Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý đô thị: Thực trạng và giải pháp

MTXD – Quản lý đô thị theo hướng phát triển bền vững là nhiệm vụ trong tâm và yêu cầu cấp thiết. Để bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu quản lý, kiểm soát và phát triển bền vững đô thị, việc áp dụng công nghệ thông tin nói chung trong đó bao gồm hệ thống thông tin địa lý (GIS) vào

MTXD – Quản lý đô thị theo hướng phát triển bền vững là nhiệm vụ trong tâm và yêu cầu cấp thiết. Để bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu quản lý, kiểm soát và phát triển bền vững đô thị, việc áp dụng công nghệ thông tin nói chung trong đó bao gồm hệ thống thông tin địa lý (GIS) vào lĩnh vực quản lý đô thị sẽ giúp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, là công cụ đặc lực cho các sở, ban, ngành địa phương trong việc quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch.

Tóm tắt

Đất nước ta đang trong thời kì đổi mới toàn diện, thời kì hội nhập và toàn cầu hóa. Chính vì vậy, việc tiếp nhận và ứng dụng những công nghệ mới của nhân loại trong đó có công nghệ thông tin (CNTT) là điều tất yếu, đây là yếu tố khách quan để khẳng định sự phát triển của mỗi quốc gia. Ứng dụng CNTT trong quản lý đô thị (QLĐT) là nhiệm vụ trọng tâm và xu hướng để đảm bảo cho đô thị phát triển theo hứng bền vững. Tuy nhiên, thực tế việc ứng dụng CNTT trong hoạt động QLĐT tại Việt Nam hiện nay còn hạn chế và cần phải có giải pháp hữu hiệu nhằm thay đổi căn bản bức tranh tổng thể, nâng cao hiệu lực, hiệu quả đối với hoạt động này trong thời gian tới. Bài báo thảo luận về thực trạng cũng như đề xuất một số giải pháp để ứng dụng hiệu quả CNTT nhằm cải thiện hoạt động QLĐT tại Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Cùng với sự tăng trưởng của xã hội trong thời đại kỹ thuật số, CNTT được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần lớn trong việc tái tạo sức lao động và nâng cao chất lượng cuộc sống cho con người. Trong công tác QLĐT, việc ứng dụng CNTT đã được triển khai trên một số lĩnh vực như quản lý quy hoạch, quản lý cây xanh đường phố, thu gom xử lý rác thải, quản lý cấp – thoát nước đô thị… bước đầu đạt được những kết quả khả quan, tạo ra những đột phá mới trong công tác QLĐT theo quy hoạch, hướng tới mục tiêu quản lý đồng bộ và hoàn thiện gắn với tiết kiệm nguồn lực cho đầu tư và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được còn khiêm tốn; các khó khăn, thách thức vẫn ở phía trước bởi những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn. Bài viết tập trung nghiên cứu thực trạng ứng dụng CNTT trong hoạt động QLĐT, từ đó xác định những thuận lợi, khó khăn và đề xuất giải pháp để ứng dụng CNTT vào công tác này trong thời gian tới.

2. Ứng dụng công nghệ thông tin và GIS trong quản lý đô thị

Tại Việt Nam, trong thời gian qua, Chính phủ và ngành Xây dựng đã rất quan tâm tới vấn đề việc ứng dụng CNTT&TT. Bộ Xây dựng là một trong những đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng CNTT nói chung, hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information Systems – gọi tắt GIS) và các sản phẩm khoa học CNTT với với những cơ sở dữ liệu đầu vào về dân số, kinh tế – xã hội, cơ cấu sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật. Phần mềm GIS xây dựng các kịch bản phát triển đô thị liên quan như: môi trường, định cư, mạng lưới giao thông; cuối cùng thông qua các kịch bản đó đưa ra các quyết định lựa chọn.

Bộ TN&MT đã xây dựng thành công chuẩn thông tin địa lý quốc gia và đã tiến hành thành lập cơ sở dữ liệu nền địa lý với nhiều tỷ lệ khác nhau cho các khu vực đô thị. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 09/2008/CT-TTg ngày 29/02/2008 về việc tăng cường xây dựng các cơ sở dữ liệu thông tin về đô thị và ứng dụng công cụ GIS cho công tác quy hoạch.  

