Vai trò của 9 ngành dịch vụ trong tăng trưởng kinh tế thành phố Hồ Chí Minh

TÓM TẮT:

Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) với vai trò là đầu tàu phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có cơ cấu kinh tế hiện đại với tỷ trọng dịch vụ hơn 60% (năm 2021) và là thành phố luôn đi đầu trong tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, trước tác động của dịch bệnh Covid-19, cũng như những biến động phức tạp về kinh tế – chính trị trong và ngoài nước đã tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế TP. HCM. Bài viết này phân tích thực trạng tăng trưởng kinh tế của TP. HCM và vai trò của 9 ngành dịch vụ trong kinh tế Thành phố giai đoạn vừa qua, đánh giá những thuận lợi, khó khăn và khuyến nghị một số giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển, gia tăng vai trò của 9 ngành dịch vụ trong tăng trưởng kinh tế củaThành phố giai đoạn tới.

Từ khóa: tăng trưởng kinh tế, ngành dịch vụ, Thành phố Hồ Chí Minh.

1. Thực trạng đóng góp của 9 ngành dịch vụ trong tăng trưởng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 – 2021

Căn cứ vào số liệu từ Chi cục Thống kê TP. HCM và số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong giai đoạn 2017 – 2021, TP. HCM nói riêng và cả nước nói chung có mức tăng trưởng tăng giảm không đồng đều, cụ thể, GRDP của Thành phố (theo giá so sánh năm 2010) thì năm 2017 đạt 842.376 tỷ đồng, năm 2018 tăng lên và đạt 907.058 tỷ đồng, năm 2019 đạt 978.308 tỷ đồng. Các năm này, GRDP của Thành phố có mức tăng trưởng ổn định, với 7,88% năm 2017, 7,9% năm 2018 và năm 2019 đạt 7,79%, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước (ước đạt 7,02%). Như vậy, tốc độ tăng trưởng của Thành phố vẫn duy trì ở mức khá, mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm. (Hình 1)

Hình 1: Tốc độ tăng trưởng GDP của TP. HCM và cả nước giai đoạn 2017 2021
 (Đvt: %)

tăng trưởng kinh tế

Nguồn: Theo tính toán của tác giả dựa trên số liệu niên giám của Tổng cục Thống kê và Chi cục Thống kê TP. HCM

Sang đến năm 2020, GRDP thành phố chỉ còn đạt 991.424 tỷ đồng, tương đương với mức tăng trưởng chỉ 1,39% và thấp hơn cả nước (cả nước năm 2020 là 2,87%). Đặc biệt năm 2021, GRDP của thành phố có mức sụt giảm khi chỉ còn đạt 924.367 tỷ đồng, đây là lần đầu tiên Thành phố có mức tăng trưởng âm 6,78%. Lý do năm 2020 và năm 2021 có mức GRDP tuyệt đối giảm sút và mức tăng trưởng âm là do đây là 2 năm nền kinh tế của Thành phố chịu sự tác động lớp từ dịch bệnh Covid – 19. Từ chủ trương của Đảng, Nhà nước là phải tuyệt đối đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân, chính quyền các cấp trên địa bàn Thành phố đã thực hiện nghiêm chỉ thị 15, chỉ thị 16 của Chính phủ, chấp nhận hy sinh tăng trưởng kinh tế để đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân . (Bảng 1, Bảng 2)

Bảng 1. Tổng sản phẩm trong 9 ngành dịch vụ trọng yếu của TP. HCM

(Đvt: tỷ đồng)

tăng trưởng kinh tế

Nguồn: Cục Thống kê TP. HCM tháng 12/2020

Bảng 2. Tỷ trọng đóng góp của 9 ngành dịch vụ trọng yếu trong GRDP của Thành phố năm 2017 và năm 2021

(Đvt: %)

