VẬT NUÔI XỬ LÝ CHẤT THẢI HỮU CƠ – 5. Kỹ thuật nuôi trùn quế quy mô trang trại, gia trại – Hội Làm vườn Việt Nam

BBT: Nuôi trùn quế quy mô trang trại, gia trại là lựa chọn không chỉ của nhiều hộ nông dân, mà cả nhiều người trẻ khởi nghiệp vì đem lại hiệu quả kinh tế cao nếu người nuôi nắm vững các yêu cầu kỹ thuật.

Kỹ thuật nuôi trùn quế quy mô trang trại, gia trại

TS. Phạm Đồng Quảng –  VACVINA ( Tổng hợp)

1. Nhà nuôi

– Nếu làm mới, nên lựa chọn hướng Đông Nam hoặc hướng Nam, ưu tiên chọn những nơi có bóng cây, đảm bảo thoáng mát về mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Nền phải cao ráo, thoáng mát, đảm bảo không bị ngập úng khi trời mưa, mùa nước lũ. Trùn quế thích hợp pH từ 6,5 – 7,5  nếu đất nền quá mặn hoặc quá chua, trùn sẽ bỏ đi nơi khác hoặc bị chết. 

– Mái che nên sử dụng mái bằng rơm rạ, lá cọ, lá dừa, tấm bìa, bạt để chuồng mát mẻ, thông thoáng. Độ cao mái cách mặt đất ít nhất 1m vì nếu thấp quá sẽ khó chăm sóc, thu hoạch, cao quá thì bị mưa hắt. Các trụ bên trong chuồng có thể làm bằng cọc tre, gỗ hoặc bê tong… 

20220303_175549 (400 x 300)

– Tường chuồng: có thể dùng lưới thép B40 quây cao hoặc xây bằng gạch để các loại vật nuôi ( gia cầm chăn thả) hoặc sinh vật khác (mối, rắn, tắc kè, chuột, ổ kiến…) không làm hại giun quế.

– Có thể tận dụng nhà kho, nhà bếp…cũ để cải tạo lại thành chuồng nuôi trùn.

2. Luống nuôi

Vật liệu làm thành luống: gạch, tấm gỗ hoặc thân cây chuối. Luống nuôi phải có chiều cao ít nhất từ 25 – 30cm, chiều rộng khoảng 1m thuận tiện cho việc chăm sóc. Chiều dài luống nuôi sẽ phụ thuộc vào quy mô nhà nuôi của từng hộ gia đình, trang trại, chỉ nên từ 3 – 5m. Luống nuôi nên được phân chia thành các chuồng nuôi nhỏ khoảng 3m.

3. Chất nền

– Chất nền là nơi trú ngụ và phát triển của giun nên có vai trò quan trọng nhất. Chất nền phải tơi xốp, không chứa chất độc hại, giàu dinh dưỡng, khả năng giữ ẩm tốt, pH ở mức trung tính từ 6,5 – 7,5.

– Chất nền tốt nhất là phân ủ ( compost) từ phân trâu, bò, lơn, gà …đã hoai mục.  Có thể tự ủ để tạo chất nền từ hỗn hợp nguyên liệu gồm phân bò (70%) hoặc phân gà, phân lợn (60%) và 30-40% còn lại phụ phẩm nông nghiệp ( băm nhỏ) như cỏ, lá thân ngô, rơm rạ tươi, xơ dừa, mùn cưa…(không dùng lá lá lim, xoan, sắn). Trường hợp ủ nóng ( hảo khí) bổ sung thêm chế phẩm sinh học EM 1%, vôi bột thời gian ủ từ 1-1,5 tháng; trường hợp ủ nguội ( yếm khí) bổ sung thêm lân; thời gian ủ từ 5-6 tháng. Lưu ý, chất nền là môi trường sống và cũng là thức ăn của trùn nên càng hoai mục càng tốt.

20220302_113232 (400 x 300)

– Nền chuồng phải phẳng, rải chất nền dày từ 10 – 20 cm. Sau khi rải dùng ô doa tưới nước để có độ ẩm từ 60 – 70%. Nước sử dụng phải sạch sẽ, không bị ô nhiễm bởi các chất thải công nghiệp, nước có độ pH trung tính từ 6,5 – 7,5. Rải chất nên 2 – 3 ngày trước khi thả giống. Trường hợp sử dụng giống giun sinh khối có thể không cần rải chất nền chuồng hoặc rải mỏng hơn. 

4. Chọn trùn quế giống 

– Có 2 loại giống trùn sau:

+ Trùn sinh khối: Tốt nhất nên dùng trùn sinh khối làm giống, vì trong đó có lẫn cả trùn bố, mẹ, trùn con, trứng kén và chất nền mà trùn đang sống, nên trùn nhanh thích ứng, không bị “sốc” với môi trường mới. (Thu  bằng cách lấy toàn bộ sinh khối của luống đang nuôi khoảng 20cm từ trên mặt trở xuống, sau khi thả 2-3 tháng).