Việc ứng dụng GIS trong quản lý phát triển đô thị tại một số đô thị trên cả nước thời gian qua như TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ chứng minh đã mang lại nhiều lợi ích, giải quyết các bài tóan phức tạp trong quản lý các lĩnh vực của đô thị bao gồm: địa chính, đền bù, cây xanh, hạ tầng, chiếu sáng đô thị… Cụ thể như chính quyền quận Gò Vấp của TP.HCM áp dụng GIS trong quản lý nhà và hộ gia đình nhờ đó tính toán chính xác được diện tích cần giải tỏa và số tiền cần đền bù một cách nhanh chóng; tại TP Đà Nẵng, triển khai ứng dụng công ghệ GIS trong quản lý cây xanh, môi trường và giao thông đô thị, thành phố nhờ thế mà tình hình trật tự đô thị, môi trường đạ chuyển biến tích cức theo hướng văn minh hiện đại. Hay TP Hà Nội đã thiết lập hệ thống MIS nhằm hỗ trợ công tác quản lý thông tin các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, nhiều địa phương khác cũng đã xây dựng dự án GIS tổng thể như Đồng Nai, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Quảng Nam… làm định hướng cho các ứng dụng GIS phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Một số đô thị đã và đang trong quá trình phát triển hệ thống GIS tích hợp phục vụ công tác quy hoạch và QLĐT như TP.HCM, Hà Nội, Đà Lạt, Nam Định, Huế, Thái Nguyên, Phủ Lý…  

GIS trong QLĐT hiện đang ở dạng đề tài, dự án thử nghiệm tập trung vào một vài lĩnh vực QLĐT cụ thể. Đề tài “Ứng dụng GIS vào công tác quy hoạch và QLĐT TP Cần Thơ” đã được thực hiện và đạt được kết quả khả quan, cho thấy việc ứng dụng GIS trong công tác này là hết sức hiệu quả và khả thi. Hệ thống GIS cho phép người dùng truy cập các thông tin về hạ tầng như: cầu, đường, cây xanh, chiếu sáng, thoát nước; thông tin về dân cư như: dân số cấp phường, mật độ dân số; thông tin quản lý nhà đất như: truy tìm theo mã số hồ sơ nhà, đất, tên chủ hộ, địa chỉ nhà…; thông tin về quy hoạch đô thị như: tính toán giải tỏa đền bù với kết quả tính toán từ cấp tổng thể (toàn dự án) đến chi tiết cấp hộ dân.

Tuy nhiên, ưu thế là vậy nhưng do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, sau hơn 10 năm ứng dụng trong thực tế nhưng công nghệ GIS vẫn chưa được chuẩn hóa. Nếu như chỉ có TP.HCM và một vài thành phố khác ứng dụng thì việc chuẩn hóa cơ sở dữ liệu GIS chưa được phủ kín cả nước. Hiện nay Bộ Xây dựng đang tiến hành xây dựng chương trình ứng dụng GIS trong quản lý nhà nước về phát triển đô thị trình Chính phủ. Tuy nhiên việc xây dựng công nghệ này cũng gặp một số khó khăn thách thức như: thiếu đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm áp dụng GIS trong xây dựng và phát triển đô thị, thiếu cơ sở vật chất về trang thiết bị hạ tầng mạng, hệ thống lưu trữ dữ liệu, các phần mềm, thiếu ngân hàng dữ liệu GIS chuyên ngành xây dựng và phát triển đô thị để liên kết đa ngành.

Hình 2: Quy trình thiết lập cơ sở dữ liệu trong quản lý cây xanh đô thị. 

3. Thực trạng ứng dụng CNTT trong hoạt động QLĐT 

Thời gian qua, Bộ Xây dựng cùng với chính quyền đô thị và các địa phương đã rất quan tâm đưa ứng dụng CNTT vào công tác QLĐT và đã đạt được một số thành tựu nhất định, tuy còn có một số hạn chế bật cập, cụ thể:

a) Kết quả đạt được

Chất lượng đội ngũ cán bộ công chức làm công tác QLĐT tại các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay khá đồng đều, hầu hết có trình độ đại học trở lên; công chức thường xuyên được cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ để năng cao trình độ và kỹ năng ứng dụng CNTT vào công tác chuyên môn như soạn thảo và ban hành văn bản, nhận và gửi mail, xử lý hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) trên hệ thống phần mềm điện tử thông qua cơ chế “một cửa”; thu thập, xử lý và lưu trữ tài liệu… Không ít cán bộ công chức biết sử dụng thành thạo một số phần mềm ứng dụng trong QLĐT bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.

