VIRGIL GHEORGHIU: ‘ cung đàn số phận’/ kim dung-kỳ duyên ‘chấp bút’ — điểm sách: phạm toàn / blog kim dung/ kỳ duyên
Phạm Toàn
KD: Đây là bài của nhà văn- nhà giáo Phạm Toàn viết gửi cho mình sau khi đọc cuốn “Cung đàn số phận” (Hồi ký của Lộc Vàng) do mình chấp bút. Anh Phạm Toàn là một người bạn thân với mình, gia đình mình từ thời cách đây … hơn 30 năm có lẻ. Một tình bạn thương mến, không phải lúc nào cũng có điều kiện để gặp, có rất nhiều năm hai anh em xa cách do bận rộn công việc, mưu sinh. Nhưng những kỷ niệm quá khứ luôn làm cả hai anh em trân quý, cười như nắc nẻ, trêu nhau mỗi khi gặp. Có một lần anh Phạm Toàn đòi mình chụp ảnh chân dung cho anh, và anh nói- buồn lắm KD ạ. Khi ảnh phóng lên, mình thấy nước mắt trong đôi mắt tưởng lúc nào cũng cười, cũng vui, đắm đuối với công việc và với cả….nhân gian.
.
Bỗng bùi ngùi biết bao về thân phận văn nghệ sĩ, thân phận mỗi con người xứ Việt này!
.
Xin đăng lên để bạn đọc chia sẻ. Cảm ơn anh, nhà văn- nhà giáo Phạm Toàn.
KIM DUNG/ KỲ DUYÊN
Tôi mở ra, “đọc
chéo
” cả cuốn sách, rồi dừng lại đọc nhanh
Lời giới thiệu
, sau đó lật lại đọc tên từng chương sách. Và tôi bảo Kim Dung,
sách hay đấy, em kính biếu là đúng, lẽ ra bỏ chữ kính đi nữa càng hay!
Quan hệ giữa tác giả Kim Dung mà tôi quen biết từ đầu những năm 1980 và gia đình tôi rất thú vị: các con tôi quen gọi chị Kim Dung, còn Kim Dung thì gọi tôi là anh Toàn. Và gọi con trai lớn Phạm Anh Tuấn của tôi khi bất ngờ gặp tại nhà là anh Tuấn. Anh Toàn, anh Tuấn!
Tôi thực sự mừng khi
Lộc Vàng
hỏi ý kiến tôi về Kim Dung. Bởi vì, thú thực, trước đây, tôi đã có ý định châp bút viết lại số phận của con người yêu âm nhạc này. Nhưng rồi thấy sức mình không đủ, lại thấy Kim Dung sẵn sàng gánh lấy công việc này, tôi thực sự yên tâm.
Kim Dung như tôi biết là đây: Một cô nhà báo trẻ, người Hà Nội, rất ngây thơ và sống với lý tưởng trong sáng, làm báo ở một tờ báo lớn, lại giữa một môi trường tuyên huấn, chính trị khắc nghiệt của những cây đa, cây đề, gặp nhiều bão táp sóng gió mà vẫn không chịu vào Đảng. Mãi 57 tuổi mới nghỉ hưu, vẫn chẳng sao hết, rồi lại làm tiếp mười năm ở một tờ báo điện tử lớn – VietNamNet – viết rất nhiều bài bình luận chính trị – kinh tế – xã hội gây tiếng vang, được nhiều bạn đọc hâm mộ, và chờ đợi mỗi tuần. Vậy mà vẫn luôn luôn cười, luôn luôn làm việc và dạo chơi, vẫn ham thích tự thiết kế thời trang, nhiều khi làm thơ, và cả làm dáng nữa…
Người đàn bà trẻ mãi đó sẽ đủ sức xử lý một đề tài khó khăn trong một câu chuyện về một người đàn ông yêu âm nhạc và khốn đốn vì âm nhạc. Nguyên việc chọn cái tên cho cuốn sách đã thấy giỏi rồi: Cung đàn số phận. Tựa hồ như đó là số phận của âm nhạc…
Cái số phận mà cho đến khi sách đã in xong rồi vẫn còn hồi hộp chẳng biết có đem được “cháu nhỏ” từ nhà hộ sinh ra những cửa hàng sách bán lẻ hay không.
Người ta thường nói Giời có mắt. Xin đừng hiểu đây là chuyên ân oán. Hoàn toàn không! Giời chỉ làm công việc xui khiến cho Kim Dung và Lộc Vàng gặp nhau như hai người bạn vào lúc hai người không còn trẻ thơ nữa.
Hai con người cũng lãng mạn như nhau. Hai con người cùng mơ mộng như nhau. Hai người chưa quen nhau bao giờ, hoàn cảnh sống khác xa nhau, nhưng như thể họ có cùng trải nghiệm như nhau.
Một chút khác biệt thôi: Lộc Vàng vẫn đang tiếp tục sống như trong một ngày xưa – tôi đồ chừng rằng Lộc Vàng sẽ tiếp tục lãng mạn và mơ mộng và ngây thơ cho đến khi lìa cõi đời mộng mơ này như một chàng trai thơ ngây, mơ mộng – trong khi thân phận đàn bà của nhà văn Kim Dung thêm chút Kỳ Duyên sẽ biết cách sống trong một ngày nay và biết cách làm cho đời bớt gai góc.
