Vải thiều đạt chất lượng cao, thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm vải thiều – Ảnh: DANH KHANG
Sáng 16-6, Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp cùng UBND tỉnh Bắc Giang và Hải Dương tổ chức Diễn đàn vải thiều Việt Nam vươn tầm thế giới.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho biết, năm nay toàn tỉnh có 15.400ha vải thiều sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP khoảng 102ha.
Theo ông Tuấn, năm nay thời tiết thuận lợi, rét kéo dài, mưa đều nên vải thiều sinh trưởng và phát triển tốt, với việc kiểm soát chặt chẽ các mã vùng trồng cùng với kỹ thuật canh tác của người dân Bắc Giang ngày càng nâng lên, nên chất lượng vải thiều năm nay cao hơn năm trước.
“Đến nay có thể khẳng định chất lượng vải thiều Bắc Giang năm 2022 cao nhất từ trước đến nay. Với các đặc trưng riêng ‘quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày’, làm nên thương hiệu vải thiều nổi tiếng trong và ngoài nước” – ông Tuấn nói.
Về công tác tiêu thụ, tỉnh Bắc Giang luôn coi trọng tất cả các thị trường, thị trường nào cũng có vai trò quan trọng, cả trong nước và xuất khẩu.
Ông Tuấn cho biết hiện nay, việc tiêu thụ vải thiều của tỉnh diễn ra khá thuận lợi, vải được thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó, với giá thành cao.
Đến hôm nay, vải thiều Bắc Giang đã được thu hoạch, tiêu thụ khoảng 25.000 tấn. Trong đó, sản lượng xuất khẩu chiếm khoảng 40%, xuất khẩu vào các thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia…
“Tỉnh Bắc Giang đã chủ động, sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện với phương châm sản xuất, chế biến, tiêu thụ vải thiều chất lượng cao, vượt trội, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không bị ảnh hưởng bởi COVID-19” – ông Tuấn nói.
Vải thiều đang bước vào vụ thu hoạch – Ảnh: DANH KHANG
Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Trần Văn Quân cho biết toàn tỉnh trồng khoảng 9.000ha vải, sản lượng trung bình hằng năm đạt trên 60.000 tấn.
Với kinh nghiệm và trình độ sản xuất của các hộ dân, cùng với sự vào cuộc của các doanh nghiệp để áp dụng các tiến bộ kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, sản phẩm vải thiều Thanh Hà luôn tự hào và đã khẳng định được về chất lượng, sẵn sàng để vươn tới các thị trường cao cấp trên thế giới.
Tuy nhiên việc sản xuất và tiêu thụ vải thiều tại Hải Dương vẫn còn gặp một số thách thức như vải thiều là loại nông sản có tính mùa vụ cao, thời gian thu hoạch ngắn, hiện chưa có giải pháp tối ưu để bảo quản trong thời gian dài. Các doanh nghiệp có tiềm lực, khả năng xuất khẩu vải thiều tươi đến các thị trường cao cấp còn ít,…
Vì vậy, tỉnh Hải Dương đề nghị các đoàn ngoại giao, các cơ quan truyền thông, các đại biểu tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Hải Dương để tuyên truyền, quảng bá rộng rãi sản phẩm vải thiều tới thị trường trong và ngoài nước.
“Tỉnh Hải Dương cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, về an ninh trật tự, về giao thông, bến bãi đỗ xe, các dịch vụ khác để các doanh nghiệp, doanh nhân trong nước và quốc tế đến Hải Dương tiêu thụ sản phẩm vải thiều của tỉnh” – ông Quân khẳng định.
Nỗ lực mang đến người dân toàn thế giới nông sản Việt Nam ngon
Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết đến nay, Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực hiện 17 hiệp định thương mại tự do.
Với năng lực tốt về nguồn cung, cùng với quá trình mở cửa hội nhập sâu rộng, Việt Nam đã từng bước khẳng định vị trí trên thị trường nông sản thế giới. Nếu như kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2000 đạt 4,2 tỉ USD thì đến năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 48,6 tỉ USD.
Vải thiều vào siêu thị tươi ngon, chất lượng