Bên cạnh chất lượng đội ngũ cán bộ công chức được nâng lên, hệ thống hạ tầng CNTT trong thời gian qua được các địa phương được đầu tư và nâng cấp cơ bản đáp yêu cầu công tác. Hiện nay, tại các cơ quan đều lắp đặt hệ thống máy chủ, mạng nội bộ (LAN), mạng internet và trang bị các thiết bị bao gồm máy vi tính, máy in được tại các phòng, ban của đơn vị để phục vụ công tác chuyên môn.

Theo thống kê, đến nay 100% các phòng ban, thị trấn, thị xã trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã được đầu tư hệ thống máy vi tính được kết nối Internet, triển khai ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc có kết nối liên thông văn bản điện tử, sử dụng hệ thống thư điện tử của tỉnh. Bên cạnh đó, mô hình Trung tâm hành chính công cũng được đưa vào hoạt động từ năm 2014 để giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao hiệu lực hiệu quả trong hoạt động công vụ.

Tư duy và nhận thức về lợi ích, vai trò quan trọng CNTT, về xây dựng chính quyền điện tử của cán bộ, đảng viên ở các cấp, các ngành và nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác phát triển và ứng dụng CNTT đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Hầu hết cán bộ công chức đã khai thác, ứng dụng CNTT vào công tác chuyên môn, góp phần nâng cao hiệu quả công việc. Hệ thống một cửa hiện đại, dịch vụ công trực tuyến đã chính thức đi vào hoạt động tại một số đơn vị, giúp giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân, tạo tiền đề để thực hiện xây dựng chính quyền điện tử trong thời gian tới.

Ngoài ra, nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của CNTT, thời gian qua nhiều địa phương đã chú trọng đào tạo nâng cao trình độ tiếp cận, ứng dụng CNTT của đội ngũ cán bộ công chức. Chính quyền các cấp bám sát mục tiêu về xây dựng đội ngũ cán bộ làm việc phải có chuyên môn, nghiệp vụ vững, phong cách chuyên nghiệp và khoa học, phát huy hiệu quả chính quyền điện tử, nâng cao sự hài lòng và niềm tin cho người dân và doanh nghiệp.

Qua đó, tăng cường công tác phối hợp đào tạo, tập huấn kỹ năng khai thác áp dụng CNTT cho đội ngũ cán bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động QLĐT. Với mục đích tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ công chức tiếp cận các công nghệ mới, bồi dưỡng nâng cao trình độ CNTT để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu công việc, thời gian qua, Sở TT&TT các tỉnh, thành đã liên tục mở nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ về CNTT cho đội ngũ cán bộ công chức trên địa bàn. Chương trình đã nhận được phản ứng tích cực từ phía các cơ quan, đơn vị và học viên tham gia. 

Những kết quả đạt được trong thời gian qua đã từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ các bộ công chức ứng dụng CNTT trong hoạt động QLĐT, góp phần vào việc xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ và mục tiêu quản lý phát triển đô thị theo hướng bền vững.

b) Những hạn chế, bất cập 

Việc ứng dụng CNTT đã thu hút sự quan tâm, tạo điều kiện từ phía các cấp, các ngành, địa phương. Tuy nhiên, theo đánh giá, việc triển khai ứng dụng CNTT tại các cơ quan hành chính nhà nước nói chung và hoạt động QLĐT nói riêng vẫn còn rất nhiều bất cập, hạn chế, do đó chưa khai thác hết các chức năng của các phần mềm ứng dụng, cụ thể.

Một là, trình độ CNTT của đội ngũ CBCC chung và cán bộ QLĐT các cấp vẫn còn hạn chế và không đồng đều. Nhiều cán bộ lớn tuổi tiếp cận sử dụng CNTT theo cách tự học, tự nghiên cứu sử dụng máy vi tính mà qua các lớp đào tạo nên còn hạn chế về kiến thức và kỹ năng cơ bản như việc theo dõi, kiểm soát thời gian tiến độ và chất lượng  công việc chuyên môn trên phần mềm xử lý hồ sơ theo quy trình “một cửa”; thực tế không ít hồ sơ bị trễ hẹn trả kết quả so với thời gian quy định, trong đó nguyên nhân chính do cán bộ chưa thành thạo kỹ năng ứng dụng CNTT trong việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ và giao trả kết trên hệ thống phần mềm thủ tục hành chính.

