Vai trò, chức năng của giáo dục đời sống gia đình trong giáo dục đạo đức, lối sống

Chúng ta thấy mỗi gia đình đều có những nhu cầu, mong muốn khác nhau nhưng đều nhằm chung mục đích là để xây dựng vun đắp cho gia đình mình. Đời sống vật chất của gia đình có thể giàu nghèo khác nhau nhưng hạnh phúc gia đình chỉ có thể được giữ gìn bền vững khi các thành viên trong gia đình được hưởng thụ và duy trì đời sống tinh thần, tình cảm, đặc biệt là về đạo đức, lối sống tốt đẹp thông qua con đường giáo dục đời sống gia đình.

Con người được sinh ra trong gia đình nên gia đình chính là môi trường xã hội, môi trường giáo dục đầu tiên và quan trọng nhất của cá nhân. Lứa tuổi ấu thơ là giai đoạn quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách của trẻ. Cha mẹ và người lớn trong gia đình làm gương, là biểu hiện của nhân cách văn hóa cao đẹp nhất để con cái học tập và noi theo; là chỗ dựa, là hạt nhân tâm lý chủ đạo, nguồn lửa sưởi ấm yêu thương trong gia đình, nguồn tình cảm vô tận cho các con em.

Các gia đình cần tăng cường giáo dục đời sống gia đình, giáo dục lối sống – tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc cho các thành viên trong gia đình. Đặc biệt quan tâm đến giáo dục kỹ năng sống làm người như: kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình với nhau và với cộng đồng. Các vai trò, chức năng của giáo dục đời sống gia đình trong giáo dục đạo đức, lối sống bao gồm:

– Giáo dục kiến thức về kinh tế: Chức năng kinh tế của gia đình được thể hiện trên hai khía cạnh là sản xuất và tiêu thụ; vì nhu cầu thiết yếu đầu tiên của các thành viên trong gia đình là được đảm bảo nhu cầu về ăn, ở, mặc. Chức năng kinh tế của gia đình vừa mang tính chia sẻ thu nhập, vừa mang tính đóng góp thu nhập.

Muốn phát triển kinh tế cần vượt khó vươn lên làm giàu bằng chính sức lao động cần cù, sáng tạo và kiến thức kinh tế.

– Giáo dục đời sống văn hóa, gia phong: Giáo dục văn hóa, gia phong thường được thực hiện thông qua các nghi lễ tôn giáo, phong tục tập quán, gia phong, gia pháp, gia đạo, gia lễ trong gia đình, dòng họ, quan hệ làng xã cũng như trong quá trình học việc cùng với cha mẹ, ông bà, anh chị em trong gia đình… “Gia phong được hiểu là thói nhà, tập quán và giáo dục trong gia tộc, nền nếp riêng của một gia đình. Cốt lõi của gia phong luôn hướng tới tinh thần chuộng gốc nguồn, khuyến khích lòng hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, thờ kính tổ tiên, coi trọng gia đình, thủy chung tình nghĩa, anh em hiếu thuận trong ứng xử, việc học tập lấy tâm, tri, răng làm gốc,…Gia đình cần có trách nhiệm giáo dục và hình thành cho các thành viên của mình ngay từ lúc còn ấu thơ ý thức bảo tồn, giữ gìn nguyên truyền thống của dân tộc, của làng xóm và dòng họ thông qua các dịp lễ, hội của làng, ngày thờ cúng, giỗ ông bà, tổ tiên.

– Giáo dục đời sống tình cảm, ứng xử: Giáo dục đời sống tình cảm gia đình đó là sự yêu thương, chăm sóc con cái hết lòng của cha mẹ đới với con cái, sự hiếu thảo của con cái với cha mẹ; sự gắn bó và yêu thương nhau giữa anh chị em, sự chung thủy, hòa thuận trong tình nghĩa vợ chồng,…Những tình cảm đối với gia đình cũng chính là nguồn cội của tình làng xóm quê hương và xa hơn là tình yêu đất nước.

– Giáo dục tri thức, định hướng nghề nghiệp: Gia đình quan tâm tới việc chăm sóc trẻ về mặt phát triển trí lực. Việc chăm sóc trí lực cho trẻ em gắn bó chặt chẽ với chức năng giáo dục, xã hội hóa trẻ em. Kết hợp ba môi trường giáo dục: gia đình, nhà trường, xã hội.  Chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân cũng như phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình để đảm bảo điều kiện để học tập, rèn luyện và có công việc đúng với chuyên ngàng được đào tạo.

– Giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, giá trị đạo đức, chuẩn mực xã hội: Gia đình là môi trường quản lý thành viên bằng nhiều phương thức, trong đó việc giáo dục các thành viên chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cùng với giáo dục tri thức, gia đình luôn coi trọng giáo dục đạo đức, giáo dục cho con, em kiến thức pháp luật, biết tự điều chỉnh hành vi và lối sống của mình theo những giá trị và chuẩn mực xã hội. Đây là một bộ phận quan trong để hình thành nhân cách con người, kết hợp các biện pháp hành chính với giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, tạo cho mọi thành viên sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.