinh viên. Việc tự học của sinh viên dễ sai lệch nội dung bài học, sai kiến thức cơ bản và tư duy không đồng nhất nếu giảng viên không định hướng cho sinh viên. Giảng viên sẽ đóng vai trò định hướng nội dung môn học cũng như định hướng nội dung từng bài học cho sinh viên. Trên cơ sở định hướng của giảng viên việc tự nghiên cứu của sinh viên giải quyết được những nội dung cơ bản của môn học cũng như đạt được mục tiêu của môn học và từng bài học. Việc định hướng của giảng viên liên quan đến các nội dung học nhóm, thảo luận, chuẩn bị bài và trao đổi giữa những người học. Giảng viên định hướng cách khai thác nội dung, định hướng kiến thức của bài học cũng như định hướng tư duy cho từng vấn đề. Như vậy giảng viên không những cần có kiến thức sâu rộng mà còn phải tâm huyết với nghề nghiệp, với sinh viên đồng thời cần phải cụ thể hóa việc tự học của sinh viên, nghĩa là giảng viên cần có sự chủ động thực hiện một quy trình tương tác với sinh viên để các bạn có thể làm chủ việc tự học như sau:

  • Hướng dẫn chi tiết đề cương môn học cho sinh viên:

    Với mỗi môn học chịu trách nhiệm giảng dạy, giảng viên đã có được đề cương môn học của học phần đó, môn học đó. Quá trình hướng dẫn sinh viên hiểu đúng và đầy đủ về đề cương chi tiết môn học để các bạn biết những nội dung mình cần phải thực hiện được là gì, tìm hiểu vấn đề nào để đáp ứng được chuẩn đầu ra của từng môn học, vì chỉ khi hiểu rõ mình cần phải học gì, làm gì sinh viên mới có thể tối ưu được quá trình tự học của mình.

  • Hướng dẫn sinh viên chuẩn bị bài của buổi học kế tiếp:

    Đây là một trong những biện pháp tổ chức lớp học theo phương pháp “lớp học đảo ngược”, do đó giáo viên cần nêu ra nội dung trong buổi học tiếp theo để sinh viên có sự chuẩn bị, tìm tòi trước đó vì nếu giảng viên không có sự hướng dẫn trước sinh viên có khả năng sẽ không đọc, không nghiên cứu trước nội dung bài. Khi lên lớp nội dung sinh viên đã tìm hiểu được, giảng viên sẽ hướng dẫn để các bạn đào sâu vấn đề, hiểu rõ về nó khi có quá trình trao đổi với giảng viên, hiệu quả hơn rất nhiều lần so với việc giảng viên chỉ truyền thụ một chiều và một kiến thức hoàn toàn mới lạ cho sinh viên.

  • Thiết kế những giờ học sinh động, lôi cuốn sinh viên:

    Phương châm giáo dục lấy người học làm trung tâm đã được triển khai hầu khắp các môi trường giáo dục và đặc biệt là giáo dục hệ cao đẳng, đại học. Điều này sẽ giúp cho sinh viên tham gia tích cực nhất trong giờ lên lớp của giảng viên. Phương pháp dạy học tích cực, tích hợp nhiều phương tiện, kỹ năng, phương pháp giảng dạy trong giờ học để tạo hứng thú cho sinh viên là một trong những yếu tố kích thích quá trình tìm tòi học hỏi của sinh viên. Hoạt động này phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của người giảng dạy, không chỉ với yếu tố chuyên môn kiến thức, mà còn là kỹ năng, sự nắm bắt tiến độ phát triển của xã hội, những sự kiện mà ở tuổi các bạn sinh viên quan tâm, những hoạt động thu hút được sự chú ý, hứng thú của sinh viên. Một giờ học hiệu quả là giờ học giảng viên xây dựng có thể kiếm soát được thời gian, nội dung giảng dạy và hoạt động làm bật được chủ đề của buổi học hôm đó, cụ thể hóa những nội dung mình giảng dạy và ứng với thực tiễn thế nào để sinh viên có thể hiểu sâu, từ đó làm căn cứ để nghiên cứu trong quá trình tự học của mình; bên cạnh đó cần làm rõ vai trò của sinh viên và mục tiêu buổi học; cuối cùng là một các tiếp cận vấn đề theo hướng cả giảng viên và sinh viên muốn để tìm ra điểm chung phát triển nội dung buổi học mang lại hiệu quả cao nhất.