Nhiều cán bộ ít tiếp cận với những công nghệ tiên tiến, ngại thay đổi ứng dụng CNTT trong công tác chuyên môn. Điều này làm cho CNTT dù đã được đưa vào quy trình quản lý vận hành các hệ thống, lĩnh vực QLĐT nhưng vẫn chưa phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều đơn vị chỉ chú trọng và tập trung công tác đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý Nhà nước không có chủ trương đào tạo về tin học, ngoại ngữ. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt rất lớn đội ngũ có trình độ chuyên ngành về CNTT đáp ứng yêu cầu công tác. 

Hai là việc phân bổ kinh phí để triển khai không đảm bảo cho việc phát triển và ứng dụng CNTT của các cấp, các ngành, dẫn đến nhiều chương trình, kế hoạch không triển khai thực hiện được hoặc triển khai không đồng bộ, ảnh hưởng đến hiệu quả chung của công tác ứng dụng CNTT. Hiện nay, kinh phí dành cho cải cải thủ thục hành chính nói chung và việc ứng dụng CNTT trong hoạt động QLĐT nói riêng tại các địa phương còn hạn chế. Kinh phí dành cho việc ứng dụng CNTT còn tương đối thấp, trong khi đó nhu cầu về trang bị cho CNTT cho việc thực hiện thủ tục hành chính và công tác QLĐT là rất lớn.

Điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho chính quyền các đô thị trong việc triển khai thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý Nhà nước của mình. Thực tế, quá trình sử dụng nhiều máy móc, thiết bị công nghệ đã lạc hậu, hư hỏng và xuống cấp cần được sửa chữa, nâng cấp và đầu tư mới. Tuy nhiên do nguồn kinh phí hạn hẹp nên nhiều địa phương chưa thể đầu tư mới số thiết bị này. Nguồn kinh phí cho ứng dụng CNTT tại các đơn vị còn hạn chế, một số đơn vị lồng ghép vào mục chi chung cho công tác văn phòng.

Ba là, hạ tầng công nghệ thông tin chưa hoàn thiện. Theo kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của các tỉnh thành do Bộ Nội vụ công bố, hiện nay mặc dù hạ tầng CNTT đã được các địa phương chú trọng đầu tư ở mức khá, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho các đơn vị cấp tỉnh, huyện. Đối với cấp xã, hạ tầng CNTT còn rất yếu, không đảm bảo cho việc triển khai ứng dụng CNTT mở rộng từ tỉnh xuống huyện, xã. Nhiều sở, ban, ngành chưa chủ động xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm chuyên ngành để nâng cao năng lực quản lý và phục vụ công tác chuyên môn.

Tại cấp xã, đa số vẫn chưa ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, điều hành và tác nghiệp. Việc đầu tư trang thiết bị ứng dụng CNTT vào thực hiện thủ tục hành chính và hoạt động QLĐT còn dàn trải, thiếu tập trung và thiếu sự kết nối giữa các cấp chính quyền, các cơ quan đơn vị; chưa có giải pháp xây dựng hạ tầng tập trung với dữ liệu dùng chung để phục vụ. Các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 mặc dù đã được triển khai và tổ chức cung cấp trên mạng Internet, tuy nhiên sự tham gia của công dân, tổ chức còn hạn chế. Nhiều địa phương hiện đang xếp hạng ở mức thấp về triển khai ứng dụng mô hình một cửa, một cửa liên thông điện tử hiện đại và hiệu quả. 

Bốn là nhận thức của cán bộ công chức về ứng dụng CNTT trong QLĐT còn hạn chế. Đối với cán bộ lãnh đạo, chưa quyết tâm và thiếu quyết liệt trong kiểm tra, đôn đốc cán bộ quản lý trong việc thường xuyên ứng dụng CNTT vào thực hiện nhiệm vụ chuyên. Một số lãnh đạo thiếu gương mẫu trong việc thực hiện tốt vai trò của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ cán bộ công chức tham gia vào việc ứng dụng CNTT và thực hiện thủ tục hành chính trong công tác QLĐT trên địa bàn do mình quản lý. Đồng thời chưa phân bổ nguồn lực phù hợp dẫn đến tình trạng kiêm nhiệm gây khó khăn cho công tác ứng dụng CNTT vào thực hiện thủ tục hành chính.

