Ưu, nhược điểm và các giai đoạn của kiểm tra hành chính
Khái niệm kiểm tra hành chính? Ưu điểm, nhược điểm của kiểm tra hành chính? Các giai đoạn kiểm tra hành chính.
Kiểm tra hành chính là hoạt động thường xuyên, liên tục, của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với các hoạt động xoay quanh lĩnh vực hành chính. Vậy hoạt động kiểm tra hành chính có những ưu điểm, nhược điểm gì? Các giai đoạn của kiểm tra hành chính ra sao?
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Kiểm tra hành chính là gì?
– Kiểm tra hành chính là xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý hành chính nhà nước xem có phù hợp với pháp luật hay không và áp dụng biện pháp bảo đảm và khôi phục sự phù hợp đó. Hiểu một cách đơn giản, kiểm tra hành chính là quá trình đảm bảo tính kỉ luật trong công tác quản lý hành chính Nhà nước. Hoạt động này nhằm xem xét xem các hoạt động hành chính có được mọi người tuân thủ và chấp hành theo đúng các quy định của pháp luật hay không, từ đó áp dụng những biện pháp khắc phục kịp thời để xử lý những sai phạm.
– Kiểm tra hành chính là nội dung cơ bản, là hoạt động không thể thiếu trong quá trình quản lý hành chính nhà nước. Kiểm tra hành chính thể hiện một cách rõ ràng, khách quan nhất quá trình làm việc của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về lĩnh vực hành chính. Hay nói cách khác, nó bộc lộ bản chất của quyền lực nhà nước.
– Kiểm tra hành chính là hoạt động diễn ra thường xuyên của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Các chủ thể tiến hành kiểm tra hành chính phải xác định được rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc kiểm tra đối với các đối tượng trong cơ quan hành chính.
Xem thêm: Công an xã có quyền kiểm tra hành chính lúc nửa đêm không?
2. Ưu điểm, nhược điểm của kiểm tra hành chính:
2.1. Ưu điểm của kiểm tra hành chính:
– Kiểm tra hành chính giúp đảm bảo quyền công dân trong lĩnh vực hành chính một cách tối đa nhất. Bởi kiểm tra hành chính tác động trực tiếp đến lợi ích và quyền của người dân. Cá nhân là chủ thể chịu ảnh hưởng trực tiếp của quá trình hoạt động hành chính. Mọi nhu cầu, vấn đề sống của con người đều xoay quanh lĩnh vực này. Do đó, kiểm tra hành chính mục đích là tạo ra trật tự an toàn cho người dân. Đảm bảo cho người dân sống trong môi trường pháp luật lành mạnh, công minh nhất.
– Hoạt động kiểm tra hành chính thể hiện một cách rõ ràng và sâu sắc quyền lực của Nhà nước. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp kiểm tra theo định kỳ hoặc một cách ngẫu nhiên. Đồng thời, trước khi thực hiện kiểm tra hành chính, cơ quan chức năng có thẩm quyền không cần phải báo trước bằng văn bản hay bất kỳ hình thức nào khác. Ở đây, lực lượng chức năng thể hiện quyền kiểm tra của mình một cách khách quan và tối ưu nhất. Đồng thời, nhờ việc kiểm tra giấy tờ, các lực lượng chức năng mới có các biện pháp phù hợp nhằm ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, từ đó góp phần đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, ngăn ngừa sự phát triển và gia tăng của tội phạm.
Ví dụ: Ở một số địa phương, cơ quan chức năng có thẩm quyền tổ chức kiểm tra hành chính vào ban đêm. Việc kiểm tra đột xuất như vậy giúp lực lượng chức năng đánh giá một cách chuẩn xác, khách quan nhất thực tiễn hoạt động hành chính. Trong trường hợp có sai phạm sẽ dễ dàng đưa ra những biện pháp xử lý kịp thời.
– Kiểm tra hành chính là sự liên hệ ràng buộc chặt chẽ, mật thiết giữa các cơ quan Nhà nước với các tổ chức, người dân. Thực tế, kiểm tra hành chính được xem là một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng, quá trình quản lý. Nó tạo tiền đề cho công cuộc xây dựng bộ máy hành chính Nhà nước Việt Nam khách quan, trung thực, tinh gọn; đảm bảo quyền công dân của mỗi cá nhân. Từ đó, góp phần to lớn cho công cuộc xây dựng Nhà nước, pháp luật Việt Nam công bằng và phát triển.
2.2. Nhược điểm của kiểm tra hành chính:
Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, kiểm tra hành chính vẫn còn những mặt hạn chế. Cụ thể như sau:
– Kiểm tra hành chính thể hiện quyền lực của Nhà nước. Tuy nhiên, trong thực tế, quyền lực này được thể hiện một cách quá đà. Một số cá nhân , tổ chức có thẩm quyền lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình nhằm tự ý thực hiện kiểm tra hành chính. Song, việc kiểm tra này không nhằm mục đích ổn định trình tự xã hội, thượng tôn pháp luật, mà nhằm thể hiện quyền lực cá nhân, mưu đồ xấu cho tư lợi cá nhân. Việc lợi dụng quyền lực Nhà nước trong công tác kiểm tra hành chính khiến quyền công dân của một số cá nhân bị ảnh hưởng. Đồng thời, nó không đảm bảo tính linh động, khách quan trong quá trình làm việc của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Hạn chế này chỉ xảy ra ở một số cá nhân, song, nó cũng được xem là sự phản ánh chân thực cho nhược điểm đang tồn tại của công tác kiểm tra hành chính.