  • Giảng viên đóng vai trò điều phối trong những giờ học trên lớp

Giờ lên lớp chính là lúc giảng viên thực hiện giáo án mình đã thiết kế ở phần chuẩn bị, và để giờ lên lớp hiệu quả nhất, làm nổi bật được vai trò của giảng viên trong quá trình tự học của sinh viên.

  • Giúp sinh viên tích cực phát biểu những nội dung mình đã tìm hiểu được, nếu có thiếu sót, giảng viên là người hỗ trợ các bạn sinh viên bổ sung, mở rộng vấn đề.

  • Sử dụng các phương tiện, kỹ thuật dạy học linh hoạt, không máy móc, áp đặt vào sinh viên những gì bắt buộc phải tuân theo và ghi nhớ 100% theo ý của giảng viên mà hãy để sinh viên được sử dụng cách của mình, ngôn ngữ, tư duy của mình để nắm bắt nội dung kiến thức như vậy các bạn sẽ nhớ lâu hơn và có hứng thú để tìm tòi tự học sau giờ lên lớp hơn.

  • Đưa ra những tình huống, ví dụ cụ thể từ thực tiễn để sinh viên nhận thấy có mối liên quan giữa nội dung kiến thức mình học được áp dụng vào cuộc sống. Điều này giúp sinh viên có thể phát huy được sự chủ động trong việc tìm kiếm và khám phá kiến thức, một trong những yếu tố thúc đẩy việc tự học của sinh viên.

  • Giảng viên đóng vai trò hướng dẫn sinh viên hoàn thiện nội dung kiến thức bài học

Giảng viên giao các bài tập, các gợi ý, yêu cầu phù hợp với nội dung các bạn đã tìm hiểu theo cấp bậc từ cơ bản đến nâng cơ để các bạn tìm hiểu và phù hợp tương thích với năng lực học tập của các bạn sinh viên, để các bạn có bước xem lại bài dạy, hệ thống lại kiến thức và tìm kiếm những thông tin liên quan để xử lý những nhiệm vụ học tập mà giảng viên giao.

  • Giảng viên đóng vai trò hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu

Nghiên cứu là một hình thức cao nhất của tự học, giảng viên có thể hướng dẫn sinh viên trong quá trình nghiên cứu một câu hỏi bài tập, một đề tài nghiên cứu. Điều này sẽ kích thích được sự hứng thú khi học tập của sinh viên. Tuy nhiên giảng viên cần có những hướng dẫn cụ thể trong quá trình hỗ trợ sinh viên làm nghiên cứu nếu không các bạn sẽ dễ bị nản và bỏ cuộc.

  • Đầu tiên giảng viên cần xác định vấn đề mà sinh viên cần nghiên cứu là gì để giúp các bạn hình dung rõ về nội dung, mục tiêu hướng tới của việc nghiên cứu.

  • Gợi ý cho sinh viên các cách thức để thực hiện nghiên cứu đó.

  • Hỗ trợ sinh viên trong việc cung cấp những tài liệu cần thiết có liên quan đến quá trình nghiên cứu, cách sử dụng tài liệu, các bước tiến hành nghiên cứu cụ thể.

  • Đưa ra những yêu cầu cụ thể về thời gian và những kết quả dự định của nghiên cứu.

  • Thông báo đầy đủ và cụ thể về những tiêu chí sẽ dùng để đánh giá cho nghiên cứu đó.

  • Giảng viên phải luôn trong tư thế sẵn sàng hỗ trợ sinh viên khi các bạn gặp vấn đề, theo dõi và giám sát quá trình nghiên cứu của sinh viên để có những chỉ dẫn kịp thời.

  • Đưa ra đánh giá, nhận xét công tâm, chính xác về kết quả nghiên cứu của sinh viên, nên áp dụng hình thức khen thưởng để khích lệ sinh viên.