Nhận thức của một bộ phần không nhỏ cán bộ công chức chuyên môn về tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT trong hoạt động QLĐT chưa được đầy đủ; đa phần cán bộ công chức cho rằng đây là công việc của các cấp lãnh đạo. Vì vậy, sự tham mưu, đề xuất, đóng góp của cán bộ công chức trong việc ứng dụng CNTT trong thực hiện công tác chuyên môn còn nhiều hạn chế. Trong khi trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị đôi lúc chưa quan tâm nhiều đến việc xây dựng chính quyền điện tử tại địa bàn. Do vậy, môt số đơn vị còn tình trạng thực hiện mang tính hình thức, đối phó, chưa phát huy được thế mạnh trong việc ứng dụng CNTT nên hiệu quả mang lại rất hạn chế.

Hình 3: Ứng dụng công nghệ GIS trong quy hoạch và QLĐT.

4. một số giải pháp ứng dụng CNTT vào hoạt động QLĐT

Việc ứng dụng CNTT trong QLĐT tại các địa phương hiện nay là rất cần thiết và phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là phải ứng dụng nó như thế nào, quản lý ra sao để đạt được hiệu quả cao nhất là những câu hỏi không dễ có câu trả lời. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin mạn phép đưa ra một số giải pháp nhằm từng bước nâng cao hiệu quả của việc ứng dụng CNTT vào thực hiện thủ tục hành chính nói chung và QLĐT nói riêng. Các giải pháp này cần phải được thực hiện một cách có lộ trình, có kế hoạch và được chia thành từng giai đoạn cụ thể. Trong mỗi giai đoạn yêu cầu nhà quản lý cũng như chính quyền các đô thị sẽ phải đặt ra các mục tiêu cụ thể và bằng mọi cách thực hiện được các mục tiêu đó. Cụ thể là:

4.1. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, lợi ích và hiệu quả của việc ứng dụng CNTT trong hoạt động QLĐT.

Tăng cường tuyên truyền sẽ giúp cho cán bộ công chức nắm vững quan điểm, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và sự phát triển mạnh mẽ của CNTT trên thế giới và trong nước, chỉ ra những tác động tích cực mà ứng dụng CNTT có thể mang lại, từ đó sẵn sàng hơn với việc đổi mới tư duy, nội dung, phương pháp, phương tiện, tổ chức thực hiện, đổi mới việc kiểm tra, đánh giá trong hoạt động QLĐT cho phù hợp.

Lãnh đạo các cấp cấp chính quyền, cơ quan đơn vị phải là người đi đầu, hiểu và nhận thức đúng đắn về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về ứng dụng CNTT trong mọi lĩnh vực lĩnh vực của đời sống trong đó có hoạt động QLĐT; phải là người tiên phong trong việc ứng dụng các tiện ích của CNTT đem lại, tạo ra phong trào và là tấm gương sáng cho cán bộ công chức trong đơn vị noi theo. Để duy trì và phát huy tốt công tác này, cần phải thành lập Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT trong đơn vị, đưa các nội dung ứng dụng CNTT vào kế hoạch, chương trình công tác như là nhiệm vụ trọng tâm bắt buộc.

Bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ công chức, các cơ quan cần triển khai có hệ thống các văn bản về ứng dụng CNTT tại đơn vị bằng nhiều hình thức, tạo mọi điều kiện cho đội ngũ cán bộ công chức, rèn luyện, nâng cao chất lượng chuyên môn và trình độ ứng dụng CNTT để giải quyết các công việc chuyên môn. Định hướng và đặt ra mục tiêu cho từng nội dung cụ thể, qua đó theo dõi tiến độ thực hiện của từng cá nhân, từng tổ chuyên môn để có những điều chỉnh, bổ sung kịp thời phù hợp với tình hình thực tế. Thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề, báo cáo kinh nghiệm, tham quan, học tập, rút kinh nghiệm các đơn vị bạn, xen kẽ trong trong đó là việc tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức về CNTT cho toàn thể cán bộ công chức trong đơn vị.