tăng trưởng kinh tế

Nguồn: Cục Thống kê TP. HCM năm 2017 và 2021

Là một nền kinh tế năng động, dựa trên số liệu từ Cục Thống kê năm 2017 thành phố Hồ Chí Minh có 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 52,7% trong GRDP, chiếm 90,4% trong khu vực dịch vụ. Trong đó, 4 ngành chiếm tỷ trọng cao là thương nghiệp (13,0%), vận tải kho bãi (8,6%), kinh doanh bất động sản (7,3%), tài chính ngân hàng (6,3%), đây là những ngành chủ đạo chiếm 60,4% nội bộ khu vực dịch vụ. Sang năm 2019, 9 ngành dịch vụ tăng lên chiếm 55% trong GRDP, chiếm 89,8% trong khu vực dịch vụ. Trong đó, 4 ngành chiếm tỷ trọng cao là thương nghiệp (24,1%), vận tải kho bãi (16,4%), hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (7,8%), tài chính ngân hàng (13,3%) – đây là những ngành chủ đạo chiếm 37,6% trong GRDP, chiếm 61,6% nội bộ khu vực dịch vụ. Năm 2020, tỷ trọng của 9 ngày dịch vụ tiếp tục tăng lên chiếm 56,7% trong GRDP, chiếm 90,9% trong khu vực dịch vụ. Trong đó, 4 ngành chiếm tỷ trọng cao trong GRDP là thương nghiệp (15,7%), vận tải kho bãi (9,6%), hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (5,2%), tài chính ngân hàng (8,7%) – đây là những ngành là chủ đạo chiếm 39,2% trong GRDP, chiếm 62,9% nội bộ khu vực dịch vụ. Năm 2021, tỷ trọng của 9 ngành dịch vụ lúc này đã chiếm tới 58,6% trong GRDP, chiếm 92,5% trong khu vực dịch vụ. Trong đó, 4 ngành chiếm tỷ trọng cao trong GRDP là thương nghiệp (15,3%), vận tải kho bãi (9,3%), hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (5,8%), tài chính ngân hàng (10,2%) – đây là những ngành là chủ đạo chiếm 40,6% trong GRDP, chiếm 64,1% nội bộ khu vực dịch vụ. Tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng rất rõ đối với các ngành dịch vụ, tuy nhiên nhờ các mô hình kinh doanh trực tuyến, đặt hàng qua mạng, dịch vụ giao nhận, hội họp trực tuyến được nhiều người dùng, được doanh nghiệp áp dụng và bên cạnh đó một số ngành vẫn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thiết yếu của thị trường trong lĩnh vực bán lẻ hàng thực phẩm, dịch vụ internet, viễn thông. Có 4/9 ngành giảm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng có đến 5/9 ngành dịch vụ có mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ, tiêu biểu như: ngành Thông tin truyền thông: đạt 66.585 tỷ đồng, chiếm 5,1% trong tổng GRDP và 8,1% trong khu vực dịch vụ, có mức tăng 6,08% so với cùng kỳ; ngành Tài chính, ngân hàng: đạt 132.752 tỷ đồng, chiếm 10,2% trong tổng GRDP và 16,1% trong khu vực dịch vụ, có mức tăng 8,16% so với cùng kỳ; ngành Hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đạt 74.638 tỷ đồng, chiếm 5,8% trong tổng GRDP và 9,1% trong khu vực dịch vụ, có mức tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước; ngành Giáo dục và đào tạo: đạt 51.195 tỷ đồng, chiếm 3,9% trong tổng GRDP và 6,2% trong khu vực dịch vụ, có mức tăng 3,12% so với cùng kỳ; ngành Y tế và hoạt động cứu trợ xã hội: đạt 57.419 tỷ đồng, chiếm 4,4% trong tổng GRDP và 7,0% trong khu vực dịch vụ, tăng 28,68% so với cùng kỳ (Tổng cục Thống kê TP. HCM, 2021).

Như vậy, trong thời gian qua, tăng trưởng kinh tế của Thành phố luôn giữ đầu tàu kinh tế của các nước. Nếu không tính riêng năm 2021, dưới tác động của dịch Covid thì khi chúng ta so sánh với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP. HCM như một cực tăng trưởng kinh tế luôn có tỷ trọng GRDP cao nhất vùng. Năm 2020, TP. HCM chiếm 48,34% GRDP của toàn vùng và chiếm 21,8% GRDP của cả nước. Cơ cấu kinh tế của TP. HCM trong những năm gần đây thay đổi theo chiều hướng tăng nhanh ở khu vực dịch vụ và công nghiệp, giảm tương đối ở khu vực nông nghiệp. Tính đến cuối năm 2020, cơ cấu GRDP của TP. HCM: ngành Dịch vụ đóng góp 62,48% tổng sản phẩm trên địa bàn, Công nghiệp – Xây dựng 24,08%, Nông nghiệp 0,74%. Trong khu vực dịch vụ, chỉ tính riêng 9 ngành dịch vụ, thì tỷ trọng của 9 ngành dịch vụ chiếm 56,7% trong GRDP, chiếm 90,9% trong khu vực dịch vụ (năm 2020). Tuy nhiên, sự phát triển và đóng góp của 9 ngành dịch vụ hiện nay vẫn còn tồn tại một số khó khăn, bất cập như sau:

Thứ nhất, do tác động của dịch Covid – 19 kéo dài, dẫn tới 9 ngành dịch vụ nói riêng và toàn ngành dịch vụ tại Tp.HCM nói chung bị ảnh hưởng. Điều này dẫn tới dòng tiền của các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành dịch vụ đang cạn kiệt dần, nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa. Trong thời gian đóng cửa, các doanh nghiệp vẫn phải gánh chịu các chi phí như tiền thuê mặt bằng, chi phí hỗ trợ và phúc lợi cho người lao động. Đa số lao động phải tạm hoãn hợp đồng, thu nhập đột ngột bị sụt giảm nghiêm trọng.

Thứ hai, vì là đặc thù là ngành dịch vụ, nên khi chuỗi cung ứng hàng hóa của 9 ngành bị tác động, bị đứt gãy dẫn tới hàng hoá bị tắc nghẽn khi giữa các địa phương có những biện pháp chống dịch khác nhau. Bên cạnh đó tâm lý “phòng thủ” của khách hàng trong giai đoạn hiện nay dù dịch bệnh đã được kiểm soát thì hàng quán, dịch vụ có mở cửa cũng không chi tiêu nhiều như trước đây. Doanh nghiệp cũng cần thời gian để chờ khách quay về.