20220303_175322 (400 x 300)

+ Trùn tinh: Tỉ lệ trùn trên 80% còn lại là chất nền; không nên chọn trùn tinh ( trùn thương phẩm) 100% để làm giống, vì trùn tinh thường bị tổn thương trong quá trình bắt, vận chuyển, thả, nên khả năng thích nghi kém, giá thành lại đắt, vận chuyển khó, không an toàn.

20220303_175420 (400 x 300)

5. Thả giống 

– Thời điểm thả giống thích hợp: nên thả vào buổi sáng sớm mát mẻ. Không thả vào buổi trưa nắng nóng. Mật độ thả: với trùn sinh khối: 15 – 20kg/m2; với trùn tinh: 1 – 2kg/m2 (ước tính khoảng 8.000 – 10.000 cá thể).

– Cách thả: Với trùn sinh khối thì thả bằng cách trải sinh khối vào luống theo đường thẳng giữa ô luống hoặc để sinh khối thành từng đám giữa mặt luống. Với trùn tinh, bà con dùng tay để thả nhẹ nhàng chúng xuống từng luống nuôi. Sau khi thả giống, dùng bao tải cũ hoặc chiếu rách, lá chuối, lá cọ đậy kín giúp trùn nhanh thích nghi với môi trường sống mới. Sau khoảng 7 – 10 ngày lấy một mẫu chất nền, bẻ chúng ra, lúc này ta có thể nhìn thấy những chú trùn con nhỏ khoảng 1cm, màu hồng, như vậy việc thả sinh khối trùn đã thành công

– Khoảng 5 – 7 phút sau trùn quế sẽ chui hết xuống lớp sâu. Quan sát mặt luống và loại bỏ những con trùn ngọ nguậy tại chỗ, không có khả năng di chuyển xuống lớp đất sâu đó là những con trùn bị thương trong quá trình thu gom, vận chuyển. Sau khi loại bỏ những con trùn bị thương, dùng doa tưới cây tưới ẩm nhẹ lên luống. Nếu quá nhiều trùn không chui được xuống hết thì có thể do độ pH chất nền không phù hợp hoặc độ ẩm quá cao hoặc quá thấp, thì cần điều chỉnh ngay. 

6. Thức ăn cho giun quế 

– Các nguồn thức ăn:

+ Phân trâu, bò tươi: Đổ nước và phân theo tỉ lệ 1 : 1; khuấy đều cho tan hết; có thể cho  thêm chế phẩm sinh học EM 1% để phân giải chất độc trong phân; sau khoảng mỗi 6h phải khấy trộn lại 1 lần cho đến 3 – 5 ngày có thể cho trùn ăn. 

20220302_120852 (400 x 300)

+ Dùng phân gà vịt, lơn, dê, thỏphối trộn với 30% – 50% phụ phẩm nông nghiệp, rác hữu cơ đã băm nhỏ từ 5 – 10cm và đem ủ để làm thức ăn cho trùn.

– Thời điểm cho ăn: Với trùn tinh thì cho ăn sau thả 6h, với trùn giống sinh khối thì cho ăn sau thả 2 ngày.Những lần tiếp theo, chỉ cho giun ăn khi bề mặt luống không còn thức ăn cũ. 

– Lượng thức ăn: Vào mùa hè, cứ 2 – 3 ngày cho trùn ăn 1 lần lượng thức ăn bón trên bề mặt luống dày từ 2 – 3cm. Vào mùa đông lượng thức ăn cho ăn nhiều hơn, dày 5cm bón phủ đầy luống trùn. Thời gian cho ăn từ 3 – 4 ngày cho ăn 1 lần. Sau khi cho ăn xong đậy tấm phủ lại và tưới ẩm. Không nên cho trùn ăn khi thức ăn cũ còn quá nhiều, vì làm cho trùn chỉ tập chung ăn và sống ở phía dưới luống mà không sống trên bề mặt; làm giảm khả năng sinh sản, năng suất sẽ bị giảm.

– Thức ăn rải trên mặt luống thành vệt dài hoặc từng đám mỏng cách đều nhau để khi nhiệt độ trong luống tăng cao hoặc trong thức ăn có chất gây sốc thì trùn còn có khoảng trống chui lên thở.Nếu thay đổi thức ăn hoặc thử nghiệm loại thức ăn mới thì chỉ nên thử ở diện tích nhỏ trước, sau đó mới mỏ rộng.

– Bổ sung men vi sinh: Ví dụ, anh Nguyễn Công Vinh (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) không chỉ dùng phân bò mà còn sử dụng các phế phụ phẩm thực vật như rau quả giập hư, phân động vật, phế phẩm sau biogas… qua xử lý bằng công nghệ lignin sẽ thu được đạm thực vật nuôi trùn quế; anh Vinh còn sử dụng thêm men vi sinh của Israel cộng với mật mía đường ủ trong hơn 3 tuần. Ăn sản phẩm này trùn khỏe mạnh, nhanh lớn, hiệu suất trùn sinh khối đạt đến 2kg/m2, gấp 2 lần phương pháp nuôi thông thường.