4.2. Đầu tư đồng bộ, hoàn thiện và quản lý vận hành hiệu quả hạ tầng thông tin 

Ưu tiên, chú trọng đến việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị có ứng dụng CNTT để phục vụ công tác QLĐT. Xem đây là sự đầu tư quan trọng hàng đầu để đảm bảo cho hoạt động quản lý các lĩnh vực đô thị được hiệu quả. Xây dựng các quy định về việc sử dụng và bảo quản. Việc trang bị cơ sở vật chất phải có quy trình, kế hoạch, lộ trình từng bước, từng giai đoạn, từng mảng công việc cụ thể theo hướng hiện đại hoá được đến đâu là đảm bảo hoạt động tốt đến đó. Kiểm tra định kỳ và tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa những thiết bị hỏng hóc.

Cùng với đó, thường xuyên tổ chức đào tạo và bồi dưỡng những cán bộ cốt cán chuyên trách về CNTT có khả năng hiểu biết về tính năng, tác dụng và cách sử dụng qua đó phổ biến nhân rộng tới tất cả đội ngũ cán bộ công chức trong đơn vị. Giám sát chặt chẽ việc sử dụng, tránh lạm dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả những thiết bị này trong quá trình thực hiện công vụ.

Đặc biệt, thủ trưởng đơn vị cần phải thực hiện tốt công tác kiểm tra, đánh giá định kỳ, đột xuất việc sử dụng và bảo quản tài sản trang thiết bị. Kịp thời động viên, khuyến khích các cá nhân, tổ chuyên môn làm tốt, đồng thời nhắc nhở, phê bình các cá nhân, tổ chuyên môn thực hiện chưa tốt.

4.3. Tổ chức, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên về ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học

Trong hoạt động QLĐT, đội ngũ cán bộ công chức chính là một trong những nhân tố quan trọng, quyết định về hiệu quả việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cho đô thị, là những người trực tiếp tạo ra sản phẩm, tạo ra nguồn lực cho xã hội. Nếu không có đội ngũ cán bộ công chức thì không thể nói đến quá trình QLĐT. Muốn có được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu xã hội thì không thể thiếu đội ngũ cán bộ công chức có chất lượng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm trong công việc và phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, nhiệt tình, ham học hỏi, tìm tòi, cải tiến phương pháp, cách làm mới, yêu nghề và say mê.

Chính vì vậy, khâu đào tạo và bồi dưỡng kiến thức về CNTT là khâu quan trọng quyết định đến thành công của chiến lược phát triển và CNTT. Để làm được việc này, các đơn vị cần phải có kế hoạch cụ thể, chính sách đào tạo, kế hoạch sử dụng đội ngũ cán bộ một cách hợp lý, có hiệu quả. Kết quả của việc bồi dưỡng, đào tạo cho cán bộ phải tác động trực tiếp vào kết quả công tác chuyên môn và đây là thước đo về hiệu quả công việc của từng công chức trong hoạt động QLĐT do mình phụ trách.

4.4. Tăng cường ứng dụng các phần mềm QLĐT theo hướng tích hợp, khai thác và sử dụng có hiệu quả

Tiến hành nghiên cứu, lựa chọn các phần mềm có chức năng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng đơn vị, từng địa phương. Trước tiên cần tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực QLĐT và CNTT trong việc tiếp cận các phần mềm, CNTT sau đó mới ra các quyết định có sử dụng phần mềm, tiện ích đó hay không. Tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn cho cán bộ phụ trách và các cá nhân có liên quan tiếp cận, làm quen và thực hành kiểm thử phần mềm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.

Khi đưa vào khai thác và sử dụng hoàn thiện cần kiểm tra kĩ, có đánh giá chi tiết sau mỗi quá trình sử dụng để tìm ra, khắc phục các nhược điểm của chương trình, cải tiến chúng để phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế. Xây dựng kho tư liệu dùng chung, nghiên cứu, phối hợp với Sở ban ngành và chính quyền đô thị xây dựng hệ thống cơ sở dự liệu dùng chung trong toàn tỉnh.

4.5. Ban hành các quy định việc ứng dụng CNTT vào hoạt động QLĐT 

Việc ban hành các văn bản quy định cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện TTHC giúp đề cao trách nhiệm của người lãnh đạo cũng như tạo sự thống nhất trong việc chỉ đạo cho cán bộ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình QLĐT.

