Ứng dụng CNTT trong quản lý Nhà nước: Những bước thay đổi cơ bản trong nhận thức và hành động
Trang web csdl.thutuchanhchinh.vn góp phần tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, tăng tính minh bạch và thiết lập một cơ sở lịch sử về hệ thống thủ tục hành chính.
Đến năm 1993, trong Nghị quyết số 49/CP ngày 4/8/1993 về “Phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam trong những năm 90” đa khẳng định: “ CNTT phục vụ trực tiếp cho việc cải tiến quản lý Nhà nước, nâng cao hiệu quả của các hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động kinh tế – xã hội khác, từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân. CNTT được phát triển trên nền tảng phát triển của các công nghệ Điện tử – Tin học – Viễn thông và tự động hoá”. Và mục tiêu ứng dụng CNTT phục vụ công việc quản lý Nhà nước đến năm 2000 là: “Nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời, đáp ứng mọi yêu cầu của bộ máy Nhà nước trong việc ra quyết định và điều hành công việc của Nhà nước, cải tiến việc cung ứng thông tin từ phía Nhà nước cho nền kinh tế xã hội và cho Nhân dân, góp phần cải tiến tổ chức của bộ máy Nhà nước và tin học hoá công tác văn phòng – hành chính trong các cơ quan Nhà nước, cần xây dựng và tổ chức thực hiện ngay một số dự án cấp Nhà nước về CNTT sau: (1) Hệ thống thông tin quản lý hành chính Nhà nước; (2) Hệ thống thông tin kinh tế tổng hợp; (3) Hệ thống thông tin tiềm lực khoa học, công nghệ, tài nguyên và môi trường; (4) Cần sớm hình thành một mạng các hệ thống thông tin quản lý của các Bộ, các ngành và các địa phương theo một chương trình thống nhất để có thể liên kết với nhau”. Đây là một (1) trong sáu (6) mục tiêu của Nghị quyết đề ra.
Ứng dụng và phát triển CNTT ngày càng được quan tâm và đưa nên một tầm mới trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương (khoá VII), ngày 30/7/1994 xác định: Ưu tiên ứng dụng và phát triển các công nghệ tiên tiến, như công nghệ thông tin phục vụ yêu cầu điện tử hoá và tin học hoá nền kinh tế quốc dân” và trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ VIII nhấn mạnh “ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực kinh tế quốc dân, tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế… Hình thành mạng thông tin quốc gia liên kết với một số mạng thông tin quốc tế…”.
Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 49/CP ngày 4/8/1993, Đảng và Nhà nước ta đã đánh giá, tổng kết và thấy tầm quan trọng của CNTT trong tình hình hiện nay, nên đã quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT, quyết tâm đó thể hiện bằng Chỉ thị 58/CT-TW, ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Trong Chỉ thị này Bộ Chính trị đã khẳng định “Công nghệ thông tin là một trong các động lực quan trọng nhất của sự phát triển, cùng với một số ngành công nghệ cao khác đang làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của thế giới hiện đại. Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin ở nước ta nhằm góp phần giải phóng sức mạnh vật chất, trí tuệ và tinh thần của toàn dân tộc, thúc đẩy công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và hiện đại hoá các ngành kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, hỗ trợ có hiệu quả cho quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân, đảm bảo an ninh, quốc phòng và tạo khả năng đi tắt đón đầu để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá”.
Và từ đó đến nay, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về ứng dụng CNTT: Nghị định số 64/2007/NĐ-CP, ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước; Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT”; Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử; Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế là kết quả tổng kết, đánh giá sau gần 15 năm thực hiện Chỉ thị số 58/CT-TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị, kết hợp với việc đánh giá điều kiện thực tế của nước ta và xu thế phát triển của thế giới.