  • Giảng viên có vai trò đánh giá năng lực của sinh viên thông qua những bài kiểm tra

Nếu như chúng ta làm rất nhiều việc nhưng không có một hình thức kiểm tra, đánh giá thì cho dù làm nhiều thế nào cũng không biết được kết quả thực tế của nó. Trong việc dạy học, thực hiện những bài kiểm tra là một trong những yếu tố cơ bản và quan trong nhất để đánh giá năng lực người học. Khi tiến hành kiểm tra đánh giá, giảng viên cần có cái nhìn toàn diện, khách quan, nội dung kiểm tra rải đều ở trình độ năng lực học tập của sinh viên. Điều này sẽ giúp cho sinh viên hăng say hơn trong việc học tập, động cơ thúc đẩy các bạn tự tin hơn, nâng cao tinh thần học tập và đặc biệt là quá trình tự học của mình để mang lại kết quả học tập cao nhất.

  • Giảng viên có vai trò là người truyền động lực mạnh mẽ nhất cho sinh viên trong tự học

Làm bất cứ việc gì chũng ta cũng cần có động lực để có thể vượt khó khăn, chướng ngại. Việc tự học của sinh viên của cũng vậy, càng khó khăn hơn khi có quá nhiều thứ thu hút các bạn hơn là ngồi vào bàn học để làm đầy thêm kiến thức, kỹ năng cho mình. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của người làm công tác giảng dạy.

  • Trước hết, giảng viên phải là một hình mẫu lý tưởng trong chính môn học àm giảng viên giảng dạy. Giảng viên phải giỏi đúng nghĩa cả về kiến thức, kỹ năng để làm gương cho sinh viên, khi đó các bạn sẽ thật sự ngưỡng mộ và kính trọng, điều này thôi thúc phần nào ý chí và quyết tâm học tập của sinh viên.

  • Giảng viên phải có tình yêu với nghề, với sinh viên và tin tưởng các em.

    Cảm giác yêu thương và thuộc về được cho là nhu cầu cơ bản nhất của con người. Khi một sinh viên cảm thấy không được yêu thương, xa lánh hoặc cô lập, các phản ứng bên trong thông thường là cảm giác tội lỗi, vô dụng, cô đơn và lòng tự trọng bị hạ thấp, trong khi các phản ứng bên ngoài thông thường bao gồm những hành động quá khích. Giảng viên có thể cho học sinh cảm giác yêu thương và thân thuộc hơn bằng cách nhận ra những phẩm chất và tài năng độc đáo, tạo ra một môi trường lớp học an toàn về mặt cảm xúc, và thể hiện sự quan tâm và tôn trọng thực sự.

  • Cho sinh viên có môi trường để có cơ hội thể hiện bản thân mình, chứng minh được năng lực của bản thân, được tôn trọng, đây là tầng cao nhất trong tháp nhu cầu của Maslow, điều này sẽ giúp sinh viên thúc đẩy được động lực lên cao nhất thì việc tự học sẽ không cón là vấn đề quá lớn.

  • Giảng viên xây dựng được môi trường học tập mà ở đó không có sự chỉ trích, châm chọc, mọi người được tự do thể hiện ý kiến và quan điểm cá nhân theo hướng dẫn của giảng viên. Tuy nhiên, để làm được điều này, giảng viên cần là người có bản lĩnh, nếu không sẽ rất dễ mất đi sự uy nghiêm của nhà giáo.

Một không khí lớp học sinh động, những bài học hấp dẫn lôi cuốn là điều thu hút được sinh viên không chỉ trên lớp mà còn sau giờ học. Ai cũng thích và muốn được vui vẻ, nên giảng viên phải tạo ra sự vui vẻ trong giờ dạy của mình, điều này sẽ làm cho các bạn sinh viên không áp lực khi học trên lớp và quan trọng hơn hết là sau đó các bạn sẽ có động lực để tìm tòi thêm những thứ liên quan đến bài học đến nhiệm vụ mà thầy cô giao, thúc để các bạn đến với tự học một cách tự giác.

-Admon-