Cái duyên Giời đưa đẩy đó đã tạo nên một cuốn sách rất có duyên. Kim Dung đã viết nên một thiên truyện thật thà, thân tình, dịu dàng, nhẹ nhàng, thủ thỉ đáng yêu. Với lời kể của nhân vật là một chàng trai ngây thơ yêu nhạc vàng và cuộc đời long đong của anh chàng này, Kim Dung đã
tạ
c nên một dòng chảy tuyến tính của một giai điệu êm tai và tinh tế.
Với tài năng của nhà báo chính luận trên báo
VietNamNet
, trên
Blog Kim Dung/ Kỳ Duyên
với
slogan
“
Yêu cần tri kỷ, viết cần tri âm
”, sắc sảo, gai góc nhưng lại rất nữ tính, tác giả đã kể một câu chuyện khách quan mà không dửng dưng – nhà văn gốc gác nhà báo đã biết lấy sự kiện tự phản biện lại các sự kiện.
Tác giả không bình luận gì (
đúng nghề nhà báo!)
khi kể chuyện, nhưng bạn đọc chân thành sẽ nhìn ra đâu là sự thật.
Sự thật về một thời có những con người nói chuyện âm nhạc với nhau như hai người ngoại quốc không biết tiếng nói của nhau.
Sự thật về một cuộc sống vất vả không lý giải nổi vì sao vất vả, kể cả những nỗi gian nan không đáng có đã được chính cuộc sống bác bẻ.
Sự thật về những tầm văn hóa khác biệt trong một xã hội cố gắng đi tìm sự đoàn kết khó có thể tìm ra trừ phi thực tâm biết tìm sự đồng cảm. Trừ phi hết nghi kỵ và đố kỵ.
Một cuốn sách để con người hiểu nhau hơn, thương nhau hơn, không cần đến ân oán giang hồ, mà chỉ cần con người biết tôn trọng nhau hơn.
Theo cái mạch suy nghĩ này, tôi nghĩ rằng chương sách viết về cuộc đời tình cảm của Lộc Vàng và Tuyết Mai là chương hay nhất trong cuốn sách chương nào cũng đáng khen này.
Thương nhất là những lời kể của Lộc Vàng khi được Tuyết Mai những giây phút hấp hối sắp lìa đời đòi chồng hát cho Tuyết Mai nghe.
Bạn đọc sẽ “đọc” thấy một Lộc Vàng nuốt nước mắt và khe khẽ ru Tuyết Mai trong niềm thất vọng không thể níu kéo người con gái ngây thơ ấy, người tình vô cùng thủy chung ấy, người vợ nồng nàn và hy sinh ấy, người đàn bà đảm đang bồng con đi theo chồng vừa để nghe hát vừa để bảo vệ và bênh vực chồng nếu cần.
Lộc Vàng đã hát Dù cho mưa, tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời cho Tuyết Mai nghe ở một bè trầm. Bạn đọc sẽ nghe thấy trong im lặng lời cảm ơn chồng trong một bè cao vẫn những lời thơ ấy Dù cho mưa, tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời. Một bài hát có giai điệu đẹp có thể hát đuổi từng câu cứ như tự chồng lên nhau thành hợp âm. Một ca khúc có lời ca về sự mất mát và sự níu kéo vô vọng. Dù cho mưa, tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời. Nhạc vàng được người mơ mộng yêu thích vì nó tạo ra những liên tưởng như thế đấy.
Mưa mưa mưa… Mưa ở ngôi nhà nhỏ chín mét vuông… Mưa ở lò gạch trại tù Phong Quang… Mưa ngày được tự do trở về với những vất vả mưu sinh… Mưa khi cùng nhau chống chọi với căn bệnh nặng không phương cứu chữa…
Trong tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago, nhà văn Nga Boris Pasternak có lúc viết, đại ý biết bao giờ mới được nghe một thứ âm nhạc đẹp… Lời ao ước đó được thốt ra sau khi nói về sự thay đổi ở quê hương mình không hiểu vì sao đã trở thành thô kệch với những cửa ra vào nhà nào cũng khóa hai ba lần khóa…
Tôi chợt nhớ đến chi tiết trên khi nghe tác giả Kim Dung – Kỳ Duyên tâm sự: Em thấy Lộc Vàng anh ấy thật sự là một con người lương thiện và tử tế.
Một con người lòng mình không bao giờ khóa. Càng không cần đến những hai ba lần khóa.
Cuốn sách Cung đàn số phận là câu chuyện về một chàng trai mơ mộng yêu âm nhạc và được chấp bút bởi một nữ tác giả đủ sức rung cảm với cái mơ mộng không bao giờ bợn chút “đời thường” như bây giờ mọi người hay nói.
Cám ơn tác giả Kim Dung – Kỳ Duyên đã kính biếu tôi cuốn sách hay về câu chuyện bạn Lộc Vàng của chúng ta đã kính bộc bạch với nữ văn sĩ và với cuộc đời ở ngay đây chúng ta đang sống.
Đời vẫn vui, hè!
Hà Nội, 2-3 tháng Giêng Tây 2018
PHẠM TOÀN
——————————————————————–
trích từ blog KIM DUNG/ KỲ DUYÊN
=======================================