Qua các dấu mốc, từ năm 1993 đến nay, ta thấy nhận thức về tầm quan trọng về phát triển và ứng dụng CNTT đã thay đổi qua từng giai đoạn, và mỗi giai đoạn đó đều được đánh dầu bằng những Chỉ thị, Nghị quyết hết sức quan trọng, nó có tính chất bước ngoặt lịch sử quan trọng như: Mới đầu, chúng ta mới chỉ coi CNTT là công cụ để cải cách hành chính. Đến nay, CNTT là động lực trong cải cách hành chính; Chính phủ điện tử không còn đơn giản là Egov (Electronic Government) như lúc đầu nữa, mà nó đã được hiểu theo nghĩa là Dgov (Digital Government). Nghĩa là lúc này chính phủ điện tử không đơn thuần là máy tính, mạng Internet; mà là sự đổi mới toàn diện các quan hệ (đặc biệt là quan hệ: giữa chính quyền với giữa chính quyền, giữa chính quyền và công dân), các nguồn lực, các quy trình, phương thức hoạt động và bản thân nội dung các hoạt động của chính quyền trung ương và địa phương và ngay cả các quan niệm về các hoạt động đó. Tức là, CNTT không phải là công cụ đơn thuần, mà CNTT là một nhân tố của phương thức sản xuất, nó tham gia vào làm thay đổi cả là lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất (Theo Nghị quyết Trung ương số 36-NQ/TW khoá XI thì “ CNTT là một công cụ hữu hiệu tạo lập phương thức phát triển mới…”). Cũng chính vì vậy, trên thế giới xuất hiện những khái niệm nền kinh tế tri thức, nền kinh tế số, nền kinh tế chia sẻ. Bởi mỗi một giai đoạn phát triển của xã hội thì đều tương ứng với một nền kinh tế chủ đạo.
Chính vì có sự thay đổi trong nhận thức và hành động, nên trong những năm qua, CNTT của nước ta phát triển rất nhanh và mạnh, việc ứng dụng CNTT đã góp phần quan trọng nâng cao năng suất lao động, cải thiện năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp và nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta thấy kết quả triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành và xây dựng chính phủ điện tử của các Bộ, Ngành, các tỉnh hiện nay vẫn còn rất nhiều hạn chế và mang tính nhỏ lẻ, rời rạc, thiếu đồng bộ, mạnh ai ấy làm. Chưa hiệu quả và chưa đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu đặt ra trong các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước ta đã ban hành. Những thành tựu và hạn chế trên đã được nêu ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW khoá XI.
Nhưng để khắc phục những hạn chế và phát huy những thành tựu đã đạt được và từ đó hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW khoá XI, thì cần có một sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy hành động. Sự thay đổi về nhận thức là tiền đề cho thành công, nhưng để thành công thì cần có sự hành động quyết liệt, thực tế của các cấp các ngành, nhất là hành động của lãnh đạo các cấp. Bởi chúng ta hiện nay mới chỉ dừng lại ở hành động mạnh mẽ trên giấy tờ, văn bản, chủ trương, kế hoạch giấy (kế hoạch trên giấy, không triển khai thực tế), thiếu cơ chế đảm bảo cho việc triển khai kế hoạch trên thực tế mà trong đó quan trọng nhất là cơ chế đảm bảo tài chính cho thực hiện và triển khai.
Phải thực hiện sao cho đúng với quan điểm trong Nghị quyết số 36-NQ/TW khoá XI là “Ưu tiên ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công,… Đầu tư cho CNTT là đầu tư cho phát triển và bảo vệ đất nước, cần được đi trước một bước trên cơ sở quản lý tốt;…”, tức là đầu tư cho CNTT là đầu tư cho chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ an toàn – an ninh quốc gia và cần được đi trước một bước.
Theo tôi để làm được điều này cần phải có quy định cụ thể trong cơ chế phân bổ tài chính cho ứng dụng và phát triển CNTT, để đảm bảo tính khả thi của các đề án, kế hoạch đã ban hành nhất là thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 36-NQ/TW khoá XI, cùng với đó là sự vào cuộc hành động tích cực của các cấp, các ngành và phải coi nó là sự đầu tư cho tương lai, là quốc sách cho phát triển bền vững và giữ vững an ninh – quốc phòng./.
Nguyễn Tiến Lẫm – Giám đốc Trung tâm CNTT