Ví dụ: Việc kiểm tra hành chính liên tục diễn ra với quy trình máy móc, khiến cho cơ quan chức năng, cá nhân, tổ chức liên quan cảm thấy lo lắng. Từ đó, không linh hoạt trong quá trình vận dụng, xử lý các vụ việc do sợ sai, sợ bị kiểm tra. Điều này khiến cho bộ máy hành chính vận hành một cách cứng nhắc. Sợi dây liên kết giữa cơ quan chức năng có thẩm quyền với người dân bị giãn đứt.
– Hoạt động kiểm tra hành chính diễn ra cứng nhắc, không linh hoạt. Pháp luật luôn gắn liền với thực tiễn đời sống. Mọi vấn đề đều bắt nguồn từ đây. Vì vậy, khi giải quyết một vụ việc bất kì, ta không thể vận dụng những quy định pháp luật một cách cứng nhắc, mà cần mềm dẻo, linh hoạt trong quá trình vận dụng nhằm tạo nên sự khách quan trong kiểm tra, xử lý. Thực tế, hoạt động kiểm tra hành chính ở nước ta còn khá cứng nhắc và theo công thức. Sự không linh hoạt này khiến công tác kiểm tra của lực lượng chức năng không đạt được kết quả như mong muốn: đó là nhìn nhận toàn diện vấn đề của hoạt động hành chính.
– Thời điểm kiểm tra hành chính còn bị chậm hoặc kéo dài, không đáp ứng được yêu cầu khẩn trương, kịp thời của công tác quản lý Nhà nước. Thực tế, số lần thực hiện kiểm tra hành chính, xử phạt của đội ngũ kiểm tra còn rất lớn với những con số cao hàng năm.
– Hoạt động kiểm tra hành chính còn chưa được tiến hành một cách chủ động. Hoạt động này còn bị phụ thuộc nhiều vào sự chỉ đạo của cơ quan cấp trên. Hay nói cách khác, các đơn vị kiểm tra hành chính chưa thực sự tự giác trong việc thực hiện hoạt động kiểm tra hành chính.
Đây được xem là những nhược điểm chủ yếu của hoạt động kiểm tra hành chính. Dù tồn tại ít, song nó cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực hành chính ở Việt Nam nói chung và hoạt động kiểm tra hành chính nói riêng. Chỉ khi khắc phục được những hạn chế trên, hoạt động kiểm tra hành chính ở Việt Nam mới đảm bảo được tính khách quan, tạo tiền đề xây dựng bộ máy Nhà nước tinh gọn, một xã hội văn minh, trật tự.
Xem thêm: Kiểm tra hành chính là gì? Thẩm quyền kiểm tra hành chính?
3. Các giai đoạn của kiểm tra hành chính:
– Kiểm tra hành chính được xem là quá trình xem xét, kiểm tra của cơ quan chức năng có thẩm quyền với hoạt động hành chính ở từng địa phương. Như đã phân tích, kiểm tra hành chính đảm bảo tính khách quan, trung thực, trật tự của lĩnh vực hành chính. Vì vậy, hoạt động này phải tuân theo các giai đoạn, trình tự theo quy định của pháp luật.
– Hoạt động kiểm tra hành chính diễn ra với quy trình nhất định. Từng cá nhân liên quan đến quá trình kiểm tra này phải đảm bảo thực hiện những câu việc nhất định theo quy định của pháp luật.
– Các giai đoạn của kiểm tra hành chính được thể hiện cụ thể như sau: Thanh tra viên tiến hành kiểm tra đơn phương một cách thường xuyên hoặc ngẫu nhiên trên cơ sở quy định của pháp luật; người kiểm tra có quyền yêu cầu bên được kiểm tra cung cấp hồ sơ, tài liệu, chứng cứ liên quan đến vấn đề cần kiểm tra; bên được kiểm tra không được từ chối hoặc cản trở việc thực hiện các yêu cầu đó; đối tượng thanh tra có quyền hướng dẫn về phương hướng, thời hạn và phương pháp khắc phục những khiếm khuyết đã được xác định trong quá trình kiểm tra.
Các giai đoạn được đưa ra nhằm đảm bảo cho hoạt động kiểm tra hành chính được diễn ra khách quan, chính xác. Quyền công dân của mỗi cá nhân sẽ được thực hiện đầy đủ nhất theo quy định của pháp luật hiện hành. Từ đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển của Nhà nước, xã hội, đảm bảo một môi trường sống ổn định, văn minh của công dân.