Ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính
Nhằm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính nhất là giải quyết trên môi trường điện tử, huyện Than Uyên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Góp phần giải quyết nhanh gọn, kịp thời cho người dân và doanh nghiệp
Với khẩu hiệu “kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”, trong những năm qua, huyện Than Uyên đã chỉ đạo duy trì thực hiện cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” tại huyện và các xã, thị trấn nhằm đảm bảo giải quyết tốt các công việc, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhanh chóng, kịp thời. Theo đó, các cơ quan, đơn vị cũng đã quan tâm chỉnh trang nơi tiếp dân khang trang, thoáng mát. Đồng thời thực hiện niêm yết công khai các quy định và mức thu lệ phí, cũng như xây dựng hòm thư góp ý, lịch tiếp dân, số điện thoại… Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Lãnh đạo UBND huyện đã xây dựng lịch tiếp công dân, chủ động tiếp xúc, nghiêm túc lắng nghe ý kiến góp ý của các tổ chức và công dân để chỉ đạo kịp thời việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Ông Lò Văn Hương – Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: “Đến nay hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị được đầu tư, hoàn thiện nhằm bảo đảm triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành. Tổng số cán bộ, công chức tại UBND cấp huyện được trang bị máy tính 86/86 người (đạt tỷ lệ 100%); 12/12 xã, thị trấn được trang bị máy tính đảm bảo cho hoạt động của bộ phận một cửa. Trong đó, mỗi đơn vị xã trang bị 4 máy tính dành riêng cho hoạt động của bộ phận một cửa. Huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng quy chế phối hợp, định kỳ giao ban, kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn”.
Để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Huyện tập trung đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, nhất là bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã; trong đó, mua sắm cơ sở vật chất, nâng cấp, bổ sung trang thiết bị công nghệ thông tin, phần mềm… đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu về công nghệ thông tin trong thực hiện cải cách hành chính. Đồng thời đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công tích hợp một cửa điện tử huyện và các nội dung liên quan theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Ngoài ra, huyện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; sử dụng hiệu quả Cổng dịch vụ công trực tuyến tích hợp một cửa điện tử tỉnh để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phù hợp với nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp nhằm tăng số lượng hồ sơ tiếp nhận, xử lý qua mạng. Tăng cường phát hành văn bản sử dụng chữ ký số, trao đổi thông tin với các cơ quan, đơn vị có liên quan qua môi trường điện tử; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành các hoạt động của UBND xã. Bên cạnh đó, khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống các cơ sở dữ liệu của quốc gia và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong giải quyết công việc, nâng cao hiệu quả quản lý hồ sơ.
Ông Mùa Páo Dê, bản Hô Ta, xã Tà Mung tâm sự: “Tôi đến “một cửa” của xã để xin xác nhận thủ tục công nhận hộ nghèo để cho con được hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước khi đi học. Cán bộ ở đây nhiệt tình, trách nhiệm giải quyết rất nhanh thủ tục giúp tôi tiết kiệm được thời gian không phải chờ đợi lâu”.
Huyện thường xuyên tích hợp các trang của phần mềm một cửa điện tử trên trang thông tin điện tử của huyện để tạo môi trường giao tiếp công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước với người dân và doanh nghiệp. Triển khai rộng rãi và có hiệu quả phần mềm quản lý văn bản liên thông bốn cấp chính quyền; tăng cường sử dụng chứng thư số và chữ ký số trong các văn bản điện tử của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn huyện.
“Hiện nay, UBND huyện đã bổ sung 4 cơ quan ngành dọc bao gồm: Bảo hiểm xã hội, Chi cục thuế khu vực Than Uyên – Tân Uyên, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, Công an huyện thực hiện các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, 100% cán bộ, công chức, viên chức trực tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả”, ông Lò Văn Hương cho biết thêm.
Năm 2021, huyện tiếp nhận 10.161 hồ sơ trong đó giải quyết trước hạn và đúng hạn 10.132 hồ sơ; trong đó mức độ 3 là 5.642 hồ sơ, mức độ 4 là 1.141 hồ sơ; chứng thực điện tử là 237 hồ sơ. Tổ chức, rà soát đánh giá quy định thủ tục hành chính và trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt phương án đơn giản hóa 3 thủ tục hành chính. Tổ chức rà soát đánh giá và đề xuất phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính 13 thủ tục hành chính đạt 26%.
Có thể khẳng định, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở huyện Than Uyên đã tạo ra bước đột phá trong cải cách hành chính; góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của địa phương ngày càng phát triển.