Vai trò của cán bộ, công chức trong cải cách hành chính
Nền hành chính theo nghĩa rộng là hoạt động quản lý, điều hành công việc của mọi cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị – xã hội cũng như của các doanh nghiệp, đơn vị trên các lĩnh vực đời sống xã hội, đảm bảo thực thi quyền lực Nhà nước. Nền hành chính trong Nhà nước pháp quyền XHCN có 3 yếu tố cấu thành đó là hệ thống thể chế với hệ thống các văn bản pháp luật là công cụ quan trọng để quản lý Nhà nước, quản lý xã hội; cơ cấu tổ chức và cơ chế vận hành của bộ máy hành chính các cấp, ngành từ Trung ương đến cơ sở; đội ngũ cán bộ, công chức hành chính là những người thực thi công vụ theo thẩm quyền trong bộ máy hành chính. Trong đó, đội ngũ cán bộ, công chức là một mắt xích quan trọng không thể thiếu của bất kỳ nền hành chính nào.
Cán bộ xã tiếp công dân tại trụ sở UBND xã
Thời gian qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, được lãnh đạo tỉnh thường xuyên chỉ đạo điều hành, gắn với thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội của địa phương. Cùng đó, các cơ quan, đơn vị cũng tích cực, chủ động xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch CCHC theo chỉ đạo của tỉnh, tạo được sự chuyển biến tích cực. Ý thức trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, công vụ, trong đó có thái độ phục vụ Nhân dân để giải quyết thủ tục hành chính ở các sở, ngành, địa phương của tỉnh cũng được cải thiện rõ nét. Các sở, ngành, địa phương đã xác định vị trí việc làm, phân công, bố trí một cách khoa học cán bộ, công chức ở các vị trí tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính (TTHC). Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức nhằm đáp ứng yêu cầu cũng được đặc biệt quan tâm.
Là chủ thể quan trọng tiến hành TTHC, đội ngũ cán bộ, công chức ở các vị trí tiếp nhận và trả kết quả TTHC thời gian qua cơ bản đã nhận thức đầy đủ và thực hiện đầy đủ mọi nhiệm vụ để thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình. Về phía cơ quan quản lý cũng quan tâm và tiếp nhận ý kiến phản hồi từ các tổ chức và người dân. Các cán bộ, công chức lạm quyền trong công vụ bị phát hiện thì nghiêm khắc điều chuyển hoặc bị loại bỏ ra khỏi bộ máy. Việc siết chặt quản lý, thanh kiểm tra và không ngừng nâng cao nghiệp vụ, ý thức, trách nhiệm phục vụ Nhân dân cũng như văn hóa ứng xử trong giao tiếp với Nhân dân thời gian gần đây đã trở thành việc làm thường xuyên, hằng ngày của các sở, ngành, địa phương. Cán bộ, công chức các đơn vị cũng thường xuyên được nhắc nhở và tự nhắc mình mỗi khi bắt đầu cho một quy trình giải quyết.
Đơn cử, tại Đà Lạt hiện đang duy trì và áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015. Thành phố cũng áp dụng ISO đối với 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết tại UBND tất cả các phường, xã và 13/13 cơ quan chuyên môn. Trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC đều thực hiện theo quy trình giải quyết căn cứ vào tiêu chuẩn của hệ thống chất lượng qui định. Đặc biệt,UBND thành phố thường xuyên có văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh tác phong, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; chấn chỉnh các cơ quan, đơn vị, cá nhân giải quyết trễ hạn hồ sơ TTHC. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng và trước hạn đạt tỷ lệ rát cao.
Trong nỗ lực cải thiện lề lối làm việc, nêu cao tinh thần phục vụ, lãnh đạo các sở, ngành đặc biệt quan tâm và thường xuyên chỉ đạo các phòng, ban liên quan thực hiện tốt công tác CCHC, tổ chức tập huấn và quán triệt đến từng công chức, viên chức về ý thức, trách nhiệm trong quá trình thực thi nhiệm vụ được giao, nhất là đối với việc giải quyết các TTHC một cửa, một cửa liên thông. Đẩy mạnh việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Cụ thể, đến hết năm 2021, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đã đề xuất nâng cấp mức độ TTHC lên mức độ 3, 4 đối với 28 thủ tục. Và, hiện tổng số thủ TTHC mức độ 3, 4 của Sở Xây dựng là 26 TTHC, trong đó, mức độ 3 là 24 TTHC, mức độ 4 là 2 TTHC.
Ở một số địa phương và các sở, ngành khác, thời gian qua, công tác CCHC cũng được đặc biệt quan tâm, đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ tiếp nhận và trả kết quả TTHC cũng ngày càng chuyên nghiệp và có tâm hơn với công việc. Đánh giá qua các năm cho thấy, đa số cán bộ, công chức làm nhiệm vụ ngày càng đáp ứng yêu cầu. Song thực tế ở một số nơi, một số trường hợp, đặc biệt là một số lĩnh vực như đất đai, đầu tư… vẫn còn một số tồn tại. Theo phản ánh của một số người dân, vẫn còn một số cán bộ, công chức làm việc tại phòng chuyên môn trách nhiệm chưa cao, chưa quan tâm đầy đủ đến thời hạn đã hẹn trả hồ sơ cho tổ chức, công dân nên để hồ sơ tồn đọng. Một số cán bộ làm việc tại bộ phận một cửa chưa thạo việc, chưa chuyên nghiệp, hạn chế về việc tiếp nhận hồ sơ dẫn đến việc hồ sơ đã tiếp nhận chuyển đến phòng chuyên môn giải quyết phải trả lại. Còn không ít trường hợp kết quả được giao không đúng hẹn, quá thời gian quy định. Một số nơi, một số cán bộ đôi khi còn thể hiện sự thờ ơ, lơ là, thiếu nhiệt tình trước những yêu cầu, câu hỏi của Nhân dân. Bên cạnh đó, cũng phải đề cập đến mối quan hệ phối hợp trong giải quyết hồ sơ giữa các bộ phận chuyên môn đôi khi vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ. Vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm đã làm giảm tiến độ giải quyết các TTHC.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả công tác cải cách TTHC, đặc biệt, quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ, tăng mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân. Siết chặt kỷ luật công vụ và kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về thái độ ứng xử, những biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu… nhất là những công chức, viên chức xử lý hồ sơ TTHC quá hạn, nhằm nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công của các cơ quan hành chính.
NGUYÊN THI