Vai trò của Ủy ban nhân dân xã trong hoạt động quản lý hành chính – tư pháp
Vai trò của Ủy ban nhân dân xã trong hoạt động quản lý hành chính – tư pháp
Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, chính quyền cấp xã gồm chính quyền xã, phường, thị trấn. Chính quyền địa phương ở xã là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân xã và Ủy ban nhân dân xã.
Quản lý hành chính – tư pháp được hiểu là “quá trình tổ chức, điều hành của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước đối với hoạt động hành chính – tư pháp, dựa trên các quy luật khách quan của đời sống kinh tế – xã hội nhằm phát triển kinh tế – xã hội, duy trì và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, đồng thời góp phần hỗ trợ tích cực cho hoạt động tư pháp”[1]. Như vậy, dựa vào khái niệm trên thì quản lý hành chính – tư pháp thuộc chức năng quản lý của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương. Quản lý hành chính – tư pháp của chính quyền địa phương ở xã chủ yếu thuộc về Ủy ban nhân dân xã.
Về nội dung, hoạt động quản lý hành chính – tư pháp tập trung chủ yếu vào các nội dung: “Ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, kế hoạch, định hướng về hoạt động hành chính – tư pháp; Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; Quản lý hệ thống tổ chức, hoạt động của cơ quan; Đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ; Thanh tra, kiểm tra; Khen thưởng, xử lý vi phạm; Hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo; Đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc; Hợp tác quốc tế; Báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền”[2]. Ủy ban nhân dân xã là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân xã, do Hội đồng nhân dân xã bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và Hội đồng nhân dân xã và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. Trong hoạt động quản lý hành chính – tư pháp ở xã, Uỷ ban nhân dân thực hiện chức năng theo quy định của pháp luật và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên với các hoạt động cụ thể là: quản lý nhà nước về thi hành án hình sự; quản lý hộ tịch, hộ khẩu theo thẩm quyền; quản lý hoạt động cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch theo quy định.
Hoạt động quản lý hành chính – tư pháp của Ủy ban nhân dân xã đã thể hiện được vai trò quản lý của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương trong quá trình thực thi quyền lực nhà nước, cụ thể:
Một là, Ủy ban nhân dân xã có vai trò tổ chức triển khai và thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hành chính – tư pháp
Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở xã là “tổ chức và đảm bảo việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn xã”[3]. Như vậy, ở xã chủ thể trực tiếp tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật, đưa các quy định của pháp luật đi vào đời sống là Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ở xã. Ủy ban nhân dân chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân trong việc quản lý tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong hoạt động quản lý hành chính – tư pháp, Ủy ban nhân dân xã tổ chức triển khai thực các văn bản về quản lý hành chính – tư pháp như: Luật hộ tịch 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Luật cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành; Nghị định 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực hợp đồng, giao dịch; Thông tư 01/2020/TT-BTP quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Nghị định 23/2015/NĐ –CP. Ủy ban nhân dân xã là cơ quan triển khai thực hiện và cũng là cơ quan thực hiện các quy định về hành chính – tư pháp. Đưa các quy định của pháp luật về hành chính – tư pháp được hiện thực hóa trên thực tế.
Hai là, thông qua hoạt động quản lý hành chính – tư pháp, Ủy ban nhân dân xã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân
Xã là nơi gần dân nhất, sát dân nhất, cũng là cấp nắm được tình hình Nhân dân ở địa phương thông qua hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức và những người làm việc không chuyên trách ở các ấp. Với đội ngũ cán bộ, công chức có số lượng, cơ cấu ngày càng hợp lý, trình độ, năng lực cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới. Thông qua các hoạt động thường xuyên, mang tính phổ biến như đăng ký khai sinh, kết hôn, giám hộ, nhận cha mẹ con, khai tử, chứng thực các hợp đồng, giao dịch, các giấy tờ văn bản,… thuộc thẩm quyền của cấp xã làm phát sinh các quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân với nhau và giữa cá nhân với nhà nước theo quy định. Trên cơ sở các mối quan hệ xã hội phát sinh đã được đăng ký, chính là cơ sở để nhà nước ta bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho các cá nhân.
Ba là, trong quá trình quản lý hành chính – tư pháp, Ủy ban nhân dân xã góp phần duy trì và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội
Để xã hội phát triển hài hòa, ổn định Nhà nước phải tạo ra môi trường chính trị ổn định. Môi trường chính trị ổn định là nền tảng để thực hiện các mục tiêu khác như kinh tế, xã hội, văn hóa… Trách nhiệm chung của các cơ quan quản lý là bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, duy trì cuộc sống ổn định cho Nhân dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Hoạt động quản lý hành chính – tư pháp giúp Ủy ban nhân dân xã nắm được những thông tin cơ bản của cá nhân về nhân thân, các mối quan hệ nhân thân cũng như những thay đổi phát sinh trong quá trình cá nhân sinh sống và làm việc tại địa phương. Trên cơ sở Ủy ban nhân dân xã đã quản lý được những thông tin cơ bản về nhân thân của một người sẽ giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy cứu trách nhiệm của cá nhân khi vi phạm pháp luật. Hơn thế nữa, là tiến tới mục đích phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật.
Ủy ban nhân dân xã còn là cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự đó là giáo dục, cải tạo người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng cho hưởng án treo và một số hình phạt bổ sung khác như cấm cư trú, quản chế. Thông qua việc thực hiện nhiệm vụ trên, Ủy ban nhân dân theo dõi quá trình cải tạo của phạm nhân, giáo dục để họ trở thành người công dân có ích cho xã hội. Qua đó, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Tóm lại, Ủy ban nhân dân xã là cấp cuối cùng trong hệ thống quản lý hành chính nhà nói riêng và trong hệ thống quản lý nhà nước nói chung. Là nơi gần dân, sát dân nhất và là cầu nối giữa Nhân dân ở cơ sở với chính quyền cấp trên. Ủy ban nhân dân xã có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước ở cơ sở. Hoạt động quản lý hành chính – tư pháp góp phần quan trọng trong việc giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn./.
Phan Thị Lam – Giảng viên Khoa Nhà nước và pháp luật
[1] Học viện CTQG Hồ Chí Minh, Giáo trình TCLLCT-HC quyển Những vấn đề cơ bản về Quản lý hành chính nhà nước, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội 2017, tr297.
[2] Học viện CTQG Hồ Chí Minh, Giáo trình TCLLCT-HC quyển Những vấn đề cơ bản về Quản lý hành chính nhà nước, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội 2017, tr299 – 314.
[3] Khoản 1 Điều 31 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015.