Ưu – nhược điểm của hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài
Đầu tư trực tiếp nước ngoài là gì? Đặc điểm của hình thức này như thế nào? Những ưu điểm và nhược điểm mà hình thức đầu tư này mang lại cho các doanh nghiệp ra sao? Mọi thắc mắc của bạn sẽ được trả lời trong bài viết dưới đây của chúng tôi.
Đầu tư nước ngoài:
Đầu tư nước ngoài mang đầy đủ những đặc trưng của đầu tư nói chung nhưng có một số đặc trưng khác với đầu tư trong nước đó là:
-
Chủ đầu tư có quốc tịch nước ngoài.
-
Các yếu tố đầu tư được di chuyển ra khỏi biên giới.
-
Vốn đầu tư có thể là tiền tệ, vật tư hàng hóa , tư liệu sản xuất, tài nguyên thiên nhiên nhưng được tính bằng ngoại tệ.
Mục Lục
Các hình thức biểu hiện của đầu tư nước ngoài thường là.
-
Nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức, gọi tắt là ODA.
-
Nguồn vốn tín dụng thương mại
-
Nguồn vốn đầu tư từ việc bán cổ phiếu, trái phiếu… cho người nước ngoài, gọi tắt là FPI.
-
Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, gọi tắt là FDI. Đây là nguồn vốn đầu tư khá phổ biến hiện nay của nước ngoài đầu tư vào một quốc gia nào đó nhằm mục đích kiếm lợi nhuận là chủ yếu .Trong thực tế, nguồn vốn ODA và FDI là khá phổ biến, hai nguồn này đều có vị trí khá quan trọng.
Khái niệm đầu tư trực tiếp nước ngoài
Đầu tư trực tiếp nước ngoài là sự di chuyển vốn quốc tế dưới hình thức vốn sản xuất thông qua việc nhà đầu tư ở 1 nước đưa vốn vào một nước khác để đầu tư, đồng thời trực tiếp tham gia quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất, tận dụng ưu thế về vốn, trình độ công nghệ, kinh nghiệm quản lý… nhằm mục đích thu lợi nhuận.
Các đặc trưng:
Về vốn góp: Các chủ đầu tư nước ngoài đóng một lượng vốn tối thiểu theo quy định của nước nhận đầu tư để họ có quỳên trực tiếp tham gia điều phối, quản lý quá trình sản xuất kinh doanh. ở Việt Nam luật đầu tư nước ngoài đưa ra điều kiện: phần vốn góp của bên nước ngoài không dưới 30% vốn pháp định, trừ những trường hợp do chính phủ quy định.
Về quyền điều hành quản lý doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phụ thuộc vào mức vốn góp. Nếu nhà đầu tư thành lập công ty 100% vốn nước ngoài thì quyền điều hành hoàn toàn thuộc về nhà đầu tư nước ngoài, có thể trực tiếp hoặc thuê người quản lý.
Về phân chia lợi nhuận: dựa trên kết quả sản xuất kinh doanh, lãi lỗ đều được phân chia theo tỷ lệ vốn góp trong vốn pháp định.
Đặc điểm
Với nước tiếp nhận đầu tư , đặc điểm của FDI có nhiều mặt tích cực, đồng thời cũng có những mặt hạn chế, bất lợi riêng.
Những mặt tích cực
So với những hình thức đầu tư nước ngoài khác, đầu tư trực tiếp nước ngoài có những ưu điểm:
FDI không để lại gánh nặng nợ cho Chính phủ nước tiếp nhận đầu tư như ODA hoặc các hình thức đầu tư nước ngoài khác như vay thương mại, phát hành trái phiếu ra nước ngoài…
Các nhà đầu tư nước ngoài tự bỏ vốn ra kinh doanh, trực tiếp điều hành sản xuất kinh doanh, hoàn toàn chịu trách nhiệm về kết quả đầu tư. Nước tiếp nhận FDI ít phải chịu những điều kiện ràng buộc kèm theo của người cung ứng vốn như của ODA.
Thực hiện liên doanh với nước ngoài, việc bỏ vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong nước có thể giảm được rủi ro về tài chính, trong tình huống xấu nhất khi gặp rủi ro thì các đối tác nước ngoài sẽ là người cùng chia sẻ rủi ro với các công ty của nước sở tại.
Do vậy, FDI là hình thức thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài tương đối ít rủi ro cho nước tiếp nhận đầu tư
FDI không đơn thuần chỉ là vốn, mà kèm theo đó là công nghệ, kỹ thuật, phương thức quản lý tiên tiến, cho phép tạo ra những sản phẩm mới, mở ra thị trường mới… cho nước tiếp nhận đầu tư .