Có quy định rõ ràng về các hình thức khen thưởng, phê bình, một mặt tạo động lực, khích lệ, động viên đối với những cán bộ quản lý tích cực sáng tạo trong ứng dụng CNTT vào hoạt động chuyên môn, mặt khác góp phần quan trọng trong việc chấn chỉnh đối với những trường hợp thờ ơ, không tích cực hoặc sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

4.6. Tăng cường thanh, kiểm tra việc khai thác sử dụng, ứng dụng CNTT trong thực hiện QLĐT tại các đơn vị

Kiểm tra, đánh giá là một chức năng quan trọng không thể thiếu của nhà quản lý. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá sẽ xác định được mức độ, hiệu quả quá trình ứng dụng CNTT trong thực hiện nhiệm vụ, qua đó đề ra các biện pháp điều chỉnh cụ thể, phù hợp, kịp thời, chính xác để việc ứng dụng CNTT mang lại hiệu quả thiết thực nhất. Kiểm tra, giám sát giúp cho người quản lý phát hiện sai sót, lệch lạc để điều chỉnh kịp thời, phát hiện gương tốt, những kinh nghiệm tốt, những khả năng, tiềm lực để tận dụng, nhân rộng.

Việc thực hiện các hình thức giám sát, kiểm tra là một việc làm thường xuyên, hết sức cần thiết, để làm cơ sở đưa ra những quyết định khen thưởng, phê bình hợp lý, từ đó nâng cao ý thức tự giác của cán bộ công chức, có tác dụng tích cực trong công tác quản lý việc ứng dụng CNTT trong hoạt động QLĐT nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra.

5. Kết luận và kiến nghị

Ngày nay, ứng dụng CNTT trong hoạt động QLĐT gần như là những điều kiện tiên quyết để quản lý vận hành và kiểm soát sự phát triển của mỗi đô thị. Công tác QLĐT dựa trên nền tảng ứng dụng CNTT đòi hỏi rất lớn từ các nguồn lực cũng như sự tham gia của các bên liên quan và cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, với thực tế phát triển ứng dụng CNTT nói chung và GIS hiện nay còn đơn lẻ, thiếu sự kết nối đồng bộ và chia sẻ liên ngành.

Do đó, để đẩy mạnh việc nghiên cứu phát triển ứng dụng và phát triển CNTT trong công tác QLĐT trong thời gian tới có hiệu quả, các địa phương các cấp và chính quyền các đô thị cần thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp về theo hướng tiếp cận một cách hệ thống, bài bản. Trên cơ sở kế thừa các nghiên cứu tại Việt Nam và hợp tác hỗ trợ phát triển của các tổ chức quốc tế, trong thời gian tới cần thiết phải triển khai các nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu ngành Xây dựng phục vụ quản lý phát triển đô thị.

Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng GIS trên diện rộng tại Trung ương và địa phương trong công tác QLĐT nhằm nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong công tác kiến trúc, quy hoạch, xây dựng phục vụ quản lý phát triển đô thị.v

 TS.KTS CHÂU THANH HÙNG *

Tài liệu tham khảo

[1]. M.A.Dereli, “Monitoring and prediction of urban expansion using multilayer perceptron neural network by remote sensing and GIS technologies: a case study from Istanbul Metropolitan City,” Fresenius Environmental Bulletin, vol. 27, no. 12a, pp. 9336-9344, 2018.

[2]. K.A.Baba, D.Lal, and A.Bello, “Application of remote sensing and GIS techniques in urban planning, development and management.(A case study of allahabad district, India),” International Journal of Scientific Engineering and Research, vol. 10, no. 6, pp. 1127-1134, 2019.

[3]. E.Khayambashi, “Promoting urban spatial and social development, through strategic planning of GIS,” Socio-Spatial Studies, vol. 2, no. 4, pp. 66-80, 2018.

[4]. G.Lü, M.Batty, J.Strobl, H.A.-X.Lin, and M.Chen, “Reflections and speculations on the progress in Geographic Information Systems (GIS): a geographic perspective,” International Journal of Geographical Information Science, vol. 33, no. 2, pp. 346-367, 2019.

[5]. M.Giannopoulou, A.Roukouni, and K.Lykostratis, “Exploring the benefits of urban green roofs: a GIS approach applied to a Greek city,” CES Working Papers, vol. 11, no. 1, pp. 55-72, 2019.

[6]. A.T.N.Dang and L.Kumar, “Application of remote sensing and GIS-based hydrological modelling for flood risk analysis: a case study of District 8, Ho Chi Minh city, Vietnam,” Geomatics, Natural Hazards and Risk, vol. 8, no. 2, pp. 1792-1811, 2017.
*Phó Trưởng khoa Kỹ thuật, Trường Đại học Phan Thiết