7. Cách chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh

– Trùn quế có tập tính sống trong môi trường tối; gặp ánh sáng là trùn rút sâu xuống dưới mặt luống. Nên cần che chắn chuồng và che phủ mặt luống là biện pháp tạo bóng tối cho trùn lên mặt luống ăn thức ăn và giao phối sinh sản cả ngày lẫn đêm.

Trùn quế thở qua da do đó độ ẩm trong của chất nền là yếu tố rất quan trọng trong kỹ thuật nuôi trùn, độ ẩm dưới 50% là nguy hiểm cho giun quế. Phạm vi độ ẩm lý tưởng cho trùn quế phát triển là trong khoảng 65 – 85%. Mùa hè tưới nước từ 2 – 3 lần/ ngày, mùa đông từ 1 – 2 lần/ ngày. Nguồn nước dùng để tưới cho giun phải sạch sẽ, không bị ô nhiễm, pH trung tính.

– Duy trì nhiệt độ tối ưu từ 25 – 30 độ C. Nếu cao quá thì phải xới đảo để tạo độ thông thoáng; nếu vào mùa đông nhiệt độ xuống thấp, cần che chắn kỹ, thắp đèn điện vào ban đêm hoặc dùng bao bố phủ lên trên bề mặt luống, tránh trường hợp trùn bị ngủ đông. Nêú có điều kiện, nên kiểm tra nhiệt độ của sinh khối 2 ngày/ lần, từ 8h – 15h.

– Trùn quế là loài thở oxy và sinh trưởng kém hoặc chết trong điều kiện yếm khí hoặc có nhiều khí Co2, H2S, SO3, NH4 nên chất nền chuồng phải tới xốp, không có các yếu tố gây hại.

– Hàng ngày theo dõi nơi nuôi trùn, nếu thấy kiến phải tiêu diệt ngay. Che chắn hoăc bao lưới xung quanh để tránh gà,cóc, ếch, nhái, rắn, chuột ăn giun. Chú ý các loại thuốc trừ sâu, hóa chất như xà phòng, nước rửa chén, muối ăn, nước giải, tro bếp… rất độc hại đối với trùn, trùn sẽ chết khi tiếp xúc.

– Lưu ý, khi gặp điều kiện sống bất lợi như: nhiệt độ, độ ẩm, độ pH quá cao hoăc quá thấp, phủ nilong quá kín, trời quá nắng, bị nước mưa tạt vào, tiếng ồn và tiếng động xung quanh quá lớn sẽ làm cho trùn sinh trưởng kém, chết hoặc bò đi khỏi chuồng nuôi.

– Về bệnh hại: Nhìn chung so với nhiều loại vật nuôi khác thì giun quế ít bị bệnh; tuy nhiên cần theo dõi kịp thời xử lý nếu bị các bệnh sau: 

+ Bệnh no hơi: Sau khi ăn, trùn nổi lên mặt luống, trườn dài rồi chuyển sang màu tím bầm, chết. Nếu còn thức ăn trên mặt luống, bà con phải hốt hết ra rồi tưới nước lên mặt luống, ngừng cho ăn thức ăn cũ, không cho chúng ăn quá nhiều thức ăn có chất đạm. 

+ Trúng khí độc: Trùn quế bị ngạt thở do thiếu oxy nên chúng sẽ bò lên mặt đất, cơ thể bị tím bầm. Lúc này bà con ngừng cho ăn, đào xới mặt luống để tạo độ tơi xốp và thông thoáng cho giun.

8. Thu hoạch: Tùy vào mục đích nuôi trùn quế mà thời gian thu hoạch và cách thu hoạch cũng khác nhau.

– Trùn quế sinh khối ( nhân giống): thông thường, sau 2 – 3 tháng trở đi, khi lớp sinh khối dày lên là bà con có thể bắt đầu thu hoạch và bán sinh khối để thả nuôi.

– Lấy phân trùn:  cần căn cứ vào lượng phân trùn thải ra nhiều ít ra sao dể thu hoặc. Thông thường thì sau 6 tháng nuôi thì có thể thu hoạch phân trùn quế làm phân bón rất tốt cho cây trồng.

– Trùn thịt làm thức ăn chăn nuôi:  xới xáo một góc chuồng nuôi để xem số lượng và kích thước trùn đạt từ 10 – 15cm là thu hoạch được. Thông thường sau 3-4 tháng nuôi là trùn đã trưởng thành và có thể thu hoạch. Trùn quế thường kiếm ăn vào ban đêm, ngoi lên gần mặt luống, nên thời điểm thu hoạch tốt nhất vào sáng sớm, trước khi trùn chui sâu vào luống. Khi đó chỉ cần đào sau 5-7 cm, dùng tay tách trùn trường thành ra khỏi sinh khối nuôi. Lưu ý cần nhẹ nhàng để trùn không bị chết.

 – Thu trùn tinh làm giống: Có thể thu sớm hơn và kích thước trùn nhỏ hơn so với thu trùn thịt làm thức ăn  chăn nuôi.