Đây là điểm hấp dẫn quan trọng của FDI, bởi vì hầu hết các nước đang phát triển có trình độ khoa học và công nghệ thấp, trong khi phần lớn những kỹ thuật mới xuất phát chủ yếu từ các nước công nghiệp phát triển, do đó để rút ngắn khoảng cách và đuổi kịp các nước công nghiệp phát triển, các nước này rất cần nhanh chóng tiếp cận với các kỹ thuật mới. Tùy theo hoàn cảnh cụ thể của mình, mỗi nước có cách đi riêng để nâng cao trình độ công nghệ, nhưng thông qua FDI là cách tiếp cận nhanh, trực tiếp và thuận lợi. Thực tế đã cho thâý FDI là 1 kênh quan trọng đối với việc chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển. Đầu tư trực tiếp nước ngoài có tác động mạnh đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước tiếp nhận, thúc đẩy quá trình này trên nhiều phương diện: chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu vùng lãnh thổ, cơ cấu các thành phần kinh tế, cơ cấu vốn đầu tư, cơ cấu công nghệ, cơ cấu lao động….
Thông qua tiếp nhận FDI, nước tiễp nhận đầu tư có điều kiện thuận lợi để gắn kết nền kinh tế trong nước với hệ thống sản xuất, phân phối, trao đổi quốc tế, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước này.
Thông qua tiếp nhận đầu tư , các nước sở tại có điều kiện thuận lợi để tiếp cận và thâm nhập thị trường quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, thích nghi nhanh hơn với các thay đổi trên thị trường thế giới… FDI có vai trò làm cầu nối và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, một nhân tố đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới.
FDI có lợi thế là có thể được duy trì sử dụng lâu dài, từ khi một nền kinh tế còn ở mức phát triển thấp cho đến khi đạt được trình độ phát triển rất cao. Vốn ODA thường được dành chủ yếu cho những nước kém phát triển, sẽ giảm đi và chấm dứt khi nước đó trở thành nước công nghiệp, tức là bị giới hạn trong một thời kỳ nhất định. FDI không phải chịu giới hạn này, nó có thể được sử dụng rất lâu dài trong suốt quá trình phát triển của mỗi nền kinh tế.
Với những ưu thế quan trọng như trên ngày càng có nhiều nước coi trọng FDI hoặc ưu tiên, khuyến khích tiếp nhận FDI hơn các hình thức đầu tư nước ngoài khác.
Một số hạn chế
Bên cạnh những mặt tích cực, FDI có thể gây ra những bất lợi cho nước tiếp nhận:
Việc sử dụng nhiều vốn đầu tư FDI có thể dẫn đến việc thiếu chú trọng huy động tối đa vốn trong nước, gây ra sự mất cân đối trong cơ cấu đầu tư , có thể gây nên sự phụ thuộc của nền kinh tế vào vốn đầu tư nước ngoài .Do đó, nếu tỷ trọng FDI chiếm quá lớn trong tổng vốn đầu tư phát triển thì tính độc lập tự chủ có thể bị ảnh hưởng, nền kinh tế phát triển có tính lệ thuộc bên ngoài, thiếu vững chắc.
Đôi khi công ty 100% vốn nước ngoài thực hiện chính sách cạnh tranh bằng con đường bán phá giá, loại trừ đối thủ cạnh tranh khác, độc chiếm hoặc khống chế thị trường, lấn áp các doanh nghiệp trong nước.
Thực tế đã cho thấy khi thực hiện các dự án liên doanh, các đối tác nước ngoài đã tranh thủ góp vốn bằng các thiết bị và vật tư đã lạc hậu, đã qua sử dụng, hoặc nhiều khi đã đến thời hạn thanh lý, gây ra thiệt hại to lớn cho nền kinh tế của nước tiếp nhận đầu tư.
Thông qua sức mạnh hơn hẳn về tiềm lực tài chính, sự có mặt của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài gây ra một số ảnh hưởng bất lợi về kinh tế- xã hội như làm tăng chênh lệch về thu nhập, làm gia tăng sự phân hóa trong các tầng lớp nhân dân, tăng mức độ chênh lệch phát triển giữa các vùng.
Với những mặt bất lợi của FDI, nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ và có các biện pháp phù hợp, nước tiếp nhận FDI có thể hạn chế, giảm thiểu những tác động tiêu cực này và sử lý hài hòa mối quan hệ của nhà đầu tư nước ngoài với lợi ích quốc gia để tạo nên lợi ích tổng thể tích cực.
Nguồn: Sưu tầm
-
Lượt xem: 122662