Vải thun thể thao

Tìm hiểu về chất liệu vải thun thể thao

Các bộ môn thể thao luôn đòi hỏi vận động viên phải tập luyện và đổ nhiều mồ hôi. Chính vì vậy, khi may trang phục thể thao, các nhà sản xuất luôn phải chú trọng đến yếu tố tạo ra sự thoáng mát cho người mặc. Vải thun là loại vải phổ biến được sử dụng trong việc may các trang phục thể thao. Tuy nhiên, đối với những người mới vào nghề thì làm sao để lựa chọn đúng loại vải thun may trang phục thể thao là điều khá khó khăn. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu với các bạn 4 loại vải thun phổ biến được sử dụng để may quần áo thể thao.

Vải thun lạnh 2 chiều

Vải thun lạnh hai chiều có thành phần là 100% sợi PE, co giãn hai chiều, bề mặt vải bóng láng, ít nhàu nát, không có lông vải. Vải thích hợp để in chuyển nhiệt, thường có độ bền cao. Tuy nhiên, nhược điểm của vải là do cấu thành 100% PE (Polyeste) nên vải ít có độ co giãn (2 chiều), và khá nóng.

Vải thun lạnh 4 chiều

Vải được dệt bằng 95% sợi PE và 5% – 7% sợi spandex, có ưu điểm là co giãn 4 chiều nên thoải mái vận động, chất liệu mềm, mịn, mát. Tuy nhiên, nhược điểm của loại vải này là có hiện tượng nhăn sau khi giặt, và sau một thời gian sử dụng vải sẽ tự nổ. Giá thành của vải thun lạnh 4 chiều cũng khá cao.

Vải thun mè hạt to

Chất liệu vải thun mè có ưu điểm là tạo cảm giác thoáng mát cho người mặc, ít nhàu nát do có thành phần polyester rất cao, độ bền cao, giá thành rẻ. Vải thun mè không thấm nước nên rất nhanh khô. Khi may áo thể thao từ chất liệu vải thun mè, các nhà sản xuất có thể thêm chất kháng khuẩn để chống mùi hôi. Tuy nhiên, nhược điểm của loại vải này là chất liệu hơi nặng, nhiều PE nên vẫn khá nóng khi vận động, ít co giãn.

Vải thun mè hạt nhỏ

Chất liệu thun mè hạt nhỏ cũng khá được ưa chuộng trong việc may các trang phục thể thao. Ưu điểm của loại vải này là sợi vải mềm, trọng lượng nhẹ, thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt, co giãn 4 chiều, độ bền cao. Bên cạnh đó, màu sắc của vải thun mè cũng rất phong phú, có nhiều tông màu để lựa chọn. Tuy nhiên, nhược điểm của loại vải này là hơi nhăn sau khi giặt và giá thành khá cao.

Trên đây là 4 loại chất liệu vải thun phổ biến thường được dùng để may trang phục thể thao. Hi vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích giúp bạn lựa chọn đúng loại vải thun tùy theo mục đích sử dụng của mình!