Ước năng suất cây cà gai leo thí điểm tại Cam Cọn đạt gần 10 tấn sản phẩm khô/ha/năm

LCĐT – Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, UBND xã Cam Cọn (Bảo Yên) đã phối hợp với Trường Cao đẳng Lào Cai đưa giống cây cà gai leo về trồng thí điểm tại xã. 

Mô hình được thực hiện từ tháng 4/2022 tại thôn Tân Thành, quy mô 0,5 ha, với sự tham gia của 1 hộ dân. Tham gia mô hình, hộ dân được hỗ trợ giống, phân bón, hệ thống tưới, màng phủ luống, tập huấn quy trình và kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, đồng thời được liên kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Ước năng suất cây cà gai leo thí điểm tại Cam Cọn đạt gần 10 tấn sản phẩm khô/ha/năm ảnh 1

Cây cà gai leo sinh trưởng, phát triển tốt tại xã Cam Cọn.

Cà gai leo là loại cây dược liệu, trồng để lấy thân và lá phục vụ cho lĩnh vực y học. Loài cây này dễ trồng, có thể sinh trưởng trên đất khô cằn, bạc màu, ít sâu bệnh, phát triển quanh năm.

Cây trồng năm đầu tiên sẽ cho thu hoạch sau khoảng 9 – 10 tháng. Từ năm thứ hai, khoảng 4 – 5 tháng là có thể thu hoạch. Chu kỳ phát triển lưu gốc khoảng 5 năm. Khi thu hoạch, nông dân sẽ sử dụng máy cắt và cắt sát gốc, sau đó sơ chế cây trước khi phơi khô, xuất bán.

Ước năng suất cây cà gai leo thí điểm tại Cam Cọn đạt gần 10 tấn sản phẩm khô/ha/năm ảnh 2
Ước năng suất cây cà gai leo thí điểm tại Cam Cọn đạt gần 10 tấn sản phẩm khô/ha/năm ảnh 3

Người dân xã Cam Cọn thu hoạch cây cà gai leo.

Theo tính toán, nếu trồng và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, cây cà gai leo cho năng suất khoảng 20 – 25 tấn sản phẩm tươi/ha/năm (8 – 10 tấn sản phẩm khô/ha/năm), hiệu quả kinh tế đạt 80 – 100 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Cọn cho biết: Người dân đang thu hoạch lứa cà gai leo đầu tiên, sản lượng đã thu hoạch là hơn 1 tấn, ước cả vườn sẽ đạt gần 5 tấn sản phẩm khô (tương đương gần 10 tấn sản phẩm khô/ha/năm – PV). Theo đánh giá, cây cà gai leo phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương nên sinh trưởng và phát triển tốt. Việc thực hiện thí điểm thành công mô hình trồng cây dược liệu cà gai leo sẽ góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm cho người dân xã Cam Cọn và có thể nhân rộng ra các địa phương khác trên địa bàn huyện.