Thứ ba, trong sự thay đổi tỷ trọng cơ cấu nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ với tỷ lệ dịch vụ chiếm tỷ trọng hơn 60%, là kết quả của các hệ thống chính quyền các cấp, nhưng theo tác giả cũng do một phần bị ảnh hưởng mới các yếu tố như khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế tác động. Nhất là khi giá nguyên vật liệu đầu vào, giá thành vận chuyển tăng cao, chuỗi cung ứng bị đứt gãy khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ, nhất là các ngành trong thương nghiệp bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy.

Thứ tư, hiện nay theo định hướng phát triển, TP. HCM trong giai đoạn tới sẽ trở thành một đô thị thông minh, một trung tâm tài chính của châu Á. Tuy nhiên, những hạn chế do chính sách chưa đồng bộ đã dẫn đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa theo hướng cạnh tranh, nhất là các chính sách định hướng cho doanh nghiệp chuyển từ gia công sản xuất. Công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Hạ tầng phục vụ cho phát triển lại ngày càng quá tải nên gây ra những bất cập, cản trở việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của TP. HCM.

2. Một số khuyến nghị giải pháp

Trước những thách thức trong giai đoạn sắp tới, để giữ vững vai trò là đầu tàu kinh tế của các nước, thúc đẩy 9 ngành dịch vụ và gia tăng đóng góp của nhóm ngành này trong tăng trưởng kinh tế, TP. HCM cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau

Thứ nhất, căn cứ vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025, thành phố cần tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước. Để nước ta có thể đạt được đúng mục tiêu tới năm 2045 cơ bản trở thành một nước công nghiệp với nền sản xuất hiện đại với vai trò định hướng trở thành thành phố đô thị thông minh, trung tâm tài chính, theo tác giả tỷ trọng đóng góp của khoa học công nghệ vào các ngành dịch vụ phải được gia tăng hơn nữa. Để làm được điều này, chính quyền Thành phố phải đưa ra các chính sách, các hỗ trợ để các doanh nghiệp có thể đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, để gia tăng vào năng suất lao động trong từng doanh nghiệp và dẫn tới gia tăng năng suất cho toàn Thành phố.

Thứ hai, đối với các doanh nghiệp hoạt động 9 ngành dịch vụ nói riêng và cả ngành dịch vụ, công nghiệp và công nghiệp nói chung, chính quyền thành phố cần tăng cường các chính sách hỗ trợ như hỗ trợ các doanh nghiệp về các khoản vay ưu đãi, các khoản vay phục vụ phục hồi sản xuất, hỗ trợ gia hạn với các khoản vay, gia hạn các khoản thuế phải đóng để doanh nghiệp có thêm thời gian phục hồi sản xuất.

Thứ ba, để hàng hóa được lưu thông, sự liên kết giữa các vùng, địa phương với thành phố được năng động hơn cần phải tập trung vào mở rộng, cải thiện các dự án giao thông nhằm khắc phục những hạn chế trong cơ sở hạ tầng giao thông đang tồn tại. Đẩy mạnh việc triển khai, hoàn thành các đường vành đai 3, vành đai 4 và mở rộng các đường cao tốc kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu và các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Thứ tư, dịch Covid – 19 đã tác động rất lớn đến hành vi của người tiêu dùng và nhà sản xuất. Hiện nay, sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử, các ngành hàng online đã và đang đặt ra cơ hội và thách thức buộc chính quyền các cấp Thành phố cần phải tập trung vào các dự án chuyển đổi số một cách toàn diện. Từ cơ sở là nền tảng số hóa sẽ giúp các ngành dịch vụ nói riêng và cả kinh tế Thành phố nói chung gia tăng năng suất, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh (2020), Niên giám thống kê thành phố hồ Chí Minh năm 2020, NXB Thống kê.
  2. Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh (2017), Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2016.
  3. Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh (2018), Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2017.
  4. Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh (2020), Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2019.
  5. Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh (2021), Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2020.

THE ROLE OF NINE INDUSTRIES IN THE ECONOMIC GROWTH OF HO CHI MINH CITY

MSc. NGUYEN THI PHONG DUNG

Faculty of Information Technology, Nguyen Tat Thanh University

Abstract:

In 2021, service industries accounted for more than 60% of the economic structure of Ho Chi Minh City – the economic engine in the Southern key economic region. Ho Chi Minh City plays a key role in the economic growth of Vietnam and the city always lead the country’s economic restructuring. However, the city’s economic growth has been adversely impacted by the COVID-19 pandemic as  well as  complicated economic-political fluctuations in Vietnam and in the world. This paper analyzes the current economic growth of the cuty and the role of nine service industries in the city’s economy, evaluates the advantages and disadvantages and proposes some solutions to facilitate the development of these nine service industries in Ho Chi Minh City in the coming time.

Keywords: economic growth, service industries, Ho Chi Minh City.

[Tạp chí Công Thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 1 tháng 1 năm 2023]